Phép lạ có thể liên quan đến lời cầu bầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II

1. Phép lạ có thể liên quan đến lời cầu bầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II

Một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II hiện đang được điều tra.

Vào năm 2020, Tổng giáo phận Krakow đã mở án tuyên thánh cho Karol Wojtyła, Sr., và Emilia nhủ danh Kaczorowska, song thân của Thánh Gioan Phaolô II. Trong giai đoạn đầu điều tra nguyên nhân của các ngài, một phép lạ có thể xảy ra đã được liên kết với sự cầu bầu của các vị.

Ký giả Luke Coppen của tờ The Pillar đã báo cáo rằng “Đức Ông Sławomir Oder, người cũng từng là cáo thỉnh viên cho án phong thánh của Đức Giáo Hoàng Ba Lan, nói với hãng thông tấn Công Giáo KAI rằng ngài đã nhận được nhiều báo cáo về các phép lạ liên quan đến song thân Đức Gioan Phaolô II.”

Đức Ông Oder giải thích rằng, “Tôi hiện đang chờ thu thập hồ sơ bệnh án để lấy ý kiến của các chuyên gia.”

Tuy nhiên, trước khi có thể xem xét bất kỳ phép lạ nào được báo cáo, Vatican sẽ cần khẳng định rằng hai vị đã sống một cuộc đời “đức hạnh anh hùng”. Một khi điều đó được xác nhận, hai vị sẽ được trao danh hiệu “Bậc Đáng Kính”.

Sau khi giai đoạn ban đầu này hoàn tất, các phép lạ sẽ được Vatican phân tích và chỉ cần xác minh một phép lạ để cha mẹ của Đức Gioan Phaolô II được tuyên chân phước.

Trong khi vụ án phong thánh cho các ngài vẫn còn khá sớm, các báo cáo về phép lạ là một dấu hiệu tích cực và có thể giúp vụ án tiến triển nhanh chóng.


Source:Aleteia

2. Iran tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình, tấn công tàn khốc vào các phụ nữ

Iran đã hành quyết người biểu tình thứ hai, chỉ vài tuần sau vụ hành quyết đầu tiên dù bị quốc tế lên án.

Iran cho biết họ đã tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng khắp đất nước.

Các báo cáo từ Iran cho thấy Majidreza Rahnavard đã bị treo cổ trước công chúng vào đầu ngày thứ Hai, 12/12.

Theo cơ quan tư pháp, vụ hành quyết diễn ra tại thành phố Mashhad. Majidreza bị buộc tội đâm chết hai thành viên của Lực lượng kháng chiến bán quân sự Basij. Anh bị treo cổ chưa đầy một tháng sau khi bị bắt.

Tuần trước, Iran đã xử tử một tù nhân bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra. Đây là bản án tử hình đầu tiên được biết đến liên quan đến tình trạng bất ổn đang xảy ra tại Iran.

Người bị xử tử đầu tiên được xác định là Mohsen Shekari, anh bị buộc tội dùng dao rựa làm bị thương một binh sĩ bảo vệ và chặn một con phố ở Tehran. Các nhóm nhân quyền cho rằng Shekari đã bị tra tấn và buộc phải thú nhận tội ác của mình.

Được biết, chính quyền Iran đang theo đuổi án tử hình đối với ít nhất 21 người. Ba tháng sau cuộc nổi dậy trên toàn quốc, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào giữa tháng 9 sau cái chết của Mahsa Amini khi cô bị cảnh sát giam giữ vì bị cho là đã vi phạm luật trùm đầu của đất nước.

Cảnh sát tiếp tục lập luận rằng cô chết vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng gia đình cô tin rằng cô đã bị đánh đập và tra tấn.

Trong khi đó, tờ The Guatdian tố cáo các lực lượng an ninh Iran đang nhắm vào phụ nữ trong các cuộc biểu tình chống chế độ bằng súng ngắn bắn đạn cao su vào mặt, ngực và bộ phận sinh dục của họ, theo các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ trên khắp đất nước.

Các bác sĩ và y tá – bí mật điều trị cho những người biểu tình để tránh bị bắt – cho biết họ lần đầu tiên quan sát thấy thực hành này sau khi nhận thấy phụ nữ thường đến với những vết thương khác với nam giới, là những người thường bị bắn vào chân, mông và lưng.

Trong khi biến cố mất internet đã che giấu phần lớn cuộc đàn áp đẫm máu đối với người biểu tình, những bức ảnh do các binh sĩ y tế cung cấp cho tờ Guardian cho thấy những vết thương tàn khốc trên khắp cơ thể họ do cái gọi là đạn chim, mà lực lượng an ninh đã bắn vào người dân ở cự ly gần. Một số bức ảnh cho thấy những người có hàng chục viên bi “bắn” nhỏ nằm sâu trong da thịt của họ.

The Guardian đã nói chuyện với 10 chuyên gia y tế, những người đã cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của các vết thương có thể khiến hàng trăm thanh niên Iran bị tổn thương vĩnh viễn. Các vụ bắn vào mắt phụ nữ, nam giới và trẻ em đặc biệt phổ biến, họ nói.

Một bác sĩ từ tỉnh Isfahan miền trung cho biết ông tin rằng chính quyền đang tấn công vào đàn ông và phụ nữ theo những cách khác nhau “vì họ muốn hủy hoại vẻ đẹp của những người phụ nữ này”.

“Tôi đã điều trị cho một phụ nữ ngoài 20 tuổi, cô ấy bị hai viên đạn bắn vào bộ phận sinh dục. Mười viên khác găm vào đùi của cô ấy. 10 viên này được lấy ra dễ dàng, nhưng 2 viên bắn vào bộ phận sinh dục là một thách thức, vì chúng nằm giữa niệu đạo và lỗ âm đạo của cô ấy”, bác sĩ cho biết. “Có nguy cơ nhiễm trùng âm đạo nghiêm trọng, vì vậy tôi đã bảo cô ấy đến một bác sĩ phụ khoa đáng tin cậy. Cô ấy nói rằng cô ấy đang phản đối thì một nhóm khoảng 10 binh sĩ an ninh đi vòng quanh và bắn vào bộ phận sinh dục và đùi của cô ấy.”

Bị tổn thương bởi trải nghiệm của mình, vị bác sĩ – người giống như tất cả các chuyên gia y tế được trích dẫn trong bài báo này đã nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù – cho biết ông đã gặp khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng và nỗi đau mà ông đã chứng kiến.

“Cô ấy vào tuổi con gái của tôi.”

Một số chuyên gia y tế khác cáo buộc lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng dân quân Basij ủng hộ chế độ đáng sợ này, đã phớt lờ các biện pháp kiểm soát bạo loạn, chẳng hạn như các biện pháp chỉ cho bắn vũ khí vào chân và cẳng chân để tránh làm tổn thương các cơ quan quan trọng.

Bộ ngoại giao đã được tiếp cận để bình luận về những cáo buộc của các binh sĩ y tế nhưng vẫn chưa phản hồi.


Source:The Guardian

3. Đức Hồng Y Ouellet người Canada kiện người cáo gian ngài

Hôm thứ Ba, 13 tháng 12, Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ cho biết ngài chính thức nộp đơn kiện một phụ nữ đã cáo buộc ngài tấn công tình dục hơn một thập kỷ trước khi ngài còn là tổng giám mục của Quebec.

Đức Hồng Y Ouellet, hiện là một quan chức nổi tiếng của Vatican, đã bị nêu tên vào tháng 8 trong một vụ kiện tập thể chống lại tổng giáo phận Công Giáo Quebec trong đó cáo buộc các vụ tấn công tình dục của khoảng 88 giáo sĩ và nhân viên làm việc ở đó bắt đầu từ năm 1940.

Ngài đã phủ nhận các cáo buộc vào thời điểm đó và một lần nữa trong một tuyên bố công bố vụ kiện hôm thứ Ba.

Trong hồ sơ gửi lên Tòa án Tối cao Quebec vào tháng 8, một người khiếu nại ẩn danh cáo buộc rằng Ouellet đã chạm vào cô ấy một cách không thích hợp và đưa ra những bình luận khiến cô ấy cảm thấy khó chịu trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, khi cô ấy còn là một thực tập sinh ở độ tuổi 20 trong tổng giáo phận.

Một bản sao của vụ kiện, mà Reuters được xem, nói rằng vị Hồng Y đang đòi bồi thường 100,000 đô la từ một người phụ nữ chỉ được xác định là “Cô F” và rằng ngài sẽ quyên góp bất kỳ số tiền nào giành được cho “cuộc chiến chống lạm dụng tình dục người bản địa Canada.”

Vatican cho biết vào tháng 8 rằng sau khi xem xét sơ bộ các cáo buộc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không có đủ bằng chứng để mở một cuộc điều tra giáo luật về các cáo buộc.

Đức Hồng Y Ouellet cho biết trong tuyên bố hôm thứ Ba: “Tôi chưa bao giờ phạm tội vì những hành vi đáng trách này, càng không phải vì những hành vi bị cáo buộc chống lại các thành viên khác của hàng giáo phẩm được trích dẫn trong vụ kiện tập thể. Sự liên kết không phù hợp này, được xây dựng có chủ ý và lan truyền rộng rãi với mục đích xấu, phải bị tố cáo.”

Đức Hồng Y Ouellet cho biết ngài đang thực hiện hành động pháp lý về tội phỉ báng trước tòa án Quebec “để chứng minh sự sai trái của những cáo buộc chống lại tôi và để khôi phục danh tiếng và danh dự của tôi.”


Source:Reuters

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *