Kính chào anh chị em, cách riêng các bạn trẻ.
Thật ra, tất cả anh chị em đang sống trong Giáo hội (Giáo Hội) tại Việt Nam (VN) rất trẻ trung.
Trẻ vì:
– Tuổi đời của chúng ta chưa thuộc thế hệ U60
– Vì nhiệt tình của anh chị em đối với những việc của Thiên Chúa (Thiên Chúa)
– Vì anh chị em đều có ước mơ dựng xây một Giáo Hội VN xinh tươi.
– Vì anh chị em luôn sẵn lòng với Giáo Hội.
Đó là những nét làm cho chúng ta nên trẻ trung: dám ước mơ và tin tưởng sẽ hiện thực.
Hôm nay, chúng ta chia sẻ về ước nguyện dựng xây một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo Hội cùng nhau ta đi tới, một Giáo Hội-gia đình chu toàn công việc, ý muốn của Cha chúng ta, của người Anh chúng ta trong sự thúc đẩy của Thánh Thần Ngài.
Để anh chị em dễ nắm bắt, tôi xin dùng phương pháp hỏi đáp. Hy vọng nhờ đó chúng ta thâm tín hơn về con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta bước vào: xây dựng một Giáo Hội hiệp hành.
- Cùng nhất trí về sử dụng hạn từ hiệp hành
Hiệp hành: tiếng việt chúng ta dịch từ chữ synodal. Trước kia có một số người dịch là đồng nghị, vì hạn từ nói đến cùng nhau quy tụ.
Sau đó, Giáo Hội tại VN qua Hội đồng GM dùng chữ hiệp hành: cùng nhau chúng ta đi. Chữ hành ở đây không nói nhiều về hành động cho bằng nói về việc cùng nhau đi, đi tới, như trong chữ bộ hành.
Chúng ta nhất trí dùng chữ này.
- Hiệp hành muốn nói điều gì?
Chúng ta cần thoáng chốc trở về cội nguồn và lịch sử để hiểu rõ.
Thiên Chúa chủ xướng quy tụ dân Israel tại núi Sinai, và dân chúng đáp lại, họp lại tại đó. Cộng đoàn đó được gọi là Qahal Yahve. Ta phải lưu ý hai điều: Thiên Chúa chủ xướng hành vi quy tụ và rồi kết quả là có một cộng đoàn/cộng đồng.
Rồi Đức Giêsu đến, ngài quy tụ những kẻ đáp lại tiếng gọi của ngài (hãy theo tôi) và thành một Giáo Hội. Hạn từ Giáo Hội quy chiếu tới Qahal Yahve nên cũng nói lên hai khía cạnh chủ động, tức hành vi đầu tiên của Thiên Chúa, rồi thụ động, kết quả, tức cộng đoàn. Không được quên mất hai điều này, mà trong đó hành động của Thiên Chúa là tối thượng, đi bước trước. Không có ngài, chẳng có gì xảy ra cả: tạo dựng, cứu chuộc, quang lâm. Tuy nhiên, không vì thế mà khía cạnh con người đáp lại trong Giáo Hội trở thành thứ phụ, không quan trọng, tầm thường. Trái lại, ta phải nói rõ: trong Thiên Chúa, chúng ta được nên cao trọng tuyệt vời. Trong Ánh sáng của Ngài, chúng con nhìn thấy ánh sáng, chúng con được sáng.
Giáo Hội sơ khai biết rõ điều này. Trong sách công vụ, khi cộng đoàn Giáo Hội có khó khăn, thách đố, họ quy tụ lại, dưới sự chủ toạ của các tông đồ, họ thể hiện một sự đồng tâm nhất trí. Điều ấy bộc lộ rõ trong quyết định của họ: chúng tôi cùng với Thánh Thần quyết định… Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội trong chu toàn sứ mệnh Đức Kitô, vì đó là vai trò của ngài. Sự đồng tâm nhất trí ấy tiên vàn là vì tất cả cùng được gọi để đi cùng một CON ĐƯỜNG, một ĐẠO, tức là Đức Giêsu: Thầy là ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG. Vậy Giáo Hội trong sách Công vụ cũng có thể gọi là MỘT GIA ĐÌNH CÙNG NẮM TAY TIẾN TRÊN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU.
Từ đó, khi tiếp chạm với văn hoá Hy lạp, Giáo Hội bắt gặp một hạn từ khác SYNODOS. Syn: cùng nhau; hodos: con đường. Rồi khi gặp các lạc giáo, toàn Giáo Hội quy tụ lại và chúng ta có hạn từ công đồng, concilium. Thuở ban đầu, ta có thể nói ba từ ngữ đó,Giáo Hội, synodos, concilium được dùng đồng nghĩa: cùng nhau đi tới. Giáo Hội tiên vàn không phải là một tổ chức, nhưng là Gia đình/hiệp thông cùng tiến tới Thiên Chúa là Cha và nối vòng tay lớn, càng lớn càng tốt trong đức tin vào Đức Kitô, Con Một Chúa Cha trong Thánh Thần.
Phaolô VI nói rất hay: Xin Thánh thần mở rộng tâm hồn chúng con hiểu biết mối liên hệ huyền nhiệm sâu xa kết hiệp chúng con với Đức Kitô; từ ngài chúng con đến, vì ngài chúng con sống, hướng đến ngài chúng con hành trình. Suốt những ngày này xin cho chúng con không được bất kỳ ánh sáng nào hướng dẫn ngoài ánh sáng Đức Kitô, là ánh sáng thế gian; không cho chân lý nào khiến chúng con quan tâm hơn là chân lý được Chúa mặc khải, là thầy dạy duy nhất và độc nhất của chúng con; không một ước muốn nào thiêu cháy chúng con hơn là ước muốn trung thành vẹn toàn với ngài. Xin dâng lên ngài, khởi sự, sự sống và người hướng đạo chúng con, niềm hy vọng và cùng tận của chúng con tất cả vinh quang và danh dự. Amen.
- Hình ảnh diễn đạt Giáo Hội hiệp hành
Đoàn người cùng vác thập giá với Đức Giêsu, sequela Christi. Thập giá là cốt tủy của đạo thánh. Đức Kitô vác và tất cả chúng ta cùng nhau vác với ngài: Ai muốn theo tôi, vác thập giá mà theo. Hoàn thành những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì Hội Thánh.
Đoàn người bước theo Nến Phục sinh. Cộng đoàn cùng chia sẻ một ngọn lửa. Rồi tất cả cùng quy tụ quanh Đức Kitô – Ánh Sáng làm thành một biển lửa. Ta đã ném lửa xuống thế gian và nó bùng cháy. Giáo Hội hiệp hành là như thế.
- Anh chị em ước mơ gì về Giáo Hội chúng ta?
Được thoải mái hoạt động và kêu gọi vào đạo. Nếu chỉ có vậy, coi chừng chúng ta đang rớt vào một thứ chiêu mộ, giành giật tín đồ. Không.
Hãy coi chính logo của Thượng hội đồng sắp tới. “Một cây cổ thụ, đầy ánh sáng và khôn ngoan, chạm tới trời. một dấu chỉ của sự sinh động và hy vọng sâu xa vốn diễn đạt thập giá Đức Kitô. Nó mang chở Thánh Thể chiếu sáng như mặt trời. Những nhánh đâm ngang, mở ra như cánh tay hay đôi cánh, đồng lúc nói lên Thánh Thần. Dân Thiên Chúa không tĩnh lặng: họ đang chuyển động, quy chiếu tức thời đến tận cội nguồn từ ngữ synod, có nghĩa là “cùng nhau bước đi”. Đoàn dân được hiệp nhất nhờ cùng một năng động lực chung mà Cây Sự Sống thở vào họ, từ đó họ bắt đầu tiến bước. Mười lăm chân dung cắt bóng tóm kết toàn nhân loại trong những trạng huống đời sống khác nhau về thế hệ và cội nguồn. Khía cạnh này được kiện cường bởi nhiều màu sắc khác nhau mà chính chúng là dấu chỉ của niềm vui. Không có phẩm trật giữa những người đang cùng đi bộ: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, vợ chồng, độc thân, khỏe mạnh, tàn tật; giám mục và nữ tu không ở trước họ, nhưng giữa họ…”
- Giáo Hội với những vết thương làm chúng ta sợ hãi, ngã lòng chăng?
Ôi chao, sao Giáo Hội gặp nhiều sự thế. Tưởng đâu Giáo Hội bình yên và êm đềm. Tưởng nghĩ như vậy, chúng ta sai lầm, vì lẽ chúng ta cho rằng Giáo Hội đã đạt tới đích. Không phải.
Giáo Hội đang lữ hành giữa những khó khăn và bách hại. Và chính điều đó nói lên Chúa ở giữa chúng ta. Phải chăng ngài đang ngủ? Có thể ta nghĩ thế. Nhưng Thiên Chúa không ngủ, hằng canh giữ Israel, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành. Chính Chúa là đấng vẫn chở che, hằng ở gần kề. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới…
Không có chi phải ngã lòng. Thánh Phaolô nói: hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta.
Mọi sự đều trở nên tốt đẹp cho những ai yêu mến Thiên Chúa, phải hơn, được Thiên Chúa yêu mến. Và đó chính là thực tại Giáo Hội. Đức Giêsu Kitô đã yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh.
- Thượng hội đồng Giám mục dành cho các Giám mục hay cho toàn Giáo Hội?
Đây là biến cố của Giáo Hội, đúng hơn, biến cố của Thánh Thần làm việc trong Giáo Hội xuyên qua những trung gian.
Ngày 15 tháng Chín, 1965, Đức Phaolô VI thiết lập cấu trúc Thượng Hội đồng Giám mục qua văn kiện “Apostolica Sollicitudo,” a motu proprio. Nguyên thuỷ Synod là hình thức đã có từ lâu để các Giám mục có thể lãnh ý của toàn dân tín hữu nơi địa phương mình.
Đức Phaolô VI làm cho nó thành của Giáo Hội hoàn vũ để ở đó Giám mục Roma cùng với các chư huynh Giám mục của mình đọc dấu chỉ thời đại và phục vụ Giáo Hội tốt đẹp hơn mãi.
Với Vatican II, Đức Phaolô VI ý thức xã hội biến đổi không ngừng và thật phức tạp. Điều này đòi một Giám mục đoàn phải thật hữu hiệu trong việc lắng nghe nhau và lắng nghe Thánh Thần vì phần ích của con người.
Từ đó, các Thượng Hội đồng Giám mục được nhóm họp định kỳ hoặc ngoại thường. Các Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã tiếp nối sáng kiến này và làm cho nó thêm phong phú qua những luật lệ được rút từ kinh nghiệm sống.
Hoàn toàn không phải là một thứ “quốc hội toàn dân” trong cơ cấu này. Đức Thánh Cha giữ thẩm quyền trực tiếp và lập tức trên Thượng Hội đồng Giám mục. Chính ngài triệu tập, chỉ định người/nhóm điều hành, đề tài, thiết định nghị sự, chủ toạ cũng như kết luận. (Canon Law, 344).
Để chuẩn bị, văn phòng tổng thư ký đưa ra đề cương, (lineamenta) rồi thảo luận, đúng kết thành tài liệu làm việc (instrumentum laboris); Rồi có những đề xướng của các Giám mục đệ trình Đức thánh cha, và ngài sẽ soạn thảo văn kiện hậu Thượng hội đồng Giám mục.
Toàn Giáo Hội đã hưởng nhiều lợi ích từ các Thượng hội đồng GM này: như về loan báo tin mừng, huấn giáo, gia đình, truyền giáo, hôn nhân, Thánh Thể, Lời Chúa…..
Một trong những hoa quả tốt nhất của Thượng hội đồng Giám mục là cuốn Giáo lý Giáo Hội Công giáo, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Vatican II. Sách được công bố ngày 11 tháng Mười, 1992 qua tông hiến “Fidei Depositum”.
Tuy nhiên, theo Đức Phanxicô, phương pháp luận của Thượng Hội đồng GM cho đến nay vẫn tĩnh lặng, cần phản ánh được nhiều hơn tiếng nói đức tin và nhiệt huyết truyền giáo của toàn Giáo Hội. Ngài muốn có một phong thái khác.
- Thượng hội đồng GM theo Đức Phanxicô đổi mới ra sao?
Ngay từ những ngày đầu của triều giáo hoàng, Đức Phanxicô muốn làm cho Thượng Hội đồng GM được tốt đẹp hơn nữa vì đó là gia sản quý báu của Vatican II.
Ngài xác định: Thiên Chúa muốn Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba phải bộc lộ được một Giáo Hội hiệp hành vì Tin mừng, vì nhân loại.
Chúa muốn chúng ta xây dựng một Giáo Hội cùng nhau bước đi: giáo dân, các mục tử, GM Roma. Nói thì dễ hơn làm, nhưng phải làm mà thôi.
Nền tảng cho việc này: các tín hữu là “ngôi đền thiêng liêng hàng tư tế thánh thiện”, “toàn dân Thiên Chúa được xức dầu Thánh nên không thể sai lầm trong đức tin và luân lý.” Dân Chúa có một cảm thức đức tin, một bản năng đức tin.
Evangelii Gaudium nhấn mạnh rằng “Dân Thiên Chúa thì thánh thiện bởi vì việc xức dầu này làm cho dân chúng thành “bất khả ngộ” trong đức tin và luân lý.
Hơn nữa “từng tín hữu, bất kể chức năng của mình trong Giáo Hội và bất kỳ trình độ đức tin ra sao đều là một chủ thể tích cực của loan báo tin mừng. Ta không được phép nghĩ loan báo Tin mừng chỉ của một số người ưu tuyển, còn đại đa số tín hữu là kẻ hưởng nhận mà thôi.
Cảm thức đức tin ngăn cản một sự tách biệt chặt chẽ giữa Giáo Hội dạy dỗ và Giáo Hội học tập (Ecclesia docens, Ecclesia discens).
Những kinh nghiệm của hai Thượng hội đồng Giám mục vừa qua về gia đình và giới trẻ cho thấy rõ ràng Giáo Hội qua Thánh Thần khởi hứng nỗ lực trình bày một Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người cùng những tiếng than khóc của họ. Một Giáo Hội hiệp hành là một Giáo Hội lắng nghe, biết rằng lắng nghe thì hơn là “cảm thấy”. Nó là một sự lắng nghe hỗ tương nơi điều mà mọi người phải học. Dân Thiên Chúa, GM đoàn, GM Roma: tất cả là một trong việc lắng nghe người khác; và tất cả lắng nghe Thánh Thần chân lý. Thượng hội đồng Giám mục là điểm hội tụ của việc lắng nghe năng động này được dẫn dắt ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội.
Toàn Giáo Hội lắng nghe: (1) lắng nghe Thiên Chúa (2) lắng nghe nhân loại, vì Giáo Hội không được tạo dựng cho chính mình, song cho Thiên Chúa và nhân loại.
Như một chiều kích cấu thành Giáo Hội, tính hiệp hành cho chúng ta cái khung giải thích thích đáng để hiểu tác vụ phẩm trật. “Giáo Hội và ‘cùng nhau bước đi’ là đồng nghĩa.”
Vậy, Giáo Hội hiệp hành bộc lộ một ‘kim tự tháp lộn ngược’, nơi đó đỉnh cao là ở dưới, bởi lẽ những người thực thi quyền bính trong Giáo Hội được gọi là “thừa tác viên”: người rửa chân cho các tín hữu, nếu họ là vicarius Christi, hay servus servorum Dei. Chúng ta đừng quên điều này! Đối với các môn đệ Đức Kitô, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời, quyền bình duy nhất là quyền bính phục vụ,sức mạnh duy nhất là sức mạnh của thập giá.
Theo nghĩa này, Đức Phanxicô muốn thấy một Giáo Hội “tản quyền lành mạnh” vì các tâm hồn và vì sứ mệnh truyền giáo. Bình diện cuối cùng là bình diện của Giáo Hội phổ quát. Ở đây Thượng hội đồng Giám mục, biểu thị giám mục đoàn công giáo, trở thành một diễn đạt của giám mục đoàn trong một Giáo Hội mang tính hiệp hành.
Giáo hoàng không ở trên Giáo Hội, nhưng ở trong Giáo Hội như một người được rửa tội giữa những anh chị em được rửa tội, và giữa đoàn Giám mục; Rất cần đến “một sự hoán cải của quyền giáo hoàng”. Vị mục tử đi trước, đi giữa và đi cuối đoàn chiên vì sự sống, hạnh phúc sung mãn và vĩnh cửu của họ.
Chúng ta cũng nhìn tới nhân loại. Giáo Hội hiệp hành giống như cờ hiệu cho muôn dân trong một thế giới mà thậm chí khi nói mời gọi tham gia, liên đới và trong suốt trong sự quản trị chung, thì lại thường phó nộp định mệnh của toàn dân vào những bàn tay tham lam của những nhóm gồm một ít kẻ có quyền.
- Vậy, như Vatican II xác quyết Thánh Thần hoạt động mãnh liệt, chúng ta cũng xác quyết trong Thượng hội đồng GM này,
“Thánh Thần ở đây. Chúng ta kêu cầu ngài, chờ đợi ngài và theo ngài. Thánh Thần ở đây”. (Paul VI, khai mạc công đồng khóa 2).
“Thánh thần đặt anh em là những giám mục để cai quản Giáo Hội của Thiên Chúa: (Cv 20:28), với thẩm quyền vững chắc không thể nghi ngờ được trong sự phục vụ khiêm nhường và kiên nhẫn các anh chị em mình, như những mục tử – nghĩa là thừa tác viên – của đức tin và đức ái”.
“Lắng nghe tiếng nói huyền nhiệm của Đấng Bảo trợ phải là nhiệm vụ đầu tiên suốt những ngày sắp tới của chúng ta.” (Paul VI, khai mạc khóa 4)
- Điều mới của Thượng hội đồng Giám mục sắp tới
Rút kinh nghiệm từ hai Thượng hội đồng GM mới đây về gia đình và giới trẻ: Giáo Hội lắng nghe được những tiếng khóc của con cái mình, những người con đau khổ và bị bỏ rơi, bị đẩy ra bên lề, có khi vì chính anh chị em của mình.
Muốn các cộng đoàn Giáo Hội nhỏ cử hành để lắng nghe được những thành phần đang làm nên cộng đoàn mình: gia đình, hội đoàn, xứ đạo…
Tính cách mục vụ: lắng nghe tiếng khóc của nhân loại.
Không hẳn sẽ làm được gì, nhưng trước tiên bộc lộ Giáo Hội-Mẹ biết khóc. Chính điều đó làm cho xã hội nhân bản hơn và như vậy hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
- Thượng hội đồng GM gây ra chia rẽ Giáo Hội?
Sau Vatican II, xẩy ra Giáo Hội ly khai của Đức GM Lefèvre, Giáo Hội Piô X. Phải chăng công đồng Vatican II gây ra chia rẽ? Không bao giờ. Đó là quyết định của người tín hữu đối nghịch với tiếng của Thánh Thần.
Thượng hội đồng GM về Giáo Hội hiệp hành khiến ta lo sợ Giáo Hội ly khai, như nhiều người đồn đoán về Giáo Hội Đức?
Ai điều khiển Giáo Hội? Cảm thức đức tin của Dân Chúa kém cỏi? Cộng đoàn Dân Chúa (ở Đức) không nghe tiếng Chúa ư?
Dân Chúa không thao thức chân lý đức tin và phong hoá sao? Những cảm thức về sự sống đang lớn dần giữa những tiếng hò la huyên náo của những người phá thai.
Nguồn: tgpsaigon.net (14.01.2022)