Đức Tổng giám mục Pao-lo Pez-zi, Tổng giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mascơva, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, nhận định rằng cuộc viếng thăm mới đây của Đức Hồng y Mat-te-o Zup-pi, phái viên của Đức Thánh cha Phanxicô, để gặp gỡ các vị lãnh đạo chính trị và Giáo hội Chính thống Nga về vấn đề nhân đạo, là một tia sáng hòa bình, nhưng người ta vẫn chưa thấy ”cuối đường hầm”.
Đức Tổng giám mục Pez-zi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI tại Roma vừa qua, đưa ra nhận định trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi hôm 25 tháng Mười vừa qua. Đức Hồng y Zup-pi đã gặp Ngoại trưởng Nga Lav-rov, một vị cố vấn của Tổng thống Putin và một vị đặc trách các vấn đề nhân quyền trẻ em, và ngài cũng gặp Đức Thượng phụ Chính thống Nga. Trọng tâm các cuộc gặp gỡ là vấn đề hồi hương các trẻ em Ucraina bị bắt đưa sang Nga, và việc trao đổi các tù binh.
Đức Tổng giám mục Pez-zi nói: ”Tôi thấy cuộc viếng thăm này rất tốt. Thành quả đầu tiên, như Đức Giáo hoàng nhiều lần nhắc đến, đó là việc xây những cây cầu, luôn giữ cho các cửa mở. Và điều này rất quan trọng vì cho thấy điều tốt nơi người khác, một cái gì tích cực, không như một kẻ thù hay một người cạnh tranh. Hiện thời, trong những tình trạng xung đột, sự quay ngược viễn tượng, một sự thay đổi 180 độ, là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Zup-pi đi theo chiều hướng đó, ngay từ cuộc viếng thăm đầu tiên và nay được củng cố trong lần viếng thăm thứ hai vừa qua….
Tuy nhiên, Đức Tổng giám mục Pez-zi cũng nhìn nhận rằng: ”Tôi phải thành thật mà nói: tôi không có cảm tưởng là có một sự sẵn sàng hay thực sự muốn hòa mình, tôi thấy những lợi lộc khác trổi vượt hơn. Giờ đây, trong một tình trạng như vậy, giữ cho cánh cửa mở là điều giống như một phép lạ, một cái gì nâng đỡ hy vọng. Vì khi ta chưa thấy đoạn cuối đường hầm, điều có thể thúc đẩy ta di chuyển trong bóng đen, chính là xác tín chắc chắn là có cuối đường hầm, đó là ánh sáng, nhưng cũng cần có kiên nhẫn mò mẫm. Những cuộc viếng thăm như của Đức Hồng y Zup-pi đi theo chiều hướng đó. Chắc chắn viễn tượng hướng tới là ánh sáng, nghĩa là hòa bình, nhưng thật khó nhìn thấy trong bóng đêm với những tia sáng le lói. Những hoạt động như của Đức Hồng y Zup-pi là những tia sáng, là bước tiến dẫn đến hòa bình. Đối với tôi, hiện nay khi nào và bằng cách nào có hòa bình, đó là điều thật là khó thấy và khó có thể nói là khi nào”.