1. Đức Hồng Y Colombo nói rằng các quan chức Sri Lanka cố ý đánh lừa Tòa Thánh về cuộc điều tra vụ tấn công khủng bố lễ Phục sinh năm 2019
Đức Tổng Giám Mục Colombo, Hồng Y Malcolm Ranjith, cảnh báo rằng các quan chức chính phủ hàng đầu của Sri Lanka đang lừa dối Đức Giáo Hoàng Phanxicô về kết quả của cuộc điều tra về các vụ đánh bom vào Chúa Nhật Phục sinh 2019 ở thủ đô của quốc gia này.
Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Bộ trưởng Ngoại giao Peiris được cho là sẽ gặp các quan chức Vatican trong tuần này để thông báo tóm tắt về các cuộc điều tra về vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh khiến hơn 260 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương.
“Một âm mưu đang được thực hiện một cách khôn khéo để cứu những kẻ đứng sau vụ tấn công và một nỗ lực đang được thực hiện để chuyển đổi tình hình có lợi cho chính phủ”, Đức Hồng Y Ranjith nói trong một tuyên bố được đưa ra ở cuộc họp báo hôm thứ Tư, Ngày 8 tháng 9.
Tuy nhiên, một báo cáo trên tờ Tin tức hàng ngày của Sri Lanka cho biết thủ tướng đã không tìm kiếm một cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô và phái đoàn của ông sẽ không đến thăm Vatican trong chuyến thăm Ý vào tuần này trong khuôn khổ Diễn đàn Liên tôn G-20.
Thủ tướng Sri Lanka dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng trong cuộc họp tại thành phố Bologna.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Đức Hồng Y Ranjith cho biết ngài đã thông báo cho Tòa Thánh về bản cập nhật cuộc điều tra vụ đánh bom vào Chúa Nhật Phục sinh, đồng thời nói thêm rằng Vatican dự kiến sẽ chuyển vấn đề này lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva.
Các báo cáo truyền thông hồi đầu tuần dẫn lời phát ngôn viên Nội các Sri Lanka, Bộ trưởng Đồn điền sự vụ, Tiến sĩ Ramesh Pathirana, nói rằng Rajapaksa và Peiris đã được lên kế hoạch thông báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô về tiến độ đạt được trong cuộc điều tra các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh.
Source:Catholic News Agency
2. Những bức thư của linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc được xuất bản bằng tiếng Anh
Đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아), sinh năm 1821 và qua đời năm 1846, Quỹ Nghiên cứu Lịch sử Giáo hội Hàn Quốc thuộc Tổng Giáo phận Há Thành đã xuất bản một bản dịch tiếng Anh cuốn “Những bức thư của Thánh Anrê Kim Đại Kiến”. Đó là một trong ba cuốn sách kỷ niệm về các hoạt động của ngài với tư cách là một nhân vật quan trọng ban đầu trong Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc.
“Ngài quả là một người mạnh mẽ và có khiếu khôi hài. Ngài thậm chí còn đùa với người hành quyết của mình. Ngài mắng tên đao phủ để y nổi khùng chém đầu ngài cho ngọt. Có rất nhiều tình tiết thú vị và đầy cảm hứng trong các bức thư lịch sử này”, Linh mục Triệu Hán Quân (Cho Han-gun), giám đốc của quỹ, nói với The Korea Times hôm thứ Tư.
Hồ sơ cho thấy Cha Kim, linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc, đã viết tới 21 bức thư có niên đại từ tháng 2 năm 1842 đến tháng 8 năm 1846 khi ngài cố gắng trở về Hàn Quốc từ Macao, nơi ngài đã theo học tại một chủng viện. Ngài được thụ phong năm 1845. Cuốn sách tiếng Anh bao gồm 19 lá thư, thiếu hai lá thư trong số đó. Ngài viết hầu hết các lá thư bằng tiếng Latinh, nhưng viết lá thư thứ 21 bằng chữ Hàn Quốc và lá thư thứ 9 bằng chữ Hán. Chúng được viết vào giữa thế kỷ 19, gần cuối triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선), 1392-1910, cho độc giả cái nhìn rõ nét về cuộc sống trong những ngày đó.
“Cái chết của tôi chắc chắn sẽ làm rúng động anh chị em cả thể xác lẫn linh hồn. Nhưng chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ sai đến với anh chị em những mục tử đáng tin cậy hơn tôi. Đừng buồn, nhưng hãy thực hành tình yêu thương, để sau khi phụng sự Đức Chúa Trời, sau khi chết, chúng ta sẽ gặp nhau đời đời trước mặt Đức Chúa Trời trong hạnh phúc, như tôi hy vọng hàng nghìn lần. Tạm biệt!” Ngài đã viết như trên trong bức thư cuối cùng.
Một số bức thư bao gồm những câu chuyện về những chuyến đi của ngài ở Trung Quốc trong một chiếc thuyền nhỏ, trong đó ngài suýt bị một con sóng lớn nhận chìm, và nỗi thống khổ của ngài khi là một linh mục bị bách hại dưới chế độ tân Nho giáo nặng nề của triều đại Tiên Quốc, khi các vua chúa cấm các tôn giáo bên ngoài cũng như không cho tự do đi lại mà không có sự cho phép chính thức.
“Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách sẽ chia sẻ với thế giới niềm tin sâu sắc của Thánh Anrê Kim Đại Kiến và tinh thần tiên phong của ngài”, Cha Triệu nói. “Cuốn sách cũng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người, bằng cách cho thấy một trí thức trẻ Hàn Quốc có thể nói và viết bằng nhiều thứ tiếng, thông qua tính cách và nghị lực mạnh mẽ của ngài ngõ hầu vượt qua khó khăn trong bối cảnh lịch sử của Công Giáo Hàn Quốc”.
Cha Triệu nói thêm rằng Hàn Quốc là quốc gia duy nhất mà Công Giáo đến thông qua sách vở chứ không phải qua các nhà truyền giáo, và nói rằng người Hàn Quốc tự học và chấp nhận đạo Công Giáo theo ý chí tự do của họ.
Để độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các bức thư, cuốn sách cũng bao gồm các giải thích về bối cảnh lịch sử của triều đại Tiên Quốc.
Source:Korea Times
3. Lá thư của Đức Hồng Y Koch gởi cho Rabbi Arousi về vụ Kinh Torah
Phản ứng của Vatican lần này được đưa ra với tất cả sự dè dặt với các ngôn ngữ rất ngoại giao. Lá thư được viết bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn. Ngài đã viết thư cho Giáo sĩ Rasson Arousi sau khi vị giáo sĩ Do Thái nói rằng ông “lo lắng” trước một số từ do chính Đức Phanxicô phát biểu vào ngày 11 tháng 8, theo đó có thể đã gợi ý rằng Torah đã lỗi thời.
Tại buổi tiếp kiến ngày 11 tháng 8, Đức Giáo Hoàng khi trình bày các suy tư về những gì Thánh Phaolô đã nói về kinh Torah trong Tân Ước, và nhận định rằng:
“Trên thực tế, Kinh Torah, hay Lề Luật, không có trong lời hứa được đưa ra với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, khi nói điều này, ta không nên nghĩ rằng Thánh Phaolô chống lại Luật Môisê. Không, thánh nhân đã tuân giữ nó. Một vài lần trong Thư của mình, ngài bảo vệ nguồn gốc thần thánh của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề Luật không ban sự sống, nó không mang lại sự thành toàn lời hứa bởi vì nó không có khả năng làm điều đó. Lề Luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô dùng một từ, tôi không biết nó có trong văn bản hay không, nhưng là một từ rất quan trọng: lề luật là “phương pháp sư phạm” hướng đến Chúa Kitô, một phương pháp sư phạm hướng đến đức tin nơi Chúa Kitô, nói cách khác lề luật là người thầy cầm tay anh chị em dắt tới cuộc gặp gỡ (x. Gl 3,24). Những ai tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và sự hoàn thành lời hứa trong Chúa Kitô”.
Đức Hồng Y Koch viết:
“Trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Kinh Torah không bị mất giá, vì ngài tuyên bố rõ ràng rằng Phaolô không chống lại luật pháp Môisê. Trên thực tế, Phaolô tuân theo luật này, nhấn mạnh nguồn gốc thiêng liêng của nó, và gán cho nó một vai trò trong lịch sử cứu rỗi. Câu: “Lề Luật không ban sự sống, nó không mang lại sự thành toàn lời hứa”, không nên ngoại suy từ ngữ cảnh của nó, nhưng phải được xem xét trong khuôn khổ chung của thần học Phaolô. Niềm tin Kitô Giáo từ xưa đến nay cho rằng Chúa Giêsu Kitô là con đường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Kinh Torah bị xem nhẹ hoặc không còn được công nhận là ‘con đường cứu rỗi của người Do Thái’“.
Đức Hồng Y Koch nhớ lại một bài giáo lý năm 2015 của Đức Phanxicô, trong đó vị giám mục Rôma giải thích rằng “Các hệ phái Kitô tìm thấy sự hiệp nhất của mình nơi Chúa Kitô; Do Thái giáo tìm thấy sự hiệp nhất trong Torah, cả hai đều nhìn nhận mình dưới một Thiên Chúa”.
Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng trong bài giáo lý tháng 8 vừa qua, “Đức Phanxicô không đề cập đến đạo Do Thái hiện đại”. Bài diễn văn là “sự suy tư về thần học của Thánh Phaolô trong bối cảnh lịch sử của một thời đại nhất định. Thực tế Torah là trung tâm của Do Thái giáo hiện đại không có cách nào bị đặt thành nghi vấn”.
Những lời của Đức Hồng Y Koch, đề ngày 3 tháng 9, xảy ra khi Đức Phanxicô đang gửi một thông điệp những lời chúc tốt đẹp đến Rabbi trưởng của Rôma Riccardo Di Segni. Nhân dịp kỷ niệm trọng thể lễ Rosh Ha-Shanah, Yom Kippur và Sukkot, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài hân hạnh gửi lời chúc chân thành đến các bạn, tới cộng đồng Do Thái ở Rome và tất cả các cộng đồng Do Thái trên thế giới”.
Và một lần nữa: “Tôi hy vọng rằng trong những ngày lễ sắp tới, việc làm sống lại ký ức về những lợi ích nhận được từ Đấng Tối Cao, sẽ là nguồn tiếp thêm ân sủng và niềm an ủi tinh thần. Cầu xin Đức Chúa Trời của các Tổ phụ ban phước cho chúng ta món quà bình an, củng cố mối dây tình bạn của chúng ta và giúp chúng ta làm chứng cho điều đó trong sự cam kết của chúng ta với người khác. Shalom Alechem”.
Source:Republicca