1. Ngày Đời Sống Thánh Hiến đẫm máu
Ngày Đời Sống Thánh Hiến 2 tháng Hai năm nay diễn ra trong bối cảnh người Công Giáo Việt Nam than khóc trước cái chết chỉ mấy ngày trước đó của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục Dòng Đa Minh, bị thảm sát tại Kon Tum.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đã xảy ra một biến cố hết sức đau lòng: một linh mục trẻ đã thiệt mạng sau khi vừa dâng Thánh lễ kỷ niệm Ngày Thế giới Đời Sống Thánh Hiến.
Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, đã bị ám sát bởi những kẻ có vũ trang ở lãnh thổ phía đông bắc Lubero vào ngày 2 tháng 2, khi đang lái xe đến giáo xứ của mình, giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, để dâng thánh lễ thứ hai sau khi dâng thánh lễ ở Kanyabayonga.
Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni cho biết trong một tuyên bố gửi vào ngày 3 tháng 2 cho ACI Africa, rằng một cuộc điều tra về vụ giết người đã bắt đầu.
Các cuộc tấn công của Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, đã được báo cáo tại giáo phận Butembo-Beni. Nhóm phiến quân có liên hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ nước láng giềng Uganda được cho là dưới sự lãnh đạo của một người Hồi giáo, là người từ bỏ đức tin Kitô để gia nhập Hồi Giáo.
Năm ngoái, Đức Cha Paluku đã lên án các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực. Ngài nói rằng các nhóm vũ trang đang “phá hủy các trường học và bệnh viện.”
“Họ thậm chí đang giết các bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh. Không một ngày nào trôi qua mà không có người bị giết,” Đức Cha Paluku cho biết như trên hồi tháng 5 năm 2021.
“Nhiều người đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ của họ bị giết. Có rất nhiều trẻ mồ côi và những phụ nữ góa bụa. Các ngôi làng đã bị thiêu rụi. Chúng ta đang ở trong tình trạng vô cùng khốn khổ”.
Vị giám mục người Congo đã công bố một tuần cửu nhật trong toàn giáo phận từ ngày 3 đến 11 tháng 2 với “ý định cầu nguyện cho linh hồn Cha Richard Masivi được đón nhận vào lòng thương xót Chúa”.
Cha Richard Masivi Kasereka, đã tuyên tín trọn đời và lãnh tác vụ linh mục trong Dòng Giáo sĩ Khiêm Hạ (Order of the Clerics Regular Minor), vào tháng 3 năm 2018 và được thụ phong linh mục vào tháng 2 năm 2019. Ngài là cựu sinh viên của trường Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya – là một cơ sở giáo dục thuộc sở hữu chung của 22 dòng tu.
Ngài đã là Cha Sở của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae kể từ tháng 10 năm 2021.
Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997. Đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đó là cũng là dịp để cộng đoàn dân Chúa cám ơn các linh mục, các tu sĩ nam nữ đã hiến dâng cuộc đời mình cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency
2. Báo Ý xác nhận Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong 34 ngày đầu của năm 2022
Trong số ra ngày thứ Bẩy 5 tháng Hai, tờ Il Sismografo, trích dẫn các nguồn tin từ Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cho biết có hai nhà truyền giáo bị giết khi đang thi hành sứ mệnh truyền giáo.
Vị đầu tiên là linh mục Dòng Đa Minh, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, bị giết khi đang giải tội tại nhà thờ thuộc Dak Mot, tỉnh Kon Tum.
Theo lời Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, giáo họ Sa Loong lâu nay vốn thuộc giáo xứ Đăk Mót. Thời gian gần đây, giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Và để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, Cha Giuse Thanh được bổ nhiệm về đây, thay thế cho người anh em cùng Dòng. Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.
Cha Giuse Thanh không phải là người địa phương. Ngài sinh tại Sài gòn và đã xung phong lên vùng Tây Nguyên nơi thiếu thốn mọi thứ, và sự hiện diện của Giáo Hội còn đang trải qua nhiều chông gai.
Ngài chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em dân tộc thiểu số, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.
Ngài đã sống các nhân đức anh hùng của một nhà truyền giáo, và xứng đáng được tuyên phong trong một quá trình điều tra cẩn thận của Tòa Thánh.
Vị thứ hai là Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, bị giết ngày 2 tháng 2 bởi các tay súng ở Vusesa, giữa Kirumba và Mighobwe, trong Lãnh thổ Lubero ở Bắc Kivu khi đang trên đường trở về giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nơi ngài đang làm Cha Sở, sau khi vừa dâng lễ mừng ngày đời sống thánh hiến cho một cộng đoàn các nữ tu tại Kanyabayonga.
Cũng giống như trong trường hợp của Cha Giuse Thanh, Cha Richard Masivi Kasereka, được đấng bản quyền là Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni, ca ngợi là một vị linh mục hiền lành, có lòng nhiệt thành truyền giáo nên đã xung phong lên vùng đất đầy khó khăn này. Vùng đất này kinh hoàng đến mức Đức Cha Paluku than thở rằng “không ngày nào mà không có người bị giết”
Cha Giuse Thanh bị giết trong hoàn cảnh còn nhiều uẩn khúc bởi Nguyễn Văn Kiên, một người Công Giáo, không thực hành đạo.
Cha Richard Masivi Kasereka bị giết bởi nhóm Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF. Tên cầm đầu ADF là David Steven, một người Công Giáo bỏ đạo, gia nhập Hồi Giáo và đổi tên thành Jamil Mukulu.
Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 30 tháng 12 vừa qua, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2021 là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.
Source:ilsismografo