Chiều muộn, bên hiên vắng hắn ngồi im như một pho tượng đá, không gian như cô đọng lại, chỉ nghe tiếng những cánh bằng lăng rụng rơi tím buồn ngoài ngõ vắng. Chén trà đặt bên cạnh đã nguội ngắt từ lâu hắn cũng chẳng thèm nhấp một ngụm, chỉ có lá thư trong tay hắn là cứ nóng dần lên theo từng hơi thở đau nhói của hắn.
Hắn lấy vợ đã chục năm có lẻ, vợ hắn ngày đó được gọi là… “ Ớ Hậu” vì đẹp người lại còn đẹp nết, nhiều cậu ấm có tiền mà cũng không… “ mua ” được. Hắn thấy mình thật là có phúc, nhưng cái phúc to lớn ấy đã bị hắn quậy tung, phá bỏ trong một chiều mưa giông gió lạnh tái tê, cách đây cũng đã hai mươi mùa lá rụng và cũng từng ấy năm, hắn lao đầu vào công việc, vào chè đắng rượu cay để tìm quên đi niềm đau, vậy mà theo năm tháng, cái “ vết thương” do hắn tự tạo, mỗi ngày cứ mỗi “ lở loét” thêm ra.
… Hôm ấy trời mưa không đi làm được, hắn và mấy đứa bạn rủ nhau lai rai chút đỉnh, bù lại những tháng ngày lao động cực nhọc. Đang lúc cao trào, một thằng bạn khều hắn: “ Mày cưới đã hai năm rồi mà sao không có con, nếu thấy không ổn hãy… ới tao, lọt sàng thì xuống nia, tao với mày dù sao cũng khúc sắn luộc chia đôi từ ngày còn ở truồng, chứ đừng để cho bọn ngoại bang xâm lăng, uổng lắm”. Nó vừa dứt lời thì thằng khác lại tiêm thêm mũi… “ kháng sinh liều cao” vào mạch máu đang giần giật của hắn: “ Hôm rồi đi lên huyện, tao thấy vợ mày cười cười nói nói rất thân mật với một thằng trông mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao lắm”. hắn ném ly rượu loảng xoảng vào giữa đám nhậu rồi khật khưỡng ra về, miệng không ngớt lảm nhảm: “Thằng này không bao giờ chấp nhận một lãnh thổ có hai Hoàng đế”. Lê chân vừa vào khỏi cổng hắn đã lớn tiếng chửi bới, thóa mạ, không cho vợ giải thích một lời. Sau đó hắn vứt tung quần áo đồ đạc của vợ và đuổi ra khỏi nhà, dù vợ hắn hết lời van xin, bố mẹ can ngăn thì hắn cầm dao, mắt vằn lên những tia đỏ ngầu, dọa nạt sẽ cắt cổ tự tử. Quá sợ hãi, vợ hắn vừa thu nhặt quần áo, vừa gạt nước mắt từ biệt bố mẹ chồng và ra đi. Tưởng con dâu tạm lánh mặt về bên ngoại nên bố mẹ hắn dặn dò: Thôi! Con cứ về bên ấy vài ngày, đợi chồng con bớt giận, bố mẹ sẽ sang nói chuyện với ông bà thông gia sau”.
Nhưng hắn và bố mẹ đều không ngờ là vợ hắn đã không về bên ngoại, mà bỏ nhà đi biệt tăm tích, hắn rất buồn và hối hận, nên tối ngày lấy rượu làm bầu bạn. Một thời gian sau, hắn nhận được một lá thư cài bên cánh cổng, trong thư có đoạn: “ Tính đến hôm nay đã là ba tháng có lẻ rồi phải không anh? một trăm ngày xa vắng ấy đã để lại trong lòng em biết bao nỗi nhớ. Nhớ những đêm đông lạnh, anh ủ ấm em bằng những lời yêu thương cháy bỏng, nhớ những buổi chiều tàn, em đứng bên gốc bằng lăng đón đợi anh đi làm về với nụ cười rạng rỡ. Em muôn đời vẫn là em, là vợ anh, không bao giờ thay đổi…” Hắn vui mừng như kẻ đi lạc trong rừng sâu nay tìm được lối thoát, nhưng vì sĩ diện, nên hắn im hơi lặng tiếng và thầm nghĩ: “Rồi vợ cũng phải trở về bên ta thôi, việc gì phải đi tìm”. Nhưng đó là sai lầm thứ hai và là sai lầm mấu chốt khép lại cuộc tình vốn từng đẹp như mơ của hắn. Ngày qua ngày cứ lặng lẽ trôi đi trong vô vọng, có những đêm thâu hắn ngồi canh bên cổng xem có ai đến… “ đưa thư” không, nhưng chỉ có bóng hình hắn in lạnh lẽo trên tường rào loang lổ. Năm tháng trôi đi trong sầu muộn, mới đây, hắn không còn ở chung với bố mẹ và các em nữa, mà mua căn nhà nhỏ này sống một mình, cô đơn gặm nhấm nỗi ân hận mỏi mòn theo tháng ngày hiu quạnh. Gần đây, gạt bỏ cái tôi sang một bên, hắn quyết định gọi điện cho vợ, nhưng vợ hắn đã thay đổi số, hắn chỉ còn biết đợi và đợi…
Mấy hôm nay, bên nhà thờ có việc gì mà hắn thấy mọi người tề tựu rất đông, nói cười vui vẻ. Hắn không phải là người Công giáo, nhưng ở gần nhà thờ, nên trong các buổi lễ hoặc hội họp gì, tiếng loa vọng sang nhà hắn nghe rất rõ. Ngồi bên ấm trà hắn nghe tiếng một mụ nói chuyện với mọi người về hôn nhân gia đình, hắn thấy mụ ấy nói về lòng bao dung, tha thứ cho nhau. Vì đã là vợ chồng thì trở thành một xương một thịt, mình không tha thứ cho vợ hoặc chồng mình thì chính là mình không tha thứ cho bản thân mình và khi mình mang trong lòng sự thù hận thì chính là mình đang chất gánh nặng lên vai mình. Bên cạnh đó mình cũng phải biết chấp nhận những bất toàn của nhau, vì không ai là người hoàn hảo, mỗi người đều là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để làm cho người kia được trưởng thành. Tò mò, hắn cũng lắng nghe và thấy cũng tàm tạm lọt lỗ tai.
Buổi chiều, hắn thấy mụ chầm chậm tản bộ trên con đường qua cổng nhà hắn, mụ ngó nghiêng mấy giò phong lan gầy guộc treo lủng lẳng ở góc sân, nơi hắn thường ngồi uống trà. Mụ ghé vào nhà hỏi mua mấy giò phong lan, hắn bảo để làm kỷ niệm, vì vợ hắn rất thích phong lan. Qua vài lời xã giao, hỏi thăm gia cảnh của nhau, chẳng hiểu sao hắn thấy mến mụ và bộc bạch hết tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh cho mụ nghe. Mụ bảo hắn năm nay là năm Hội Thánh Công Giáo đồng hành với những gia đình gặp khó khăn, trong đó có những gia đình đổ vỡ, nên sáng nay mụ đã chia sẻ với Huynh Đoàn Đa Minh về khía cạnh này. Không ngờ những lời nói chắp vá cùng với kiến thức còn hạn hẹp như mụ, lại khiến một con người khô cằn như hắn, cả buổi sáng chịu ngồi bên góc sân để nghe…lén. Mụ cảm ơn và khuyên hắn nên đi tìm lại một nửa của mình bằng tất cả tình yêu còn đong đầy sau cơn giông tố, vì không có gì đạt được một cách dễ dàng nếu không cố gắng và mụ hy vọng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với hắn.
… Những tia nắng cuối cùng đã tắt lịm, ánh điện bên nhà hàng xóm hắt sang rọi vào mấy giò phong lan đung đưa như vẫy chào làm hắn sực tỉnh. Hắn lấy điện thoại gọi cho mụ với giọng nghẹn đắng: “Vợ em mất rồi chị ạ!” Rồi hắn kể: sau hôm nói chuyện với mụ khoảng một tuần, hắn quyết tâm đi tìm vợ, nhưng địa chỉ không có, số điện thoại cũng không, qua một tháng mò kim đáy biển, hắn thất thểu quay về. Vào giữa trưa nay, có một ni cô tìm đến nhà trao cho hắn một bức thư rồi đi ngay, hắn vội vàng mở thư ra, mừng đến nghẹt thở vì đúng là nét chữ của vợ, nhưng lời lẽ thì lại quá đau lòng: “Anh! Những năm tháng gần đây, em còn hình dung hình ảnh của anh rất rõ nét, kể cả trong những giấc mơ viển vông. Nhưng gần đây và ngay bây giờ, em không tài nào hình dung ra anh, có cầm trí lắm cũng chỉ thấy anh lờ mờ qua đám sương mù. Anh tha lỗi, em không cố ý, chẳng qua là do thời gian và đường đời của mỗi người tạo ra mà thôi. Có lúc và có thể mãi mãi, hình ảnh của anh sẽ không bao giờ đến với em nữa, nhưng tên anh em đã ghi khắc vào trái tim em thì không bao mất được. Thôi! vậy cũng tốt, vì em đang muốn quên đi tất cả những gì là yêu thương và cay đắng nhất, mà anh là thủ phạm của mọi yêu thương và cay đắng ấy…”. Cuối thư là mấy dòng chữ lạ, chắc là của ni cô, ghi địa chỉ và ngày giờ ra đi của vợ hắn, chỉ vừa mới đây thôi, trong thời gian hắn đi tìm vợ tháng trước. Hắn nói với mụ, lá thư là bản tình cuối của vợ dành cho hắn, ngày mai hắn sẽ thu xếp để đi viếng mộ vợ, thắp cho vợ nén hương cùng với lời xin lỗi muộn mằn.
Mụ thấy lòng mình chùng xuống sau cuộc điện thoại của hắn, thương cho một cuộc tình đẹp nhưng cũng đầy nước mắt và chóng qua của hắn. Chắc giờ này hắn đang day dứt vì tính nóng giận và sĩ diện hão của hắn, đã dẫn đến kết cục bi thảm này. Mụ khe khẽ ca bài: Bản Tình Cuối của Ngô Thụy Miên, như một lời chia buồn gửi đến hắn: “… Ngày nào, người cho ta biết tình yêu đắm say, ngày nào, đời cho ta biết tình là đắng cay. Mưa đã rơi và nắng đã phai, trên cuộc tình ngay thơ ngày nào…”.
Mờ- inh