Tổng quan Kinh Thánh: Bài 2 – Địa lý Thánh Kinh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học đầu tiên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái niệm Thánh Kinh là gì. Hôm nay, chúng ta cùng khám phá Địa lý Thánh Kinh. Để bắt đầu, xin hỏi cộng đoàn, khi nói đến Địa lý Thánh Kinh, cộng đoàn nghĩ về mảnh đất nào? Nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến Béth-le-hem, nơi Chúa Giê-su sinh ra, hay Ga-li-lê, nơi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ, hay Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-su kết thúc sứ vụ, với biến cố chết và phục sinh. Hôm nay, chúng ta không dừng lại ở những địa danh quen thuộc này mà chúng ta nhìn vào một miền đất rộng lớn hơn, tổng quát hơn để qua đó chúng ta khám phá ra Thiên Chúa, Đấng vô hạn đã hạ cố bước vào thế giới hữu hạn bao gồm lịch sử và địa lý của con người.

Trong bài học hôm nay, chúng ta tìm hiểu những câu hỏi: Tại sao cần tìm hiểu Địa lý Thánh Kinh? Thế giới Thánh Kinh bao gồm những vùng đất nào? Đâu là những đặc tính của những vùng đất ấy? Những mảnh đất ấy có tầm quan trọng thế nào đối với chúng ta?

II. NỘI DUNG

1. Tại sao cần tìm hiểu Địa lý Thánh Kinh?

– Mặc khải Thánh Kinh dành cho mọi người thuộc mọi thời đại, nhưng được ban trước tiên cho những con người sống trong những nơi và những thời nhất định.

– Ví dụ: Chúng ta nhìn vào bản đồ cuộc hành trình của Ab-ra-ham. Vào khoảng 2500, Chúa gọi Ab-ram từ thành Ur đến miền đất Chúa sẽ chỉ cho. Ông ra đi, xuất phát từ thành Ur (St 11:31) băng qua Ba-by-lon, Ma-ri, Kha-mát, Đa-mát, Khép-rôn và dừng chân tại Mem-phis (St 12,10-20).  Khi Sa-ra chết, Ab-ra-ham đã mua từ người Khết một mảnh đất và ngôi mộ, trong đó Sa-ra được chôn cất (St 23). Tại mảnh đất đó, Ab-ra-ham cũng được chôn cất cùng với vợ mình (St 25,10).

– Chính những hoàn cảnh cụ thể về con người, nơi và thời này đã mặc cho mặc khải một bộ mặt nhân loại cụ thể. Sự hiểu biết về địa lý và khung cảnh lịch sử sẽ giúp ta hiểu thêm bộ mặt nhân loại này, và qua đó lãnh hội được sứ điệp chứa đựng trong Thánh Kinh (DNTHTK, “Đất” CƯ II).

2. Thế giới Thánh Kinh gồm những miền đất nào và đâu là những đặc tính của chúng?

Khi nói đến địa lý Thánh Kinh, đặc biệt là Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta phải biết đến hai bản đồ trọng tâm: Bản đồ vùng Cận Đông, hay ngày nay gọi là Trung Đông và Bản đồ miền Đất hứa Canaan, và ngày nay gọi là Pa-lét-tin.

Trước tiên, chúng ta nhìn vào bản đồ thứ nhất. Chúng ta thấy khu vực có liên quan nhiều đến lịch sử Cựu Ước là vùng tiếp giáp giữa ba châu: Á, Âu, Phi. Đây chính là vùng Cận Đông. Vùng Cận Đông kéo dài từ Ai Cập ở phía Nam đến Tiểu Á ở phía Bắc, và từ Ba-tư ở phía Đông, và đến châu Âu ở phía Tây.

a. Khu vực phía Nam: Ai-cập

– Ai-cập nằm tại chóp đỉnh phía Đông Bắc của Châu Phi, sát biên giới Xi-nai và Pa-lét-tin, được bao quanh bởi các sa mạc ở phía Đông và phía Tây. Thủ đô khi thì ở phía Bắc với cái tên Memphis, khi thì ở phía Nam với cái tên Thê-bê.

– Mạng sống của Ai Cập là dòng sông Nile, dài khoảng 6000 km, nhờ đó một nền văn minh đã phát sinh từ 3000 năm tCn, Ai-cập đã là một dân tộc dưới quyền cai trị của các triều đại Pha-ra-ô, những người tự coi mình là thần minh.

– Ai-cập là mảnh đất gắn liền với lịch sử Dân Thiên Chúa, bắt đầu từ Ab-ra-ham. Khoảng 2000 năm tCn, Ab-ra-ham đã đến Ai-cập (St 12,10-20). Rồi đến Giu-se, con ông Gia-cóp, bị anh em mình bán sang Ai-cập (St 39), và từ đó một dân tộc lớn mạnh được hình thành.

b. Khu vực phía Bắc

– Khu vực này nằm ở vùng cao nguyên Tiểu Á. Sắc dân hùng mạnh nhất của khu vực này là dân Khết (Hittites). Khết là một dân thuộc gốc Ấn-Âu đã đi vào vùng Tiểu Á khoảng 2000 tCG. Chính nơi mảnh đất này, Ab-ra-ham và Sa-ra vợ ông được chôn cất (x. St 23-25).

c. Khu vực phía Đông: Lưỡng Hà Địa (Mesopotamia)

– Khu vực phía Đông nằm giữa hai con sông Tigris và Êuphrát nên được gọi là Lưỡng Hà Địa (tiếng Hy Lạp, Mesopotamia, có nghĩa là giữa những con sông).

– Khu vực này rất phì nhiêu vì nhờ phù sa của hai con sông lớn. Khu vực này còn có hình lưỡi liềm nên cũng được gọi là Vùng Lưỡi Liềm Trù Phú. Vùng đất này được chiếm đóng bởi nhiều đế quốc khét tiếng như: Sy-ri-a, Assy-ri-a, Ba-by-lon, Ba-tư, Hy-lạp, và Rô-ma.

– Ngày nay, vùng Lưỡi Liềm Trù Phú được phân chia từ Đông qua Tây bởi: I-rắc, Sy-ri-a, Lê-ba-non, Gio-đan và Ít-ra-en.

d. Địa lý vùng Pa-lét-tin

Chúng ta đến với bản đồ thứ hai. Bản đồ đất Ca-na-an, ngày nay gọi là Pa-lét-tin, hay chúng ta quen gọi là “đất thánh”, một dải bề mặt trái đất tiếp giáp Địa Trung Hải ở điểm tận cùng phía tây nam lục địa châu Á.

 

– Pa-lét-tin nằm trong vùng Lưỡi Liềm Trù Phú, và được ví như một hành lang nối kết Á, Âu và Phi Châu. Hành lang này có nhiều tên. Trước khi người Do Thái đến cư ngụ, miền đất này được gọi là Ca-na-an. Sau đó đổi tên thành Ít-ra-en. Tên gọi Ít-ra-en ám chỉ đến toàn bộ đất nước trước khi bị phân chia. Sau cái chết của vua Sa-lô-môn (921/922 tCn), Ít-ra-en bị phân tán, thì tên gọi Ít-ra-en ám chỉ cho vương quốc miền Bắc, còn vương quốc miền Nam có tên là Giu-đa. Khi người Hy-lạp đô hộ thì đổi thành Pa-lét-tin (chỉ vùng đất của người Phi-lit-tinh nằm dọc theo bờ biển tây nam Ca-na-an).

– Dưới thời đế quốc Rô-ma, hoàng đế Rô-ma A-dri-a-nô xóa tên Giu-đa trong thuật ngữ chính trị và gọi vùng đất này là tỉnh Sy-ria Pa-lét-tin, ngày này trở thành Pa-lét-tin.

– Miền đất của Pa-lét-tin có diện tích khoảng 25.000 km2, chiều dài nhất 240 km, chiều rộng từ 40 đến 150 km, có thể được chia thành 4 phần chính từ Tây sang Đông: đồng bằng ven Địa Trung Hải, cao nguyên trung phần, thung lũng sông Gio-đan, và cao nguyên bên kia sông Gio-đan.

III. KẾT LUẬN

Giữa muôn vàn dân tộc, Thiên Chúa đã chọn Ít-ra-en làm dân riêng. Thiên Chúa đặt dân này nằm ở nút giao của thế giới. Nó là hành lang của thế giới. Trong thế giới Cận Động cổ, các ngả đường thương mại cũng như chính trị giữa châu Phi, Á và Âu đều ngang qua mảnh đất này.

Vượt trên tầm quan trọng về kinh tế và chính trị, miền đất Ít-ra-en hay còn gọi là Pa-lét-tin, mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Thiên Chúa đặt Ít-ra-en trên nút giao của thế giới, để chính dân ấy trở thành ánh sáng cho muôn dân. Muôn dân có thể chứng kiến một dân được chúc phúc hay bị nguyền rủa bởi Thiên Chúa phụ thuộc vào việc họ sống tuân phục hay bất tuân Lề luật của Người.

Chính nơi mảnh đất này, Thiên Chúa đã đến và cắm lều ở giữa nhân loại. Tại Beth-le-hem, miền Nam nước Ít-ra-en, Thiên Chúa đến để ngụ ở giữa loài người nơi Hài Nhi Giê-su. Tại “Ga-li-lê của các dân tộc”, Chúa Giê-su đã bắt đầu sứ vụ. Và cũng chính tại Ga-li-lê, sau biến cố khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem, Đấng Phục Sinh đã hẹn gặp các môn đệ và sai các ông đến với muôn dân. Chính từ Ga-li-lê, Tin Mừng cứu độ đã khởi đi, và Tin Mừng ấy đang được lan tỏa đến tận cùng thế giới.

IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP

(Trong bài học kết tiếp, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tổng quát Lịch sử Thánh Kinh.)

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *