Bài 8 – Sách Xuất hành – Phần 2 || Tổng quan Thánh Kinh

SÁCH XUẤT HÀNH
PHẦN II: HÀNH TRÌNH TRONG SA MẠC (XH 16-18)

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước chúng ta đã kết thúc Phần I (Xh 1-15) sách Xuất hành. Hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu Phần II từ chương 16-18. Sau khi cho chúng ta chứng kiến phép lạ kỳ diệu về việc Chúa đưa dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ, trình thuật sách Xuất hành nhanh chóng di chuyển tới cuộc gặp gỡ vĩ đại với Thiên Chúa tại núi Xi-nai. Từ câu 16 đến 18, sách Xuất hành diễn tả cuộc hành trình của Ít-ra-en trong sa mạc. Câu hỏi lớn nhất mà Ít-ra-en đặt ra trong sa mạc: Liệu Đức Chúa có ở giữa chúng ta không? Ngược lại câu hỏi Thiên Chúa đặt ra cho Ít-ra-en: Các ngươi có nhìn nhận ta là Thiên Chúa của các  ngươi bằng cách tuân giữ mệnh lệnh Ta không? (x. Xh 16,4.28).

II. NỘI DUNG

1. Sa mạc yêu thương

Trong sa mạc, Thiên Chúa có ở với Ít-ra-en không? Vùng sa mạc mà Ít-ra-en phải băng qua là một miền đất cằn cỗi, cát lún, khô cháy và tối tăm, miền đất không người lai vãng, chẳng ai cư ngụ (x. Gr 2,6). Trong sa mạc khô cằn này, Thiên Chúa thử thách đức tin và tình yêu của Ít-ra-en. Trong cảnh bất an, thiếu nước, thiếu thịt, Thiên Chúa muốn Ít-ra-en học cách sống bám víu vào Chúa. Nhưng ngay những giai đoạn đầu, Ít-ra-en đã than trách Chúa. Dân Ít-ra-en nuối tiếc nếp sống bên Ai-cập. Ở Ai-cập cuộc sống đó dù có nặng nhọc đến đâu đi nữa Ít-ra-en cũng thích hơn cuộc sống khác thường chỉ trông cậy vào sự chăm sóc của Thiên Chúa. Thà một kiếp sống tôi đòi còn hơn là hiểm hoạ chết chóc, thà ăn bánh và thịt còn hơn là ăn man-na vô vị. Như vậy cuộc sống nơi sa mạc cho thấy rõ tâm hồn con cái nhà Ít-ra-en không thể thắng vượt được thử thách họ phải chịu. Trước sự yếu đuối và phản loạn của Ít-ra-en, Thiên Chúa không bỏ ý định của mình. Đối với dân than trách và phản loạn, Chúa không ngừng chăm sóc họ qua việc ban cho họ thức ăn và nước uống kỳ diệu.

2. Man-na (Xh 16)

Thiên Chúa đã làm gì khi dân đói? Thiên Chúa chăm sóc dân Ít-ra-en qua ân huệ ban “man-na”. “Man-na” nghĩa là gì? Thuật ngữ “Man-na” (man-hu), trong tiếng Do-thái, không có nghĩa là bánh. Nó đơn thuần có nghĩa là: “Cái gì đây?”. Khi con cái Ít-ra-en thấy có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất, họ liền hỏi nhau: “Man-hu?” Nghĩa là: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Khi cung cấp cho Ít-ra-en thức ăn này, Thiên Chúa biểu thị cho họ sự hiện diện hữu hiệu của Người (Xh 16,12). Như Chúa phán với Ít-ra-en: “Hãy đong cho đầy một đấu để giữ lại cho con cháu các ngươi; như thế, chúng sẽ thấy bánh Ta đã cho các ngươi ăn trong sa mạc, lúc Ta đem các ngươi ra khỏi đất Ai-cập” (Xh 16,32). Như vậy, đối với dân Ít-ra-en, man-na là phương thế minh chứng sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa dành cho họ.

Man-na không đơn thuần là một thứ thức ăn mà Chúa nuôi Ít-ra-en trong sa mạc, nó còn mang giá trị biểu trưng. Thay vì chỉ dựa vào lương thực trần thế, con người phải trông cậy trước hết vào những lương thực bởi trời, là lương thực huyền nhiệm mà man-na biểu trưng; đó là Lời Thiên Chúa (Đnl 8,2). Nơi sa mạc Đức Ki-tô đã xác nhận bài học Cựu ước này bằng chính kinh nghiệm của Người: “Con Người không chỉ sống bằng bánh mà còn bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,1-4). Man-na đã được chuẩn bị cho việc mặc khải bánh thật từ trời (Ga 6,31). Bánh thật bởi trời không phải thứ man-na ăn vào vẫn chết, nhưng chính là Đức Giê-su (Ga 6,32) mà các Ki-tô hữu lãnh nhận nhờ đức tin. Đó là mình và máu Đức Giê-su ban cho thế gian được sống.

Nơi Phụng vụ Thánh Thể, Đức Giê-su tiếp tục ban cho chúng ta Mình và Máu Thánh Người. Nhờ đó, chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh của Thiên Chúa và sống chính sự sống vĩnh cửu của Ngài.

3. Nước từ “Đá Tảng” (Xh 17)

Thiên Chúa đã làm gì khi dân khát? Thiên Chúa ban cho họ nước vọt lên từ Đá tảng. Nơi sa mạc khô cằn, Thiên Chúa tỏ lộ Người làm chủ tạo vật bằng cách cho nước vọt ra từ lòng đất khô cứng, từ đá tảng Mê-ri-ba (Xh 17, 6). Chúng ta dừng tại đây và tự hỏi: Làm sao từ đá tảng nước vọt lên được. Đây là phép lạ kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện trước mặt toàn thể Ít-ra-en.

Nước và đá tảng ở đây con mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Trước hết, Đá tảng được mô tả giống như một con người bước đi với Ít-ra-en vào trong sa mạc, rồi lên núi, và đi vào chiến trận. Trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa được diễn tả là Đá tảng. Sách Đệ Nhị Luật có nói: Thiên Chúa là Đá tảng, sự nghiệp Người hoàn hảo (Đnl 32,4). Vua Đa-vít tán tụng Thiên Chúa là Núi đá: “Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng” (2 Sm 22,3). Ngôn sứ I-sai-a kêu mời Ít-ra-en: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4).

Thứ đến, nước vọt ra từ Đá tảng còn tiên báo thời cánh chung. Vào thời cứu rỗi, một dòng sông sẽ từ Đền thánh chảy ra và biến thánh địa thành thiên đàng. Phép lạ hồng ân này được hoàn thành trong Tin Mừng: Chúa Giê-su được Thần Khí ngự xuống trên mình. Người mở mạch nước hằng sống cho những kẻ thuộc về Người bằng cách ban phát Thần Khí cho họ (Ga 7,37). Người là Đá tảng của dân mới đang trên đường hướng về sự giải thoát. Thánh Phao-lô nói rằng ngay từ Cựu ước Người đã là Đá tảng: “Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô” (1 Cr 10,4).

4. KẾT

Hành trình trong sa mạc là hành trình đức tin, một cuộc hành trình đong đầy những thử thách, những thất bại nơi con cái nhà Ít-ra-en, nhưng đồng thời đong đầy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong cuộc xuất hành này, Thiên Chúa thanh luyện tình yêu của Ít-ra-en, chuẩn bị tâm hồn họ sẵn sàng đón nhận Giao ước. Qua cuộc hành trình này, Ít-ra-en học được bài học quý giá, đó là Thiên Chúa luôn ở giữ họ. Thiên Chúa là Đấng thỏa mãn mọi cái đói, cái khát nơi họ. Đối với chúng ta, trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay, Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng ta. Một cách đặc biệt, nếu Ít-ra-en đã ăn man-na và đã chết, thì chúng ta hôm nay nhờ Đức Giê-su, Đấng ban cho chúng ta chính Mình và Máu Thánh Người, chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh trường sinh và nước hằng sống. Đức Giê-su khẳng định với chúng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống.” (Ga 6,54)

Bài học tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau tìm phần cuối cùng nói về Giao ước Núi Xi-nai.

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

https://www.tonggiaophanhanoi.org/bai-8-sach-xuat-hanh-tong-quan-thanh-kinh/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *