1. Linh mục bị đe dọa với lá thư chứa viên đạn. Ngài là nạn nhân của cuộc tấn công trên mạng: “Họ muốn tôi im lặng? Không bao giờ!”
Trong một bài đăng trên Facebook gần đây, Cha Omar Buenaventura, linh mục người Peru, đã tố cáo một hành vi đe dọa sau khi một nghi phạm không rõ danh tính gửi cho ngài viên đạn thứ ba qua đường bưu điện. Vị linh mục gần đây cũng trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công lớn trên mạng.
“Sợ à? Không, tôi không sợ. Họ muốn tôi im lặng? KHÔNG BAO GIỜ. Tôi sẽ tiếp tục nói? LUÔN LUÔN là như thế”, linh mục nói.
“’Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rô-ma 8:35)
“Cuối tuần này, tôi đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công trên mạng. Họ muốn xâm nhập tài khoản Facebook, Instagram, tài khoản email và ngân hàng trực tuyến của tôi.”
“Cả TikTok của tôi, nơi tôi chỉ có một video cũng bị tấn công. Tôi không biết tại sao lại có người quan tâm đến việc vào TikTok của tôi?”
“Cảm ơn Chúa, họ không thể làm gì cả. Các cảnh báo an toàn đã nhảy lên và tôi có thể dừng tất cả những điều đó ngay lập tức. Tôi thoát được một vụ ăn cắp thẻ tín dụng”.
“Nhưng họ cũng gửi lại cho tôi một viên đạn. Đây là lần thứ ba kể từ hôm Thứ Hai, ngày 24 tháng Năm. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đăng bài về chủ đề này.”
“Ai hay những ai là tác giả? Tôi không có ý kiến. Tôi chỉ cầu nguyện cho họ và cầu xin Chúa cho tâm hồn họ, cho sự bình yên trong trái tim họ. Tôi luôn coi rằng tôi không có kẻ thù và tôi vẫn nghĩ rằng tôi không có kẻ thù”.
“Sợ hãi à? KHÔNG.”
“Họ muốn tôi im lặng? KHÔNG BAO GIỜ”.
“Tôi sẽ tiếp tục nói, Luôn luôn là như thế”.
“Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Lorenzo, Thánh Têrêsa Calcutta, Thánh Pio Pietrelcina, Thánh Josemaría Escrivá, Thánh Rafael Arnaiz Barón, và Thánh Alberto Hurtado sẽ tiếp tục chăm sóc tôi.
Cha Omar Buenaventura là Tổng thư ký của Cáritas Lurín, ở Peru, và được biết đến với những công việc liên đới với hàng ngàn người nghèo ở Peru.
Vào tháng 5, ngài nhận được một lời đe dọa khác sau khi chỉ trích chủ nghĩa cộng sản trong một bài giảng.
Source:Church POP
2. Dân chúng làng Moravská Nová Ves làm một cây thánh giá lớn để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô
Khi cơn bão chết người vào tháng 6 năm ngoái quét qua ngôi làng Moravská Nová Ves, nó không để lại gì khác ngoài cảnh hoang tàn. Lúc đó, người dân khó có thể nhìn thấy tương lai trước một thảm kịch khủng khiếp như thế. Hôm nay, nhờ một làn sóng đoàn kết chưa từng có, những thiệt hại nặng nề nhất đã được sửa chữa và mọi người đang dần trở lại cuộc sống bình thường.
Những thanh xà ngang bị xé toạc và hư hỏng từ mái nhà thờ địa phương, nằm rải rác khắp làng, nay phục vụ cho một mục đích mới; chúng trở thành một cây thánh giá được thực hiện cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Slovakia từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9.
“Đức Thánh Cha đã phản ứng nhanh chóng khi thảm họa xảy ra, ngài cầu nguyện cho chúng tôi và đưa ra những lời an ủi. Vì thế, chúng tôi rất vinh dự được đóng góp vào cây thánh giá được thực hiện để vinh danh chuyến thăm của ngài tới Slovakia”, linh mục địa phương Marián Kalina nói với Đài Truyền hình Séc.
Cây thánh giá chủ yếu được làm từ nhôm, chỉ có phần trung tâm được làm bằng gỗ. Các kiến trúc sư Slovakia đã cố tình chọn những dầm bị hư hỏng nặng nhất do lốc xoáy. “Trái tim của cây thánh giá được tạo thành từ những mảnh gỗ nhỏ mà trên đó chúng ta có thể thấy rõ sự hư hại và sức mạnh của thiên nhiên đã xé nát và làm gãy những tấm gỗ như thế nào. Nếu chúng tôi đặt tấm gỗ này ở trung tâm của cây thánh giá, thì đó là để nhấn mạnh sự đồng cảm và đoàn kết sau thảm họa,” nhà điêu khắc Martin Lettrich nói với Đài truyền hình Séc.
Thánh giá cao sáu mét, rộng ba mét và nặng khoảng 150 kg. Sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, thánh giá sẽ được chuyển đến địa điểm hành hương Šaštín.
Source:France Radio
3. Đức Hồng Y Bo: Tiếng nói cho nhân quyền ở Miến Điện
Khi Đức Hồng Y Charles Maung Bo trở thành Hồng Y đầu tiên của Miến Điện vào năm 2015, ngài đã thực hiện chức vụ mới của mình một cách nghiêm túc.
“Đức Thánh Cha đã cho tôi chiếc mũ màu đỏ và nói: ‘Đó là màu của máu’“. Chiếc mũ của ngài, hay biretta, là lời nhắc nhở ngài đừng sợ hãi trong việc bảo vệ và lên tiếng cho dân tộc của mình và Giáo hội ở Á Châu.
Đức Hồng Y Bo đã nói chuyện với EWTN tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 8 tháng 9. Ngài đã thảo luận về Giáo hội ở Á Châu với Matthew Bunson, biên tập viên điều hành và trưởng văn phòng Washington của EWTN News, và Cha John Paul Zeller, tuyên úy nhân viên của EWTN.
Đức Hồng Y, người cũng là chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu cho biết, văn hóa và tôn giáo của Á Châu đi đôi với nhau. Ngài nhận định rằng nền văn hóa và tôn giáo – bao gồm Phật giáo, Hồi giáo và Công Giáo là “ rất phong phú, rất đa dạng”.
Mặc dù vậy, ngài nói, họ đoàn kết với nhau về một số vấn đề nhất định. Ngài cho biết, trong số những điều khác, người Á Châu ưu tiên “truyền thống và văn hóa tôn trọng người lớn tuổi và đoàn kết trong gia đình, giá trị của gia đình, giá trị của người mẹ”.
Ngài nói thêm rằng ở Miến Điện, “có thể từ 90 đến 95% các gia đình rất ổn định”.
Ngài nhấn mạnh rằng một trong những “thành quả của văn hóa” ở Á Châu, đặc biệt là ở Miến Điện, là người dân có khuynh hướng tôn giáo. Đức Hồng Y Bo giải thích rằng tâi Miến Điện 85% dân chúng theo đạo Phật, 5% theo đạo Hồi và 5 đến 6% theo Kitô Giáo. Người Công Giáo chỉ chiếm một thiểu số là 1.3%.
Ngài cho biết:
“Sẽ không có ai nói rằng: Tôi là một người không theo đạo nào. Tôi không theo tôn giáo, tôi là một nhà tư tưởng tự do, tôi không theo bất kỳ tôn giáo cả. Sẽ không ai nói điều đó ở Miến Điện.”
Ở Miến Điện, người Công Giáo coi Đức Giáo Hoàng và Giáo hội là “rất thánh thiêng”. Đối diện với những lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người dân Miến Điện cảm thấy ngỡ ngàng.
Ngay cả quân đội và chính phủ cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với Giáo hội và các nhà lãnh đạo của Giáo hội.
Ngài nhớ lại: “Trước cuộc đảo chính, tôi có thể có quyền truy cập để gửi tin nhắn cho cả chính phủ cũng như các tướng lĩnh quân đội. Tất nhiên, họ khá kiên quyết trước chương trình giành chính quyền trong nước của họ”.
Trong bối cảnh chính trị bất ổn như vậy, vị Hồng Y đã nỗ lực đóng vai trò là tiếng nói cho nhân quyền ở châu Á.
“ Chúng tôi nghĩ rằng – trong năm, hay sáu năm qua – chúng tôi đang trên con đường tới dân chủ, tới tự do. Nhưng một lần nữa, bây giờ, nó lại sụp đổ vì quân đội và chúng tôi không có quyền nói về nhân quyền và chúng tôi thực tế không có đối thoại.”
Ông tiết lộ, các nhà lãnh đạo tôn giáo thường xuyên bị áp lực phải tránh xa các vấn đề chính trị.
“Ngay cả bản thân tôi cũng đã một, hai, ba lần được yêu cầu không tham gia vào lĩnh vực chính trị, nhưng tôi đã nói, ‘Đó không phải là chính trị. Đây là quyền con người, về những nhu cầu cơ bản mà chúng tôi nói nhân danh người dân. ‘“
Source:Catholic News Agency