1. Các tín hữu Kitô ở Afghanistan đang run rẩy lo âu bị tấn công
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Afghanistan đang chuẩn bị cho một đợt đàn áp mới sau khi Taliban tiếp quản đất nước.
“Chúng tôi đang nói với mọi người hãy ở lại trong nhà của họ, vì đi ra ngoài đường ngay bây giờ là quá nguy hiểm”, một nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Afghanistan nói với tổ chức viện trợ quốc tế có tên là Christian Concern (ICC).
Người đàn ông giấu tên vì lý do an ninh cho biết các tín hữu Kitô ở nước này lo sợ rằng các cuộc tấn công của Taliban vào các cộng đồng Kitô sẽ sớm bắt đầu.
Họ lo sợ rằng các cuộc tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nó sẽ được thực hiện theo phong cách mafia”, nhà lãnh đạo Kitô Giáo nói thêm: “Taliban giết người hàng loạt và sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về các vụ giết người”.
Ông nói thêm: “Một số Kitô Hữu cho biết đã nhận được những cuộc điện thoại đe dọa. Trong những cuộc điện thoại này, những người vô danh nói, ‘Chúng tao đến đây vì bọn mày’”.
Afghanistan có hơn 99% là người Hồi giáo, với đa số là người Hồi Giáo Sunni. Có những nhóm nhỏ Kitô Hữu, cũng như Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Bahai. Có cả một người đàn ông Do Thái đang bị kẹt lại ở đất nước này.
Cộng đồng Kitô Giáo của Afghanistan, ước tính có khoảng 10,000 đến 12,000 người, chủ yếu bao gồm những người cải đạo từ Hồi giáo và là nhóm tôn giáo thiểu số lớn nhất của đất nước. Do bị bắt bớ, cộng đồng Kitô Giáo phần lớn vẫn trong tình trạng thầm lặng trước mắt công chúng.
Theo luật sharia, được áp dụng tại Afghanistan trước khi Taliban tiếp quản, một người Hồi Giáo cải đạo có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Những người cải đạo sang Kitô Giáo là mục tiêu thường xuyên của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Kabul, thủ đô của Afghanistan, đã rơi vào tay Taliban vào ngày 15 tháng 8. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước cùng ngày.
Taliban trước đây đã kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 cho đến năm 2001. Trong thời gian đó, một cách giải thích nghiêm ngặt về luật sharia đã được áp dụng. Trong số những thứ khác, việc chơi các nhạc cụ đã bị cấm, và trẻ em gái không được phép đến trường.
Lãnh đạo cộng đồng cho biết, cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban sẽ rất khó khăn đối với những người theo Kitô Giáo. Ông nói rằng khi Taliban nắm quyền kiểm soát một ngôi làng, chúng sẽ yêu cầu tất cả các gia đình phải đến đền thờ Hồi giáo để cầu nguyện nhằm tìm cách loại bỏ bất kỳ người nào theo tín ngưỡng khác.
Báo cáo của ICC cho biết, ở một số vùng phía bắc Afghanistan, Taliban đã thực thi một cách hiểu rất nghiêm ngặt về sharia và rằng “Đàn ông bắt buộc phải để râu, phụ nữ không thể rời nhà mà không có đàn ông hộ tống, và cuộc sống ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”.
“Nhiều Kitô Hữu lo sợ Taliban sẽ bắt con cái của họ, cả trẻ em gái và trẻ em trai, giống như ở Nigeria và Syria. Các cô gái sẽ buộc phải kết hôn với các chiến binh Taliban và các chàng trai sẽ bị ép trở thành binh lính”.
Một tuyên bố từ giám đốc thực địa của Open Doors ở Á Châu cho biết: “Đó là một ngày đau lòng đối với các công dân Afghanistan và thậm chí là đây là thời điểm nguy hiểm cho các tín hữu Kitô”.
“Đó là một tình huống không chắc chắn đối với cả đất nước, chứ không chỉ đối với những tín hữu Kitô bí mật.”
Theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc, tính đến ngày 21/5, khoảng 100,000 người đã phải xin tị nạn do xung đột ở Afghanistan trong năm nay. Con số đó đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 7 vừa qua.
Trước khi Taliban tiếp quản, Open Doors đã xếp Afghanistan ở vị trí thứ hai trong Danh sách các quốc gia trên thế giới khét tiếng về các cuộc đàn áp ít hơn một chút so với Bắc Triều Tiên”.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy tố cáo ba giai đoạn trong thảm kịch của Giáo Hội tại Hoa Lục
Thảm kịch vẫn đang tiếp diễn giữa người Công Giáo Hoa Lục và bọn lãnh đạo cộng sản tại quốc gia này có ba giai đoạn. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai, 韓大輝) Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp đã đưa ra lập trường trên trong cuộc hội thảo tại Đại Học Santa Clara do Dòng Tên điều hành tại San Jose, California.
Giai đoạn hiện tại của thảm kịch này đã bắt đầu từ năm 2013, là giai đoạn “khống chế và gây hoang mang,” Đức Tổng Giám Mục Huy nói.
“Hệ quả của thảm kịch này là người dân cảm thấy mất phương hướng, và bị bỏ rơi”, Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong bài phát biểu gần đây của ngài trong hội nghị quốc tế lần thứ 28 của Hiệp hội Công Giáo Mỹ-Trung, tổ chức tại Đại học Santa Clara của Dòng Tên.
Đức Tổng Giám Mục Huy đã trích dẫn ba nhân tố chính trong mỗi giai đoạn của thảm kịch: chế độ cộng sản, Giáo Hội ở Trung Quốc và Vatican.
Giai đoạn đầu tiên ngài mô tả là “phản kháng và chia rẽ”. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1949 đến năm 1980, trong đó “Giáo Hội cũng bị phân hóa”. Nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã bị bắt rất sớm trong thời kỳ này, và Giáo Hội bị chia thành các cộng đồng thầm lặng hay không chính thức – và công khai được chính phủ công nhận. Trong nhiều trường hợp, các cộng đồng này “thù địch với nhau”.
Đức Tổng Giám Mục Huy nhấn mạnh rằng “Mục đích của chế độ là chia rẽ người dân, để dễ kiểm soát, trong khi Trung Quốc tiếp tục coi Vatican là ‘chủ nghĩa đế quốc’. Chúng cung cấp cho người Công Giáo ‘củ cà rốt và cây gậy’, tùy thuộc vào mức độ trung thành của họ đối với bọn cầm quyền cộng sản”.
Vào thời điểm này, Vatican đang “cố gắng bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc nhưng ngài lưu ý rằng: “Tòa thánh khuyến khích người Công Giáo giữ vững lòng trung thành, và tuyên bố rằng một ‘giáo hội độc lập’ không thể là một ‘Giáo Hội Công Giáo’“.
Giai đoạn tiếp theo, từ năm 1980 đến năm 2013, là giai đoạn dành cho giáo hội “phát triển nhờ hòa giải. Hai cộng đồng bị chia rẽ bắt đầu có thái độ hòa giải với nhau.”
Lúc đó, Bắc Kinh khuyến khích cải cách và “mở cửa” mặc dù chính sách của chúng đối với các nhóm tôn giáo vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh đó, Vatican tìm cách thiết lập đối thoại với chế độ và thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng thầm lặng và cộng đồng công khai được bọn cầm quyền công nhận.
Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhận chức vụ hiện tại của họ chỉ cách nhau một ngày, Đức Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 và Tập vào ngày 14 tháng 3, 2013. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư chúc mừng.
Đức Tổng Giám Mục Huy nhận định rằng: “Dưới thời ông Tập, cộng sản nói về giấc mơ một nước Trung Quốc mạnh hơn. Có nhiều cây gậy đối với các cộng đồng thầm lặng và nhiều củ cà rốt hơn đối với những người ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa khi chế độ này ‘thắt chặt kiểm soát và triệt hạ thánh giá’ ở Trung Quốc”.
Nhưng Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong thời kỳ này, Vatican đã “mù quáng” khi từ bỏ một cơ cấu tham vấn được thiết lập rất tốt về Trung Quốc. Ngài nhận xét chua chát rằng chính sách ngoại giao với Trung Quốc của Tòa Thánh đã khiến “các cộng đồng thầm lặng cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi”.
Đức Tổng Giám Mục Huy nói, Vatican “thay vì dõi chiếu ánh sáng đã làm mờ đi ánh sáng các giáo huấn của Giáo Hội và làm lu mờ gương tử đạo của nhiều người Công Giáo”.
Ngài so sánh tình hình hiện tại với sự bùng phát của COVID-19. Theo Đức Tổng Giám Mục thỏa thuận của Vatican năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc – mà thông tin chi tiết cho đến nay vẫn chưa được công bố – kết hợp với việc Vatican công nhận hàng loạt các giám mục quốc doanh bị vạ tuyệt thông trước đây và bổ nhiệm họ đứng đầu các giáo phận Trung Quốc đã biến thành một loại virus. Vào năm 2019, Vatican công bố các hướng dẫn mục vụ trong đó khuyên các giám mục và linh mục ở Trung Quốc rằng họ phải tuân theo lương tâm của mình trong việc quyết định xem có nên ghi danh với bọn cầm quyền cộng sản hay không, thì “con virus này đã biến đổi sâu sắc”.
Đức Tổng Giám Mục Huy nhận xét rằng “Thảm kịch này tự thể hiện như một vở kịch đấu tranh căng thẳng giữa Giáo Hội và bọn cầm quyền, giữa đức tin và chính trị, giữa lương tâm và quyền lực. Trên đây là toàn cảnh không có chiều sâu. Nếu chúng ta biết ‘những cá nhân’ có liên quan đến thảm kịch này, thì chúng ta có thể có được những hiểu biết sâu sắc hơn và những quan điểm khác nhau để hiểu về Giáo Hội ở Trung Quốc”.
“Tôi muốn tìm người như thế nào trong vở kịch căng thẳng này? Một kẻ gió chiều nào ngả theo chiều đó? Hay một ‘người vững vàng trước các tình huống’? Tôi thích loại người sau hơn”, Đức Tổng Giám Mục Huy nói. “Một số người như thế là các vị tử đạo đã đổ máu của họ, những người khác đã đưa ra những chứng tá giá trị bằng chính cuộc đời của họ”.
Source:Catholic Sun
3. Linh mục Công Giáo bị thảm sát tại Uganda
Cha Josephat Kasambula của Giáo phận Kiyinda-Mityana đã qua đời trong một vụ thảm sát kinh hoàng.
Vị linh mục đã bị sát hại dã man vào tối thứ Tư tại làng Lukunyu ở quận Gomba gần trang trại Mamba trên Hồ Wamala, nơi ngài đã đến thăm trang trại của mình.
Theo lời kể của những người chứng kiến, Cha Kasambula đã bị đâm chết bởi một kẻ đã lấn chiếm mảnh đất rộng 15 mẫu Anh của ngài.
Ông Sam Kalule, một cư dân sống gần trang trại Mamba, nói với Daily Monitor vào hôm thứ Năm:
“Khi người của Chúa đến trang trại của mình, ngài thấy người đàn ông đã chiếm ngôi nhà trong trang trại của ngài, vị linh mục đã cố gắng hỏi anh ta làm sao anh ta lại chiếm trang trại của mình nhưng người đàn ông ấy không trả lời.”
“Vị linh mục ra lệnh cho những người đi cùng với ngài vào nhà và ném mọi thứ ra ngoài, nhưng khi họ bước vào, vị linh mục và nghi phạm vẫn ở bên ngoài và tên này đã lao vào vị linh mục và đâm vào lưng ngài nhiều nhát dao, giết chết ngài ngay lập tức.”
Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h.
Sau khi giết vị linh mục, nghi phạm bỏ trốn khỏi hiện trường. Ông Kalule cho biết nghi phạm chắc chắn đã bị ảnh hưởng của cần sa vì anh ta là một người nghiện ma túy.
Ông Joseph Sseyuya, chủ tịch Hạt Kyegonza Sub County, cho biết vị linh mục đã sở hữu trang trại hơn 20 năm nhưng vì công việc mục vụ bận rộn đã lâu không đến thăm.
“Nghi can là người sinh ra ở khu vực này đã lợi dụng việc cha xứ không thường xuyên đến thăm trang trại của mình và chiếm dụng nhà của ngài. Anh ta cũng đã trồng các loại cây theo mùa như ngô và đậu và bán chúng mà chủ sở hữu không hề hay biết”.
Ông Sseyuya cho biết cảnh sát vào tối thứ Tư đã đến khám nghiệm hiện trường và đưa thi thể của Cha Kasambula đến Bệnh viện Mityana để khám nghiệm tử thi.
“Chúng tôi rất buồn trước cái chết của một linh mục và chúng tôi cầu nguyện rằng nghi can bị bắt giữ và công lý được sáng tỏ,” ông nói.
Vào lúc qua đời, Cha Kasambula, 68 tuổi, là Cha Sở tại Giáo xứ Lwamata ở Quận Kiboga.
Cô Lydia Tumushabe, người phát ngôn của cảnh sát khu vực Katonga cho biết các thám tử của họ đã bắt đầu truy lùng nghi phạm vào tối cùng ngày và anh ta sẽ sớm bị bắt.
Source:Monitor