Trẻ khuyết tật, họ là ai?

Trẻ khuyết tật, họ là ai?

Trẻ khuyết tật, họ là ai? Tạ ơn Chúa đã dẫn tôi về Nhà yêu thương và dạy dỗ. Từ khi được Chúa gọi (trong giấc mơ) đến nay tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ và hành động đối với trẻ khuyết tật. Trước đây, khi chưa theo Đạo mỗi khi nhìn thấy người khuyết tật tôi có chút sợ hãi họ. Và ở quê tôi có một anh không bình thường về trí tuệ thường xuyên bị các em nhỏ trêu ghẹo để mua vui. Những lúc như vậy tôi không biết suy nghĩ gì và làm gì.

Sau khi được Rửa tội và Theo Đạo (năm 2019) được Lời Chúa soi sáng thông qua việc đọc Kinh Thánh, đọc những bài viết và nghe những bài giảng của Quý Đức Cha cũng như Quý Linh mục tôi đã biết phải làm gì và thay đổi thái độ với các trẻ này. Thứ nhất, những việc phải làm là ở cùng, chơi cùng và phục vụ các em. Cụ thể , chiều ngày 17/10/2024 tôi đã cùng một số bạn trẻ khác trong Giới trẻ Đa Minh đã đến Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật THIÊN PHƯỚC địa chỉ 156 Võ Thị Liễu, P. An Phú Đông, Q.12 để chơi cùng các bé và nấu món Hủ tiếu xương cho các bé ăn.

Khi thấy chúng tôi đến một vài em vui vẻ chào đón chúng tôi, thậm chí có em còn ôm chúng tôi. Điều đó cho thấy ngoài khiếm khuyết thể lý các em còn thiếu thốn và chịu nhiều thiệt thòi về phương diện tình cảm. Đây cũng là một khuyết tật mới của thời đại ngày nay đối với những trẻem lành lặn về mặt thể lý, khi mà việc chuyện trò tâm tình giữa cha mẹ và con cái ít đi và sợi dây gắn kết tình cảm giữa những thành viên trong gia đình đã bị thay thế bởi điện thoại thông minh, bởi máy tính , bởi những mối quan hệ bên ngoài gia đình và bởi áp lực học tập (trẻ học cả ngày trên trường tối về nhà học thêm và học báo bài, người lớn làm việc 8 tiếng/ngày, trẻ em bây giờ học hơn 10 tiếng/ngày).

Câu hỏi đặt ra : chúng ta là những nhà giáo chúng ta phải làm gì để giúp các em giải quyết vấn đề này. Thứ hai, trên đường đi chúng tôi nghĩ rằng mình đi giúp các em, nhưng thực tế ngược lại. Nhìn thấy các em chúng tôi đã nói rằng: chúng ta thật may mắn và hạnh phúc biết bao khi được Chúa ban cho bản thân và gia đình mỗi người một thân thể trọn vẹn và lành mạnh.

Như vậy chúng tôi không làm được gì nhiều cho các em khuyết tật, nhưng các em ấy đã làm chúng tôi nhận ra mình hạnh phúc. Như tựa đề bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô với người bệnh và người khuyết tật ngày 12-6 “THƯƠNG TÍCH CỦA CHÚNG TA, NGÀI ĐÃ MANG LẤY”, các em ấy cũng đã mang lấy thương tích của chúng ta. Vậy việc chúng ta cần phải làm là lòng biết ơn Chúa và niềm vui sống hy sinh, phục vụ và loan báo tin mừng đến muôn loài thọ tạo, như Chúa đã truyền lệnh khi xưa cho các Tông đồ.

*Bạn trẻ Đa minh*

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *