Cập nhật quá trình hậu phẫu của ĐTC (10/7): làm việc trở lại, các xét nghiệm đều tốt
Sáng 10/7, theo thông cáo của văn phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Thánh Cha đã khoẻ hơn với những diễn biến lâm sàng đáng mong đợi. Các xét nghiệm máu đều cho kết quả tốt.
Tại bệnh viện, Đức Thánh Cha dần dần làm việc trở lại và tiếp tục đi lại tại hành lang của toà nhà.
Vào buổi chiều, ngài dâng Thánh Lễ tại Nhà nguyện riêng và ngài dùng bữa tối cùng với những người hỗ trợ ngài trong những ngày này.
Được trực tiếp chứng kiến sự chăm sóc của các nhân viên y tế, Đức Thánh Cha hướng đặc biệt tất cả những ai, bằng sự dịu dàng và trắc ẩn, chọn liên hệ với những người bệnh, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. (CSR_4943_2021)
Cập nhật quá trình hậu phẫu của ĐTC (9/7): hết sốt, trở lại làm việc
Trưa ngày 9/7, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, cho biết về tình trạng sức khoẻ giai đoạn hậu phẫu của Đức Thánh Cha trong 24 giờ qua: “Đức Thánh Cha đã trải qua một ngày yên tĩnh, với những kiểm tra lâm sàng thông thường. Ngài ăn uống bình thường và tiếp tục việc điều trị theo kế hoạch”.
Thông cáo báo chí cho biết: “Đức Thánh Cha đã đi tản bộ ở hành lang và trở lại làm việc xen kẽ với việc đọc sách. Vào buổi chiều, tại nhà nguyện của căn hộ riêng, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ với một số người trợ giúp ngày trong những ngày dưỡng bệnh.”
Ông Bruni cũng cho biết thêm: “Sau cơn sốt nhẹ hôm trước, Đức Thánh Cha đã hết sốt. Và Chủa Nhật tới đây, Đức Thánh Cha sẻ chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại tầng 10 của Bệnh viện Gemelli”.
Thông cáo kết thúc với lời của Đức Thánh Cha “cảm ơn về nhiều thông điệp yêu thương và gần gũi mà ngài nhận được mỗi ngày và xin tiếp tục cầu nguyện cho ngài”. (CSR_4922_2021)
Cập nhật quá trình hậu phẫu của ĐTC (8/7): cơn sốt buổi tối, chụp CT ngực-bụng âm tính
Sáng 8/7, Giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, cho biết: việc chăm sóc hậu phẫu của Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục. Tối 7/7, Đức Thánh Cha có một cơn sốt. Sáng 8/7, xét nghiệm vi sinh định kỳ và chụp CT vùng ngực-bụng đã cho kết quả âm tính, không có điều bất thường.
Ông Bruni cho biết thêm: Đức Thánh Cha có một ngày yên tĩnh, có thể tự ăn uống và vận động. Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ sự gần gũi với các bệnh nhân nhi của khoa Ung thư nhi và khoa Phẫu thuật thần kinh trẻ em gần đó. Ngài gởi đến các em lời chào trìu mến.
Trong thông cáo báo chí, ông Bruni cũng nói rằng: “trong thời gian đặc biệt này, Đức Thánh Cha hướng đến những người đau khổ, thể hiện sự gần gũi của ngài với các bệnh nhân, đặc biệt là những người cần được chăm sóc nhất.”
Cập nhật sức khoẻ của ĐTC (6/7): phục hồi tốt, điểm tâm và đi lại
Quá trình hậu phẫu của Đức Thánh Cha tiến triển tốt sau ca phẩu thuật cắt bỏ túi thừa bên trái tại Bệnh viện đa khoa Gemelli ở Roma.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô, sau một đêm ngủ ngon, đã dùng điểm tâm, đọc một vài tờ báo và đứng dậy đi lại được.”
Dựa trên chỉ định của bác sĩ điều trị cho Đức Thánh Cha, ông Bruni nói thêm: “Quá trình hậu phẫu tiến triển bình thường. Các kết quả kiểm tra định kỳ đều tốt”.
Tại sao Đức Thánh Cha phải phẫu thuật? Giải thích của Đại học Harvard. Tầng 10 của bệnh viện Gemelli
Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register vừa có bài tường trình sau từ Rôma về tình trạng sức khoẻ và bệnh lý của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ tiếp tục ở lại bệnh viện “trong khoảng bảy ngày, trừ trường hợp có các biến chứng”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên hôm thứ Hai 5 tháng 7.
Đức Thánh Cha đã được đưa vào bệnh viện Gemelli của Rôma vào chiều Chúa Nhật để tiến hành một cuộc phẫu thuật theo một kế hoạch đã được dự trù trước liên quan đến ruột kết của ngài.
Trong một tuyên bố ngắn vào sáng thứ Hai, Ông Bruni cho biết vị giáo hoàng 84 tuổi “đang ở trong tình trạng tổng quát tốt, tỉnh táo và tự thở được”.
Ông nói thêm rằng “cuộc phẫu thuật hẹp đại tràng, được thực hiện vào tối ngày 4 tháng 7, bao gồm một cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết bên trái và kéo dài khoảng ba giờ”.
Stenosis là thuật ngữ y tế chỉ sự thu hẹp một đường ống trong cơ thể, trong trường hợp này là ruột. Bệnh đại tràng – Diverticular – là tên được đặt cho một căn bệnh trong đó các chi nang hay các túi nhỏ nhô ra từ các bức tường trơn nhẵn bình thường của đại tràng.
Theo Trường Y của Đại Học Harvard, căn bệnh này rất phổ biến – khoảng 2 phần 3 số người Mỹ mắc bệnh này dưới dạng này hay dạng khác trước tuổi 85. Nó thường không gây ra vấn đề lớn và có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến viêm chi nang (diverticulitis), nghĩa là các túi hoặc nang nhỏ trong đại tràng bị viêm hoặc bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng thường là ở bụng dưới phía bên trái, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa và sốt. Đức Thánh Cha Phanxicô được báo cáo là mắc chứng “hình thành khe hẹp” – “stricture formation” – một biến chứng của bệnh viêm chi nang hiếm gặp, có thể gây ra từ những đợt tái phát của bệnh này.
Trường Y của Đại Học Harvard giải thích rằng “Trước tình trạng viêm lặp đi lặp lại, một phần ruột kết bị sẹo và thu hẹp lại”. Các bác sĩ gọi việc thu hẹp như vậy là một sự “hình thành khe hẹp” cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ phẫu thuật để khắc phục vấn đề ngõ hầu phân có thể đi qua mà không bị cản trở.
Đức Thánh Cha Phanxicô vừa trải qua hemicolectomy, tức là phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết để loại bỏ phần bị ảnh hưởng. Phẫu thuật này không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến hệ tiêu hóa của một người.
Đức Giáo Hoàng đã được đưa vào Bệnh viện Gemelli vào chiều Chúa Nhật. Khuya Chúa Nhật, Vatican đưa ra một tuyên bố cho biết Đức Thánh Cha đã “phản ứng tốt với ca phẫu thuật, được tiến hành dưới dạng gây mê toàn thân”.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ Sergio Alfieri, với ba bác sĩ phẫu thuật khác hỗ trợ, và bốn bác sĩ gây mê. Hai bác sĩ khác cũng có mặt, trong đó có bác sĩ Roberto Bernabei, là bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng, là người mà Đức Phanxicô đã bổ nhiệm vào tháng Hai thay cho bác sĩ Fabrizio Soccorsi qua đời vì các biến chứng do coronavirus gây ra hôm 9 tháng Giêng.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành những ngày còn lại trong các phòng bệnh giống như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng sử dụng, cụ thể là trên tầng 10 của bệnh viện Gemelli. Chỉ một số lượng rất nhỏ nhân viên y tế được phép vào tầng này, và an ninh sẽ vẫn được thắt chặt ngay cả khi ngài đã về Vatican.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bảy lần phải vào bệnh viện Gemelli, khiến ngài gọi đùa bệnh viện này là “Vatican thứ ba”. Vatican thứ hai là dinh thự mùa hè Castel Gandolfo.
Đây là lần đầu tiên các phòng này được sử dụng kể từ khi chúng bị đóng cửa để tu sửa sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005.
Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè kéo dài một tháng thì ngài phải nhập viện vào hôm Chúa Nhật.
Như những năm trước, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ nghỉ hè tại chỗ, tiếng Anh gọi là “staycation” để đối lập với từ “vacation”. Như thế, sau khi xuất viện, ngài sẽ ở lại nhà ở Santa Marta trong tháng Bảy.
Tất cả các buổi triều yết chung đều bị đình chỉ ngoại trừ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Trong thời gian đó, ngài dự kiến sẽ sử dụng thời gian để làm việc với các tài liệu và tổ chức các cuộc họp riêng.
Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ có một ca phẫu thuật khác trong suốt 8 năm làm giáo hoàng, là phẫu thuật đục thủy tinh thể vào năm 2019.
Đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng đã buộc phải bỏ lỡ một số sự kiện công cộng do cơn đau thần kinh tọa tái phát vào cuối năm 2020. Đức Phanxicô đã phải chịu đựng tình trạng đau đớn trong vài năm.
Source:National Catholic Register
Sau ca phẫu thuật, ĐTC sẽ nằm viện khoảng 7 ngày
Đức Thánh Cha Phanxicô đang ở trong tình trạng sức khoẻ tốt và tỉnh táo. Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã tuyên bố trong thông cáo báo chí vào trưa ngày 5/7 về tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha sau ca phẫu thuật vào tối Chúa Nhật.
Ông Bruni cho biết: “Đức Giáo hoàng Phanxicô đang ở trong tình trạng cách chung là tốt, tỉnh táo và thở tự nhiên. Ca phẫu thuật hẹp túi thừa được thực hiện vào tối 4/7 liên quan đến một ca phẫu thuật cắt bỏ túi thừa bên trái và kéo dài khoảng 3 giờ ”.
Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh cho biết, “dự kiến Đức Thánh Cha sẽ ở lại bệnh viện đa khoa Gemelli khoảng 7 ngày, trừ trường hợp có biến chứng”. (CSR_4841_2021)
ĐTC nhập viện phẫu thuật đại tràng
Trước đó vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha vẫn chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phê-rô như thường lệ. Ngài đã rời nhà trọ thánh Marta vào sau trưa.
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh
Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận tin Đức Thánh Cha nhập viện qua một thông cáo gửi qua điện thư cho các ký giả có đăng ký tại Phòng Báo chí Tòa Thánh. Ông viết: “Chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Roma, nơi ngài sẽ được phẫu thuật theo lịch trình vì chứng hẹp và viêm túi thừa của đại tràng.”
Giáo sư bác sĩ Sergio Alfieri sẽ là người thực hiện cuộc phẫu thuật. Bác sĩ Alfieri thuộc Khoa Khoa học Y tế và Phẫu thuật của bệnh viện và là người đứng đầu khoa Phẫu thuật Phức hợp về Tiêu hóa. Ông chuyên về phẫu thuật tổng quát, tiêu hóa, đại tràng – trực tràng, dạ dày và tuyến tụy.
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết bản tin y tế sẽ được công bố khi kết thúc ca phẫu thuật.
Thư thăm hỏi của Tổng thống Ý
Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella, đang thăm Pháp, đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông cho biết ông hay tin Đức Thánh Cha đã nhập viện bệnh viện Gemelli.
Tổng thống Ý gửi đến Đức Thánh Cha “tâm tình trìu mến của tất cả người dân Ý”, và cá nhân ông “đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong những giờ phút này”. Ông cũng gửi lời chúc chân thành nhất, cầu chúc Đức Thánh Cha hồi phục tốt, khỏe hơn và nhanh chóng bình phục.
Xin hiệp ý cầu nguyện
Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho ca phẫu thuật được tốt đẹp và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha mau bình phục.
Vatican News