Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Thánh lễ tại Jakarta, Indonesia

Vào lúc 5 giờ chiều thứ Năm ngày 5/9/2024, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta. Trong bài giảng, Đức Thánh nói crằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ nền tảng: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa, Lời cứu độ, Lời hướng dẫn chúng ta tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời Chúa, để Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta.

ĐTC VIẾNG THĂM INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA, ĐÔNG TIMOR VÀ SINGAPORE (2-13/09/2024)

BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ
Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Carno, Jakarta (05/09/2024)

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ cơ bản, là những điều giúp chúng ta trở thành môn đệ của Người: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Trước tiên là lắng nghe, bởi vì mọi điều đều xuất phát từ việc lắng nghe, từ việc mở lòng ra với Người, từ việc đón nhận món quà quý giá là tình bạn của Người. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời đã nhận được, để không trở thành những người nghe suông và lừa dối chính mình (xem Gc 1,22); để không có nguy cơ chỉ nghe bằng tai mà không để hạt giống Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta. Lời được ban cho chúng ta và Lời mà chúng ta lắng nghe đòi được trở thành sự sống, yêu cầu biếnđổi cuộc sống, muốn được thể hiện trong cuộc sống chúng ta.

Chúng ta có thể chiêm niệm suy tư về hai thái độ thiết yếu này: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa trong bài Tin Mừng vừa được công bố.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa. Thánh sử kể lại rằng nhiều người đã kéo đến với Chúa Giêsu và “đám đông vây quanh Người để lắng nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1). Họ tìm kiếm Người, họ đói khát Lời Chúa và họ nghe Lời ấy vang vọng trong lời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng này, được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng, nói với chúng ta rằng tâm hồn con người luôn luôn tìm kiếm một sự thật có khả năng nuôi sống và thỏa mãn niềm khao khát hạnh phúc của họ. Chúng ta không thể chỉ được thỏa mãn bởi lời nói của con người, bởi những tiêu chuẩn của thế giới này, bởi những phán xét trần thế: Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao chiếu soi bước đi của chúng ta, cần một nguồn nước hằng sống có thể làm dịu đi cơn khát của sa mạc tâm hồn, cần một niềm an ủi không làm thất vọng vì nó đến từ trời cao chứ không phải từ những thứ phù du dưới thế. Giữa sự hỗn loạn và phù phiếm của ngôn từ loài người, cần có Lời Thiên Chúa, Lời duy nhất là kim chỉ nam cho cuộc hành trình của chúng ta, Lời duy nhất có thể dẫn chúng ta quay trở lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao thương tích và lạc hướng.

Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên điều này: nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ không phải là khoác chiếc áo tôn giáo bề ngoài hoàn hảo, hay là làm những việc phi thường hoặc tham gia vào những công việc to lớn. Ngược lại, bước đầu tiên chính là biết cách lắng nghe Lời duy nhất có thể cứu độ, là Lời của Chúa Giêsu, như chúng ta có thể thấy trong đoạn Tin Mừng, khi vị Tôn sư bước lên thuyền của ông Phêrô, để rời xa bờ một chút và do đó có thể giảng dạy tốt hơn cho mọi người (xem Lc 5,3). Đời sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta, dành chỗ cho Người, lắng nghe Lời Người và để mình được Lời Người chất vấn, bị lay động và biến đổi bởi Lời ấy.

Đồng thời, Lời Chúa yêu cầu được nhập thể một cách cụ thể trong chúng ta: do đó chúng ta được mời gọi sống Lời Chúa. Thực ra, sau khi giảng xong cho đám đông, từ trên thuyền, Chúa Giêsu quay sang ông Phêrô và thúc giục ông dám chấp nhận rủi ro khi tin tưởng vào Lời Chúa: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (c. 4). Lời Chúa không thể mãi chỉ là một ý tưởng trừu tượng đẹp đẽ hay chỉ khơi dậy cảm xúc nhất thời; Lời Chúa đòi chúng ta thay đổi cái nhìn, để tâm hồn chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Kitô; Lời mời gọi chúng ta can đảm thả lưới Tin Mừng giữa biển cả thế giới, “chấp nhận rủi ro” sống tình yêu thương mà Người đã dạy chúng ta và Người đã sống trước. Với sức mạnh cháy bỏng của Lời Người, Chúa cũng yêu cầu chúng ta ra khơi, tách mình khỏi bờ biển trì trệ của những thói quen xấu, của sợ hãi và sự tầm thường, để dám sống một cuộc sống mới.

Tất nhiên, không bao giờ thiếu những trở ngại và lý do để nói không; nhưng chúng ta hãy tiếp tục quan sát thái độ của ông Phêrô: ông vừa trải qua một đêm khó khăn, khi ông không đánh bắt được gì, mệt mỏi và thất vọng, tuy nhiên, thay vì tiếp tục thụ động trong sự trống rỗng đó và bị cản trở bởi thất bại của chính mình, ông nói: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì; nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (c. 5). Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Và rồi điều chưa từng có đã xảy ra, phép lạ với chiếc thuyền chở đầy cá đến mức gần chìm (xem câu 7).

Thưa anh chị em, chúng ta phải đối mặt với nhiều công việc trong cuộc sống hàng ngày; đứng trước lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, là xây dựng một xã hội công bằng hơn, tiến tới con đường hòa bình và đối thoại, điều vốn đã được Indonesia quan tâm từ lâu, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy thiếu sót, cảm thấy sức nặng của sự cam kết và dấn thân của chúng ta, những điều không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn, hoặc những sai lầm của chúng ta, những điều dường như khiến cuộc hành trình bị dừng lại. Nhưng với cùng sự khiêm nhường và đức tin như Thánh Phêrô, chúng ta cũng được yêu cầu đừng tiếp tục là tù nhân của những thất bại của mình; thay vì cứ dán mắt vào những tấm lưới trống rỗng, hãy nhìn lên Chúa Giêsu và tin tưởng vào Người. Chúng ta luôn có thể chấp nhận rủi ro để ra khơi và thả lưới lần nữa, ngay cả khi chúng ta trải qua một đêm thất bại, khoảng thời gian thất vọng mà chúng ta chẳng bắt được gì.

Thánh Têrêsa Calcutta, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay và là người đã không mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất và thúc đẩy hòa bình và đối thoại, đã nói: “Khi chúng ta không có gì để cho đi, chúng ta hãy cho sự không có gì đó. Và hãy nhớ rằng: ngay cả khi bạn không thu hoạch được gì thì cũng đừng bao giờ mệt mỏi gieo hạt”.

Thưa anh chị em, tôi cũng muốn nói như thế với anh chị em, với quốc gia này, với quần đảo tuyệt vời và đa dạng này: đừng mệt mỏi ra khơi và thả lưới, đừng mệt mỏi tiếp tục mơ ước và xây dựng một nền văn minh hòa bình! Hãy luôn dám ước mơ về tình huynh đệ! Dựa vào Lời Chúa, tôi khuyến khích anh chị em gieo trồng tình yêu, trung thành đi theo con đường đối thoại, tiếp tục thực hành lòng nhân hậu và nhân ái với nụ cười điển hình đặc trưng của anh chị em, hãy trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình. Và như vậy anh chị em sẽ lan tỏa hương thơm hy vọng xung quanh mình.

Đây là mong muốn được các giám mục của Quốc gia bày tỏ gần đây, và đó là mong muốn mà tôi cũng muốn gửi đến tất cả người dân Indonesia: anh chị em hãy cùng nhau bước đi vì thiện ích của Giáo hội và xã hội! Hãy là những người xây dựng niềm hy vọng, niềm hy vọng của Tin Mừng, một hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5,5) và mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận.

ĐTC Phanxicô: Anh chị em là thành viên quý giá của Giáo hội này

Sau cuộc gặp liên tôn tại đền thờ Hồi giáo, Đức Thánh Cha đến trụ sở mới của Hội đồng Giám mục Indonesia để gặp khoảng một trăm người bệnh, người khuyết tật và người nghèo được nhiều tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ. Ngài gọi họ là “những ngôi sao sáng nhỏ trên bầu trời của quần đảo này”.

Vatican News

Đức Thánh Cha cũng đã chúc mừng Mikail, một thanh niên 18 mắc chứng tự kỷ nhẹ đã được chọn vào đội Đông Jakarta tham dự Thế vận hội bơi lội Paralympic. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay vì “tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng nhau trở thành nhà vô địch về tình yêu trong Thế vận hội vĩ đại của cuộc sống”. Và sau đó Đức Thánh Cha chúc mừng sinh nhật một người mẹ lớn tuổi “không đến được, nằm liệt giường mà hôm nay bà tròn 87 tuổi!” và ngài cũng mời một tràng pháo tay chúc mừng bà và chỉ vào chiếc xe lăn ở hàng ghế đầu, nơi có ảnh của người phụ nữ.

Chứng từ của bà Mimi Lusli

Trong phần chứng từ, bà Mimi Lusli, người bị mất thị lực từ năm 17 tuổi, đã nói rằng bà tìm thấy niềm an ủi trên Đàng Thánh Giá, nơi bà gặp Chúa Giêsu, Đấng “không bỏ rơi tôi nhưng dạy tôi định hướng cuộc sống mà không cần đến thị giác thể lý”. Bà gọi đó là “ngọn hải đăng hy vọng của chúng ta” và nói chắc chắn rằng “Chúa đã tạo dựng con người với những khả năng độc đáo để làm phong phú thêm sự đa dạng của thế giới chúng ta và khuyết tật là một trong những khía cạnh độc đáo này”. Bà nhấn mạnh đến vai trò của Giáo hội “rất quan trọng trong việc đảm bảo phẩm giá của con người” và vì lý do này, với tư cách là người Công giáo, chúng ta cần đảm nhận trách nhiệm và “tích cực hỗ trợ quyền của người khuyết tật”.

Câu chuyện của Mikail

Mikail Andrew Nathaniel, 18 tuổi, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nhẹ và thiểu năng trí tuệ nhẹ. Anh nói với Đức Thánh Cha rằng “bố mẹ con yêu con vô điều kiện” và “cho con đến bác sĩ trị liệu và chuyên gia giỏi nhất thành phố”. Mikail muốn trở thành một người độc lập, và vì vậy ngoài việc được chọn vào đội Đông Jakarta tham dự Thế vận hội bơi lội Paralympic, anh cho biết anh đang tham gia một khóa học pha chế rượu và học guitar và trống.

Đức Thánh Cha đáp lời

Trong phần đáp lời, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “Thật tuyệt vời khi các giám mục Indonesia đã chọn cử hành 100 năm Hội đồng Giám mục của họ” với những người bệnh, người khuyết tật và người nghèo. Và ngài nói rằng ngài hoàn toàn đồng ý với những gì bà Mimi nói: “Chúa tạo dựng con người với những khả năng độc đáo để làm phong phú thêm sự đa dạng của thế giới chúng ta”.

Đức Thánh Cha cảm ơn về lời của bà Mimi rằng Chúa Giêsu là “ngọn hải đăng hy vọng của chúng ta”. Ngài nói rằng: “Cùng nhau đối diện với những khó khăn, tất cả đều làm hết sức mình, mỗi người mang đến sự đóng góp độc đáo của riêng mình, điều đó làm phong phú chúng ta và giúp chúng ta khám phá giá trị của việc từng ngày chúng ta ở bên nhau, trong thế giới, trong Giáo hội, trong gia đình”.

Tầm quan trọng của tình yêu thương nhau

Đức Thánh Cha kết luận: “Tất cả chúng ta đều cần nhau và đây không phải là điều tệ: thực tế, nó giúp chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta, để nhận ra xung quanh có bao nhiêu người tốt”. Và hơn thế nữa, “Chúa yêu thương tất cả chúng ta biết bao, vượt trên mọi giới hạn và khó khăn. Mỗi người chúng ta là duy nhất trong mắt Thiên Chúa, và Người không bao giờ quên chúng ta: không bao giờ. Chúng ta hãy nhớ điều này để giữ cho niềm hy vọng của chúng ta được sống động và dấn thân không bao giờ mệt mỏi để biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà cho người khác”.

Lời cầu nguyện của các thực tại bác ái

Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời cầu nguyện được đọc bởi Đức cha Carmelite Henricus Pidyarto, giám mục phụ trách ủy ban phụng vụ. “Xin ban cho dân Chúa lòng trắc ẩn vô bờ, để họ có thể nhận ra Chúa là Cha yêu thương chúng con vô điều kiện. Xin Chúa thương trợ giúp chúng con, để khi hân hoan đón nhận niềm vui Tin Mừng từ Chúa, chúng con có thể phục vụ những anh chị em yếu đuối, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi”.

 

ĐTC Phanxicô gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”

Sáng thứ Năm ngày 05/9/2024, ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Indonesia, vào lúc 8 giờ 50’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần Toà Thánh, Đức Thánh Cha đi xe đến Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, cách đó 1,5 km, để gặp gỡ các tôn giáo.

Vatican News

Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”

Đền thờ Hồi giáo
Đền thờ Hồi giáo

Đền thờ Hồi giáo Istiqlal nằm ở trung tâm Jakarta. Vị trí Đền thờ đối diện với Nhà thờ Công giáo, nhằm nhấn mạnh nguyên tắc triết học của quốc gia “Bhinneka Tunggal Ika – thống nhất trong đa dạng”, mong muốn tất cả các tôn giáo cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp. Hai tòa nhà được kết nối bởi một đường hầm dưới lòng đất, được Tổng thống Joko Widodo gọi là “đường hầm thân hữu”, để tạo điều kiện di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác và thúc đẩy sự chung sống tôn giáo.

Được thiết kế vào năm 1954 bởi kiến trúc sư Kitô giáo Friedrich Silaban, Đền thờ được mở cửa cho công chúng bởi tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno, vào ngày 22/02/1978, sau thời gian xây dựng 17 năm. Đây là Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á với sức chứa lên tới 120.000 người.

Từ Istiqlal xuất phát từ tiếng Ả Rập và có nghĩa là “độc lập”, và được chọn để kỷ niệm cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước. Cấu trúc được trải rộng trên năm cấp độ, đại diện cho năm trụ cột của Hồi giáo, gồm khoảng chín ha đất và được ốp bằng đá cẩm thạch.

Đền thờ có một mái vòm 45 m, được đỡ bởi 12 cột và một tháp cao 66,66 m, liên quan đến số câu trong kinh Koran (6.666). Bên trong nó có một phòng cầu nguyện hình chữ nhật, được trải thảm đỏ và được chia thành các phần dành riêng, bên phải, cho phụ nữ và bên trái cho nam giới. Đại sảnh cũng mở ra một khoảng sân lớn với các không gian cầu nguyện hình chữ nhật cá nhân, tất cả đều hướng về Mecca. Để vào Đền thờ Hồi giáo, có bảy lối vào tượng trưng cho Bảy tầng trời của Hồi giáo.

Đức Thánh Cha thăm Đường hầm thân hữu

Đức Thánh Cha thăm đường hầm
Đức Thánh Cha thăm đường hầm

Đức Thánh Cha đến Đền thờ Hồi giáo Istiqlal qua cổng chính (Cổng Alfattah) và được chào đón bởi Đại Imam bên ngoài Đền thờ. Cả hai cùng vào thăm Đường hầm thân hữu.

Tại đây, ngỏ lời với mọi người hiện diện, Đức Thánh Cha nói khi nghĩ đến đường hầm, chúng ta dễ hình dung ra một con đường tối tăm, đặc biệt nếu chỉ có một mình, nó có thể khiến chúng ta sợ hãi. Tuy nhiên, ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được chiếu sáng. Tuy nhiên, ngài muốn nói với mọi người rằng với tình thân hữu, sự hòa hợp, sự hỗ trợ, cùng nhau bước đi thì chính họ là ánh sáng chiếu soi đường hầm này.

Ngài nói: “Chúng ta, những người tin, thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, có vai trò giúp đỡ mọi người đi qua đường hầm với cái nhìn hướng về ánh sáng. Vì vậy, vào cuối hành trình, chúng ta có thể nhận ra, nơi những người bước bên cạnh chúng ta, một người anh, người chị, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và hỗ trợ nhau”.

Ngài cám ơn tất cả những người đang làm việc với niềm tin rằng chúng ta có thể sống hòa hợp và hòa bình, nhận thức được sự cần thiết của một thế giới huynh đệ hơn. Ngài hy vọng các cộng đồng có thể ngày càng cởi mở hơn với cuộc đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng cho sự chung sống hòa bình vốn là đặc điểm của Indonesia.

Đức Thánh Cha kết thúc nói: “Tôi dâng lời nguyện lên Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa của tất cả, xin ban phúc lành cho tất cả những ai đi qua Đường hầm này trong tinh thần hữu nghị, hòa hợp và tình huynh đệ”.

Gặp gỡ liên tôn

Gặp gỡ liên tôn
Gặp gỡ liên tôn

Sau đó cả hai đến căn lều lớn nơi diễn ra cuộc gặp gỡ liên tôn. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thân tình hoà hợp, với bài hát trích từ Kinh Côran, đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chương 10, 25-37 về người thông luật hỏi Chúa làm thế nào để có sự sống đời đời, và Chúa trả lời. Tiếp đến Đại Iman chào mừng Đức Thánh Cha, đọc và ký  “Tuyên bố chung Istiqlal 2024”.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn sau đó, trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui được có mặt ở đây, trong Đền thờ Hồi giáo lớn nhất châu Á, cùng với tất cả mọi người. Ngài cũng  cám ơn Đại Imam vì những lời tốt đẹp dành cho ngài. Những lời nhắc nhở mọi người rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “một ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người có thể bước vào dành thời gian cho chính mình, nhường chỗ cho niềm khao khát vô hạn mà mỗi người mang trong lòng, để tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế và sống niềm vui tình thân hữu với người khác.

Đức Thánh Cha nhắc lại Đền thờ này được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Silaban, một Kitô hữu và đã được chọn trong cuộc thi thiết kế. Điều này theo ngài chứng thực rằng, trong lịch sử của quốc gia và trong nền văn hóa của Indonesia, Đền thờ, cũng như những nơi thờ phượng khác, là không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và chung sống hài hòa giữa các tôn giáo và tình cảm tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà các tín đồ các tôn giáo được mời gọi vun trồng mỗi ngày, để kinh nghiệm tôn giáo có thể là một điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự  khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần phải nhắc đến việc xây dựng đường hầm dưới lòng đất – “đường hầm thân hữu” – nối liền Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Đó là một dấu chỉ hùng hồn, cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “đối diện”, mà còn “kết nối” với nhau. Thực tế, lối đi này cho phép một cuộc gặp gỡ, đối thoại, và khả năng thực sự của việc “khám phá và thông truyền ‘khoa thần bí’ của việc sống chung, hòa nhập, gặp gỡ, […] để lao mình vào dòng thác này, dòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một dòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh”.

Ngài khuyến khích mọi người tiếp tục đi theo con đường này, để tất cả cùng nhau, mỗi người vun đắp linh đạo và thực hành tôn giáo của mình, chúng ta có thể bước đi tìm kiếm Thượng Đế và góp phần xây dựng các xã hội cởi mở, đặt nền tảng trên sự tôn trọng và yêu thương nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, thái độ cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Gặp gỡ liên tôn
Gặp gỡ liên tôn

Luôn nhìn vào chiều sâu

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đưa ra hai đề nghị. Đầu tiên là luôn nhìn vào chiều sâu, bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tìm thấy những gì hợp nhất vượt lên trên sự khác biệt. Thực tế, trong khi phía trên có các không gian của Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chính toà, được xác định rõ ràng và thường xuyên lui tới bởi các tín đồ của hai tôn giáo, nhưng dưới lòng đất, dọc theo đường hầm, chính những người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với thế giới tôn giáo của người khác. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng: các khía cạnh hữu hình của các tôn giáo – nghi lễ, thực hành, v.v. – là một di sản truyền thống phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì ở “bên dưới”, những gì chảy dưới lòng đất, như “đường hầm của tình thân hữu”, là cội rễ chung cho tất cả các nhạy cảm tôn giáo: tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thượng Đế, khao khát sự vô hạn mà Đấng Tối Cao đã đặt trong tâm hồn chúng ta, tìm kiếm một niềm vui lớn hơn và một cuộc sống mạnh mẽ hơn bất kỳ cái chết nào, điều đó làm sinh động hành trình cuộc sống chúng ta và thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi cái tôi của mình để đi ra ngoài gặp gỡ Thượng Đế. Ở đây, chúng ta hãy nhớ điều này: bằng cách nhìn sâu, bằng cách nắm bắt những gì tuôn chảy trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta, ước muốn viên mãn ở trong sâu thẳm trái tim chúng ta, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên đường đến với Thượng Đế, vượt lên trên những gì phân biệt chúng ta.

Đức Thánh Cha gặp Đại Imam
Đức Thánh Cha gặp Đại Imam

Chăm sóc các mối liên kết

Lời mời thứ hai: chăm sóc các mối liên kết. Đường hầm được xây dựng từ bên này sang bên kia để tạo ra sự liên kết giữa hai nơi khác nhau và cách xa nhau. Đây là những gì lối đi hầm làm được: kết nối, nghĩa là tạo ra một liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề bằng mọi giá tìm kiếm những điểm chung giữa các giáo lý và tôn giáo khác nhau. Thực tế, có thể xảy ra rằng một cách tiếp cận như vậy cuối cùng chia rẽ chúng ta, bởi vì các giáo lý và giáo điều của mỗi kinh nghiệm tôn giáo khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta đến gần nhau hơn là tạo ra một liên kết giữa những khác biệt, chăm sóc để nuôi dưỡng các mối quan hệ thân hữu, quan tâm, hỗ tương. Đó là những mối quan hệ trong đó mỗi người mở lòng ra với người khác, trong đó chúng ta dấn thân cùng nhau tìm kiếm sự thật, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người kia; để đáp ứng nhu cầu nhân bản và tâm linh. Chúng là những mối dây cho phép chúng ta làm việc cùng nhau, cùng bước đi để theo đuổi một mục tiêu, trong việc bảo vệ phẩm giá con người, trong cuộc chiến chống nghèo đói, trong việc thúc đẩy hòa bình. Sự thống nhất được sinh ra từ mối quan hệ cá nhân của tình thân hữu, tôn trọng, bảo vệ nhau về không gian và ý tưởng của nhau.

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha còn bày tỏ biết ơn tín đồ của các tôn giáo vì hành trình chung mà mọi người đang thực hiện. Indonesia là một đất nước tuyệt vời, một bức tranh khảm của các nền văn hóa, các nhóm dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng rất phong phú, cũng được phản ánh trong sự đa dạng của hệ sinh thái và môi trường xung quanh.

Đức Thánh Cha kết thúc: “Cám ơn vì nụ cười dễ thương của anh chị em, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là một dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở bên trong của anh chị em. Xin Thượng Đế ban cho anh chị em món quà này. Với sự giúp đỡ và phúc lành của Người, hãy tiếp tục, Bhinneka Tunggal Ika, thống nhất trong đa dạng. Xin cám ơn!”

Gặp gỡ liên tôn
Gặp gỡ liên tôn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *