Giáo xứ Ba Lan bị hỏa tiễn chiến tranh Ukraine tấn công đang vật lộn với chấn thương

1. Giáo xứ Ba Lan bị hỏa tiễn chiến tranh Ukraine tấn công đang vật lộn với chấn thương

Ký giả Emma Graham-Harrison của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Polish village struck by Ukraine war missile struggling with trauma”, nghĩa là “Ngôi làng Ba Lan bị hỏa tiễn chiến tranh Ukraine tấn công đang vật lộn với chấn thương.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Giáo xứ Ba Lan bị hỏa tiễn chiến tranh Ukraine tấn công đang vật lộn với chấn thương

Przewodów ‘cố gắng hết sức có thể để giữ cho cuộc sống bình thường’ – nhưng bi kịch đã nhấn mạnh sự cận kề của chiến tranh đối với ngôi làng biên giới nhỏ bé

Vào chiều thứ Ba, lần đầu tiên và duy nhất kể từ khi chuyển đến Przewodów, một ngôi làng nhỏ ở biên giới Ba Lan, Cha Bogdan Wazny đã cử hành thánh lễ trong một nhà thờ trống.

Chưa đầy một giờ trước đó, một hỏa tiễn do Nga sản xuất đã bay ra khỏi lãnh thổ Ukraine, giết chết hai giáo dân của ngài và phá tan ảo tưởng rằng địa lý và luật pháp quốc tế sẽ bảo vệ dân làng.

“Biên giới vật lý ở đây cũng ngăn cách chúng tôi về mặt tinh thần với cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi luôn cảm thấy như vậy,” Cha Wazny nói, một ngày sau khi hỏa tiễn rơi xuống. “Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy nguy hiểm ở đây.”

Tuy nhiên, giờ đây, nỗi sợ hãi, kinh hoàng và một lực lượng đông đảo cảnh sát và quân đội bất ngờ đã giữ các tín hữu ở nhà khi tin tức về bi kịch cá nhân của họ bắt đầu lan rộng khắp thế giới, biến thành một cuộc khủng hoảng địa chính trị.

Cơn ác mộng mà Kyiv và các đồng minh đã cảnh báo trong nhiều tháng đã trở thành hiện thực: chiến tranh ở Ukraine đã tràn qua biên giới đất nước và đẩy ngôi làng yên bình này, chỉ cách biên giới 4 dặm, trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Justine Mazurek, người sinh ra ở ngôi làng cách đây 71 năm, cho biết: “Chúng tôi đã nói về điều này trước đây, nhưng nó chưa bao giờ được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng. Tất nhiên, tôi biết rằng chiến tranh đang diễn ra, nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ vụ nổ nào.”

Một ngày sau, bà ấy nói rằng bà ấy vẫn khó có thể tin rằng hai người đàn ông mà bà biết rõ đã bị giết bởi một hỏa tiễn. Người ta sợ nhưng vẫn chưa có đủ thời gian để nói với nhau, để đề cập đến chuyện đó.”

Trong vòng vài giờ, tổng thống Mỹ, Joe Biden, và các nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết họ tin rằng hỏa tiễn, mặc dù do Nga sản xuất, đã được Ukraine bắn để tự vệ. Điều đó làm giảm nỗi sợ leo thang, nhưng không thể xoa dịu nỗi đau ở Przewodów.

Ngôi làng đủ nhỏ để mọi người đều biết các nạn nhân. Nó có dân số chính thức là 900 nhưng chỉ có 600 người thực sự sống ở đây – giống như các vùng phía đông Ba Lan, nó đã mất nhiều người trẻ tuổi vì di cư.

“Chúng tôi lúc nào cũng tình cờ gặp nhau và giờ họ không còn ở đây nữa,” Mazurek nói sau khi tham dự thánh lễ nơi Cha Wazny cầu nguyện cho những người đã khuất – họ là những người cha và những người đi nhà thờ thường xuyên đã thiệt mạng khi họ làm việc tại một trung tâm phân loại ngũ cốc.

Một người trong hai người bị giết đã kết hôn với một phụ nữ làm việc tại trường, vì vậy chỉ sau một đêm, hiệu trưởng Ewa Byra đã chuyển từ việc giám sát giáo dục cho 71 học sinh sang tổ chức hỗ trợ tâm lý cho một cộng đồng bị tổn thương.

“Chúng tôi ở Przewodów đã cố gắng bình tĩnh lại sau ngày 24 tháng 2 khi Nga xâm lược Ukraine mặc dù thực tế là chúng tôi sống bên cạnh chiến tranh,” Cô Byra nói. “Cảm xúc đã lắng xuống và chúng tôi đã xoay sở để đối phó. Nhưng sự kiện ngày hôm qua đã đánh thức những cảm xúc đó một lần nữa.”

Ngôi trường, nơi treo tấm áp phích có nội dung “an toàn trên hết” ở sảnh chính, đã đóng cửa vào ngày hỏa tiễn tấn công, nhưng ngày hôm sau ngôi trường lại vắng tanh, phụ huynh quá sợ hãi không dám cho con đến lớp học chỉ cách nơi xảy ra vụ nổ vài trăm mét. “Nó còn quá mới mẻ. Đây là một trải nghiệm rất khó khăn đối với họ,” Cô Byra nói.

Cô ấy đã bắt đầu kết nối trẻ em và cha mẹ của chúng với các nhà tâm lý học và chuyên gia về chấn thương, những người đến từ các thành phố lớn gần đó. “Trợ giúp tâm lý đã bắt đầu từ hôm nay,” cô ấy nói, mô tả một cuộc họp trực tuyến để kết nối mọi người với sự hỗ trợ cơ bản đầu tiên.

Byra cho rằng việc phục hồi sẽ khó khăn đối với một cộng đồng hiện đang sống với thực tế rằng chiến tranh đã một lần vượt qua biên giới và có thể tái diễn như vậy. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giữ cho cuộc sống bình thường – cảm xúc của bọn trẻ là điều quan trọng nhất.”

Cô cũng đóng vai người dẫn chương trình qua đêm cho các nhà báo, một phần trong dòng người ồ ạt kéo đến thị trấn, nơi những con đường nông thôn tràn ngập xe quân sự và cảnh sát. Cảnh sát đã phong tỏa một vùng đất rộng lớn xung quanh địa điểm hỏa tiễn rơi xuống, trong khi các nhà điều tra cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Hỏa tiễn đã rơi xuống ngay trước 4 giờ chiều giờ địa phương vào hôm thứ Ba, khi ánh sáng đang tắt dần trên bầu trời. Đến sáng thứ Tư, ngôi làng hẻo lánh đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, tràn ngập các nhà báo và cảnh sát.

“Thật không may, vì lý do bi thảm này, mọi người sẽ nhớ đến Przewodów. Chúng tôi thà rằng ngôi làng của mình vẫn còn mờ mịt, không ai biết đến nhưng và cả hai người này đều còn sống.”


Source:The Guardian

2. Tiếng chuông từ nhà thờ Công Giáo ở Mosul lần đầu tiên vang lên kể từ khi IS chiếm đóng

Một chiếc chuông nhà thờ được một gia đình Hồi giáo cất giấu trong thời gian Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng Mosul đã vang lên phía trên Nhà thờ Công Giáo Thánh Phaolô của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê vào hôm Chúa Nhật vừa qua, lần đầu tiên sau 8 năm.

Các Kitô Hữu từ khắp Đồng bằng Nineveh của Iraq đã đến nhà thờ chính tòa để tham gia nghi lễ rung chuông và Phụng vụ thánh vào ngày 13 tháng 11.

Đức Tổng Giám Mục Najeeb Michaeel, OP, tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Chanđê của Mosul và Akra, đã dẫn đầu một cuộc rước đến hang đá của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng bảo trợ của Mosul, trong sân nhà thờ trước khi rung chuông theo nghi thức.

Đức Tổng Giám Mục nói với ACI Mena, đối tác tin tức bằng tiếng Ả Rập của Thông tấn xã Công Giáo, rằng “âm thanh của tiếng chuông là một lời mời gọi… đoàn kết những trái tim để tố cáo bạo lực và chiến tranh.”

“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những cư dân ban đầu sẽ trở về nhà của họ và trở lại với các quyền vật chất và tinh thần của họ để nếm trải hương vị của sự an toàn và ổn định cũng như sống trong lòng thành phố của họ,” Đức Tổng Giám Mục Michaeel nói.

Trong chuyến đi lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq năm ngoái, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện ở Mosul giữa đống đổ nát của các nhà thờ bị hư hại hoặc phá hủy sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố vương quốc Hồi giáo trong thành phố. Nhà nước Hồi giáo đã cai trị Mosul trong gần 3 năm trước khi các lực lượng Iraq và quốc tế giành lại từng con đường trong thành phố.

Đức Phanxicô cũng đã làm nên lịch sử với tư cách là vị giáo hoàng đầu tiên cử hành Thánh lễ theo nghi thức Chanđê trong chuyến viếng thăm quốc gia Trung Đông này. Người Công Giáo nghi lễ Chanđê là một trong một số các cộng đồng Công Giáo Đông phương được tìm thấy ở Iraq. Trước khi dân số bị giảm sút do bạo lực của Nhà nước Hồi giáo, người Công Giáo nghi lễ Chanđê chiếm 2/3 số các tín hữu Kitô ở Iraq.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục lên tiếng cho các Kitô hữu ở Trung Đông. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã nói về “sự cần thiết phải duy trì và khuyến khích sự hiện diện của Kitô giáo trong khu vực” trong cuộc gặp gỡ với Vua Abdullah II của Jordan vào ngày 10 tháng 11.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio Tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng gặp Biden

Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio cho biết hôm thứ Ba rằng ngài “rất vui” nếu được gặp Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo có quan điểm nồng nhiệt ủng hộ phá thai, chuyển giới và hôn nhân đồng tính, mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Giáo Hội.

Trong một cuộc họp báo ngắn, Đức Cha Broglio, giám mục của Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ, cũng đã nói về mối liên hệ giữa đồng tính luyến ái và cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ, và mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là một “giám mục anh em”.

“Ồ, chắc chắn là tôi sẽ mong đợi bất kỳ dịp nào mà tôi có thể đối thoại với các nhà lãnh đạo chính trị ở Hoa Kỳ. Tôi không xem vai trò của mình chủ yếu là chính trị, nhưng nếu có cách nào để đưa Tin Mừng vào mọi khía cạnh của cuộc sống ở đất nước chúng ta, chắc chắn tôi sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để làm điều đó,” Đức Cha Broglio nói với các phóng viên ở Baltimore, nơi các giám mục Hoa Kỳ đang có cuộc họp mùa thu hàng năm của họ.

“Tôi biết rằng đã có một mong muốn rất lớn từ phía Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles là được gặp tổng thống và điều đó đã không thể thực hiện được. Nếu có thể trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tận dụng cơ hội đó”

“Như thế, Đức Cha muốn gặp tổng thống?” một phóng viên hỏi.

Đức Tổng Giám Mục Broglio minh xác:

“Nếu ông ta muốn gặp tôi, tôi sẽ rất vui được gặp ông ta,”

Trả lời nhiều câu hỏi hơn, Đức Cha Broglio đứng trước những bình luận trước đây mà ngài đưa ra về việc đồng tính luyến ái có liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Một phóng viên đã hỏi Broglio về một email mà ngài đã gửi vào năm 2018, trong đó ngài nói rằng “Không nghi ngờ gì rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của các linh mục ở Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp đến đồng tính luyến ái.” Nội dung của email đã được báo cáo bởi military.com.

Phóng viên đã hỏi về những suy nghĩ của Đức Cha Broglio về chủ đề này bây giờ.

“Tôi nghĩ đó chắc chắn là một khía cạnh của cuộc khủng hoảng tình dục không thể phủ nhận. Và đó chắc chắn không phải là nhằm chỉ trích bất kỳ ai, nhưng tôi nghĩ sẽ thật ngây thơ khi cho rằng không có mối quan hệ nào giữa hai chuyện đó.”

Một phóng viên khác đã hỏi Đức Cha Broglio suy nghĩ của ngài về lý do tại sao ngài được bầu, bao gồm cả những gì ngài sẽ nói với những người “sẽ mô tả cuộc bầu cử của ngài là thể hiện những ưu tiên khác với những ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Đức Cha Broglio trả lời: “Tôi nghĩ bạn có thể phải hỏi các anh em giám mục của tôi tại sao họ lại bầu chọn tôi vì tôi thực sự không biết câu trả lời cho câu hỏi đó.”

“Và theo những gì tôi biết, tôi chắc chắn hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, với tư cách là một phần của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi là giám mục anh em, chúng tôi chắc chắn biết nhau. Tôi không biết rằng việc tôi được bầu có nhất thiết chỉ ra sự bất hòa nào đó với Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Đức Tổng Giám Mục Broglio, 70 tuổi, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Cleveland vào năm 1977. Từ năm 1990 đến 2001, ngài làm thư ký riêng cho Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Ngày 27 tháng Hai, 2001, Cha Broglio được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominica và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Puerto Rico và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong tổng giám mục vào ngày 19 tháng Ba, 2001. Ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục thứ tư của Quân đội Hoa Kỳ vào năm 2008 và đã phục vụ trong vai trò đó trong 14 năm qua.

Ngài là người bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho những người phục vụ trong quân đội. Năm ngoái, ngài đã lên tiếng phản đối việc bắt buộc quân nhân tiêm vắc xin COVID-19 trái với lương tâm của họ.

Đức Cha Broglio sẽ bắt đầu nhiệm kỳ ba năm của mình với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ khi phiên khoáng đại hội đồng giám mục bế mạc vào hôm thứ Năm 17 tháng 11.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *