Bến nào cho thuyền tình con đậu

Đời con như chiếc thuyền trôi, lênh đênh xuôi ngược dòng đời, sóng ba đào xô lấp bủa vây, giữa dòng con chới với tả tơi. Sao con không thấy Chúa, đưa bàn tay đỡ nâng đời con, để mình con chèo chống, này thuyền con sắp tan giữa dòng.

Nhìn đứa cháu gái đẹp người đẹp nết, hôm nay về thăm lão, đang cất giọng hát như van nài lên Đấng Tối Cao, lão lặng người xót xa, thương cho một kiếp hoa sớm nở tối tàn. Dẫu biết rằng hoa đẹp đến đâu thì rồi cũng sẽ đến ngày tàn, nhưng nếu tàn theo quy luật của thời gian, thì có tiếc cũng là đáng và nên. Đằng này hoa vừa nở đã bị bàn tay của kẻ vô lương tâm vò nát, vứt xuống chân giẫm đạp, thì thật là tiếc thương.

… Trong số các cháu, thì cô cháu gái này hợp tính lão hơn cả, nó nói năng nhẹ nhàng, thảo hiếu và sống có trách nhiệm với mọi người. Vậy mà đường tình của cháu thật truân chuyên, cháu yêu rất sớm, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn trai là người Sa ma ri. Học xong, cháu đi làm cho một công ty ở xa nhà khoảng 100 km, có biết bao kẻ đón người đưa, trong đó nhiều chàng có… ghế ngồi rất vững, nhưng cháu vẫn một lòng với mối tình thanh mai trúc mã thủa học trò. Một thời gian sau, anh chàng Samari cũng theo xuống nơi cháu làm, nghề ngỗng chẳng đâu vào đâu, nhưng không chịu về nhà vì sợ mất người yêu. Mấy năm qua đi, cháu đã dành dụm được số vốn kha khá, thấy thời gian đã đủ tin tưởng nhau, cháu tính đến chuyện lâu dài cho tương lai, nên bỏ tiền ra mua gian sạp bán quần áo tại chợ phố thị ở quê nhà, giao cho anh chàng người yêu về làm chủ, toàn quyền thu quyền phát. Còn cháu vẫn ở lại công ty làm việc, thi thoảng nàng lại về, hoặc chàng đi để thăm nhau. Thời gian cứ lững lờ trôi đi, cháu thấy hai đứa sống hai nơi không tiện, dù rất tiếc công việc làm đang ổn định, nhưng cháu vẫn bỏ công ty về quê tính chuyện hôn nhân, để được sống gần bên bố mẹ anh chị em. Về nhà rồi, cháu mới biết, thì ra bao nhiêu vốn liếng cháu đầu tư, anh chàng người yêu thu được đem đi nuôi con bồ mới, thế là hết phim, đường ai nấy đi. Thời gian sau, cháu  đến nhà anh chàng nói rõ ngọn nguồn cho bố mẹ anh ta biết lý do hai đứa chia tay, thật nhẹ nhàng, không to tiếng, chẳng oán trách. Lão hỏi: “Thế còn tiền nong thì tính sao? bao nhiêu năm vất vả làm lụng tích cóp”. Cháu nói: “Người chả tiếc, tiếc gì tiền”.

Cũng may, còn lại gian hàng anh chàng kia chưa kịp tặng nốt cho bồ, cháu lại đầu tư vốn liếng. Ơn Trời! Cháu mua may bán đắt, mấy năm sau lại tích cóp được chút đỉnh, mua và mở thêm sạp hàng. Cháu lão vừa sinh đẹp, vừa nết na, nên bao anh chàng con nhà lành trong giáo xứ cưa mòn cả… lưỡi, mà cháu vẫn không nghiêng ngả. Vậy mà, trong những lần đi lấy hàng, cháu quen một anh chàng cách nhà hơn trăm cây số, lại cũng là người Samari và cũng kinh doanh shop quần áo. Sau một thời gian tìm hiểu, anh chàng chẳng cần đến cưa, thì cháu đã đổ cái… rầm. Cháu đưa chàng về giới thiệu với gia đình, thấy anh chàng khôi ngô, tuấn tú, lại cùng nghề, nên bố mẹ cháu cũng đồng ý. Khoảng gần một năm sau, không thấy bóng dáng anh chàng đến chơi, cũng không thấy cháu nhắc gì tới chuyện yêu đương, lão hỏi thì cháu bảo hai đứa đã giải tán (sau này lão mới biết, hắn chuồn nhanh sau khi đã cuỗm của cháu một mẻ không nhỏ). Người đời thường nói: “Tình là dây oan”, thật vậy, chia tay rồi cũng là lúc cháu phát hiện mình mang bầu, cháu thưa chuyện với gia đình và quyết định làm mẹ đơn thân. Ngày tháng dần trôi, cháu lão sinh hạ một thằng cu kháu khỉnh, thấy hai mẹ con quấn quýt nhau, gia đình ai nấy cũng dần quên đi lỗi lầm của cháu mà chăm lo cho hai mẹ con. Qua thời gian ở cữ, cháu lại mở hàng mua bán bình thường, mà đúng thật, ông bà mình thường nói: “Gái một con trông mòn con mắt”. Cháu lão cứ càng ngày càng đẹp, bao trai tân mong muốn làm bố của cu Bi, nhưng cháu không chịu, vì sợ cảnh bố dượng con riêng.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, thấm thoắt cu Bi đã 4 tuổi. một hôm cháu bảo lão: “Cháu sẽ kết hôn”. Lão hỏi: “Đứa nào, ở đâu?” cháu bảo: “Bố của cu Bi ạ!” Lão rất ngạc nhiên, vì từ khi hai đứa chia tay đến giờ, hắn biệt hơi tăm cá, vậy mà bây giờ hắn lại ló mặt xin cưới, chắc có uẩn khúc gì đây. Lão với cháu ngồi tâm sự một buổi, phân tích thiệt hơn, được mất, đúng sai, nhất là lại khác tôn giáo. Vả lại, hai quê cách nhau khá xa, những lúc ốm đau, sinh đẻ, bố mẹ, anh chị em đâu có ở bên  cạnh mà chăm sóc được, mà có đến được cũng chỉ chân ướt chân ráo lại phải về lo việc nhà mình. Cuối buổi trò chuyện cháu nói một câu: Dù ai đó có tốt cũng chẳng bằng bố của con mình”, vậy là vào… chung kết.

Sau đám cưới mấy tháng, cháu về nhà hỏi vay tiền cho chồng lấy vốn kinh doanh. Thương cháu đi lấy chồng xa, nên bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác hùn lại được một khoản lớn, để cháu đem về đưa cho chồng làm ăn. Khi tiền vay và của hồi môn đã chui hết vào túi chồng, thì cháu mới lại ngã ngửa ra khi phát hiện việc động trời: Đã từ rất lâu, trước cả khi cưới cháu, gã chồng đang lái một máy bay hơn hắn đến mười mấy tuổi, thật là choáng váng, nhưng thời gian này cháu lại đang mang bầu, nên không dám suy nghĩ nhiều, vì sợ ảnh hưởng đến con. Chưa kịp hoàn hồn thì hắn lại bỏ nhà đi biền biệt, với lý do bị vỡ nợ nên không dám về, sợ người ta đến siết nợ, giờ hắn đang ở bên máy bay bà già, thi thoảng chân đi chân về để… hạch sách tiền. Một lần nữa, cháu của lão lại sinh con một mình, nơi đất khách quê người cháu vò võ làm lụng nuôi hai con. Lão thương cháu vô cùng, dại khờ, mù quáng trong tình yêu, nên bị lừa tình, lừa tiền hết lần này đến lần khác, đúng là hồng nhan bạc phận. Đã bao lần, lão và họ hàng khuyên cháu đem con về nhà đẻ, để có người thân đỡ đần sớm hôm, nhưng cháu cứ lần lữa,  có lẽ muốn… cảm hóa gã chồng đốn mạt để cho các con có bố…

Tiếng hát của cháu vẫn da diết khẩn nài:

Đời con bao nỗi lầm than, long đong vất vả tủi sầu, ngước nhìn lên Chúa từ nhân, khấn cầu xin Chúa rủ thương. Xin bên con Chúa hỡi, khi đời con đắng cay khổ đau, đừng để con quỵ ngã, đừng để con nát tan cõi lòng.

Bất giác, lão cũng thì thầm theo cháu:

Xin ban thêm niềm tin, để con thấy Chúa luôn đồng hành, cho con thêm sức mạnh để con thắng vượt ngàn gian nan…

 Mờ – inh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *