Ba Lan kỷ niệm biến cố Đức Mẹ Fatima “bị giam giữ” tại Sân bay Warsaw

1. Hoa Kỳ tin rằng cuộc tấn công điện tặc nhắm vào JBS SA của Brazil là xuất phát từ Nga

JBS SA của Brazil nói với chính phủ Hoa Kỳ rằng một cuộc tấn công ransomware nhằm vào công ty làm gián đoạn hoạt động sản xuất thịt ở Bắc Mỹ và Úc Đại Lợi bắt nguồn từ một tổ chức tội phạm có thể có trụ sở tại Nga, Tòa Bạch Ốc cho biết như trên hôm thứ Ba.

JBS, công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới, cho biết vào tối thứ Ba rằng họ đã đạt được “tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết cuộc tấn công mạng.” Theo một tuyên bố của công ty này, “đại đa số” nhà máy thịt bò, thịt heo, gia cầm và thực phẩm chế biến sẵn của công ty đã đi vào hoạt động vào thứ Tư 2 tháng 6, giảm bớt lo ngại về giá thực phẩm gia tăng.

Cuộc tấn công mạng diễn ra vào tháng trước bởi một nhóm có quan hệ với Nga trên Colonial Pipeline, là đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Hoa Kỳ, đã làm tê liệt việc cung cấp nhiên liệu trong vài ngày ở Đông Nam Hoa Kỳ.

JBS đã ngừng giết mổ gia súc tại tất cả các nhà máy ở Mỹ vào hôm thứ Ba, theo các quan chức công đoàn. Hôm thứ Hai, cuộc tấn công đã khiến các hoạt động của công ty ở Úc Đại Lợi phải ngừng hoạt động.


Source:Reuters

2. Ba Lan kỷ niệm biến cố Đức Mẹ Fatima “bị giam giữ” tại Sân bay Warsaw

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường” cho biết hôm thứ Ba 1 tháng 6, ngày lễ kính nhớ Bậc Đáng kính Stefan Wyszyński, người bạn chiến đấu của Thánh Gioan Phaolô II, và sắp được tuyên phong Chân Phước, người Công Giáo Ba Lan cũng nhớ đến câu chuyện Đức Mẹ Fatima “bị bắt” tại Sân bay Warsaw.

Người Ba Lan liên kết lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima trước hết và quan trọng nhất với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đặc biệt là sau sự sống sót kỳ diệu của ngài trong vụ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Nhưng thông điệp của Fatima đã được biết đến ở Ba Lan sớm hơn nhiều.

Những câu chuyện về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ năm 1917 ở Bồ Đào Nha đã đến được Ba Lan ngay giữa Thế chiến thứ Nhất.

Ngay sau Thế chiến thứ Hai, vào tháng 10 năm 1945, các giám mục Ba Lan đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô XII và quyết định hiến dâng Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là điều mà Đức Maria đã yêu cầu khi hiện ra ở Fatima. Những nỗ lực về mặt này chủ yếu được thực hiện bởi Đức Hồng Y August Hlond, Giáo Chủ Ba Lan, đã được tuyên phong Tôi tớ Chúa.

Việc cung hiến diễn ra trong ba giai đoạn: đầu tiên tại các giáo xứ của Ba Lan vào ngày 7 tháng 7 năm 1946, sau đó ở cấp giáo phận vào ngày 15 tháng 8, và cuối cùng vào ngày 8 tháng 9, cả nước được cung nghinh Trái Tim Đức Trinh Nữ Maria.

Những sự kiện này có sự tham dự của một thành viên mới của Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Cha Stefan Wyszyński, được tấn phong giám mục vào ngày 12 tháng 5 năm 1946. Cuộc đời và sứ vụ của ngài chủ yếu gắn liền với đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra, nên thông điệp Fatima có một ý nghĩa rất lớn với ngài.

Đức Hồng Y Wyszyński được ghi nhận là người đã giúp bảo tồn và củng cố Kitô Giáo ở Ba Lan bất chấp các cuộc đàn áp của chế độ cộng sản từ năm 1945 trở đi.

Ngài được gọi là “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” bởi vì trong tư cách là Giáo chủ Ba Lan, ngài đã giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm trên toàn quốc vào năm 1966 biến cố 1000 năm Ba Lan đón nhận ánh sáng Tin Mừng.

Chế độ Cộng sản ở Ba Lan đặc biệt phản đối Đức Mẹ Fatima bởi vì trong những lần hiện ra, Đức Trinh Nữ Maria đã kêu gọi những lời cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga, trực tiếp gọi chủ nghĩa Cộng sản là “sự tuyên truyền vô thần” và đề cập đến tội ác của những người Bolshevik.

Không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các hình thức sùng kính liên quan đến Fatima đều bị bọn cầm quyền Ba Lan xem là rất bất lợi. Cộng sản cấm không cho đưa tượng Đức Mẹ Fatima vào Ba Lan.

Năm 1961, một người mang lén được một bức tượng Đức Mẹ Fatima vào Ba Lan tặng cho Đức Hồng Y Wyszyński. Lo sợ bị tịch thu, ngài đưa bức tượng đến một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Krzeptówki tuốt trên dãy núi Tatra của Ba Lan. Bức tượng vẫn ở đó cho đến nay.

Bức tượng thứ hai đặt chân đến Ba Lan là một trong 45 bức tượng được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục thánh hiến vào năm 1967 tại Fatima. Năm 1969, một linh mục Ba Lan sử dụng hộ chiếu Hoa Kỳ đưa được bức tượng vào Ba Lan. Đức Hồng Y Wyszyński đã chuyển tượng Đức Mẹ Fatima đến một nhà thờ của dòng Phanxicô ở Niepokalanów. Tuy nhiên, vì sợ bị tịch thu, bức tượng không được trưng bày công khai trong nhà thờ mà được cất giữ trong tu viện của dòng Phanxicô.

Câu chuyện thú vị nhất được kết nối với bức tượng thứ ba, đến Ba Lan bằng đường hàng không vào đầu tháng 5 năm 1978. Đó là bức tượng Đức Mẹ thực hiện chuyến “Hành hương Hòa bình Thế giới”, bắt đầu ở Fatima.

Các thành viên của “Đội quân xanh” mang bức tượng đi vòng quanh thế giới. Năm 1973, bức tượng này đã đến miền Nam Việt Nam và được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chào đón trong một buổi lễ long trọng trước công viên gần nhà thờ Đức Bà.

Vào đầu tháng 5 năm 1978, khi đến Ba Lan, các thành viên của “Đội quân xanh” mang tượng Đức Mẹ được phép rời khỏi máy bay vào Ba Lan. Tuy nhiên, theo lệnh của chế độ Cộng sản, bức tượng đã bị giam giữ trên tàu, bị nhốt trong buồng lái.

Trong gần một tuần, chiếc máy bay chở tượng Đức Mẹ Fatima đã “bị bắt”, bị di chuyển vào một đường băng kín, bị canh gác bởi một đại đội công an vũ trang.

Thấy không có triển vọng đưa được bức tượng vào Ba Lan, Đội quân xanh đã yêu cầu các tu sĩ dòng Phanxicô ở Niepokalanów vẽ một bức tranh Đức Mẹ Fatima phỏng theo bức tượng họ đang cất giữ. Bức tranh có dòng chữ “Mẹ không bao giờ rời đi” đã đi quanh Ba Lan đến Warsaw, Katowice, Krakow, và Jasna Góra, nơi bức tranh được Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan chào đón với 75,000 tín hữu.

Sau một tuần, chiếc máy bay rời Ba Lan, bức tượng vẫn ở trên tàu.


Source:Aleteia

3. Các giám mục Peru lên án vụ Con đường Sáng giết người hàng loạt

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Peru đã lên án việc sát hại 16 người hôm Chúa Nhật bởi nhóm Con đường Sáng, một nhóm phiến quân cộng sản.

Cuộc tấn công hôm 23 tháng 5, diễn ra tại San Miguel trong thung lũng los Ríos Apurímac, khoảng 289 km về phía Bắc thành phố Ayacucho.

Thi thể của những người thiệt mạng được tìm thấy trong một quán bar, đầy những lỗ đạn, và một số người đã bị thiêu cháy. Các báo cáo trước đó cho biết có 14 hoặc 18 người đã thiệt mạng, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Peru xác nhận có 16 nạn nhân.

Các thi thể được tìm thấy cùng với các tờ rơi nói rằng Con đường Sáng sẽ “xóa sạch khỏi Vraem và Peru những thành phần xấu, những kẻ ăn bám và những kẻ tham nhũng”, đồng thời kêu gọi không được đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, và đặc biệt là phản đối việc bỏ phiếu cho Keiko Fujimori.

Hôm 24 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Hector Miguel Cabrejos Vidarte của Trujillo cho biết: “Tôi bày tỏ sự lên án sâu sắc của tôi đối với những vụ giết người dã man, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và thanh niên, xảy ra ở Vraem bởi những kẻ khủng bố trong nhóm Con đường Sáng do Víctor Quispe Palomino cầm đầu. Không ai có quyền lấy đi sinh mạng của bất kỳ người nào. Cuộc sống là thánh thiêng”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “sự kiện bi thảm này nhắc nhở chúng ta về thời kỳ man rợ và khủng bố mà đất nước đã phải trải qua trong hơn 20 năm, dẫn đến hơn 70,000 người chết và một số lượng lớn người mất tích”.

Đức Tổng Giám Mục Cabrejos nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải nói “không một cách quyết liệt với khủng bố. Không bao giờ được xảy ra bạo lực ở Peru, từ bất kỳ nhóm nào. Đất nước chúng ta có quyền được sống trong hòa bình và xây dựng một tương lai có lợi cho tất cả mọi người”.

“ Tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho sự nghỉ ngơi vĩnh cửu của những nạn nhân, và cho gia đình họ có thể tìm thấy hòa bình và an ủi, và rằng có thể là một cuộc điều tra kỹ lưỡng.”

Đảng Cộng sản Peru là kẻ cầm đầu nhóm Con đường Sáng hoạt động tại Vraem, một vùng sản xuất coca của đất nước.

Ba linh mục Âu Châu bị giết bởi Con đường Sáng đã được Tòa thánh công nhận là các vị tử đạo vào năm 2015.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *