Buenos Aires –Nâng cao nhận thức trong cộng đồng Công giáo về tính cấp bách của việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; khuyến khích một cuộc sống tập trung vào Tin Mừng, trong đó bao gồm mối liên hệ với Thiên Chúa, với anh em và với tất cả tạo vật; làm cho tiếng nói của cộng đồng Công giáo được lắng nghe trong các diễn đàn quốc tế lớn: Đây là sứ mệnh của Phong trào Công giáo Thế giới về khí hậu (GCCM), tập hợp hơn 300 tổ chức Công giáo (một nửa ở Châu Mỹ) lấy cảm hứng từ học thuyết của Giáo Hội, Thông điệp của ĐGH Phanxicô “Laudato Si”.
Theo Giáo sư Pablo Canziani người Argentina, nhà vật lý và nhà nghiên cứu Công giáo, chủ tịch của Conicet (Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia), giải thích cho Hãng tin Fides: “Phong trào hướng đến các giáo xứ, trường học, các phong trào của Giáo hội và các tổ chức Công giáo không những về hoạt động giáo dục, mà còn về cầu nguyện “.
Giáo sư lưu ý rằng: “Chúng ta cần phải làm việc trước để trong các cuộc gặp đa phương về biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy các nước giảm lượng khí thải cácbon và, mặt khác, có thể giúp nạn nhân thiên tai chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp”. Phong trào đã chuẩn bị tài liệu Mùa Chay cho việc suy tư và cầu nguyện, hữu ích cho cả phụng vụ, liên quan đến các chủ đề bảo vệ môi trường, được lấy từ Thông điệp “Laudato Si”.
GCCM được sinh ra từ ý tưởng của Tomás Insúa, một nhà nghiên cứu người Argentina ở Harvard. Lo lắng về sự vắng mặt của cộng đồng Công giáo trong các diễn đàn quốc tế về lãnh vực này, trong một chuyến viếng thăm quê hương, vào năm 2014 ông Insúa đã gặp Ủy ban Giáo dân của HĐGM và sau cuộc đối thoại với Ủy ban, ông đã có những buổi tiếp xúc với Phong trào về khí hậu đã hiện diện ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác . Kết quả là với sự chấp thuận của các Giám mục Phong trào được khai sinh.
Phong trào dấn thân thúc đẩy các nguyên tắc về môi trường và tính bền vững, xuất bản và phổ biến sách hướng dẫn cho các trường học và cơ sở Công giáo và thúc đẩy các kỹ thuật viên và chuyên gia có thể tổ chức các cuộc họp về “lối sống vì một môi trường bền vững”.
Canziani tin rằng các công dân có thể làm rất nhiều trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường. Thay đổi diễn ra “từ dưới lên trên”. Vì thế với vai trò là cử tri, công dân có thể làm rất nhiều, như lựa chọn vị đại diện của họ, giám sát chính sách về môi trường. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể lựa chọn tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ từ các công ty môi trường bền vững. Chìa khóa để làm cho mọi người nhận thức được tầm quan trọng của hành vi của họ là giáo dục. Trong việc đào sâu “Laudato Si” chủ yếu là hướng đến giúp cho người giáo dân ý thức được trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường. Họ có thể tham gia “đi bộ trên đường phố và có thể góp phần truyền đạt kiến thức về môi trường”.
Canziani nói: GCCM được tài trợ bởi sự đóng góp cá nhân và các tổ chức và phụ thuộc rất nhiều vào việc các Giáo hội địa phương có thể thấm nhập được tinh thần của Thông điệp.
Phong trào đã làm việc tích cực trong các hội nghị quốc tế gần đây về biến đổi khí hậu, đã kêu gọi các cơ sở Công giáo từ chối sự đóng góp tài chính đến từ các công ty dầu lửa, cổ vũ các công ty sử dụng năng lượng sạch. Đối với chiến dịch này Phong trào đã nhận được sự ủng hộ nhưng cũng có khiếu nại từ một số lĩnh vực kinh doanh. (Agenzia Fides 12/03/2018)
Ngọc Yến