Các bài thuyết giảng Tĩnh tâm Mùa Chay 2022 cùng Giáo triều Rôma

1. Bài thứ nhất: Phụng vụ Lời Chúa

2. Bài thứ hai: Phụng vụ Thánh Thể

3. Bài thứ ba: Hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô

4. Bài thứ bốn:  Sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu

5. Bài thứ năm:  Thầy đã nêu gương cho anh em

Đức Hồng y Raniero Cantalamessa,
Giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng

1. Bài thứ nhất: Phụng vụ Lời Chúa

Trong gần 100 năm qua, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm kéo dài gần một tuần. Đầu tiên là đầu Mùa Vọng, sau này được đổi lại là vào đầu Mùa Chay. Khoá tĩnh tâm này chỉ dành cho Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Bên cạnh đó, mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay còn có một sinh hoạt khác có nhiều người tham dự hơn là nghe giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày các bài suy niệm. Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.

Các bài thuyết giảng Mùa Chay năm 2022, do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày, tập trung vào Bí tích Thánh Thể trong lịch sử cứu độ, nêu bật tầm quan trọng của công việc của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 11 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Lời Chúa”.

Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khac có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Phụng vụ Lời Chúa

Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên. Trong thời kỳ khốc liệt nhất của đại dịch vào năm 2020, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ – và cùng với tôi, tôi nghĩ nhiều người khác cũng nghĩ như thế khi xem trên truyền hình Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành ở Santa Marta mỗi sáng.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Đối với tôi, đó dường như là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc đóng góp một phần nhỏ vào dự án này, dành những suy tư của Mùa Chay này để suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của mọi mùa Phụng vụ, Mùa Chay cũng như các mùa khác. Đó là những gì chúng ta cử hành mỗi ngày. Mỗi tiến bộ nhỏ trong sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể đều chuyển thành sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của cá nhân và của cộng đồng Giáo Hội. Tuy nhiên, thật không may, điều dễ thấy nhất, là do tính lặp đi lặp lại của nó, theo quán tính, Bí tích Thánh Thể được coi là điều đương nhiên. Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” – “Giáo Hội từ Thánh Thể”, được viết vào tháng 4 năm 2003, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng các Kitô hữu phải khám phá lại và luôn sống “sự ngạc nhiên của Thánh Thể”. Vì mục đích này, những suy tư của chúng ta sẽ nhắm đến việc tái khám phá sự kinh ngạc đối với Bí tích Thánh Thể.

Nói về Bí tích Thánh Thể trong thời đại đại dịch và bây giờ với sự khủng khiếp của chiến tranh đang hiện lên trước mắt chúng ta không có nghĩa là ngoảnh mặt khỏi thực tế đầy bi thảm mà chúng ta đang trải qua, nhưng là một sự trợ giúp để nhìn thực tại từ một quan điểm cao hơn và ít chao đảo hơn. Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện trong lịch sử của sự kiện đã vĩnh viễn đảo ngược vai trò giữa kẻ chiến thắng và nạn nhân. Trên thập tự giá, Chúa Kitô đã biến nạn nhân thành người chiến thắng thực sự: “Victor quia victima”, Thánh Augustinô định nghĩa Người là Đấng chiến thắng vì là nạn nhân. Bí tích Thánh Thể cung cấp cho chúng ta chìa khóa đích thực để giải thích lịch sử. Nó bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào. Ngài lặp lại với chúng ta: “Hãy can đảm: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).

Bí tích Thánh Thể trong Lịch sử Cứu độ

Bí tích Thánh Thể có vị trí nào trong lịch sử cứu độ? Câu trả lời là nó không có vị trí cụ thể nào – vì nó là toàn bộ. Bí tích Thánh Thể đồng hành với lịch sử cứu độ. Cũng như vào một buổi sáng trong lành, cả bầu trời được phản chiếu trong giọt sương trên bụi cây, Bí tích Thánh Thể phản ánh toàn bộ lịch sử cứu độ.

Tuy nhiên, Thánh Thể hiện diện trong lịch sử cứu độ theo ba cách khác nhau vào những thời điểm hoặc giai đoạn khác nhau: nó hiện diện trong Cựu Ước như một hình tượng, trong Tân Ước như một sự kiện, và trong thời đại chúng ta, thời đại của Giáo hội, như một bí tích. Hình tượng dự đoán và chuẩn bị cho sự kiện; bí tích “kéo dài” sự kiện và hiện thực hóa nó.

Tôi đã nói trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như một “hình tượng”. Một trong những hình tượng này là Manna; một hình tượng khác là sự hy sinh của Menkisêđê, và một hình tượng khác nữa là việc sát tế Isaác. Trong Bài Thánh Ca Lauda Sion do Thánh Thomas Aquinas sáng tác cho ngày lễ “Corpus Domini” – “Mình Máu Thánh Chúa”, chúng ta hát:

Thể hiện nơi sự sát tế Isaac,
Trong tiến trình chuẩn bị manna:
Trong của lễ hiến tế Vượt qua,
Trong các hình thái cũ được tiền định.

Do chức năng của chúng như những hình tượng của Bí tích Thánh Thể mà Thánh Tôma đã gọi các nghi lễ của Cựu Ước là “các bí tích của Lề Luật Cũ”.

Với sự xuất hiện của Chúa Kitô và mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người, Bí tích Thánh Thể không còn hiện diện như một hình ảnh, mà là một sự kiện, một thực tại. Chúng ta gọi nó là một “sự kiện” bởi vì nó là một điều gì đó đã xảy ra trong lịch sử, một biến cố duy nhất trong thời gian và không gian, chỉ diễn ra một lần (semel) và không thể lặp lại: Chúa Kitô “khi đến thời viên mãn, đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Dt 9:26).

Cuối cùng, trong thời Giáo hội, tôi đã nói, Thánh Thể hiện diện như một bí tích, nghĩa là, trong dấu chỉ bánh và rượu, do Chúa Kitô thiết lập. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa sự kiện và bí tích: trong thực tế, đó là sự khác biệt giữa lịch sử và Phụng vụ. Chúng ta hãy để Thánh Augustinô giúp chúng ta:

Chúng ta biết và tin tưởng với đức tin đầy xác tín rằng Chúa Kitô chỉ chết một lần cho chúng ta, Đấng công chính chết thay cho kẻ tội lỗi, Chúa chết thay cho người tôi tớ. Chúng ta hoàn toàn biết rằng điều này chỉ xảy ra một lần; tuy nhiên, Tiệc Thánh làm mới lại điều đó một cách định kỳ, như thể những gì lịch sử tuyên bố chỉ xảy ra một lần được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, sự kiện và bí tích không mâu thuẫn với nhau, như thể bí tích là ngụy biện và chỉ có sự kiện là đúng. Trong thực tế, điều mà lịch sử tuyên bố đã xảy ra, chỉ một lần, thì bí tích này thường canh tân (cải tổ) việc cử hành trong tâm hồn các tín hữu. Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào, Phụng vụ bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên; không phải theo nghĩa làm cho biến cố xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa tôn vinh biến cố ấy (sed celebrando).

Việc chỉ rõ mối liên hệ tồn tại giữa hy tế duy nhất trên thập tự giá và Thánh lễ là một điều rất tế nhị và luôn là một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa người Công Giáo và người Tin lành. Như chúng ta đã thấy, Thánh Augustinô sử dụng hai động từ: đổi mới và cử hành, điều này hoàn toàn chính xác, với điều kiện là động từ này được hiểu dưới ánh sáng của động từ kia: Thánh lễ đổi mới biến cố thập giá bằng cách cử hành nó (không lặp lại nó!), và kỷ niệm biến cố ấy bằng cách đổi mới nó (chứ không chỉ nhắc đến nó!). Từ ngữ mà ngày nay đạt được sự đồng thuận đại kết lớn nhất, có lẽ là động từ “rappresentare” – tái hiện (cũng được Đức Phaolô Đệ Lục dùng trong thông điệp Mysterium Fidei – Mầu Nhiệm Đức Tin), được hiểu theo nghĩa mạnh là tái trình bày, nghĩa là làm tái hiện lại. Theo nghĩa này, chúng ta nói rằng Thánh Thể “tái hiện” thập giá.

Do đó, theo lịch sử, chỉ có một hy tế Thánh Thể, là hy tế do Chúa Giêsu thực hiện cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác, theo Phụng vụ, tức là nhờ Bí tích Thánh Thể mà có biết bao các hy tế Thánh Thể đã được cử hành và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện chỉ diễn ra một lần (semel), bí tích diễn ra “mọi lúc” (quotiescumque). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đương thời với sự kiện một cách mầu nhiệm; sự kiện hiện diện với chúng ta và chúng ta có mặt tại sự kiện.

Những suy tư Mùa Chay của chúng ta sẽ có đối tượng là Bí tích Thánh Thể trong giai đoạn hiện tại, nghĩa là, như một bí tích. Trong Giáo hội cổ đại, có một khóa giáo lý đặc biệt, được gọi là mystagogic – giáo lý về mầu nhiệm, do các giám mục đảm trách và được giảng dạy sau khi, chứ không phải trước khi được rửa tội. Mục đích của nó là trình bày cho người tân tòng hiểu được ý nghĩa của các nghi thức được cử hành và chiều sâu của các mầu nhiệm đức tin: rửa tội, thêm sức hay xức dầu, và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Những gì chúng ta định làm là một bài giáo lý sư phạm nhỏ về Bí tích Thánh Thể. Để tập trung vào tính chất bí tích và nghi lễ càng nhiều càng tốt, chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của Thánh lễ trong ba phần của nó – Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể (Kinh Nguyện Thánh Thể), và Rước lễ – thêm vào phần cuối suy niệm về việc thờ phượng Thánh Thể ngoài Thánh lễ.

Phụng vụ Lời Chúa

Trong những ngày đầu tiên của Giáo Hội, Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể không được cử hành ở cùng một nơi và cùng một lúc. Các môn đệ tham gia vào các buổi lễ thờ phượng tại Đền thờ. Tại đó, họ nghe các bài đọc trong Kinh Thánh và đọc các bài thánh vịnh và lời cầu nguyện cùng với những người Do Thái khác, sau đó họ đi về nhà của họ, nơi họ tụ họp để “bẻ bánh”, tức là để cử hành Thánh Thể (xin xem Công vụ 2:46).

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, họ không thể tiếp tục thực hành này vì họ đã trải qua sự thù địch từ cộng đồng Do Thái, và vì Kinh Thánh đã mang một ý nghĩa mới đối với họ hoàn toàn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô. Do đó, họ không còn đến Đền thờ hay Hội đường để đọc và nghe Kinh Thánh nữa mà thay vào đó, họ đã đưa Kinh Thánh vào những nơi thờ phượng Kitô của riêng mình, và vì thế Phụng vụ Lời Chúa trở thành phần dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể.

Vào thế kỷ thứ hai, Thánh Giúttinô đã viết một bản mô tả về Phụng vụ Thánh Thể, trong đó chúng ta đã tìm thấy tất cả các yếu tố thiết yếu của Thánh lễ hiện nay. Phụng vụ Lời Chúa không chỉ là một phần tích hợp của Thánh lễ nhưng bên cạnh các bài đọc Cựu Ước, còn có những gì Thánh Giúttinô gọi là “hồi ký của các Tông đồ”, tức là các bức thư và Phúc âm của Tân Ước.

Khi chúng ta lắng nghe các bài đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, chúng mang một ý nghĩa mới và mạnh mẽ hơn những gì chúng mang lại cho chúng ta trong một số bối cảnh khác. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc học trong một khóa học, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn. Nhưng khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, thì điều đó giúp chúng ta biết rõ hơn về Đấng tự hiện diện trong việc bẻ bánh, và mỗi lần như thế nó làm sáng tỏ một số khía cạnh của mầu nhiệm chúng ta sắp lãnh nhận.

Đây là điều nổi bật trong phần Phụng vụ Lời Chúa đầu tiên diễn ra với Chúa Kitô Phục sinh và hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi lắng nghe lời giải thích của Ngài về Kinh Thánh, lòng họ bắt đầu dịu lại để có thể nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh sau đó.

Không chỉ những lời trong Kinh Thánh được nói ra và những câu chuyện Kinh Thánh được kể lại trong Thánh lễ, chúng còn được tái hiện lại theo cách mà những gì được ghi nhớ trở thành hiện thực và hiện hữu. Bất cứ điều gì đã xảy ra “tại thời điểm đó” đang xảy ra “tại thời điểm này” – “hôm nay” (hodie), như Phụng vụ thường nói. Chúng ta không chỉ là người nghe Lời Chúa, người tiếp nhận thụ động như bình thường, mà chính chúng ta là người được nói nói đến và hành động. Chúng ta được kêu gọi đặt mình vào vị trí của những người trong câu chuyện.

Một số ví dụ sẽ giúp chúng ta nắm bắt được điều này. Khi trong Thánh lễ, bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết Thiên Chúa đã nói chuyện với Môsê như thế nào trong bụi cây đang cháy (x. Xh 3), chúng ta nhận ra rằng thực ra chúng ta là những người đang thực sự đứng trước bụi cây đang cháy thật. Khi chúng ta đọc về ngôn sứ Isaia, người đã chạm vào môi mình vào một viên than hồng đang cháy để thanh tẩy ông cho sứ mệnh của mình (xem Is 6), chúng ta chợt nhận ra một điều: chúng ta là những người sắp nhận được trên môi mình viên than hồng đang cháy thực sự, Đấng đến để đốt cháy trái đất (xem Lc 12,49). Khi chúng ta đọc cách tiên tri Êdêkien được bảo ăn cuộn giấy để cho vào bụng mình (Ez 2: 8–3: 3), một tia sáng ập đến với chúng ta: chúng ta là những người sắp ăn “cuộn giấy”, là Lời-hóa-thành-nhục-thể và bây giờ được hóa thành bánh.

Chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất đến đoạn Tin Mừng, điểm này càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu người phụ nữ bị băng huyết chắc chắn rằng cô ấy sẽ được chữa lành chỉ cần cô ấy chạm vào vạt áo choàng của Chúa Giêsu, thì trường hợp của chúng ta là những người sắp được chạm nhiều hơn vào vạt áo choàng của Ngài thì chúng ta còn được nhiều hơn biết bao?

Tôi nhớ có lần tôi đã nghe câu chuyện Phúc âm về ông Giakêu và đột nhiên nó trở nên “có thật” đối với tôi. Tôi là Giakêu. Chúa Giêsu đã nói với tôi “Hôm nay Ta phải ở nhà của con”. Và khi tôi rước lễ, tôi có thể nói một cách chân thật rằng: “Người đã đến nhà kẻ tội lỗi”, và đến lượt Ngài, Chúa Giêsu nói với tôi: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này” (xem Lc 19: 5-9).

Điều này cũng đúng mỗi khi Tin Mừng được công bố trong Thánh lễ, làm sao chúng ta lại không thể không nhận diện được người bại liệt mà Chúa Giêsu đã nói: “Tội anh em được tha”, “Hãy trỗi dậy… và hãy về nhà” (Mc 2: 5,11)? Hay với ông Simêon, người đã ôm hài nhi Giêsu vào lòng (Lc 2:27-28)? Hay với ông Tôma, người run rẩy đưa tay chạm vào vết thương của Chúa (Ga 20,27-28)?

Trong Chúa Nhật thứ Hai Mùa Thường Niên của chu kỳ Phụng vụ năm nay, có đoạn Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói với người đàn ông bị liệt tay: “Hãy giơ tay ra! Anh duỗi nó ra và tay anh đã được chữa lành”(Mc 3,5). Chúng ta không có một bàn tay bị liệt; tuy nhiên, tất cả chúng ta, ít nhiều đều có tâm hồn tê liệt, trái tim khô héo. Chính là với chúng ta, những người nghe Lời Chúa, mà Chúa Giêsu nói vào lúc đó: “Hãy giơ tay ra! Hãy trải lòng mình ra trước mặt Thầy, với niềm tin và sự sẵn sàng của người đàn ông đó!”

Khi được công bố trong Phụng vụ, Kinh Thánh hành động theo cách vượt trên mọi sự giải thích của con người. Kinh Thánh phản ánh cách thức hoạt động của các bí tích. Những văn bản được thần thánh linh ứng này có khả năng chữa lành. Sau khi đọc xong đoạn Tin Mừng, Giáo hội mời thừa tác viên hôn cuốn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc âm xin cho tội lỗi của chúng con được xóa sạch”. (Per evangelica dicta deleantur nostra Delicta).

Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, một số sự kiện tạo ra kỷ nguyên mới đã xảy ra do trực tiếp nghe các bài đọc trong Thánh lễ. Có một ngày, người trẻ nghe đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu nói với người thanh niên giầu có “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19:21). Anh cảm thấy rằng lời này đang được nói với riêng mình đến nỗi anh về nhà, bán tất cả những gì mình có và rút vào sa mạc. Tên của người đàn ông đó là Anthony, và đó là cách mà phong trào viện tu bắt đầu trong Giáo hội.

Nhiều thế kỷ sau, ở Assisi, một thanh niên mới cải đạo đi cùng với bạn đến nhà thờ. Trong bài Tin Mừng cho ngày hôm đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9: 3). Ngay lập tức anh ta quay sang người bạn đồng hành của mình và nói, “Bạn có nghe thấy điều đó không? Đây là điều mà Chúa muốn chúng ta làm”. Và do đó bắt đầu Phong trào Phan sinh.

Phụng vụ Lời Chúa là nguồn lực tốt nhất mà chúng ta có để làm cho Thánh lễ trở thành một cử hành mới và hấp dẫn mỗi khi xảy ra, nhờ đó tránh được nguy cơ lặp lại đơn điệu mà những người trẻ cảm thấy đặc biệt nhàm chán. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian và sự cầu nguyện hơn trong việc chuẩn bị bài giảng. Các tín hữu sẽ có thể thấy lời Chúa giải quyết các tình huống thực tế của họ như thế nào và đưa ra câu trả lời cho những đòi hỏi hiện sinh của họ ra sao.

Có hai cách để chuẩn bị một bài giảng. Bạn có thể ngồi xuống và dựa vào kiến thức của bản thân và dựa trên sở thích cá nhân, bạn có thể chọn chủ đề và tạo ra các từ ngữ. Và sau đó, khi diễn từ của bạn đã được chuẩn bị xong, bạn có thể quỳ xuống và cầu xin Thiên Chúa ban quyền năng cho lời nói của bạn, thêm Thánh Linh của Ngài vào thông điệp của bạn. Đó là một phương pháp tốt, nhưng nó không phải là tiên tri. Để có tính tiên tri, bạn phải làm ngược lại. Đầu tiên, bạn hãy quỳ xuống và cầu xin Chúa ban cho lời mình muốn nói. Thiên Chúa có trong lòng Ngài những lời đặc biệt cho bất kỳ và cho mọi dịp, và Ngài không bao giờ từ chối tiết lộ những lời đó cho người thừa tác viên yêu cầu Ngài một cách khiêm nhường và bền đỗ. Ban đầu, không có gì khác hơn là một sự thay đổi trái tim gần như không thể nhận thấy: một chút ánh sáng lóe lên trong tâm trí bạn, một từ trong Kinh Thánh thu hút sự chú ý của bạn và làm sáng tỏ một tình huống. Nó có vẻ như chỉ là một hạt nhỏ, nhưng nó chứa tất cả những gì chúng ta cần.

Sau đó, bạn ngồi vào bàn, mở sách, xem ghi chép, thu thập suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các Giáo phụ, các thầy dạy, các nhà thơ, nhưng giờ đây, lời Chúa không còn phục vụ cho việc học của bạn nữa, nhưng sự học hỏi của bạn là để phục vụ lời Chúa. Và chỉ khi đó, lời Chúa mới toát ra hết sức mạnh của nó.

Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần

Nhưng phải nói thêm một điều: chỉ chú ý đến lời Chúa thôi thì chưa đủ. “Sức mạnh từ trên cao” phải đổ xuống. Trong Bí tích Thánh Thể, tác động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong giây phút truyền phép, mà còn là lời kinh được đọc trước đó. Sự hiện diện của Người cũng không thể thiếu đối với Phụng vụ Lời Chúa và, như chúng ta sẽ thấy, đối với phần rước lễ.

Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động của Đấng Phục Sinh, Đấng, sau Phục Sinh, đã “khai mở tâm trí các môn đệ để hiểu Thánh Kinh” (x. Lc 24,45). Hiến chế Dei Verbum – Lời Chúa – của Công đồng Vatican II cho biết: Kinh Thánh “phải được đọc và giải thích với sự trợ giúp của cùng một Thần Khí mà nhờ đó Kinh Thánh đã được viết ra” (DV, 12). Trong Phụng vụ Lời Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua sự xức dầu thiêng liêng hiện diện nơi người nói và người nghe.

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. (Lc 4:18)

Vì thế, Chúa Giêsu chỉ ra nơi mà lời được loan báo thu hút sức mạnh của nó. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào bí tích xức dầu mà chúng ta đã lãnh nhận một lần và mãi mãi trong việc thụ phong linh mục hoặc giám mục. Điều này cho phép chúng ta thực hiện một số hành động thiêng liêng, chẳng hạn như quản lý, rao giảng và thực hiện các bí tích. Có thể nói, nó cho chúng ta thẩm quyền để làm những việc nhất định, không nhất thiết là quyền bính để làm những điều đó; nó bảo đảm cho sự kế vị của các Tông đồ, nhưng không nhất thiết là sự thành công của các Tông đồ!

Nhưng nếu sự xức dầu được ban bởi sự hiện diện của Thánh Linh và đó là ân sủng của Ngài, thì chúng ta có thể làm gì để có được điều đó? Trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ xác tín này: “Chúng ta đã nhận được sự xức dầu từ Đấng Thánh”, Thánh Gioan bảo đảm với chúng ta (1 Ga 2:20). Đó là, nhờ phép rửa tội và thêm sức – và, đối với một số người, bí tích truyền chức linh mục hoặc giám mục – chúng ta đã có được sự xức dầu. Thật vậy, theo giáo lý Công Giáo, các bí tích ấy đã in sâu vào tâm hồn chúng ta một nét đặc trưng không thể xóa nhòa, giống như một dấu ấn hay một con dấu. Thánh Phaolô viết “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2Cr 1: 21-22).

Tuy nhiên, sự xức dầu này giống như một loại thuốc mỡ thơm được đựng trong một cái lọ: nó vẫn trơ ra và không tỏa ra bất kỳ mùi thơm nào nếu nó không bị vỡ và cái lọ chưa được mở. Đây là điều đã xảy ra với cái bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng do người phụ nữ trong Tin Mừng đập ra, làm hương thơm tràn ngập cả nhà (Mc 14: 3). Đây là phần việc của chúng ta về việc xức dầu. Phần việc của chúng ta không phải là tạo ra việc xức dầu, nhưng phần việc của chúng ta là loại bỏ các chướng ngại vật ngăn cản bức xạ của nó. Không khó đối với chúng ta để hiểu ý nghĩa của việc làm vỡ chiếc bình bạch ngọc. Cái bình là nhân tính của chúng ta, là bản ngã của chúng ta, đôi khi là chủ nghĩa duy trí khô cằn của chúng ta. Phá vỡ nó đồng nghĩa với việc đặt mình vào trạng thái đầu hàng Chúa và chống lại thế gian.

May mắn thay cho chúng ta, không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào nỗ lực khổ hạnh. Trong trường hợp này, đức tin, lời cầu nguyện và sự van xin khiêm tốn có thể làm được nhiều điều. Vì vậy, hãy xin xức dầu trước khi bắt đầu rao giảng hoặc đưa ra các hành động quan trọng trong việc phụng sự Nước Trời. Khi chúng ta chuẩn bị cho việc đọc phúc âm và bài giảng, Phụng vụ khiến chúng ta cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng của chúng ta để có thể công bố phúc âm một cách xứng đáng. Tại sao đôi khi không nói (hoặc ít nhất là tự suy nghĩ trong lòng): “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin hãy xức dầu và tâm trí con để con có thể công bố lời Ngài bằng sự ngọt ngào và quyền năng của Thánh Linh”?

Việc xức dầu không chỉ cần thiết để người rao giảng loan báo Lời Chúa một cách hữu hiệu, mà còn cần người nghe hoan nghênh. Thánh sử Gioan đã viết cho cộng đoàn của mình: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết… dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa.”(1 Ga 2: 20,27).

Không phải bất kỳ khóa đào tạo nhân bản nào cũng là vô ích, nhưng vẫn chưa đủ “Chính người thầy dạy nội tâm là người thực sự hướng dẫn, chính Chúa Kitô và nguồn cảm hứng của Ngài là người hướng dẫn. Khi thiếu sự soi dẫn và sự xức dầu của Ngài, thì những lời nói bên ngoài chỉ gây ra tiếng động vô ích mà thôi”. Chúng ta hãy hy vọng rằng ngay cả ngày hôm nay chính Chúa Giêsu Kitô đã hướng dẫn chúng ta bằng nguồn cảm hứng nội tâm của Ngài và bài nói chuyện của tôi không phải là một “tiếng ồn vô ích”.

1.Thomas Aquinas, S.Th. III, q. 60, a.2,2

2.Augustine, Sermo 112 (PL 38,643)

3.Paul VI, Mysterium fidei (AAS 57, 1965, trang 753 ss).

4.Justin, Apologia, 67, 3-4.


Source:Cantalamessa

2. Bài thứ hai: Phụng vụ Thánh Thể

Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.

Thứ Sáu tuần trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 18 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ hai cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Thánh Thể”.

Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y nói:

Đối tượng của bài giáo lý khai tâm Kitô Giáo của chúng ta ngày nay là phần trọng tâm của Thánh lễ, Kinh nguyện Thánh Thể, hay Lễ qui [Canon – bắt đầu từ lời tung hô Thánh, Thánh, Thánh, cho đến kinh Lạy Cha – chú thích của người dịch], trong đó trọng tâm là lời truyền phép. Suy tư của chúng ta được chia thành hai loại: loại thứ nhất là phụng vụ và nghi lễ, và loại thứ hai là thần học và hiện sinh.

Từ quan điểm nghi lễ và phụng vụ, ngày nay chúng ta có một nguồn tài nguyên mới mà các Giáo phụ của Giáo hội và các tiến sĩ thời Trung cổ không có. Nguồn lực mới mà chúng ta có là mối quan hệ hợp tác giữa các tín hữu Kitô và người Do Thái. Từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, các yếu tố lịch sử khác nhau đã làm nổi bật sự khác biệt giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đến mức tạo ra sự tương phản giữa hai tôn giáo này với nhau, như thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã làm. Tách mình ra khỏi người Do Thái – trong việc ấn định lễ Phục sinh, những ngày chay tịnh, và nhiều thứ khác – trở thành một loại mật khẩu. Người ta thường buộc tội kẻ thù của mình và những kẻ dị giáo là những kẻ đang tìm cách “Do Thái Giáo hóa”.

Thảm kịch của người Do Thái, biến cố Shoa [biến cố diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã gây ra trong thế chiến thứ hai – chú thích của người dịch], và bầu không khí đối thoại mới với Do Thái giáo, do Công đồng Vatican II khởi xướng, đã giúp hiểu rõ hơn về ma trận Thánh Thể của người Do Thái. Ta không thể hiểu Lễ Vượt Qua của người Kitô giáo nếu nó không được coi là sự hoàn thành của những gì Lễ Vượt Qua của người Do Thái đã tiên báo, cũng thế, Bí tích Thánh Thể không được hiểu đầy đủ nếu nó không được coi là sự hoàn thành những gì người Do Thái đã làm và đã nói trong nghi thức bữa ăn Vượt Qua. Kết quả quan trọng đầu tiên của sự thay đổi này là ngày nay không có học giả nghiêm túc nào đưa ra giả thuyết rằng Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo được giải thích dưới ánh sáng của bữa ăn tối thịnh hành trong một số tôn giáo bí ẩn của Hy Lạp, như người ta từng thử làm như thế trong hơn một thế kỷ.

Các Giáo Phụ của Giáo Hội đã giữ lại Sách Thánh của dân tộc Do Thái, nhưng không giữ lại phụng vụ của họ, mà các ngài không còn được tiếp cận, sau khi Giáo hội tách khỏi các Hội đường Do Thái. Do đó, các ngài sử dụng những hình tượng có trong Kinh thánh – con chiên vượt qua, sát tế Isaác, Menkixêđê, manna – nhưng không sử dụng bối cảnh phụng vụ cụ thể trong đó người Do Thái cử hành tất cả những kỷ niệm này, đó là bữa ăn nghi lễ được cử hành, mỗi năm một lần trong bữa ăn tối Vượt qua (Seder) và hàng tuần khi thờ phượng tại hội đường. Tên gọi đầu tiên mà Thánh Thể được thánh Phaolô chỉ định trong Tân Ước là “bữa ăn của Chúa” (kuriakon deipnon) (1Cr 11:20), có liên quan rõ ràng đến bữa ăn của người Do Thái mà từ nay nó khác đi vì niềm tin vào Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự liên tục – không phải đối lập – giữa Cựu ước và Tân ước, giữa Do Thái giáo và Kitô giáo.

Bí tích Thánh Thể và Berakah của người Do Thái

Đây là quan điểm mà Đức Bênêđíctô XVI cũng đã đưa ra trong chương đề cập đến về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong cuốn sách thứ hai của ngài về Chúa Giêsu thành Nazareth. Theo quan điểm phổ biến của các học giả ngày nay, ngài chấp nhận phân tích biên niên của Johannine, theo đó Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu không phải là một bữa ăn Vượt Qua mà là một bữa ăn chia tay long trọng. Với Louis Bouyer, ngài còn cho rằng người ta có thể “theo dõi sự phát triển của phụng vụ thánh thể của Kitô giáo [nghĩa là của lễ qui – canon] từ berakah của người Do Thái.”

Vì nhiều lý do văn hóa và lịch sử khác nhau, từ thời trường phái học tập – scholasticism – trở đi, thần học đã cố gắng giải thích Bí tích Thánh Thể dưới ánh sáng của triết học, đặc biệt là sử dụng các quan niệm của Aristotle về bản chất và tình cờ. Đây cũng là một cách để đặt hiểu biết mới về thời đại của họ trong việc phục vụ đức tin và do đó bắt chước phương pháp luận của các Giáo phụ. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cần làm điều tương tự với kiến thức mới của mình — trong trường hợp của chúng ta là kiến thức lịch sử và phụng vụ hơn là kiến thức triết học. Trong bối cảnh một số nghiên cứu đã bắt đầu theo hướng này, đặc biệt là của Louis Bouyer, tôi muốn chỉ ra ánh sáng chói lọi đang chiếu xuống Bí tích Thánh Thể Kitô khi chúng ta xem xét các tường thuật của Phúc Âm về việc thiết lập bí tích này so với nền tảng của những gì chúng ta biết về bữa ăn nghi lễ của người Do Thái. Sự đổi mới trong hành động của Chúa Giêsu sẽ không bị giảm đi mà còn được nâng cao.

Mối liên hệ giữa nghi thức cũ và mới được trình bày trong Didachè, một bản viết về thời đại các tông đồ mà chúng ta có thể coi là bản phác thảo đầu tiên của một nghi thức Thánh Thể. Nghi thức Do Thái bao gồm một loạt các lời cầu nguyện được gọi là “Berakah” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “Thánh Thể”. Khi bắt đầu bữa ăn, mỗi người lần lượt cầm một chén rượu trên tay và trước khi đưa lên môi, lặp lại một lời chúc tụng mà phụng vụ hiện tại khiến chúng ta phải lặp lại gần như nguyên văn vào lúc dâng bánh: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”

Nhưng bữa ăn chỉ chính thức bắt đầu khi người cha của gia đình, hoặc người đứng đầu cộng đồng, bẻ chiếc bánh để chia cho các thực khách. Và, trên thực tế, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Và đây, cử chỉ này – vốn chỉ là một sự chuẩn bị – đã trở thành hiện thực. Hình ảnh trở thành sự kiện.

Sau khi làm phép bánh, các món ăn thông thường được dọn ra. Khi bữa ăn sắp kết thúc, các thực khách đã sẵn sàng cho hành động nghi lễ trọng đại kết thúc lễ kỷ niệm và mang lại ý nghĩa sâu sắc nhất. Mọi người đều rửa tay, như lúc ban đầu. Sau khi hoàn thành việc này, đặt trước mặt anh ta một chén rượu pha với nước, anh ta cất lên ba lời cầu nguyện tạ ơn: lời cầu nguyện thứ nhất dành cho Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, lời cầu nguyện thứ hai vì sự giải phóng khỏi Ai Cập, lời thứ ba vì Ngài vẫn tiếp tục công việc của mình vào thời điểm hiện tại. Khi lời cầu nguyện kết thúc, chiếc chén được truyền từ tay này sang tay khác và mọi người cùng uống. Đây là nghi thức cổ xưa được Chúa Giêsu thực hiện rất nhiều lần trong đời.

Thánh Luca kể rằng Chúa Giêsu sau khi ăn xong, cầm lấy chén thánh và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:20). Một điều gì đó mang tính quyết định xảy ra vào lúc Chúa Giêsu thêm những lời này vào công thức của lời cầu nguyện tạ ơn, tức là kinh Berakah của người Do Thái. Nghi lễ đó là một bữa tiệc linh thiêng, trong đó mọi người cử hành và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng Cứu Rỗi của họ vì đã cứu chuộc dân tộc của Ngài để tạo thành một giao ước tình yêu với họ được đóng ấn bằng huyết của một con chiên. Giờ đây, vào chính thời điểm mà Chúa Giêsu, với tư cách là Chiên thật của Thiên Chúa, quyết định hiến mạng sống cho mình, Ngài tuyên bố rằng Giao ước Cũ mà tất cả mọi người đều đang cử hành qua các nghi thức phụng vụ đã được kết thúc. Vào lúc đó, với một vài từ đơn giản, Người lập Giao ước mới và vĩnh cửu trong Máu của Người.

Bằng cách thêm các từ “hãy làm điều này để nhớ đến Thầy,” Chúa Giêsu mang lại một ý nghĩa lâu dài cho món quà của mình. Từ quá khứ, cái nhìn hướng về tương lai. Tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đã làm trong bữa ăn tối ấy đều được đặt trong tay của chúng ta. Bằng cách lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm, hành động trung tâm của lịch sử nhân loại, là cái chết của Ngài vì thế giới được tái hiện. Hình ảnh con chiên vượt qua trở thành một sự kiện trên thập tự giá được ban cho chúng ta trong bữa ăn tối như một bí tích, nghĩa là, như một sự tưởng niệm vĩnh viễn về sự kiện này.

Tư tế và của lễ

Tôi đã nói điều này liên quan đến khía cạnh phụng vụ và nghi lễ của sự thánh hiến. Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang cách xem xét khác, thuộc loại cá nhân và hiện sinh, hay nói cách khác là về vai trò mà chúng ta, các linh mục và tín hữu, thực hiện tại thời điểm đó của Thánh lễ. Điều quan trọng thiết yếu là phải biết bản chất của hy tế và chức tư tế của Chúa Kitô bởi vì chức tư tế Kitô giáo bắt nguồn từ đó, cả bí tích rửa tội chung cho tất cả mọi người và chức vụ thừa tác viên được truyền chức.

Trên thực tế, chúng ta không còn là “các tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê”; chúng ta là những tư tế “theo phẩm trật của Chúa Giêsu Kitô”; tại bàn thờ, chúng ta hành động “in persona Christi”, tức là chúng ta đại diện cho Thầy Cả Thượng Phẩm là Chúa Kitô. Hội nghị chuyên đề về chức tư tế, được tổ chức tại Đại Thính Đường này vào tháng trước, đã nói vô số về chủ đề này so với những gì tôi có thể nói trong bài phản ánh ngắn gọn của mình (nhân tiện, đã chuẩn bị trước ngày đó), nhưng cần phải nói điều gì đó ở đây để hiểu về Bí tích Thánh Thể.

Thư gửi cho các tín hữu Do Thái giải thích tính mới mẻ và tính độc đáo của chức tư tế của Chúa Kitô bao gồm: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9: 12). Mỗi tư tế khác dâng một cái gì đó bên ngoài chính mình, Đức Kitô đã tự hiến chính mình; mọi tư tế khác dâng của lễ, Chúa Kitô đã tự biến mình thành của lễ! Thánh Augustinô đã tóm tắt trong một vài từ về bản chất của loại chức vụ tư tế mới này, trong đó tư tế và của lễ là cùng một người: “Ideo sacerdos quia Greekium”, là tư tế vì là của lễ. Học giả người Pháp René Girard đã định nghĩa sự hy sinh mới lạ này của Chúa Kitô là “sự thật trung tâm trong lịch sử tôn giáo của nhân loại”, điều này đã chấm dứt vĩnh viễn liên minh nội tại giữa thánh thiêng và bạo lực.

Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa trở thành của lễ hiến tế. Nhân loại không còn là những con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa để xoa dịu và làm vui lòng Ngài nữa; chính Thiên Chúa đã hy sinh thân mình vì nhân loại, hy sinh Con Một của Người cho đến chết vì chúng ta (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu không đến bằng máu của người khác, nhưng bằng máu của chính mình; Người không đặt tội lỗi của mình lên vai người khác – súc vật hay loài người – nhưng Người đặt tội lỗi của người khác lên vai mình: “Người đã gánh vác tội chúng ta trong thân mình trên gỗ thập giá” (1 Pt 2, 24). Tất cả điều này có nghĩa là trong Thánh lễ, chúng ta phải đồng thời là tư tế và cũng là của lễ hiến tế.

Trước điều này, chúng ta hãy suy ngẫm về những lời truyền phép: “hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm nhỏ của mình, đó là, tôi đã khám phá ra ý nghĩa cá vị và giáo hội của việc truyền phép Thánh Thể như thế nào. Đây là cách tôi đã sống giây phút dâng mình trong Thánh Lễ những năm đầu tiên của chức linh mục: Tôi nhắm mắt, cúi đầu, tôi cố gắng xa lánh mọi thứ xung quanh tôi để đồng nhất với Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố trong Tiệc Ly những từ đó lần đầu tiên: “Accipite et manducate: Hãy cầm lấy mà ăn…”. Chính phụng vụ đã thấm nhuần thái độ này, làm cho những lời truyền phép được phát âm bằng giọng trầm và bằng tiếng Latinh, khi cong mình trên các bánh thánh.

Sau đó là cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thánh lễ bắt đầu được cử hành trong khi hướng nhìn về cộng đoàn; không còn bằng tiếng Latinh, mà bằng ngôn ngữ của người dân. Điều này giúp tôi hiểu rằng thái độ của tôi không nói lên ý nghĩa đầy đủ của việc tôi tham gia vào việc truyền phép. Chúa Giêsu của Bữa Tiệc Ly không còn tồn tại nữa! Chúa Kitô Phục sinh hiện đang tồn tại: chính xác là Chúa Kitô, Đấng đã chết nhưng hiện đang sống đời đời (x. Kh 1:18). Nhưng Chúa Giêsu này là “Chúa Kitô toàn diện”, Đầu và Thân hợp nhất không thể tách rời. Vì vậy, nếu chính Đức Kitô toàn thể này là Đấng đã công bố những lời truyền phép, thì tôi cũng đồng thanh với Người. Đúng vậy, tôi phát âm những lời ấy “in personal Christi”, nhân danh Chúa Kitô, nhưng cũng là “ở ngôi thứ nhất”, tức là nhân danh tôi.

Kể từ ngày đó khi tôi hiểu ra điều này, tôi bắt đầu không còn nhắm mắt vào lúc truyền phép nữa, nhưng tôi nhìn – ít nhất là đôi khi – những người anh em trước mặt tôi, hoặc, nếu tôi cử hành thánh lễ một mình, tôi nghĩ đến những người tôi có thể gặp gỡ trong ngày và những người mà tôi phải dành thời gian của mình, hoặc tôi thậm chí nghĩ đến toàn thể Giáo hội, và hướng về họ, tôi nói cùng với Chúa Giêsu: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”.

Sau đó, Thánh Augustinô đã đến để xóa bỏ mọi nghi ngờ khỏi tôi. Ngài viết trong một đoạn văn nổi tiếng trong cuốn De civitate Dei – Thành trì của Chúa – rằng In ea re quam offert, ipsa [Ecclesia] offertur – Hội Thánh hiến dâng chính mình trong Hy tế mà Hội Thánh tiến dâng. Gần gũi hơn với chúng ta là nhà huyền bí Mễ Tây Cơ Concepcion Cabrera de Armida, được gọi là Conchita, chết năm 1937 và được phong chân phước vào năm 2015. Với người con trai Dòng Tên của bà, sắp được thụ phong linh mục, bà viết: “Hãy nhớ rằng, con trai của mẹ, khi con cầm trong tay Mình Thánh Chúa, con đừng nói: ‘Này là Mình Chúa Giêsu và này Máu Người,’ nhưng con sẽ nói: ‘Này là Mình Ta, Này là Máu Ta, nghĩa là, trong con phải có một sự biến đổi hoàn toàn, con phải đánh mất chính mình trong Ngài, để trở thành ‘một Chúa Giêsu khác’”

Tất cả những điều này không chỉ áp dụng cho các giám mục và linh mục được thụ phong, nhưng cho tất cả những người đã được rửa tội. Một văn bản nổi tiếng của Công Đồng diễn đạt theo cách này:

Các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả của mình, góp phần vào việc dâng lễ trong bí tích Thánh Thể… Bằng cách tham gia vào hy tế Thánh Thể, nguồn gốc và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng Hy tế thánh thiêng và chính họ cho Thiên Chúa; vì vậy tất cả mọi người, cả khi dâng lễ và rước lễ, đều hoàn thành phần việc của mình trong hành động phụng vụ, nhưng không phải như nhau, nhưng một số theo cách này và một số theo cách khác.

Có hai thân thể của Chúa Kitô trên bàn thờ: có thân thể thật của Ngài (thân thể “sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”, đã chết, sống lại và lên trời) và có thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Thật thế, cơ thể thật của Ngài thực sự hiện diện trên bàn thờ và nhiệm thể của Người hiện diện một cách bí nhiệm, trong đó “một cách bí nhiệm” có nghĩa là: nhờ sự kết hợp không thể tách rời Đấng là Đầu. Không có sự nhầm lẫn giữa hai sự hiện diện, khác biệt nhưng không thể tách rời.

Vì có hai “của lễ” và hai “hồng ân” trên bàn thờ – một là để trở thành mình và máu của Chúa Kitô (bánh và rượu) và một là để trở thành nhiệm thể của Chúa Kitô – thì có cũng là hai “lời cầu khẩn” trong Thánh Lễ, tức là hai lời khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần. Lời thứ nhất là: “Giờ đây, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”; và lời cầu thứ hai, được đọc sau khi truyền phép: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Cha qua mọi thời đại.”

Đây là cách Thánh Thể làm nên Giáo Hội: Thánh Thể làm nên Giáo Hội, làm cho Giáo Hội trở thành Thánh Thể! Nói một cách tổng quát, Bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn gốc hay nguyên nhân của sự thánh thiện của Giáo hội; Thánh Thể cũng là “hình thái” của Giáo Hội, tức là mô hình của Giáo Hội. Sự thánh thiện của người Kitô hữu phải được thực hiện theo “hình thái” của Bí tích Thánh Thể; sự thánh thiện ấy phải là một sự thánh thiện của Thánh Thể. Người Kitô hữu không thể tự giới hạn mình trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, người ấy phải trở thành Thánh Thể với Chúa Giêsu.

Mình và Máu

Bây giờ chúng ta có thể rút ra những hậu quả thiết thực của tín lý này đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu trong lời truyền phép, chính chúng ta quay về phía anh chị em mình, và nói: “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy.. hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy”, chúng ta phải biết “mình” và “máu” nghĩa là gì, để biết những gì chúng ta trao ra.

Trong Kinh Thánh, từ “Corpo”, “Body”, “Mình” không chỉ ra một thành phần hay một bộ phận nào đó của con người, kết hợp với những thành phần khác là linh hồn và tinh thần, tạo thành một con người hoàn chỉnh. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, và do đó trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu và thánh Phaolô, “Mình” chỉ toàn thể của một người, trong chừng mực người đó sống cuộc đời của mình trong một thân thể, trong tình trạng vật chất và hữu hình. Do đó, “Mình” chỉ toàn bộ cuộc sống. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta cả cuộc đời của Người như một hồng ân, từ giây phút đầu tiên khi nhập thể cho đến giây phút cuối cùng, với tất cả những gì cụ thể lấp đầy cuộc sống đó: thinh lặng, đổ mồ hôi, vất vả, cầu nguyện, đấu tranh, sỉ nhục. …

Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Này là Máu Thầy”. Ngài thêm gì với từ “Máu” nếu Ngài đã cho chúng ta cả cuộc đời trong cơ thể mình? Thưa: Ngài thêm cái chết! Sau khi cho chúng ta sự sống, Ngài cũng cho chúng ta phần quý giá nhất là cái chết của Người. Trên thực tế, thuật ngữ “Máu” trong Kinh Thánh không chỉ một bộ phận của cơ thể, nghĩa là một bộ phận của một người; nhưng chỉ ra một biến cố: là cái chết. Nếu máu là tâm điểm của sự sống (như người ta đã nghĩ như vậy), thì sự “đổ ra” của nó là dấu chỉ mềm dẻo của cái chết. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của Mình và Máu Chúa, tức là sự sống và sự chết của Chúa!

Bây giờ, đến lượt chúng ta, chúng ta dâng lên những gì, khi dâng mình và máu mình, cùng với Chúa Giêsu, trong Thánh lễ? Chúng ta cũng dâng lên những gì Chúa Giêsu đã dâng: sự sống và cái chết. Với từ “Mình”, chúng ta cho tất cả những gì cụ thể cấu thành nên cuộc sống của chúng ta trên thế giới này: thời gian, sức khỏe, năng lượng, kỹ năng, tình cảm, kể cả những nụ cười. Với từ “Máu”, chúng ta cũng thể hiện sự trao ban cái chết của mình. Không nhất thiết phải là cái chết dứt khoát, tử đạo cho Chúa Kitô hay cho anh em. Tất cả những gì trong chúng ta, ngay bây giờ, chuẩn bị và lường trước cái chết: tủi nhục, thất bại, bệnh tật nằm bất động, những hạn chế do tuổi tác, sức khỏe, tất cả những điều đó, nói một cách dễ hiểu, “hành hạ” chúng ta.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta, ngay khi bước ra khỏi Thánh lễ, cố gắng hết sức để nhận ra những gì chúng ta đã nói; rằng chúng ta thực sự cố gắng, với tất cả những giới hạn của mình, để cống hiến cho những người khác và những anh chị em của chúng ta “Mình” của chúng ta, đó là thời gian, năng lượng, sự chú ý; nói tắt một lời là cuộc sống của chúng ta. Do đó, điều cần thiết là, sau khi đã nói: “Hãy cầm lấy mà ăn”, chúng ta thực sự để mình “bị ăn” và trên hết là để mình bị ăn thịt bởi những người không làm điều đó với tất cả sự tế nhị và ân sủng mà chúng ta mong đợi. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, đi đến Rôma để chết ở đó như một vị tử đạo, đã viết: “Tôi là lúa mì của Chúa Kitô: xin cho tôi được nhai từ răng của các loài thú, để trở nên bánh tinh khiết cho Chúa”. Mỗi người trong chúng ta, nếu bạn quan sát kỹ xung quanh, đều có những cái răng nhọn hoắt để nhai: đó là sự chỉ trích, tương phản, đối lập che đậy hay công khai, sự khác biệt về quan điểm với những người xung quanh, sự đa dạng về tính cách.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cử hành Thánh lễ với sự tham dự cá nhân này, nếu tất cả chúng ta thực sự nói, vào lúc truyền phép, một số nói to và một số im lặng, tùy theo mục vụ của mỗi người: “Hãy cầm lấy mà ăn”. Một linh mục quản xứ và thậm chí hơn thế nữa, một giám mục, cử hành thánh lễ của mình theo cách này, sau đó tiến hành: cầu nguyện, rao giảng, giải tội, tiếp dân, thăm bệnh, lắng nghe, giảng dạy… Ngày của ngài cũng là Bí tích Thánh Thể. Một thầy tâm linh vĩ đại người Pháp, Pierre Olivaint (1816-1871), từng nói: “Vào buổi sáng, trong Thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”. Như thế, một linh mục bắt chước “Người Mục Tử nhân lành”, bởi vì anh ta thực sự hiến mạng sống của mình cho đàn chiên của mình.

Chữ ký của chúng ta trên món quà

Tôi muốn tóm tắt lại, với sự giúp đỡ của một ví dụ con người, điều gì xảy ra trong việc cử hành Thánh Thể. Hãy nghĩ về một gia đình lớn, trong đó có một người con trai, con trai đầu lòng, người rất ngưỡng mộ và yêu thương cha mình. Nhân ngày sinh nhật của ông, anh ấy muốn tặng cho bố mình một món quà quý giá. Tuy nhiên, trước khi đưa nó cho ông, anh đã bí mật yêu cầu tất cả các anh chị em của mình ghi chữ ký của họ vào món quà. Do đó, điều này đến trong tay người cha như một dấu hiệu của tình yêu thương của tất cả những người con của mình, không có sự phân biệt, ngay cả khi trên thực tế, chỉ có một người đã phải trả giá cho điều đó.

Đây là điều xảy ra trong hy tế Thánh Thể. Chúa Giêsu vô cùng ngưỡng mộ và yêu mến Cha Trên Trời. Ngài muốn tặng Chúa Cha mỗi ngày, cho đến tận thế, món quà quý giá nhất mà người ta có thể nghĩ đến, đó là cuộc đời của chính Người. Trong thánh lễ, Ngài mời gọi tất cả anh chị em của mình ghi chữ ký của mình lên món quà, để món quà ấy đến với Thiên Chúa là Cha như món quà không thể tách rời của tất cả con cái của ngài, dù chỉ một người đã trả giá cho món quà này. Và giá ấy to lớn dường nào!

Chữ ký của chúng ta là một vài giọt nước được trộn với rượu trong chén. Chúng không là gì khác ngoài nước, nhưng được trộn trong ly, chúng trở thành một thức uống duy nhất. Chữ ký của tất cả mọi người là tiếng Amen trang trọng mà cộng đoàn đáp, hoặc hát, ở cuối bài tụng ca: “Nhờ Người, với Người và trong Người, Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. “AMEN!”

Chúng ta biết rằng những người đã ký cam kết sau đó có nghĩa vụ tôn trọng chữ ký của họ. Điều này có nghĩa là, khi rời Thánh lễ, chúng ta cũng phải làm cho cuộc sống của mình trở thành một món quà của tình yêu đối với Cha vì lợi ích của anh chị em chúng ta. Tôi xin nhắc lại, chúng ta không chỉ được mời gọi để cử hành Bí tích Thánh Thể, mà còn là biến mình thành Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng ta điều này!

1. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi dân thành Magnesia, 10,3.

2. Joseph Ratzinger (Bênêđíctô XVI), Chúa Giêsu thành Nazareth, Phần II: Tuần Thánh: Từ Lối vào Giêrusalem đến sự Phục sinh (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 311, và xem tất cả ch. 5, trang 103-144. Xem thêm Louis Bouyer, Thánh Thể: Thần học và Tâm linh của Cầu nguyện Thánh Thể (1966; Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1989).

3. Thánh Augustinô, Tự Thú, X, 43

4. R. Girard, Des choses cachées depuis la fondation du monde, Grasset, Paris 1978.

5. Thánh Augustinô, De civitate Dei,, X, 6.

6. Conchita. Nhật ký tâm linh của một người mẹ, nhuận sắc bởi M.-M. Philipon, New York, Nhà Alba 1978, tr. 87.

7. Lumen gentium, 10-11.

8. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thư gửi người Rôma, 4,1.

3. Bài thứ ba: Hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô

Trong các bài giáo lý của chúng ta giải thích về Bí tích Thánh Thể – sau các bài Phụng vụ Lời Chúa và việc Truyền phép – chúng ta đã đạt tới thời khắc thứ ba, đó là phần hiệp lễ.

Đây là thời điểm trong Thánh lễ thể hiện rõ ràng nhất sự hiệp nhất và bình đẳng căn bản của mọi thành phần dân Chúa, không có bất kỳ sự phân biệt nào về cấp bậc và chức vụ. Trước thời điểm đó, người ta có thể thấy rõ sự phân biệt giữa các thừa tác vụ: trong phụng vụ Lời Chúa, sự phân biệt giữa Hội thánh giảng dạy và Hội thánh học tập; trong việc truyền phép, có sự phân biệt giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát. Trong việc hiệp lễ thì không hề có sự phân biệt nào cả. Việc hiệp lễ mà người tín hữu được lãnh nhận cũng giống như việc hiệp lễ của linh mục hoặc giám mục. Hiệp thông Thánh Thể là lời tuyên xưng mang tính bí tích rằng: trong Hội thánh, hiệp thông [koinonia] xuất hiện đầu tiên và quan trọng hơn phẩm trật.

Chúng ta hãy suy tư về hiệp thông Thánh Thể bắt đầu từ một bản văn của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Từ ngữ “thân thể” xuất hiện hai lần trong hai câu trích, nhưng với nghĩa khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất (“Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”), từ ngữ “Thân thể” ở đây chỉ thân thể đích thật của Đức Kitô, sinh ra bởi Đức Maria, đã chết và sống lại; trong trường hợp thứ hai (“chúng ta là một thân thể”), ở đây, “thân thể” nói về nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh. Không thể nói một cách rõ ràng và tổng hợp hơn rằng hiệp thông Thánh Thể luôn là hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em mình; có thể nói là trong đó có một hiệp thông chiều dọc, và một hiệp thông chiều ngang. Chúng ta hãy bắt đầu với chiều kích đầu tiên.

Trong Thánh Thể, hiệp thông với Chúa Kitô

Loại hiệp thông nào được thiết lập giữa chúng ta và Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể? Trong Tin Mừng Gioan, chương 6 câu 57, Đức Giêsu nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Giới từ “nhờ” ở đây (trong tiếng Hy Lạp là dià) có giá trị nguyên nhân và hiệu quả cuối cùng; nó chỉ ra cả chuyển động của điểm xuất phát và chuyển động của điểm đến. Có nghĩa là ai ăn thân thể Đức Kitô, thì sống “nhờ” Người, tức là sống nhờ vào sự sống đến từ Người; và sống “cho” Người, tức là cho vinh quang của Người, tình yêu của Người, Vương quốc của Người. Như Chúa Giêsu sống nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, do đó, bằng việc thông truyền bản thân chúng ta trong mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta sống nhờ Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.

Trên thực tế, có một nguyên lý: sự sống mạnh hơn sẽ biến đổi sự sống kém mạnh hơn thành chính nó, chớ không phải ngược lại. Đó là rau biến đổi khoáng chất, chớ không phải ngược lại; đó là động vật biến đổi cả rau và khoáng chất, chớ không phải ngược lại. Vì vậy, bây giờ, trên bình diện thiêng liêng, chính thần tính Thiên Chúa biến đổi con người trở nên thánh thiêng, chớ không phải ngược lại. Vì vậy, trong tất cả các trường hợp khác, chính người ăn là người biến đổi những gì mình ăn, thì ở đây, trong Bí tích Thánh Thể, chính Đấng bị ăn biến đổi bất cứ ai ăn Người thành chính Người. Đối với những ai đến lãnh nhận Thánh Thể, Chúa Giêsu lặp lại điều mà thánh Augustinô đã nghe chính Người nói: “Không phải ngươi sẽ biến đổi Ta thành ngươi, nhưng chính Ta sẽ biến đổi ngươi thành Ta” (Thánh Augustinô, Tự thuật, VII, 10).

Một triết gia vô thần đã nói: “Con người là những gì anh ta ăn” (F. Feuerbach), nghĩa là ở con người không có sự khác biệt về chất giữa vật chất và tinh thần, mà mọi thứ đều được rút gọn về thành phần hữu cơ và vật chất. Một người vô thần đã đưa ra công thức tốt nhất về một mầu nhiệm Kitô giáo, dù ông không biết về điều đó. Nhờ Thánh Thể, người Kitô hữu mới thực sự là những gì mình ăn! Trước đó rất lâu, thánh Lêô Cả cũng đã viết: “Việc chúng ta tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô, không nhằm điều gì khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng mà chúng ta đã ăn” (Thánh Lêô Cả, Bài giảng số 12, về cuộc Thương khó, 7, trong CCL 138A, tr. 388).

Do đó, trong Bí tích Thánh Thể, không chỉ có sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và chúng ta, mà còn có sự biến đổi; hiệp thông không chỉ là sự kết hợp của hai thân thể, hai tâm trí, hai ý chí, nhưng nó là sự biến đổi, đồng hóa vào một thân thể, vào một tâm trí và ý chí của Đức Kitô. “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17).

Dinh dưỡng – của ăn và uống – không phải là sự tương tự duy nhất mà chúng ta có đối với việc rước lễ Thánh Thể, ngay cả khi nó không thể thay thế được. Có điều gì đó mà nó không thể diễn tả được, cũng như sự tương đồng về sự hiệp thông giữa cây nho và cành cây không thể diễn tả được. Đây là sự giao cảm giữa các sự vật, không phải giữa con người với nhau. Họ giao tiếp, nhưng họ không biết họ giao tiếp. Tôi muốn nhấn mạnh vào một phép loại suy khác có thể giúp chúng ta hiểu bản chất của hiệp thông Thánh Thể là một sự hiệp thông giữa những người biết và muốn trở nên hiệp thông.

Thư gửi tín hữu Êphêxô nói rằng hôn nhân của con người là biểu tượng của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng!” (Ep 5,31-33). Bí tích Thánh Thể – dùng một hình ảnh táo bạo nhưng chân thực – là sự viên mãn của cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và Hội thánh, và đời sống Kitô hữu không có Thánh Thể là một cuộc hôn nhân được phê chuẩn nhưng không viên mãn. Lúc hiệp lễ, vị chủ tế thốt lên: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!” (Beati qui ad coenam Agni vocati sunt) và Ngày tận thế – từ đó cụm từ này được sử dụng – nói rõ ràng hơn: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Kh 19,9).

Bây giờ – một lần nữa theo thánh Phaolô – hệ quả tức thì của hôn nhân là thân xác (nghĩa là toàn thể con người) của chồng trở thành vợ và ngược lại, thân thể của vợ trở thành thân thể của chồng (x. 1Cr 7,4). Điều này có nghĩa là xác thịt nguyên vẹn và ban sự sống của Ngôi Lời nhập thể trở thành “của tôi”, nhưng cũng là xác thịt của tôi, nhân tính của tôi, trở thành của Đức Kitô, do Người làm nên của riêng Người. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng Chúa Kitô cũng “lãnh nhận” mình và máu chúng ta nữa! Thánh Hilariô thành Poitiers viết, Chúa Giêsu “nhận lãnh xác thịt của người nhận lãnh Ngài”. Chúa Kitô nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”, nhưng chúng ta cũng có thể nói với Chúa rằng: “Chúa hãy cầm lấy mà ăn, này là mình con”.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng hiểu hệ quả của tất cả những điều này. Trong cuộc sống trần thế của Người, Chúa Giêsu không có tất cả những kinh nghiệm con người có thể có và có thể tưởng tượng được. Đầu tiên, đó là một người đàn ông, không phải một người phụ nữ: Chúa Giêsu không trải qua tình trạng của một nửa nhân loại; Người không kết hôn, Người không trải nghiệm được ý nghĩa của việc kết hợp trọn đời với một thụ tạo khác, để sinh con cái, hoặc tệ hơn là mất con; Người chết trẻ và Người không biết đến tuổi già…

Nhưng bây giờ, nhờ Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu có tất cả những kinh nghiệm này: thân phận nữ tính trong người phụ nữ, bệnh tật ở người bệnh, tuổi già ở người già, sự bấp bênh của những người di cư, nỗi kinh hoàng của người bị bắn phá… Không có gì trong đời tôi mà không thuộc về Đức Kitô. Không ai nên nói: “Ah! Chúa Giêsu không biết thế nào là lấy chồng, làm đàn bà, mất con, ốm đau, già yếu, trở thành người đen đủi!”

Điều mà Đức Kitô đã không thể sống “theo xác thịt”, thì bây giờ Người sống và “kinh nghiệm” như đã sống lại “theo Thần Khí”, nhờ sự hiệp thông manh tính hôn nhân trong Thánh Lễ. Thánh nữ Êlisabét Chúa Ba Ngôi đã hiểu được lý do sâu xa của điều này khi thánh nữ viết cho mẹ mình: “Tân nương nay thuộc về Đấng Tình Quân. Đức Lang Quân của con giờ đây đã có được con rồi. Chúa muốn con trở thành một người hỗ trợ cho Chúa”.

Thật là một lý do vô tận cho sự ngạc nhiên và an ủi khi nghĩ rằng nhân loại của chúng ta trở thành nhân tính của Đức Kitô! Nhưng cũng có trách nhiệm gì từ tất cả những điều này! Nếu mắt tôi đã trở thành mắt của Đức Kitô, miệng tôi là của Đức Kitô, thì cớ gì tôi không để cho mắt tôi nhìn vào những hình ảnh dâm ô, không để lưỡi tôi nói lời chống lại anh em tôi, không để thân thể tôi bị dùng như một công cụ của tội lỗi. “Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!”, thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô với sự kinh hoàng như thế (1Cr 6,15).

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả; phần đẹp nhất bị thiếu. Thân thể nàng dâu thuộc về chàng rể; đúng, nhưng thân thể của chàng rể cũng thuộc về nàng dâu. Từ việc cho đi, chúng ta phải ngay lập tức vượt qua để đi đến việc nhận lãnh trong sự hiệp thông. Không nhận lãnh điều gì khác hơn là sự thánh thiêng của Đức Kitô! “Sự trao đổi kỳ diệu” (admirabile commercium) mà phụng vụ nói đến sẽ thực sự diễn ra ở đâu trong đời sống của người tín hữu, nếu nó không được thực hiện vào lúc hiệp lễ?

Ở đó, chúng ta có cơ hội trao cho Chúa Giêsu những chiếc áo rách bẩn thỉu của mình và đón nhận từ Người “đức chính trực công minh” (Is 61,10). Thật vậy, có lời chép rằng “chính nhờ Thiên Chúa, Đức Kitô Giêsu đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và ơn cứu chuộc cho chúng ta” (x. 1Cr 1,30). Những gì Người đã trở nên “cho chúng ta” thì đã được định sẵn cho chúng ta, thuộc về chúng ta. Cabasilas viết: “Vì chúng ta thuộc về Chúa Kitô hơn thuộc về chúng ta, ‘Người đã trả giá đắt mà chuộc lấy chúng ta’ (1Cr 6,20), nên một cách trái ngược những gì thuộc về Chúa Kitô thì lại thuộc về chúng ta hơn là nếu nó là của chúng ta”. Chúng ta chỉ cần nhớ một điều: chúng ta thuộc về Đức Kitô bởi quyền lợi, Người thuộc về chúng ta bởi ân sủng!

Đó là một khám phá có khả năng chắp cánh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đây là một sự đột phá của đức tin và chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa đừng để chúng ta chết trước khi chúng ta đạt được đức tin đó.

Bí tích Thánh Thể, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi

Suy niệm về Bí tích Thánh Thể cũng giống như nhìn thấy những chân trời ngày càng rộng lớn đang mở ra trước mặt một người khi người đó càng tiến lên cao thì càng nhìn xa. Chân trời Kitô học về sự hiệp thông mà chúng ta đã chiêm ngưỡng cho đến nay mở ra một chân trời Ba Ngôi. Nói cách khác, nhờ hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong “lời nguyện hiến tế”, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23). Những lời: “Con ở trong họ và Cha ở trong con” có nghĩa là Chúa Giêsu ở trong chúng ta và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu. Vì vậy, người ta không thể đón nhận Chúa Con mà không đón nhận Chúa Cha đến với mình. Lời của Đức Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) cũng có nghĩa là “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Chúa Cha”.

Lý do cuối cùng cho điều này là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một và bản tính thần linh không thể tách rời, tất cả Ba Ngôi là “một”. Về vấn đề này, thánh Hilariô thành Poitiers đã viết: “Chúng ta kết hiệp với Đức Kitô, Đấng không thể tách rời khỏi Chúa Cha. Khi ở trong Chúa Cha, Người vẫn hiệp nhất với chúng ta; do đó, chúng ta cũng đi đến sự hiệp nhất với Chúa Cha theo cách đó. Thật vậy, Đức Kitô ở trong Chúa Cha một cách đồng bản tính, vì Người được sinh ra bởi Chúa Cha; nhưng theo một cách nào đó, chúng ta cũng nhờ Đức Kitô mà được ở trong Chúa Cha một cách đồng bản tính. Đức Kitô sống nhờ Chúa Cha, và chúng ta sống nhờ nhân tính của Người” (Thánh Hilariô, De Trinitate, VIII, 13-16 (PL 10, 246tt).

Những gì được nói về Chúa Cha cũng áp dụng cho Chúa Thánh Thần. Trong Bí tích Thánh Thể có một bản sao bí tích của những gì đã diễn ra trong lịch sử cuộc đời trần thế của Đức Kitô. Vào giây phút sinh ra trên địa cầu, chính Chúa Thánh Thần đã ban Chúa Kitô cho thế giới (thật vậy, Mẹ Maria đã thụ thai bởi phép của Chúa Thánh Thần!); vào giờ chết, chính Chúa Kitô là Đấng ban Thánh Thần cho thế gian: khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã “trao Thần Khí”. Tương tự, trong Bí tích Thánh Thể, lúc truyền phép, chính Chúa Thánh Thần ban Chúa Giêsu cho chúng ta, vì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà bánh được biến đổi thành thân thể Đức Kitô; tại thời điểm hiệp lễ, chính Đức Kitô, Đấng đến trong chúng ta, ban Thánh Thần cho chúng ta.

Thánh Irênê (người mà cuối cùng chúng ta có thể chào đón với tư cách là Tiến sĩ của Hội thánh!) đã nói rằng: Chúa Thánh Thần là “chính sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô”. Trong sự hiệp thông, Chúa Giêsu đến với chúng ta với tư cách là Đấng ban Thần Khí. Không phải như Người xưa kia đã ban Thánh Thần, nhưng như Người bây giờ, một lần nữa, khi hiến tế trên bàn thờ, “Người trao Thần Khí” (x. Ga 19,30).

Tất cả những gì tôi đã nói về Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể được tóm tắt một cách trực quan trong biểu tượng bức tranh ghép [icon] của Rublev về ba Thiên thần xung quanh bàn thờ. Cả Ba Ngôi ban cho chúng ta Thánh Thể và tự hiến cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể không chỉ là Lễ Phục sinh hàng ngày của chúng ta; đó cũng là Lễ Hiện Xuống hàng ngày của chúng ta!

Hiệp thông với nhau

Từ những đỉnh cao chóng mặt này, giờ đây chúng ta hãy trở lại trần gian và chuyển sang chiều kích thứ hai của hiệp thông Thánh Thể: hiệp thông với nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh. Chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh Tông đồ rằng: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

Phát triển một tư tưởng đã được phác thảo trong sách Didache, thánh Augustinô nhìn thấy một sự tương tự trong cách thức mà hai thân thể của Đức Kitô được hình thành: Thánh Thể và Hội thánh. Trong trường hợp của Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta có lúa mì rải rác trên các ngọn đồi, lúa mì được đập, xay, trộn trong nước và nấu trên lửa trở thành bánh dâng lên bàn thờ; còn trong trường hợp của Hội thánh, chúng ta có vô số người, những người hiệp nhất bằng cách rao giảng Tin Mừng, bằng cách ăn chay và sám hối, dìm vào trong nước khi làm phép rửa và nấu chín trong lửa của Thánh Linh, tạo thành thân thể là Hội thánh.

Về vấn đề này, lời của Đức Kitô ngay lập tức đến gặp chúng ta: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Nếu bạn đi rước lễ, nhưng bạn đã xúc phạm một người anh chị em của mình, và bạn không được hòa giải, bạn chứa một mối hận thù, thì theo thánh Augustinô, bạn giống một người nhìn thấy một người bạn lâu năm không gặp tiến đến với mình. Người ấy chạy đến với người bạn, nhón chân lên hôn lên trán người bạn… Nhưng khi làm điều này, người ấy đã không để ý rằng, mình đang dẫm lên chân người bạn bằng đôi giày đinh của mình. Các anh chị em của chúng ta là đôi chân của Chúa Giêsu, Đấng vẫn còn bước đi trên trần gian.

Hiệp thông với những người nghèo khổ

Điều này đặc biệt đúng đối với những người nghèo, những người khốn khổ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đấng đã nói về bánh: “Này là Mình Thầy”, thì cũng nói về người nghèo. Đức Giêsu đã nói điều này khi đang nói về những gì đã làm cho những kẻ đói, kẻ khát, người tù và người trần truồng, thì Người tuyên bố trịnh trọng rằng: “các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!”. Điều này chẳng khác nào nói: “Vì xưa Ta đói; Ta khát; Ta là khách lạ; Ta đau yếu; Ta ngồi tù” (x. Mt 25,35tt). Tôi đã nhớ những lần mà khoảnh khắc khi sự thật này gần như bùng nổ trong tôi. Tôi đang thực hiện một nhiệm vụ ở một đất nước rất nghèo. Băng qua các con đường của thủ đô, tôi thấy đâu đâu cũng có những đứa trẻ phủ trên mình một vài mảnh áo rách bẩn thỉu, chạy theo xe rác để kiếm chút gì ăn. Vào một khoảnh khắc nào đó, cứ như thể Chúa Giêsu đang nói với tôi rằng: “Hãy xem kỹ: đó là thân thể Thầy!”.

Người em gái của triết gia vĩ đại Blaise Pascal kể sự việc này với một người anh trai của Pascal. Trong lần ốm bệnh cuối cùng của mình, ông ta không thể giữ lại bất cứ thứ gì ông ta đã ăn, và vì lý do này mà họ không cho phép ông ta nhận Thánh Thể như của ăn đàng [viaticum] mà ông ta nhất quyết yêu cầu. Sau đó, ông nói: “Nếu không thể ban phép Thánh Thể cho tôi, thì ít nhất hãy để một người nghèo khó nào đó vào phòng của tôi. Nếu tôi không thể hiệp thông với Đấng là Thủ Lãnh, thì tôi muốn rằng, ít nhất tôi cũng phải được hiệp thông với các chi thể của Người [là Hội thánh]”.

Trở ngại duy nhất cho việc rước lễ mà thánh Phaolô nêu rõ ràng là sự kiện trong khi họp cộng đoàn là, “kẻ thì đói, người lại say”: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1Cr 11,20-21). Nói “đây không phải là ăn Bữa Tiệc Ly của Chúa” chẳng khác nào nói: bữa ăn của bạn không còn là Thánh Thể đích thực nữa! Đó là một tuyên bố mạnh mẽ, ngay cả từ quan điểm thần học, mà có lẽ chúng ta không chú ý đến.

Ngày nay, tình trạng có một số nơi đói và một số nơi thừa lương thực không còn là vấn đề địa phương mà là vấn đề toàn cầu. Không thể có điểm chung nào giữa bữa ăn tối của Chúa và bữa ăn trưa của người giàu, nơi ông chủ tổ chức tiệc tùng xa hoa, không để ý đến những người nghèo đang ở trước cổng nhà mình (x. Lc 16,19tt). Mối quan tâm chia sẻ những gì mình có với những người có nhu cầu, gần và xa, phải là một phần không thể thiếu trong đời sống Thánh Thể của chúng ta.

Không có ai mà trong một tuần không thể muốn thực hiện một trong những cử chỉ mà Chúa Giêsu nói: “Anh đã làm điều đó cho chính Ta vậy”. Chia sẻ không chỉ đơn giản có nghĩa là “cho một cái gì đó”: lương thực, quần áo, lòng hiếu khách; nó cũng có nghĩa là đi thăm một ai đó: một tù nhân, một người bệnh, một người già cả neo đơn ở một mình. Đó không chỉ là đưa mớ tiền giúp đỡ cho một ai đó, mà còn là dành thời giờ cho họ nữa. Người nghèo và những người đau khổ cần tình liên đới và tình yêu thương, không kém gì cơm ăn áo mặc, nhất là trong thời bị phong tỏa cô lập do đại dịch Covid gây ra.

Đức Giêsu đã nói: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!” (Mt 26,11). Điều này cũng đúng theo nghĩa là chúng ta không phải lúc nào cũng có thể rước Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, và ngay cả khi chúng ta làm vậy, thì việc hiệp lễ đó cũng chỉ kéo dài vài phút, trong khi chúng ta luôn có thể nhận được Mình Thánh Chúa trong những người nghèo. Không có giới hạn ở đây, chỉ cần chúng ta muốn là có. Chúng ta luôn có người nghèo ở bên cạnh chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta gặp ai đó đang đau khổ, nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với một số hình thức đau khổ tột cùng nào đó, nếu chúng ta chú ý lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy, với đôi tai của đức tin, lời của Chúa Kitô: “Này là Mình Thầy!”.

Tôi xin kết thúc bằng một câu chuyện nho nhỏ mà tôi đã đọc ở đâu đó. Một người đàn ông nhìn thấy một cô bé bị suy dinh dưỡng, đi chân đất và run lên vì đói rét, và gần như ông tức giận hét lên với Chúa rằng: “Chúa ơi, tại sao Chúa không làm một điều gì đó cho cô bé đi chứ?”. Chúa trả lời ông rằng: “Dĩ nhiên, Ta đã làm một điều gì đó cho cô bé đó rồi: Ta đã dựng nên con để con giúp đỡ cô bé!”

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết nhắc nhở bản thân mình đúng lúc.

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Dịch từ nguyên tác tiếng Ý tại cantalamessa.org

WHĐ (27.3.2022)

———-

  1. x. Thánh Augustinô,Tự thuật, VII, 10.
  2. Thánh Lêô Cả,Bài giảng số 12, về cuộc Khổ nạn, 7 (CCL 138A, tr. 388).
  3. Thánh Hilariô Poitiers,De Trinitate, 8, 16 (PL 10, 248): “Eius tantum in se adsumptam habens carnem, qui suam sumpserit”.
  4. Thánh Elisabét Chúa Ba Ngôi,Thư 261, gửi mẹ(trong Scritti, Rôma 1967, trang 457).
  5. N. Cabasilas,Đời sống trong Đức Kitô, IV, 6 (PG 150, 613).
  6. Thánh Hilariô,De Trinitate, VIII, 13-16 (PL 10, 246tt).
  7. Thánh Irênê,Adversus haereses, III, 24, 1.
  8. Thánh Augustinô,Sermo Denis, 6 (PL 46, 834tt).
  9. x. Thánh Augustinô,Chú giải về Thư thứ nhất của thánh Gioan, 10,8.
  10. Cuộc đời của Pascal, trong tác phẩm, B. Pascal,Oeuvres Coalètes, Paris 1954, tr. 3tt.

 

4. Bài thứ bốn:  Sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu

Sau những bài giáo lý giải thích về ba phần chính của Thánh lễ – đó là Phụng vụ Lời ChúaTruyền phép và Hiệp lễ – hôm nay chúng ta cùng nhau suy niệm về Bí tích Thánh Thể, sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Hội thánh.

Thử hỏi rằng, làm sao chúng ta có thể đối diện với một mầu nhiệm quá cao vời và quá khó hiểu như thế? Ngay lập tức, những ký ức đưa chúng ta về với vô số những lý thuyết và những cuộc thảo luận, về những sự khác biệt giữa Công giáo và Tin lành, giữa Công giáo Rôma và Chính thống giáo, vốn chứa đầy các sách thần học, mà đối với chúng ta, những người đã có một độ tuổi nhất định nào đó, đã từng nghiên cứu thần học, và chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng, sẽ Không thể nói thêm bất cứ điều gì về mầu nhiệm này, hầu có thể xây dựng đức tin và sưởi ấm tâm hồn của chúng ta, mà lại không tránh khỏi việc sa vào những cuộc luận chiến giữa các hệ phái khác nhau trong Kitô giáo.

Nhưng đó lại là công trình kỳ diệu mà Chúa Thánh Linh đang thực hiện giữa tất cả các Kitô hữu ngay trong thời đại chúng ta hôm nay. Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta phần nào nhận ra rằng, trong những cuộc tranh luận của chúng ta về bí tích Thánh Thể, con người tự mãn của chúng ta cho rằng, có thể giam hãm mầu nhiệm cao vời này vào một mớ lý thuyết, hoặc thậm chí, vào trong một vài từ ngữ nào đó, cũng như vào tính háo thắng của mình trước đối phương. Nhưng chính Thần Khí thúc giục chúng ta cần phải sám hối ăn năn, vì đã biến bảo chứng tối cao của tình yêu thương và sự hiệp nhất mà Chúa đã để lại cho chúng ta, trở thành một đối tượng đặc quyền cho những cuộc cãi vã của chúng ta.

Phương cách để tiến tới trên con đường đại kết này về Thánh Thể, đó chính là con đường bác ái [agape] Kitô giáo, là cách thức nhìn nhận lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ, hay là “những khác biệt cần được hòa giải – diferencias reconciliadas”, như lời Đức Thánh cha Phanxicô đã nói. Vấn đề không phải là bỏ qua những khác biệt thực sự, hoặc làm giảm đi học thuyết Công giáo đích thực theo một cách nào đó. Nhưng đúng hơn, đó là việc tập hợp những khía cạnh tích cực và những giá trị đích thực, vốn hiện hữu trong mỗi truyền thống lớn của Kitô giáo, để chúng ta có thể xây dựng “toàn bộ” chân lý chung, và bắt đầu lôi kéo chúng ta hướng tới sự hiệp nhất vĩnh viễn và viên mãn hơn.

Thật khó tin rằng, làm sao mà một số quan điểm Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành, xoay quanh chủ đề “sự hiện diện đích thực”, lại trở nên khác biệt giữa chúng và mang tính phá hoại nhau, khi chủ đề đó bị đặt ra đối lập với nhau và bị coi như những lựa chọn để thay thế cho nhau; trong khi chúng lại có vẻ như hội tụ với nhau một cách tuyệt vời, nếu được tổ chức cùng nhau ở trạng thái cân bằng. Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện một sự tổng hợp mới; chúng ta cần phải chắt lọc nơi các truyền thống lớn của Kitô giáo, để giữ lại “điều gì là tốt” trong mỗi truyền thống, như lời thánh Tông đồ đã khuyên nhủ chúng ta (x. 1Tx 5,21). Đây chính là cách duy nhất chúng ta có thể hy vọng rằng, một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ ngồi đồng bàn trong bữa Tiệc Thánh.

Truyền thống Công giáo Latinh: một sự hiện diện đích thực nhưng kín ẩn

Với tinh thần này, chúng ta hãy dành thời gian để xem xét kỹ hơn về ba truyền thống Thánh Thể chính yếu: Công giáo Latinh, Chính Thống giáo và Tin Lành, để khuyến khích chúng ta xây dựng những sự phong phú của mỗi truyền thống, và kết hợp tất cả những phong phú đó trong kho tàng chung của Hội thánh. Cuối cùng, ý tưởng mà chúng ta có được về mầu nhiệm hiện diện đích thực sẽ trở nên phong phú hơn và sống động hơn.

Theo nhãn quan của thần học và phụng vụ Công giáo Latinh, thời điểm truyền phép là trọng tâm không thể chối cãi của việc cử hành Bí tích Thánh Thể, từ đó chúng ta có sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô. Trong đó, chính Chúa Giêsu cử hành và truyền lệnh ở ngôi thứ nhất. Chẳng hạn như thánh Ambrôsiô đã nói rằng: “Trước khi được truyền phép thì bánh này vẫn là bánh; nhưng ngay khi lời truyền phép được thực hiện, thì bánh đã biến bản thể, trở thành Mình Chúa Kitô… Vậy việc truyền phép này được thực hiện bằng những lời nào? và những lời ấy là của ai? Thưa, đó là những lời của chính Chúa Giêsu! Tất cả những lời nguyện được đọc trước giây phút đó đều là do vị linh mục thưa lên để ngợi khen Thiên Chúa, để cầu nguyện cho dân chúng, cho các nhà lãnh đạo và cho những người khác; nhưng khi đến thời điểm truyền phép Thánh Thể, thì vị linh mục không còn dùng lời của mình nữa, mà dùng lời của chính Đức Kitô. Do đó, chính những lời của Chúa Kitô đã làm nên (conficit) bí tích này… Bạn có biết rằng những lời truyền phép của Chúa Giêsu Kitô có hiệu quả (operatorius) như thế nào không? Trước khi truyền phép thì chưa phải là Mình Chúa Kitô, nhưng sau khi truyền phép, tôi nói với bạn rằng, từ lúc đó chính là Mình Chúa Kitô. ‘Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên’ (Tv 33,9)” (thánh Ambrôsiô, Các Bí tích – De Sacramentis, IV, 14-16 (PL 16,439tt).

Từ quan điểm Công giáo Latinh, chúng ta có thể nói về tính hiện thực Kitô học. Sở dĩ nói tới “Kitô học”, là bởi vì mọi sự chú ý ở đây đều quy hướng về Chúa Kitô, được nhận thấy cả trong lịch sử và sự hiện hữu nhập thể của Người, cũng như trong đời sống của Đấng Phục Sinh; Đức Kitô vừa là đối tượng vừa là chủ thể của Bí tích Thánh Thể, nghĩa là Đấng được thực hiện trong Bí tích Thánh Thể và cũng chính là Đấng thực hiện Bí tích Thánh Thể. “Tính hiện thực” là bởi vì không những được nhìn thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu trên bàn thờ, trong một dấu chỉ hoặc biểu tượng, mà còn trong sự thật và với thực tại riêng của Người nữa. Để có thể thấy rõ được tính hiện thực Kitô học này, chúng ta đưa ra một ví dụ, trong bài thánh ca “Kính Mừng Thân Thể Thật  Ave Verum Corpus”, trong đó Thánh Thể Chúa Kitô được ca ngợi là “thân xác thật, sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, Người đã bị sát tế trên thập giá, và cạnh sườn Người đã bị đâm thâu, để máu cùng nước chảy ra…”

Sau đó, Công đồng Trentô đã làm sáng tỏ cách thức này tốt hơn về quan niệm của sự hiện diện đích thực, bằng cách sử dụng ba trạng từ: chân chính, thực tại, bản thể – vere, realiter, substantialiter. Chúa Giêsu hiện diện thực sự, không chỉ bằng hình ảnh, hay hình bóng; Người thực sự hiện diện, không chỉ về mặt chủ quan, đối với đức tin của các tín hữu; nhưng Người hiện diện theo bản thể, nghĩa là theo thực tại sâu sắc, là điều không thể nhìn thấy được đối với các giác quan, chứ không phải theo những vẻ bề ngoài vẫn còn là hình bánh và rượu.

Đúng là có một mối nguy cơ có thể xảy ra, đó là rơi vào một chủ nghĩa hiện thực “thô thiển”, hoặc một chủ nghĩa hiện thực cường điệu quá mức, nhưng mối nguy cơ này đã tìm thấy phương pháp khắc phục ngay trong chính bản thân truyền thống. Thánh Augustinô đã làm sáng tỏ vấn đề, một lần và vĩnh viễn, rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể diễn ra “trong bí tích – in sacramento”. Nói cách khác, đó không phải là sự hiện diện về mặt thể lý, mà là một sự hiện diện bí tích, qua các dấu chỉ, chính xác là dấu chỉ bánh và rượu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dấu chỉ không loại trừ thực tại, nhưng làm cho thực tại hiện hữu, theo cách độc đáo duy nhất mà Đức Kitô Phục sinh “sống trong Thần Khí” (1Pr 3,18) có thể hiện diện với chúng ta, bao lâu chúng ta vẫn còn sống trên cuộc đời này.

Thánh Tôma Aquinô – “một kiến ​​trúc sư vĩ đại” khác về linh đạo Thánh Thể tại Tây phương, cùng với thánh Ambrôsiô và thánh Augustinô – cũng nói như vậy, khi nói về sự hiện diện của Chúa Kitô “theo bản thể” dưới hình bánh và hình rượu (x. thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, III, q.75, a.4). Thật vậy, nói rằng Chúa Giêsu làm cho mình hiện diện trong Bí tích Thánh Thể với bản thể của Người, nghĩa là nói rằng, Người hiện diện với thực tại chân chính và sâu xa của Người, mà chỉ có thể đạt được nhờ đức tin. Trong bài thánh ca Adoro Te devote, phản ánh chặt chẽ tư tưởng của thánh Tôma Aquinô về Thánh Thể, và đã phục vụ hơn nhiều cuốn sách để định hình lòng đạo đức Thánh Thể trong Hội thánh Latinh, người ta nói: “Thị giác, xúc giác và vị giác, mọi thứ đều thất bại ở đây. Chỉ còn đức tin vào Lời Chúa mà thôi” – “Visus tactus gustus in te fallitur – sed Auditui solo tutorial creditur”.

Do đó, Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị, không có ở nơi nào khác. Không một tính từ nào là đủ để mô tả sự hiện diện này; thậm chí không phải là tính từ “đích thực”. Từ ngữ hiện diện “đích thực” xuất phát từ res (sự việc) và có nghĩa là: bởi một sự việc hoặc một sự vật; nhưng Chúa Giêsu không hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như một “sự việc” hay một sự vật, song chính là một con người. Nếu bạn thực sự muốn đặt tên cho sự hiện diện này, thì tốt hơn là chỉ nên gọi đó là sự hiện diện “Thánh Thể”, bởi vì điều này chỉ được thực hiện trong Bí tích Thánh Thể mà thôi.

Hành động của Chúa Thánh Thần: Truyền thống Chính thống giáo

Thần học Công giáo Latinh trình bày nhiều nét phong phú, nhưng không thể khai thác hết mầu nhiệm, cũng như không thể thực hiện được điều đó. Ít nhất là trong quá khứ, nền thần học này đã thiếu sự chú trọng đúng mức vào Chúa Thánh Thần, Đấng cũng rất cần thiết để hiểu về Bí tích Thánh Thể. Ở đây, chúng ta hãy nhìn sang các Hội thánh tại Đông phương, để đặt câu hỏi về truyền thống Chính thống, tuy nhiên, với một tinh thần rất khác so với trước đây: chúng ta không còn lo lắng về sự khác biệt, nhưng vui mừng vì sự hoàn thiện mà nó mang lại cho nhãn quan Công giáo Latinh của chúng ta.

Trên thực tế, trong truyền thống Chính thống giáo, hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc cử hành Thánh Thể rất được đề cao. Sau Công đồng Vaticanô II, những đối chiếu này đã đơm hoa kết trái. Cho tới thời điểm Công đồng Vaticanô II, trong Lễ Quy Rôma về Thánh lễ, chỉ đề cập đến Chúa Thánh Thần, như một lời xen vào vinh tụng ca kết thúc rằng: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô … trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần… Per ipsum, et cum ipso et in ipso… in unitate Spiritus Sancti…”. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả mọi Kinh Nguyện Thánh Thể mới đều mang một lời khẩn cầu kép về Chúa Thánh Thần: một lời cầu nguyện trên lễ vật, trước khi truyền phép, và một một lời cầu nguyện cho Hội thánh, sau khi truyền phép.

Các phụng vụ Đông phương luôn cho rằng việc nhận biết sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trên bàn thờ là một hoạt động đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Trong Lời Nguyện Thượng Tiến [anaphore] của thánh Giacôbê, được sử dụng trong Hội thánh tại Antiôkia, Chúa Thánh Thần được cầu khẩn với những lời sau: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến trên chúng con, và trên những lễ vật dâng tiến Chúa đây, Thần Khí thánh của Chúa và là Đấng hằng sống, và hiển trị cùng với Chúa Cha, cùng với Chúa Con, Con Một duy nhất của Chúa Cha. Người hằng hiển trị và đồng bản thể; Người đã nói qua Lề luật, qua các ngôn sứ và trong Tân Ước; dưới hình chim bồ câu, Đấng đã xuống trên Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, tại sông Giô-đan, và đã đậu xuống trên Người; vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dưới hình lưỡi lửa, Người giáng xuống trên các Tông đồ. Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh rất thánh của Chúa xuống trên chúng con và trên những lễ vật dâng tiến Chúa đây, để nhờ Người đến, trong sự thánh thiện, tốt lành và vinh hiển, xin Người thánh hóa bánh này và làm cho trở nên Mình Thánh của Đức Kitô (A-men), để Người thánh hóa chén này và làm cho trở nên máu châu báu của Đức Kitô (Amen)”.

Ở đây, còn nhiều điều hơn là sự bổ sung đơn giản của việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Có một cái nhìn bao quát và xuyên suốt vào toàn bộ lịch sử cứu độ giúp khám phá một chiều kích mới của mầu nhiệm Thánh Thể. Khởi đi từ những lời Kinh Tin Kính Nicê-Constantinopoli định nghĩa Chúa Thánh Thần là “Chúa” và là “Đấng ban sự sống”, “Đấng đã dùng các tiên tri mà phán dạy”, viễn cảnh được mở rộng để hướng theo một “lịch sử” thực sự về hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Bí tích Thánh Thể hoàn thành chuỗi can thiệp phi thường này. Chúa Thánh Thần, Đấng vào ngày lễ Phục sinh, đã ùa vào trong mồ trống và “chạm vào” thân xác bất động của Đức Giêsu, làm cho thân xác ấy sống lại, Chúa Thánh Thần lặp lại sự kỳ diệu này trong Bí tích Thánh Thể. Người xuống trên bánh và rượu là những yếu tố không có sinh khí và ban cho sự sống, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu của Đấng Cứu Thế. Quả thật – như chính Chúa Giêsu đã nói về Bí tích Thánh Thể – “chính Thần Khí là Đấng ban sự sống” (Ga 6,63). Một đại diện lớn của truyền thống Thánh Thể Đông phương, thánh Theôđôrê Antiôkia đã viết:

“Nhờ cử hành phụng vụ, Chúa chúng ta, Đấng đã sống lại từ cõi chết, và tuôn đổ hồng ân của Người trên tất cả chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần hiện xuống … Khi vị chủ tế tuyên bố rằng bánh này và rượu này là Mình và Máu Đức Kitô, thì ngài khẳng định rằng bánh rượu đã trở nên Mình Máu Chúa nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần. Điều đã xảy ra như vậy với thân thể tự nhiên của Đức Kitô, khi Người nhận được Thần Khí và sự xức dầu của Thánh Thần. Vào thời điểm đó, khi Thánh Thần ngự đến, chúng ta tin rằng bánh và rượu nhận được một loại xức dầu của ân sủng. Và kể từ đó, chúng ta tin rằng bánh này và rượu này trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, từ bản chất, Thánh Thể trở thành bất tử, bất hoại, bất khả thụ nạn [không thể đau khổ] và bất biến về bản thể nữa, trở nên giống như chính thân thể phục sinh của Đức Kitô” (thánh Theôđôrô Antiôkia, Omelie catechetiche, XVI,11tt (Studi e Testi 145, tr. 551tt).

Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ, cho phép chúng ta thấy rằng, ngay cả truyền thống Latinh cũng có một điều gì đó để cung cấp cho các anh em Chính thống giáo. Chúa Thánh Thần không hành động riêng rẽ với Chúa Giêsu, nhưng hành động trong chính lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói về Thần Khí như sau: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, … Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14). Đây là lý do tại sao chúng ta không được tách những lời của Chúa Giêsu (“Này là Mình Thầy”) với những lời nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần – Epiclesis (“Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho bánh này trở nên Mình Chúa Kitô”).

Lời kêu gọi hiệp nhất, đối với anh em Công giáo và Chính thống giáo, dấy lên từ sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, ngay cả khi, ngoài sự cần thiết, việc tưởng niệm cử hành bí tích Thánh Thể và sự cầu khẩn Chúa Thánh Thần diễn ra trong những thời điểm riêng biệt (con người không thể diễn tả mầu nhiệm chỉ trong một khoảnh khắc), thì hành động của Đức Kitô và Thần Khí vẫn liên kết với nhau. Hiệu quả chắc chắn đến từ Thánh Linh (chứ không phải từ linh mục, cũng không phải từ Hội thánh), nhưng hiệu quả này được thực hiện trong lời của Đức Kitô và qua lời ấy. – Tôi nói – hiệu quả khiến Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ không đến từ Hội thánh, nhưng – tôi nói thêm rằng – điều đó sẽ không xảy ra nếu không có Hội thánh. Bởi Hội thánh là khí cụ sống động mà Chúa Thánh Thần hoạt động, ngang qua Hội thánh và cùng với Hội thánh. Điều đó xảy ra, đối với sự hiện hiện của Chúa Giêsu trên bàn thờ, cũng như Người sẽ ngự đến trong vinh quang vào ngày chung thẩm: “Thần Khí và Tân Nương” (là Hội thánh!) “hãy nói” với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22,17.20). Và Người ngự đến.

Tầm quan trọng của đức tin: Linh đạo của Tin lành

Truyền thống Công giáo Latinh đã nêu bật “ai” hiện diện trong Bí tích Thánh Thể: đó chính là Đức Kitô; còn truyền thống Chính thống đã nêu bật Đức Kitô hiện diện bởi “ai”: thưa, bởi Chúa Thánh Thần; Thần học Tin lành làm nổi bật sự hiện diện này hoạt động trên “ai”: nói cách khác, bí tích hoạt động trong những điều kiện nào, trên thực tế, bí tích hoạt động trên người lãnh nhận. Những điều kiện này khác nhau, nhưng chúng có thể được tóm gọn trong một từ: đó là đức tin.

Chúng ta đừng dừng lại ngay lập tức ở những hậu quả tiêu cực, được rút ra, trong những giai đoạn nhất định, từ nguyên tắc của Tin lành, mà theo đó cho rằng, các bí tích không gì khác hơn ngoài “dấu chỉ của đức tin”. Chúng ta hãy vượt ra khỏi những hiểu lầm và tranh cãi, và sau đó, chúng ta thấy rằng lời kêu gọi đức tin tràn đầy năng lượng này là hành động chính xác để cứu bí tích và không làm cho bí tích hết hiệu lực đối với một trong những “việc tốt lành”, hoặc đối với một điều gì đó hoạt động một cách máy móc và mang tính ma thuật, hầu như không được biết đến đối với con người. Về cơ bản, vấn đề đặt ra là khám phá ý nghĩa sâu xa của lời chúc tụng mà phụng vụ vang lên ở cuối lời truyền phép, và một khi chúng ta nhớ lại, thậm chí còn được đưa vào trung tâm của công thức truyền phép, như thể để nhấn mạnh rằng, đức tin đó chính là một phần thiết yếu của mầu nhiệm: Mầu nhiệm đức tin! [Mysterium fidei!].

Đức tin không “làm” nên bí tích mà chỉ “lãnh nhận” bí tích. Chỉ lời của Đức Kitô được Hội thánh lặp lại và được Chúa Thánh Thần thực hiện mới “làm nên” bí tích mà thôi. Nhưng bí tích sẽ có ích lợi gì nếu như bí tích không được chúng ta “lãnh nhận”? Về việc Nhập thể, những người như Ôrigen, thánh Augustinô, thánh Bênađô, đã bày tỏ suy tư này: “Đức Kitô đã được sinh ra một lần bởi Đức Maria, tại Bêlem, nhưng nếu Người không tiếp tục được sinh ra trong tâm hồn tôi, bởi đức tin, thì liệu có ích gì cho tôi chăng?” Điều tương tự cũng phải được nói về Bí tích Thánh Thể như thế; Đức Kitô thực sự hiện diện trên bàn thờ có ích gì cho tôi nếu như không phải là Người hiện diện với tôi và cho tôi? Ngay tại thời điểm Chúa Giêsu hiện diện trần gian, đức tin là cần thiết; Sự hiện diện của Người sẽ chẳng đem lại lợi ích chi đối với những kẻ không tin, ngoại trừ như một lời kết án, như chính Người đã lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! khốn cho ngươi, hỡi Ca-phác-na-um!” (Mt 11,21-23).

Đức tin là một điều cần thiết để làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không chỉ là chắc chắn “đích thực”, mà còn mang tính “riêng tư cá nhân”, nghĩa là một sự hiện diện sống động gặp gỡ giữa hai chủ thể, diện đối diện. “Sự hiện diện” sống động thì khác với việc “ở lại đó” một cách thụ động, vô hồn. Sự hiện diện đặt ra trước một người đang có mặt với người kia, sự hiện diện này giả định rằng phải có một sự tương giao kết nối với nhau, một sự trao đổi giữa hai chủ thể tự do nhận thức và cởi mở đối với nhau. Vì thế, sự hiện diện này mang nhiều ý nghĩa tương tác hơn là chỉ ở lại một nơi nhất định nào đó, mà không đem lại ý nghĩa gì.

Chiều kích chủ quan và hiện sinh như vậy của sự hiện diện Thánh Thể không làm mất đi sự hiện diện khách quan đi trước đức tin của con người, nhưng đúng hơn là giả thiết và nâng cao đức tin ấy. Lutherô, một người rất đề cao vai trò của đức tin, cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất giáo lý về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Trong quá trình tranh luận với các nhà cải cách khác về vấn đề này, ông đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng:

“Tôi không thể hiểu những hạn từ ‘Này là Mình Thầy’, khác với những gì mà hạn từ ấy đã phát ra. Do đó, những người khác phải chứng minh được rằng, khi có lời nói: ‘Này là Mình Thầy’, thì thân thể của Đức Kitô không ở đó. Tôi không muốn nghe những lời cắt nghĩa chỉ dựa trên lý trí. Đối diện với những lời rõ ràng như vậy, tôi không nhìn nhận những thắc mắc; Tôi bác bỏ mọi lý lẽ tầm thường và lý trí lành mạnh của con người. Tôi hoàn toàn bác bỏ những chứng minh thực tế và lập luận phân tích. Bởi vì Thiên Chúa thì cao cả hơn bất kỳ một loại toán học nào, và Lời Chúa phải được tôn thờ và ứng nghiệm một cách đầy kinh ngạc” (x. Atti del colloquio di Marburgo del 1529 (Opere di Lutero, ed. di Weimar, 30, 3, tr. 110tt).

Một cái nhìn thoáng qua mà chúng ta có được về sự phong phú nơi các truyền thống Kitô giáo khác nhau cũng đủ để làm cho chúng ta nhận ra một ân huệ lớn lao, đã được mặc khải cho Hội thánh là như thế nào, khi các hệ phái Kitô khác nhau quyết định chia sẻ di sản thiêng liêng của mình, cũng như các Kitô hữu thời sơ khai, những người mà Sách Thánh nói rằng “họ để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44). Đây chính là niềm vui bác ái [agape] cao cả nhất, trong chiều kích của toàn thể Hội thánh, điều mà chính Chúa đã đặt để trong tâm hồn chúng ta, một khát khao được nhìn thấy đức ái đó, như thế, vị Cha chung của tất cả chúng ta sẽ vui mừng, và Hội thánh của Người sẽ được củng cố.

Cảm thức về sự hiện diện

Chúng ta đã đi đến phần kết của cuộc hành hương Thánh Thể ngắn ngủi của mình qua các hệ phái Kitô giáo khác nhau. Chúng ta cũng đã thu lại vào giỏ những mẩu bánh dư thừa còn sót lại từ phép lạ hóa bánh ra nhiều, diễn ra trong Hội thánh. Nhưng chúng ta không thể khép lại việc suy gẫm về mầu nhiệm của sự hiện diện đích thực ở đây. Điều đó sẽ giống như việc thu lại những mẩu bánh vụn và không ăn chúng. Đức tin vào sự hiện diện đích thực chính là một điều tuyệt vời, nhưng điều đó chưa đủ đối với chúng ta; ít nhất là đức tin được hiểu theo một cách nào đó. Ý tưởng cởi mở và hoàn hảo về mặt đại kết, về mặt thần học, về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là chưa đủ. Có biết bao trong số các nhà thần học biết mọi điều về mầu nhiệm này; nhưng họ lại không biết tới “sự hiện diện thật”. Bởi vì theo nghĩa Kinh Thánh thì “biết” một điều, chính là những người đã kinh nghiệm về điều đó rồi. Chỉ những ai, ít nhất hơn một lần, đã thực sự chạm vào lửa thì mới biết được lửa là gì…

Thánh Grêgôriô Nadien đã để lại cho chúng ta một biểu hiện tuyệt vời để chỉ ra mức độ đức tin cao nhất này; thánh nhân nói tới “cảm thức về sự hiện diện – aisthesis tes parusias” (Thánh Grêgôriô, Về sách Diễm Ca – Sul Cantico, XI, 5, 2 [PG 44, 1001]). Điều xảy ra khi một người được nắm bắt bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, có một nhận thức nhất định (không chỉ là một ý tưởng) rằng Người đang hiện diện. Đây không phải là một nhận thức tự nhiên; đó là kết quả của một ân sủng có tác dụng như một bước đột phá về cấp độ, một bước nhảy vọt về phẩm chất.

Có một sự tương tự rất mạnh mẽ với những gì đã xảy ra khi sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã để cho một ai đó nhận ra Người. Đó là một điều bất ngờ, đột ngột, làm thay đổi hoàn toàn tâm trạng của một con người.

Một ngày nọ, sau khi phục sinh, các môn đệ đang đánh cá trên biển hồ; một người xuất hiện trên bờ biển. Một cuộc đối thoại từ xa được thiết lập: “Này các chú, không có gì ăn ư?”; các ông trả lời: “Thưa không!” Nhưng kìa, một tia sáng lóe lên trong lòng Gioan, ông bắt đầu kêu lên: “Chúa đó!” Rồi mọi thứ thay đổi, và rồi họ cùng nhau vào bờ (x. Ga 21,4tt). Điều tương tự cũng xảy ra với hai môn đệ trên đường Emmaus; Đức Giêsu cùng đi với họ, “nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”; cuối cùng, qua hành động bẻ bánh, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,13tt). Ở đây, một điều tương tự cũng xảy ra vào ngày mà một người Kitô hữu, sau khi đã nhiều lần lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng cuối cùng, qua một quà tặng ân sủng, họ đã bất ngờ “nhận ra” Chúa thật.

Từ đức tin, và từ “cảm thức” về sự hiện diện đích thực, lòng sùng kính, và hơn thế nữa, sự dịu dàng đối với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể phải được tự bộc phát ra. Đây là một cảm thức cá nhân và tinh tế, đến mức, bạn có nguy cơ thay đổi cảm thức đó chỉ bằng cách nói về nó. Thánh Phanxicô Assisi đã có tấm lòng đầy ắp những tâm tình như thế đối với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Thánh nhân bị xúc động trước ảnh Thánh Nhan Chúa Giêsu, như ở Greccio; thánh Phanxicô cũng bị xúc động trước Hài Nhi tại Bêlem, thật bất lực, phó thác trong tay nhân loại chúng ta, thật khiêm tốn hèn mọn quá!

Trong Thư gửi toàn thể Dòng, thánh Phanxicô viết những lời đầy lửa mến mà giờ đây chúng ta muốn nghe, như ngài đang nói với chúng ta ngay vào lúc này, khi kết thúc bài suy niệm về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể:

Hỡi các anh em linh mục, hãy quan tâm tới phẩm giá của anh em, và hãy sống thánh thiện, bởi vì Người là Đấng thánh … Sẽ là một sự khốn khổ lớn lao, và thật khốn nạn, nếu Người đang hiện diện được cầm trong tay anh em, mà anh em lại chiếm lấy cho mình bằng một điều gì khác trên trần gian này! Toàn thể nhân loại run rẩy, toàn thể vũ trụ rung chuyển, và thiên đàng vui mừng, khi Đức Kitô, Con Đức Chúa Trời hằng sống, ngự trên bàn thờ, trong tay vị chủ tế! Hỡi sự cao cả đáng ngưỡng mộ, sự tốt lành đáng kinh ngạc!

Hỡi sự khiêm nhường siêu phàm! Hỡi sự khiêm nhường thăng hoa! xin Chúa của vũ trụ, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vì ơn cứu rỗi của chúng ta, đã hạ mình xuống đến độ ẩn mình dưới hình một tấm bánh nhỏ bé!

Hỡi anh em, hãy chiêm ngưỡng sự khiêm nhường của Thiên Chúa, và hãy tôn kính Người trong lòng anh em; hãy hạ mình xuống, để anh em có thể được Người nâng lên. Do đó, đừng giữ cho riêng mình điều gì, để anh em hoàn toàn có thể nhận được Đấng đã tự hiến hoàn toàn cho anh em.

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.[1]
Dịch từ nguyên tác tiếng Ý tại 
cantalamessa.org
WHĐ (03.4.2022)

  1. AMBROGIO, De sacramentis, IV, 14-16 (PL 16, 439 ss).
  2. Cf TOMMASO D’AQUINO, Summa theologiae III, q. 75, a. 4.
  3. TEODORO DI MOPSUESTIA, Omelie catechetiche, XVI, 11 s (Studi e Testi 145, pp. 551 s).
  4. Cf Atti del colloquio di Marburgo del 1529 (Opere di Lutero, ed. di Weimar, 30, 3, p. 110 ss).
  5. GREGORIO NISSENO, Sul Cantico, XI, 5, 2 (PG 44, 1001) .

[1] Giuse Phan Văn Phi O.Cist. đã đăng ký bản quyền dịch và xuất bản ấn phẩm này tại Việt Nam, theo luật bản quyền và xuất bản.

 

5. Bài thứ năm:  Thầy đã nêu gương cho anh em

Bài suy niệm cuối cùng này về Bí tích Thánh Thể, bắt đầu từ một câu hỏi: Tại sao trong trình thuật về Bữa Tiệc Ly, thánh sử Gioan lại không nói đến việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, mà thay vào đó, lại nói về việc rửa chân? Chẳng phải chính Đức Giêsu đã dành cả một chương 6 trong Tin Mừng Gioan để sửa soạn cho các môn đệ ăn thịt và uống máu Người hay sao?

Thưa, lý do là trong tất cả những gì liên quan đến sự Phục Sinh và Thánh Thể thì thánh sử Gioan cho thấy rằng, ngài muốn nhấn mạnh tới sự kiện hơn là bí tích, nghĩa là nhấn mạnh tới ý nghĩa hơn là dấu chỉ. Vì theo thánh sử Gioan, Lễ Vượt Qua mới không khởi đi từ Nhà Tiệc Ly, khi nghi thức tưởng niệm này được thiết lập (chúng ta biết rằng Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng Gioan không phải là “bữa tối Vượt Qua”); hay nói đúng hơn, sự kiện được tưởng niệm diễn ra bắt đầu từ nơi thập giá Đức Giêsu. Đây là nơi diễn ra sự chuyển đổi từ Lễ Vượt Qua cũ sang Lễ Vượt Qua mới. Qua đó, Gioan đã chỉ ra rằng, khi Đức Giêsu chịu chết trên thập giá thì “không có khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập” (Ga 19,36): bởi vì điều này đã được quy định đối với chiên vượt qua trong sách Xuất hành như sau: “Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó” (Xh 12,46).

Ý nghĩa của việc rửa chân

Điều quan trọng là chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc rửa chân theo Tin Mừng Gioan. Trong Tông hiến gần đây có tựa đề là Hãy Loan báo Tin Mừng [Praedicate Evangelium, được ban hành ngày 19.3.2022, về việc cải cách Giáo triều Vatican], trong Lời mở đầu, đã đề cập đến việc rửa chân, như một biểu tượng của sự phục vụ, đó phải là đặc trưng cho tất cả các hoạt động của Giáo triều Rôma đã được cải tổ (x. Tông hiến Praedicate Evangelium, số 1). Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng, làm sao để có thể đưa Thánh Thể vào trong đời sống, và vì thế, “những điều đã được cử hành trên bàn thờ thì cũng cần phải được noi gương bắt chước trong chính cuộc sống nữa”. Chúng ta đang đứng trước một trong những tình tiết đó (có tình tiết khác nữa, đó là tình tiết cạnh sườn bị đâm thâu) nơi thánh sử rõ ràng khiến chúng ta hiểu rằng ở đây ẩn chứa một mầu nhiệm vượt xa một thực tại ngẫu nhiên mà tự nó có thể chỉ được thấy một lợi ích không đáng kể.

Đức Giêsu nói: “Thầy đã nêu gương cho anh em”. Vậy Người đã nêu gương cho chúng ta về điều gì đây? Liệu chúng ta phải thực hành rửa chân cho các anh em mình mỗi khi chúng ta ngồi vào bàn ăn hay sao? Chắc chắn là không phải việc rửa chân theo nghĩa đen này rồi! Nhưng lời giải đáp đã có sẵn trong Tin Mừng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,43-45).

Trong Tin Mừng Luca, chính xác trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, có một lời của Đức Giêsu mà dường như đã được nói đến khi kết thúc việc rửa chân: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Theo thánh sử Luca thì Đức Giêsu nói những lời này bởi vì giữa các môn đệ đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất (x. Lc 22,24). Có lẽ chính hoàn cảnh này đã thôi thúc Đức Giêsu thực hiện việc rửa chân cho các ông, như một kiểu dụ ngôn trong hành động. Trong khi các tông đồ đang bàn luận sôi nổi với nhau, thì Đức Giêsu lặng lẽ đứng dậy rời khỏi bàn ăn, tìm một chậu nước và một chiếc khăn, rồi quay lại quỳ trước mặt Phêrô và các môn đệ để rửa chân cho các ông, điều dễ hiểu là dẫn tới việc Phêrô tỏ ra hết sức bối rối: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6).

Đức Giêsu muốn gồm tóm lại toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời Người bằng hành động rửa chân, vốn lưu lại một ấn tượng sâu sắc trong ký ức của các môn đệ, và một ngày nào đó, khi các môn đệ có thể hiểu được thì họ sẽ hiểu: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,7). Cử chỉ đó, được đặt ở cuối của sách Tin Mừng, cho chúng ta biết rằng, từ đầu đến cuối, toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu chính là một sự rửa chân, nghĩa là phục vụ cho loài người chúng ta. Như một số nhà chú giải Kinh Thánh đã nói, đó là một sự hiện hữu thân thiện, nghĩa là một sự hiện hữu sống động vì lợi ích của tha nhân.

Đức Giêsu đã cho chúng ta mẫu gương về một đời sống phục vụ tha nhân, một đời sống trở nên “một tấm bánh bẻ ra cho thế giới”. Do đó, qua những lời, “để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”, thì Đức Giêsu thiết lập diakonía, nghĩa là sự phục vụ, nâng việc phục vụ lên thành một giới luật căn bản, hay đúng hơn, thành một lối sống và kiểu mẫu của mọi mối tương giao trong Hội thánh. Như thể Người đang nói ngay cả đến việc rửa chân phục vụ, cũng như chính điều Người đã nói khi lập Bí tích Thánh Thể rằng: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy!”.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, trước khi tiếp tục thảo luận, tôi muốn đi ra ngoài chủ đề một chút. Có một Linh phụ sa mạc xưa, chân phước Isaác Ninivê, đã đưa ra lời khuyên này cho những ai bị buộc phải nói về những điều thiêng liêng cao cả mà trong đời sống của mình cũng chưa đạt được, ngài nói rằng: “Sau khi đã hết lòng khiêm cung, và tự hạ mình nhỏ bé hơn bất kỳ những người nào đang nghe lời mình nói, thì hãy nói về điều thiêng liêng cao cả đó như mình đang thuộc về hạng môn đệ, và không có chức quyền gì cả” (San Isacco di Ninive, Discorsi ascetici, 4, Città Nuova, Roma 1984, p. 89). Kính thưa quý đức cha và các anh chị em thân mến, đó chính là tinh thần mà tôi dám nói ra để phục vụ tất cả anh chị em, những người đang từng ngày sống tinh thần phục vụ đó.

Tôi nhớ lời nhận xét vui đã từng dành cho chúng tôi, gồm các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế do Đức Hồng y Franjo Šeper làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, vị khách đã mỉm cười và nói: “Các thần học gia các anh thì dù chưa viết xong một đề tài nào đó mà ngay lập tức các anh đã vội viết tên mình vào tác phẩm. Còn chúng tôi phục vụ trong Giáo triều này thì phải làm tất cả mọi thứ một cách ẩn danh, không ai biết tới”. Và đó chính là phẩm chất của việc phục vụ Tin Mừng, đó là lý do để tôi ngưỡng mộ và cảm ơn tới biết bao nhiêu vị tôi tớ của Hội thánh đang âm thầm làm việc tại Giáo triều Rôma này, hay trong các Tòa Giám mục và các Tòa sứ thần.

Chúng ta hãy quay trở lại chủ đề. Học thuyết về các đặc sủng hoàn toàn hướng đến việc phục vụ; sự phục vụ xuất hiện như linh hồn và mục đích của mọi đặc sủng. Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi “sự biểu lộ đặc biệt của Thần Khí” đều được ban cho “vì lợi ích chung” (x. 1Cr 12,7), và các đặc sủng được ban cho “dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ” [diakonía] (Ep 4,12). Ngay cả tông đồ Phêrô, khi khuyến cáo lòng hiếu khách, cũng viết: “Ơn riêng [chárisma] Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ [diakonía] kẻ khác” (1Pt 4,10). Đặc sủng và sứ vụ; đặc sủng và sự phục vụ, hai yếu tố này luôn có vẻ kết nối quan trọng với nhau. Hội thánh mang tính đặc sủng để phục vụ!

Tinh thần phục vụ

Chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của hạn từ “phục vụ”, để nó có thể trở thành hiện thực trong đời sống chúng ta, và chúng ta không chỉ giới hạn bản thân trong những từ ngữ hoa mỹ mà thôi. Tự bản chất, sự phục vụ không phải là một nhân đức. Chúng ta không tìm thấy hạn từ phục vụ [diakonía] nào được gọi là một nhân đức, hoặc được gọi là hoa quả của Thần Khí, như trong danh mục mà các sách Tân Ước đã nêu ra. Thật vậy, thậm chí có người còn nói về việc phục vụ cho tội lỗi nữa (x. Rm 6,16), hoặc phục vụ các ngẫu tượng (x. 1Cr 6,9), mà chắc chắn đó không phải là một việc phục vụ tốt đẹp. Tự bản chất, việc phục vụ là trung lập, không tốt không xấu: nó chỉ nhấn mạnh đến điều kiện trong cuộc sống, hoặc cách thức tương quan với những người khác, trong công việc của một người, một sự lệ thuộc liên quan đến những người khác. Thậm chí việc phục vụ có thể còn là một điều tồi tệ nữa, nếu được thực hiện vì bị ép buộc (như trong chế độ nô lệ), hoặc chỉ vì sở thích và tư lợi.

Tất cả mọi người thời nay đều nói về sự phục vụ; mọi người đều nói rằng họ đang ở trong tình trạng phục vụ: người thương gia phục vụ các khách hàng; hoặc người ta nói đến tất cả những người thực hiện một chức năng xã hội mà họ cung cấp dịch vụ hoặc họ phục vụ. Nhưng rõ ràng là việc phục vụ mà Tin Mừng nói tới thì lại là một điều hoàn toàn khác, cho dù nó không loại trừ sự phục vụ theo kiểu người phàm, và cũng không nhất thiết phải loại bỏ sự phục vụ như cách hiểu của thế gian. Sự khác biệt hoàn toàn chính là ở động cơ và thái độ bên trong nội tâm mà việc phục vụ đó được thực hiện.

Chúng ta hãy đọc lại trình thuật Tin Mừng về việc rửa chân, để xem Đức Giêsu thực hiện với tinh thần nào và điều gì đã khiến Người hành động: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Phục vụ không phải là một nhân đức, nhưng bắt nguồn từ các nhân đức, và trước hết là từ lòng bác ái; quả thật, đó là cách diễn đạt tuyệt vời nhất của điều răn mới. Phục vụ là một cách thể hiện tình yêu thương “không tìm tư lợi” (x. 1Cr 13,5), mà là vì yêu thương tha nhân, không tìm kiếm bản thân, mà còn là của sự cho đi. Nói tóm lại, đó là sự tham gia và bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng là “sự Thiện Tuyệt Đối”, chỉ có thể yêu thương và làm điều thiện một cách vô vị lợi, một cách hoàn toàn nhưng không.

Vì lý do này, trái ngược với tinh thần thế gian, việc phục vụ theo Tin Mừng thì không phải chỉ thích hợp với những người thấp kém, những người thiếu thốn, cho những người không có gì cả; nhưng đúng hơn, việc phục vụ Tin Mừng thuộc về bất cứ ai giàu có, cho bất cứ ai có địa vị cao, cho bất kỳ ai có của. Về phương diện phục vụ thì “ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Vì lẽ đó, Đức Giêsu nói rằng, trong Hội thánh của Người: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26), “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Vị Giáo sư của tôi là Ceslas Spicq ở đại học Freiburg [Thụy Sĩ], về khoa chú giải Kinh Thánh Tân Ước, cho biết rằng, việc rửa chân phục vụ chính là “bí tích của thẩm quyền Kitô giáo – il sacramento dell’autorità cristiana”.

Bên cạnh sự vô vị lợi, việc phục vụ còn thể hiện một đặc tính tuyệt vời khác của đức ái thần linh [agápe divina]: đó là sự khiêm tốn. Lời của Đức Giêsu: “Anh em phải rửa chân cho nhau” có nghĩa là: anh em phải làm cho nhau những việc phục vụ bác ái khiêm nhường. Lòng bác ái và sự khiêm nhường cùng nhau tạo nên sự phục vụ theo Tin Mừng. Đức Giêsu đã từng nói: “Hãy học nơi tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Nhưng nếu bạn nghĩ về điều đó, thì Đức Giêsu đã làm gì để gọi mình là “khiêm nhường”? Có phải Người đã đánh giá thấp bản thân chăng? hay Người đã nói một cách khiêm tốn về con người của mình chăng? Ngược lại, trong chính đoạn Tin Mừng về việc rửa chân, Người nói rằng Người là “Thầy và là Chúa” (x. Ga 13,13).

Vậy Đức Giêsu đã làm gì để gọi mình là “khiêm tốn”? Người đã cúi xuống phục vụ! Ngay từ lúc nhập thể, Người đã không làm gì khác ngoài việc hạ mình xuống, hạ xuống đến mức thấp nhất, khi chúng ta thấy Người quỳ gối rửa chân cho các tông đồ. Hẳn là giữa các thiên thần phải run sợ làm sao, khi thấy Con Thiên Chúa đang hạ mình xuống như vậy, Đấng mà họ thậm chí không dám ngước nhìn Người (x. 1Pr 1,12). Đấng Tạo Hóa đã quỳ gối trước các thụ tạo! Thánh Bênađô đã thường tự nhủ lòng mình rằng: “Hỡi đồ tro bụi kiêu hãnh, ngươi đáng xấu hổ biết bao! Thiên Chúa thì hạ mình xuống, còn ngươi thì lại tìm cách đưa mình lên!” (San Bernardo di Chiaravalle, Lodi della Vergine, I, 8). Được hiểu theo cách này – nghĩa là hạ mình để phục vụ – thì đức khiêm nhường thực sự là con đường tuyệt hảo của việc nên giống Thiên Chúa và noi gương Thánh Thể trong đời sống chúng ta.

Phân định các thần khí

Kết quả của việc suy niệm [phân định] này phải là sự can đảm xem xét lại cuộc sống của chúng ta, (thói quen, bổn phận, lịch làm việc, phân phối và sử dụng thời gian của mình), để xem nó có thực sự là một công việc phục vụ hay không, và hãy xem trong việc này, liệu chúng ta có tình yêu thương và sự khiêm tốn hay không. Điều quan trọng cần nhận biết rằng liệu chúng ta có đang phục vụ anh chị em của mình không, hay thay vào đó, chúng ta đang lợi dụng chính anh chị em mình, và họ đang phục vụ cho mục đích riêng của chúng ta. Chúng ta đang lợi dụng các anh chị em của mình và nhằm khai thác họ, có thể ngay cả khi chúng ta đang làm hết sức mình cho họ, nếu chúng ta không quan tâm, và theo một cách nào đó, đang tìm kiếm sự chấp thuận, tán thưởng, hoặc sự hài lòng của việc có lương tâm trong sạch, là ân nhân. Về điểm này, Tin Mừng diễn tả đòi hỏi một cách triệt để rằng: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Tất cả những gì được thực hiện một cách có ý thức “hầu để cho mọi người nhìn thấy”, thì đã bị mất rồi. “Christus non sibi situit”: “Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,3): đó chính là nguyên tắc phục vụ.

Để thực hiện “việc phân định các thần khí”, đó là những ý định thúc đẩy chúng ta trong việc phục vụ của mình, điều hữu ích, đó là xem đâu là những việc phục vụ mà chúng ta sẵn lòng để làm, và đâu là những việc phục vụ mà chúng ta cố gắng tránh bằng mọi cách. Ngoài ra, hãy xem, liệu tâm hồn chúng ta sẵn sàng từ bỏ – nếu chúng ta được yêu cầu từ bỏ – từ bỏ một sự phục vụ cao quý, mang lại uy tín cho mình, để dành cho một người khiêm tốn mà không được sẽ đánh giá cao. Những việc phục vụ an toàn nhất là những việc phục vụ mà chúng ta thực hiện mà không ai – kể cả những người nhận được – nhận thấy, chỉ có Cha chúng ta, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho ta. Đức Giêsu đã nêu lên như một biểu tượng của sự phục vụ, một trong những cử chỉ khiêm nhường nhất được biết đến vào thời của Người, và thường được thực hiện bởi những người nô lệ: đó là việc rửa chân. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,16).

Đối lập với tinh thần phục vụ là khát vọng thống trị, thói quen áp đặt ý riêng của mình, quan điểm và đường lối của mình lên người khác. Nói một cách dễ hiểu, chủ nghĩa độc tài, độc đoán. Thông thường, những người theo chủ nghĩa chuyên chế thậm chí không nhận thức về những đau khổ mà họ gây ra, và gần như ngạc nhiên khi thấy những người khác không thể hiện sự đánh giá cao đối với tất cả “sự quan tâm” và nỗ lực của họ như thế nào, thậm chí họ còn cảm thấy mình là một nạn nhân nữa. Đức Giêsu dạy các môn đệ phải nên giống như “chiên con ở giữa bầy sói”, nhưng một người như vậy giống như sói dữ ở giữa bầy chiên con. Phần lớn những đau khổ mà các gia đình và các cộng đoàn thường phải gánh chịu là do sự hiện diện của một kẻ độc đoán và chuyên quyền nào đó, kẻ muốn chà đạp lên người khác, và với lý do là để “phục vụ” người khác, nhưng thực chất chỉ là nhằm “nô lệ hóa” người khác mà thôi.

Rất có thể “một ai đó” lại là chính chúng ta chăng! Nếu có một chút nghi ngờ trong ý nghĩa này, sẽ rất tốt nếu chúng ta thành tâm đặt vấn đề với những người sống bên cạnh mình, và để cho họ có cơ hội dãi bày bản thân một cách chân thành mà không chút sợ hãi. Nếu chúng ta cũng làm cho một ai đó trở nên khó sống, bởi tính cách của chúng ta, thì chúng ta cần phải khiêm tốn chấp nhận thực tế và suy xét lại về việc phục vụ của mình.

Theo một cách khác, quá gắn bó với thói quen và sự tiện nghi thoải mái của chúng ta cũng là trái với tinh thần phục vụ – một tinh thần buông thả, như nó đã từng xảy ra. Không thể nghiêm túc phục vụ người khác nếu chúng ta chỉ có ý định làm hài lòng bản thân, coi trọng lúc nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, lịch trình của chúng ta. Quy tắc phục vụ thì luôn giống nhau: Đức Kitô đã không cố gắng để làm hài lòng chính mình.

Như chúng ta đã thấy, việc phục vụ là đức tính xứng hợp cho người phụ trách, đó là điều mà Chúa Giêsu để lại cho các mục tử trong Hội Thánh, như là sản nghiệp quý giá nhất của Người. Tất cả các đặc sủng đều có chức năng phục vụ; nhưng một cách rất đặc biệt, đó là đặc sủng của các mục tử “coi sóc và dạy dỗ” (x. Ep 4,11), tức là đặc sủng của quyền bính. Hội thánh có “đặc sủng” để phục vụ và cũng có “phẩm trật” để phục vụ!

Phục vụ Thần Khí [diakonia Pneumatos] (2Cr 3,8)

Nếu đối với mọi người Kitô hữu, phục vụ có nghĩa là “không còn sống cho chính mình nữa” (x. 2Cr 5,15), thì đối với các mục tử, đó là “không lo cho chính mình”: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (Ed 34,2). Đối với thế gian, không có gì tự nhiên hơn và chính xác hơn điều này, điều đó, tức là bất cứ ai là chủ (dominus) “domini”, thì hãy là chủ nhân. Tuy nhiên, đối với các môn đệ của Đức Giêsu “thì không được như vậy”, nhưng ai là chủ thì phải phục vụ. Thánh Phaolô viết rằng: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em, trái lại chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Cr 1,24). Thánh tông đồ Phêrô cũng khuyến cáo các mục tử điều tương tự: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cha anh em, nhưng hãy nêu gương sống cho đoàn chiên” (x. 1Pr 5,3).

Trong chức vụ mục tử, không dễ gì tránh khỏi tâm lý “chủ nhân ông” về đức tin; tâm lý này đã ăn sâu vào trong các quan niệm về quyền hành từ rất xưa rồi. Một trong những tài liệu cổ xưa nhất về chức vụ giám mục (Syriac Didascalia), chúng ta đã tìm thấy một quan niệm trình bày giám mục là một quốc vương, trong đó Hội thánh không thể đảm nhận bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của vị giám mục đó.

Chính điểm tế nhị nhạy cảm này thường nảy sinh vấn đề hoán cải đối với các mục tử với tư cách là mục tử. Những lời đó của Chúa Giêsu vang lên mạnh mẽ và chân thành biết bao sau khi rửa chân: “Thầy là Chúa và là Thầy…!”. Đức Giêsu đã “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6), nghĩa là Người không sợ ảnh hưởng đến phẩm giá thánh thiêng của mình, chấp nhận sự thiếu tôn trọng của loài người, tự tước bỏ những đặc quyền của mình, và tỏ ra như một con người, với vẻ bề ngoài ở giữa bao người khác (“trở nên giống phàm nhân”).

Đức Giêsu đã sống một cuộc sống đơn giản. Sự đơn giản luôn là sự khởi đầu và là dấu chỉ của sự hoán cải thực sự theo Tin Mừng. Chúng ta phải bắt chước cách hành động của hành động của Thiên Chúa. Tertullianô đã viết: “Không có gì miêu tả rõ hơn cách thức hành động của Thiên Chúa, hơn là sự tương phản giữa những phương tiện đơn giản, cũng như những cách thức hành động bên ngoài, so với tính chất cao cả của các kết quả thiêng liêng mà người ta gặt hái được” (x. Tertullianô, De baptismo, 1 [CCL I, p. 277]). Thế giới cần những bộ máy lớn để hành động và gây ấn tượng; nhưng đối với Chúa thì không.

Đã có một thời, phẩm giá của các giám mục được thể hiện qua những quốc huy, tước hiệu, lâu đài, và quân đội. Như người ta nói, họ là những hoàng tử-giám mục, và đôi khi còn hơn cả giám mục nữa. Ngày hôm nay có vẻ như là một thời điểm vàng để cho Giáo hội có những so sánh. Cách đây nhiều năm, tôi đã gặp một giám mục, tự nhiên khi thấy vị này dành vài giờ mỗi tuần vào trong nhà hưu dưỡng để giúp đỡ những người già cả thay quần áo và ăn uống. Tại đây, ngài đã rửa chân theo đúng nghĩa đen. Bản thân tôi phải nói rằng tôi đã nhận được những gương mẫu điển hình nhất về sự giản dị cho đời sống của mình ngang qua một số vị giám chức.

Tuy nhiên, ngay cả về điểm này, điều cần thiết là duy trì một cảm thức về phạm vi tự do theo Tin Mừng lớn lao cũng cần phải được bảo tồn. Sự giản dị đòi hỏi chúng ta không đặt mình lên trên người khác, nhưng cũng không nên cố chấp luôn đặt mình dưới họ để bằng cách nào đó giữ khoảng cách, nhưng chúng ta chấp nhận, trong những điều bình thường của cuộc sống, để được giống như những người khác. Manzoni đã đưa ra một nhận xét sắc bén khi ông nói rằng, “có những người, có tất cả sự khiêm tốn cần thiết để đặt mình dưới người khác, nhưng lại không phải là để sống bình đẳng với họ” (x. A. Manzoni, I Promessi Sposi, cap. 38.).

Đôi khi, sự phục vụ tốt nhất không bao gồm việc phục vụ, mà là việc cho phép mình được phục vụ, như Đức Giêsu, đôi khi Người cũng sẵn sàng ngồi vào bàn ăn và được người khác rửa chân (x. Lc 7,38) và sẵn lòng đón nhận những sự phục vụ mà một số phụ nữ quảng đại và giàu tình cảm đã giúp đỡ Người trong hành trình rao giảng của Người (x. Lc 8,2-3).

Có một điều khác cần phải nói về sự phục vụ của những người mục tử, và đó là điều này: việc phục vụ anh chị em, dù quan trọng và thánh thiện đến đâu, cũng không phải là điều đầu tiên và cũng không phải là điều cốt yếu; trước hết là sự phục vụ Thiên Chúa. Trước hết, Đức Giêsu là “tôi tớ của Giavê Thiên Chúa” và sau đó là tôi tớ của loài người. Đức Giêsu đã nhắc nhở cha mẹ mình rằng: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Người đã không ngần ngại làm thất vọng đám đông, những kẻ đến nghe Người giảng dạy, và được chữa lành, Người đã bất ngờ bỏ họ ra đi, để lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện (x. Lc 5,16).

Ngày nay, ngay cả việc phục vụ Tin Mừng cũng bị suy yếu bởi nguy cơ tục hóa. Người ta quá dễ dàng cho rằng mọi sự phục vụ nhân loại cũng đều là phục vụ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về việc phục vụ Thần Khí [diakonia Pneumatos] (2Cr 3,8), mà các thừa tác viên của Tân Ước được đặt ra để phục vụ. Tinh thần phục vụ phải được thể hiện nơi các mục tử qua việc phục vụ Thần Khí!

Cũng giống như các linh mục, theo ơn gọi, được mời gọi để phục vụ theo “Thần Khí”, sẽ không phải là phục vụ anh chị em của mình nếu ngài làm cho họ hàng trăm hàng ngàn việc phục vụ khác, nhưng lại bỏ qua phận vụ duy nhất mà người ta có quyền mong đợi ở vị linh mục, điều mà chỉ linh mục mới có thể cho trao ban cho họ. Theo Sách Thánh thì linh mục “được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa” (Hr 5,1). Khi vấn đề này lần đầu tiên nảy sinh trong Hội thánh, Phêrô đã giải quyết bằng cách nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải… Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4).

Trên thực tế, có một số vị mục tử đã quay trở lại với việc lo ăn uống. Họ bận rộn giải quyết mọi vấn đề về vật chất, kinh tế, hành chính, đôi khi thậm chí là nông nghiệp nữa, điều vẫn tồn tại trong cộng đoàn của họ (dù những điều này có thể dễ dàng để cho người khác quan tâm), và họ bỏ bê công việc phục vụ đích thực không thể thay thế của mình. Việc phục vụ Lời Chúa đòi hỏi có nhiều thời giờ để đọc sách, nghiên cứu, cầu nguyện.

Ngay sau khi giải thích cho các tông đồ về ý nghĩa của việc rửa chân, Đức Giêsu đã nói với các ông rằng: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13,17). Chúng ta cũng sẽ được chúc phúc, nếu chúng ta không hài lòng với việc biết những điều này, có nghĩa là, Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta phục vụ và chia sẻ, nhưng có thể bắt đầu ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ đưa vào thực hành. Bí tích Thánh Thể không chỉ là một mầu nhiệm để cử hành, để lãnh nhận và tôn thờ; nhưng Thánh Thể cũng là một mầu nhiệm để noi gương bắt chước nữa.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc, chúng ta phải nhớ lại một sự thật mà chúng ta đã nhấn mạnh trong tất cả những suy tư của chúng ta về Thánh Thể, đó là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúng ta hãy cẩn thận với việc giảm nhẹ ân ban thành một nghĩa vụ! Chúng ta không chỉ nhận được mệnh lệnh phải rửa chân và phục vụ anh chị em của mình: mà chúng ta đã nhận được ân sủng để có thể phục vụ như vậy. Phục vụ là một đặc sủng, và giống như mọi đặc sủng khác, đó là “một biểu hiện đặc biệt của Thần Khí vì lợi ích chung” (1Cr 12,7); Tông đồ Phêrô nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4,10). Ơn riêng đi trước nghĩa vụ và làm cho nó có thể được thực hiện hóa. Đây chính là “niềm vui Tin Mừng”, trong đó Bí tích Thánh Thể là sự tưởng nhớ an ủi hằng ngày.

Kính thưa Đức Thánh cha, quý cha cùng tất cả anh chị em thân mến, xin cám ơn mọi người đã kiên nhẫn lắng nghe, và xin gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất tới mọi người, để bước vào một Tuần Thánh đầy ân phúc và chúc mừng Lễ Phục sinh hạnh phúc!

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. – https://hdgmvietnam.com/

Dịch từ nguyên tác tiếng Ý và bản tiếng Anh tại cantalamessa.org

——–

  1. Thánh Isaác Ninivê,Bàn về Khổ chế, 4, Città Nuova, Rôma 1984, tr. 89.
  2. Thánh Bênađô Clairvaux,Ngợi khen Đức Trinh Nữ, I, 8.3.
  3. x. Tertullianô,Về Phép thánh tẩy, 1 (CCL I, tr. 277).
  4. x. A. Manzoni, Tiểu thuyếtNhững kẻ Đính hôn, chương 38.

Xem thêm:

1. Bài thứ nhất: Phụng vụ Lời Chúa

2. Bài thứ hai: Phụng vụ Thánh Thể

3. Bài thứ ba: Hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô

4. Bài thứ bốn:  Sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu

5. Bài thứ năm:  Thầy đã nêu gương cho anh em

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *