1. Hôm nay tôi nghe thấy tiếng nói của Satan
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #163: Today I heard Satan’s Voice”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 163. Hôm nay tôi nghe thấy tiếng nói của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy
Hôm nay, đứng trước mặt tôi là một người đàn ông giận dữ. Ông ta tin rằng mình đang bị đối xử tệ bạc. Tôi choáng váng trước sự tức giận và bạo lực trong giọng nói của ông ta. Ông ta xuyên tạc lời nói và hành động của những người xung quanh, và đáp lại bằng sự ngạo mạn và coi thường. Chỉ cần nghe ông ta nói, tôi đã cảm thấy bị thương.
Tôi nhận ra giọng nói. Khi ma quỷ xuất hiện giữa một lễ trừ tà, sự hiện diện của chúng là không thể nhầm lẫn. Ánh mắt của chúng đầy sát khí. Sự thù hận và kiêu ngạo là tiếng nói của chúng có thể sờ thấy được. Trái tim của chúng đen hơn bất kỳ bóng tối nào mà chúng ta biết. Sự xấu xí thực sự do tội lỗi, dù là do ma quỷ hay con người gây ra, không thể nói thành lời.
Trong cuộc sống này, dựa trên sự lựa chọn của chúng ta, chúng ta đã bắt đầu thấy thiên đường hoặc địa ngục. Trong cuốn ‘Đối Thoại’, Thánh Catêrina thành Siena kể lại rằng Chúa nói với thánh nữ rằng các linh hồn nhận được “tiền bạc dành dụm” cho đời sau khi vẫn còn ở trên trái đất này. Những người làm điều ác đã kiếm được “tiền âm phủ”, trong khi các tôi tớ của Chúa “nếm được tiền của sự sống đời đời.”
Ngay trong cuộc đời này, chúng ta bắt đầu hát bài hát của thiên thần, hoặc chúng ta bắt đầu thịnh nộ cùng với ác quỷ. Trong Nghi thức trừ tà Trisagion- “Thánh, Thánh, Thánh.” Đó là bài hát của các thiên thần ca tụng Thiên Chúa mà các ác quỷ không chịu hát (Kh 4: 8). Các nhà trừ tà nhận thấy đây là một khoảnh khắc mạnh mẽ trong một buổi trừ tà và thường lặp lại những lời này nhiều lần. Chỉ cần nghe những lời nói thôi cũng là một cực hình đối với lũ quỷ.
Càng ở lâu trong chức vụ trừ tà này, tôi càng nhạy cảm với sự hiện diện của thiên thần và ma quỷ. Tôi tạm thời bị thương bởi những cuộc chạm trán đen tối với ác quỷ. Nhưng hàng ngày, tôi cảm thấy phấn khởi bởi rất nhiều người đến với tôi bằng các cử chỉ tử tế và lời nói quan tâm.
Source:Catholic Exorcism
2. Dự luật của Tây Ban Nha hình sự hóa việc cầu nguyện gần các phòng khám phá thai được coi là ‘mối nguy hiểm đối với nền dân chủ’
Một giám đốc quốc tế của phong trào 40 Ngày Vì Sự Sống cho rằng một dự luật do Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha cầm quyền đề xuất là một “mối đe dọa đối với nền dân chủ”. Theo dự luật này, những ai cầu nguyện trước các phòng khám phá thai được kể là có hành vi “quấy rối” phụ nữ và bị trừng phạt theo luật hình sự.
Tomislav Cunovic, giám đốc của 40 Ngày Vì Sự Sống, nói với ACI Prensa, hãng thông tấn tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng “quyền cơ bản mà mọi người có thể ra đường, gặp gỡ và bày tỏ ý kiến của mình” đang bị chà đạp.
“Luật mới này hình sự hóa những tụ tập và cầu nguyện hòa bình trước các phòng khám phá thai. Luật này can thiệp vào các quyền và tự do cơ bản đã được bảo đảm bởi Hiến pháp Tây Ban Nha và các công ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước Âu Châu về Nhân quyền”
“Những người tham gia 40 Ngày Vì Sự Sống cầu nguyện một cách hòa bình, họ không nói chuyện với phụ nữ mang thai, cũng như những người làm việc trong phòng khám”.
Tomislav Cunovic giải thích rằng mặc dù với dự luật này, “có vẻ như họ muốn bảo vệ phụ nữ mang thai, nhưng không ai nói về những đứa trẻ chưa sinh ra, những người cũng phải được bảo vệ bởi vì họ có quyền được sống, họ có nhân phẩm”.
Hình phạt cho hành vi bị coi là quấy rối sẽ bao gồm các án tù từ ba tháng đến một năm, hoặc phục vụ cộng đồng từ 31 đến 80 ngày. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, một cá nhân cũng có thể bị cấm ra khỏi một địa điểm cụ thể từ sáu tháng đến ba năm.
Khi trình bày các động cơ để đưa ra dự luật, Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha đã mô tả việc cầu nguyện hòa bình là các hành vi “quấy rối” tại các phòng khám phá thai, “tiếp cận phụ nữ với các bức ảnh liên quan đến bào thai và những tuyên bố chống phá thai… mục tiêu là để phụ nữ thay đổi quyết định của họ thông qua ép buộc, đe dọa và quấy rối”.
Nhóm nghị sĩ xã hội chủ nghĩa cho biết họ “coi việc bảo đảm một vùng an toàn là điều cần thiết” xung quanh các phòng khám phá thai.
Cunovic gọi dự luật này là “phóng đại” vì “nó can thiệp quá nhiều vào các quyền và không rõ ràng vì nó không phù hợp với các khái niệm cụ thể, mà là để lại rất nhiều chỗ trống”.
“Không rõ ràng những gì bị cấm, nó cho phép cảnh sát hình sự hóa mọi người,” ông nói.
Ngoài ra, Cunovic cho biết dự luật này nhằm mục đích “đe dọa những người cầu nguyện bằng một thứ chiến tranh tâm lý” bởi vì “trước đây bạn chỉ ngòi tù khi làm một điều sai trái khách quan, nhưng giờ đây nó đi vào mức độ chủ quan, nếu ai đó cảm thấy bị xúc phạm thì bạn sẽ bị trừng phạt”.
“Những người đang cầu nguyện trên đường phố không được chạm vào hoặc nói chuyện với những người phụ nữ. Họ chỉ lặng lẽ cầu nguyện, nhưng luật này nói rằng các phụ nữ đến pha thai có thể cảm thấy không vui về sự hiện diện của họ. Như thế, người ta đang đi vào một lĩnh vực chủ quan và khó hiểu, bởi vì chúng ta đang đối phó với một tác phẩm hư cấu: chỉ cái nhìn của bạn có thể khiến tôi cảm thấy không vui, và vì tôi không vui thì bạn phải ngồi tù. Thật quá vô lý!”
Source:Catholic News Agency
3. Các Kitô Hữu ở Thánh Địa bị ngăn cản thành công
Một nghiên cứu mới được công bố nhận định rằng: Cuộc sống ở Trung Đông có thể được cải thiện đáng kể đối với hầu hết mọi người nếu các tín hữu Kitô sống ở đó có cơ hội lớn hơn để thể hiện tài năng của họ.
Theo nghiên cứu của Đại học Birmingham, Anh, các tín hữu Kitô sống ở Thánh địa phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như hệ thống thị thực không công bằng ở Israel.
Nghiên cứu cho thấy cộng đồng cũng đang gặp thách thức bởi bạo lực, di cư và thiếu đầu tư.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cộng đồng Kitô giáo ở Israel, Jordan và Palestine đóng góp rộng rãi trong việc xây dựng xã hội dân sự với các công ty khởi nghiệp mới, thành tích xuất sắc trong giáo dục, y tế và các lĩnh vực nhân đạo khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy rằng các tín hữu Kitô báo cáo bị ngược đãi vì lý do tôn giáo và cảm thấy bị đe dọa bởi các hành vi ngược đãi. Chẳng hạn, sự bất bình ngày càng tăng giữa những người Hồi giáo Palestine làm tăng nguy cơ bị tấn công bằng lời nói và thể xác đối với các cộng đồng Kitô Palestine thiểu số.
Đại học Birmingham cho biết: “Việc không có dữ liệu theo dõi đầy đủ và thiếu các cố gắng giải quyết tình trạng nghèo đói của các tín hữu Kitô đang làm suy yếu cộng đồng ở Israel. Chính phủ tuyên bố cải thiện điều kiện sống của các tín hữu Kitô trong khi có những bằng chứng đang được đồn thổi và không chính thức về sự gia tăng nghèo đói một cách nhanh chóng”.
Giáo sư Francis Davis từ Đại học cho biết: “Kitô giáo ở Thánh Địa có ý nghĩa toàn cầu và có ý nghĩa ngoại giao vì vị trí của nó ở trung tâm của khu vực, nhưng giá trị kinh tế, xã hội và công dân của nó đối với người dân ở Thánh Địa đã bị đánh giá thấp”
Tờ The Tablet đưa tin rằng Đức Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, đã nói chuyện từ xa với một cử tọa gồm các nghị sĩ, nhà vận động và các nhân vật truyền thông tại buổi công bố báo cáo và chúc lành cho sáng kiến này. Ngài đã được tham gia bởi một số nhà lãnh đạo Giáo hội khác, bao gồm Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô ở Thánh Địa, và Hosam Naoum, Tổng giám mục Anh giáo ở Giêrusalem.
Phát biểu tại sự kiện này, Đức Tổng Giám Mục Chính thống Coptic Anba Angaelos nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo cho những người theo tất cả các tín ngưỡng và không tôn giáo nào, cùng với hỗ trợ kinh tế và xã hội cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Source:Aleteia
Hôm thứ Tư, Giáo Hội Công Giáo Belarus đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho những người di cư và tị nạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng tại biên giới nước này với Ba Lan.
Lời kêu gọi được công bố vào ngày 10 tháng 11 trên trang web của Giáo hội, Catholic.by.
“Vào thời điểm một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự đang diễn ra ở biên giới của đất nước chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất, tức là người di cư và người tị nạn”.
Ba Lan, một quốc gia Trung Âu với dân số 38 triệu người, đã gửi quân đến biên giới với Belarus sau khi số lượng người di cư kỷ lục, chủ yếu từ Trung Đông, đang áp sát biên giới.
Chính phủ Ba Lan, Liên minh Âu Châu và NATO đã cáo buộc Belarus giúp người di cư tập trung tại biên giới. Chính phủ Belarus, do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu, phủ nhận cáo buộc này.
Các quan chức Ba Lan cho rằng Belarus, một quốc gia Đông Âu không hề có 1cm biển nào với dân số 9.5 triệu người, đang gây ra cuộc khủng hoảng để đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu sau khi ông Lukashenko tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào tháng 8 năm 2020.
Cuộc khủng hoảng biên giới cũng đã ảnh hưởng đến Latvia và Lithuania, cả hai đều là các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu láng giềng với Belarus.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak hôm 10 tháng 11 cho biết “đã có nhiều nỗ lực xâm phạm biên giới Ba Lan trong đêm”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng minh của ông Lukashenko, can thiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus cũng đã đăng một báo cáo về các bình luận của Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan Hệ Với Các Dân Nước của Vatican, tại thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga hôm 9 tháng 11.
Phát biểu tại cuộc họp báo được truyền trực tiếp cùng với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng Vatican đang thực hiện một cách tiếp cận “khá khách quan” đối với cuộc khủng hoảng biên giới.
“Về cuộc khủng hoảng tức thời đang diễn ra, ở biên giới giữa Belarus, Litva, Belarus và Ba Lan, tôi nghĩ rằng lập trường của Tòa thánh là khá khách quan đối với sự khuyến khích mà chúng tôi dành cho các nhà chức trách trên toàn Âu Châu là đảm nhận trách nhiệm của họ đối với người di cư và người tị nạn”, ngài nói.
“Và do đó, chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người nhận trách nhiệm của mình và giải quyết những gì rõ ràng là một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng.”
Ngài lưu ý rằng Giáo hội ở Ba Lan đã “chỉ trích cách tiếp cận của các nhà chức trách và đang cố gắng khuyến khích một cách tiếp cận nhân đạo hơn và linh hoạt hơn.”
“Tôi nghĩ rằng các giám mục của Ba Lan, chẳng hạn, đã phần nào không đồng tình với sự phản đối của các nhà chức trách. Và tôi nghĩ rằng tiếng nói của Giáo hội là khuyến khích tất cả mọi người hãy coi tình trạng này không phải là vấn đề của những con số, mà là của những người, giống như những người còn lại, những người thấy mình ở một vị trí rất nghiêm trọng. Và những người đang phải giải quyết về vấn đề này rõ ràng là đang phải gánh trên vai trách nhiệm rất lớn”.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng cuộc khủng hoảng cần được giải quyết với sự “tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế”.
“Điều quan trọng là không được quên gốc rễ của những vấn đề này. Nguyên nhân là do chính sách lâu dài của các nước phương Tây, bao gồm cả các thành viên NATO và Liên minh Âu Châu, đối với Trung Đông và Bắc Phi.”
“Phương Tây đang cố gắng áp đặt phiên bản của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các quốc gia này, và cách giải thích về nền dân chủ mà họ đang thúc đẩy trên toàn thế giới. Khi phương Tây gặp ít kháng cự nhất, họ đã tung ra các liên doanh quân sự. Iraq bị ném bom dưới một chiêu bài giả, nhà nước Libya bị phá hủy và có các cuộc tấn công vào Syria. Những dự án này và các hoạt động mạo hiểm khác của các nước phương Tây của chúng ta đã kích hoạt dòng người tị nạn chưa từng có”.
Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan sẽ tổ chức một cuộc quyên góp trong tháng này cho những người di cư đang đối mặt với tình trạng xấu đi ở biên giới của đất nước với Belarus.
Trang web của Giáo Hội ở Belarus đang khuyến khích người Công Giáo đọc lời cầu nguyện sau:
Lạy Chúa nhân từ, xin cho những người tị nạn và di cư,
bị tước đoạt nhà cửa, gia đình và tất cả những gì họ biết,
cảm thấy sự hiện diện của Chúa tràn ngập tình yêu.
Làm ấm trái tim của trẻ em và người già,
cũng như của những người yếu nhất.
Xin cho họ cảm thấy rằng Chúa đang ở gần,
như Chúa đã gần gũi Thánh Gia
khi họ tị nạn ở Ai Cập.
Xin giúp họ tìm thấy một ngôi nhà mới và những hy vọng mới.
Hãy mở rộng trái tim để chúng con chấp nhận họ
như chị em và anh em,
và nhìn thấy trên gương mặt họ, Con của Ngài, Chúa Giêsu.
Amen.
Source:Catholic News Agency
5. Ngày Thế Giới Vì Người Nghèo đã được thành lập một cách hết sức kỳ lạ
Một lời bình luận đơn giản trong phòng thánh là cách Chúa Thánh Thần nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong chuyến hành hương với người nghèo tới Assisi vào ngày 12 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại lời cảm ơn hai người Pháp có mặt trong cuộc họp: Đó là Đức Hồng Y Philippe Barbarin, tổng giám mục hiệu tòa của Lyon, và ông Étienne Villemain, người sáng lập Hiệp hội Lazare và chủ tịch của Hiệp hội Fratello, người là nguồn cảm hứng đằng sau Ngày Thế Giới Vì Người Nghèo.
Quay sang vị Hồng Y đi cùng một nhóm đến từ Pháp, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Ngài là một trong những người nghèo, ngài cũng đã trải qua kinh nghiệm nghèo đói, bị bỏ rơi, không tin tưởng vào phẩm giá. Và ngài đã tự bảo vệ mình bằng sự im lặng và cầu nguyện.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảm ơn sự giúp đỡ của ngài đối với phong trào Fratello.
Vào ngày 30 tháng Giêng năm 2020, Đức Hồng Y Barbarin đã được Tòa phúc thẩm Lyon trắng án trong một phiên tòa nơi ngài bị buộc tội không khai báo về việc lạm dụng của cựu linh mục Bernard Preynat.
Trong thời gian này, Đức Giáo Hoàng đã không chấp nhận đơn từ chức của vị Hồng Y mà vị Hồng Y đã yêu cầu. Đức Giáo Hoàng chỉ chấp nhận sau đó vào ngày 6 tháng 3, khi mọi sự đã sáng tỏa, và tòa án Pháp đã minh oan cho Đức Hồng Y.
Tờ I Media đã nói chuyện với ngài vào cuối buổi lễ. Đức Hồng Y cho biết ngài rất vui mừng với việc Ngày Thế giới vì Người nghèo đã phát triển như thế nào, đó là “một ân sủng dành riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nghèo đói là chìa khóa để đọc toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài”.
Ngay trước khi đề cập đến Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ ra người sáng lập Fratello, là ông Étienne Villemain.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích Villemain là nguồn cảm hứng của Ngày Thế giới Người nghèo năm 2016 như thế nào.
Tôi muốn cảm ơn Chúa đã mang đến ý tưởng về Ngày của người nghèo này. Một ý tưởng được sinh ra theo một cách hơi kỳ lạ, trong một phòng thánh. Tôi chuẩn bị cử hành thánh lễ và một trong các vị đồng tế – tên ngài là Étienne – anh chị em có biết ngài không? Étienne đưa ra gợi ý cho tôi: “Hãy thiết lập Ngày của người nghèo”. Tôi đi ra ngoài và cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần ở bên trong, đang bảo tôi làm điều đó. Vì thế, mọi thứ bắt đầu: từ lòng dũng cảm của một trong các anh chị em, người có can đảm để mang mọi thứ về phía trước. Tôi cảm ơn anh ấy vì công việc của anh ấy trong những năm qua và công việc của nhiều người đã đồng hành cùng anh ấy.
Source:Aleteia
6. Báo cáo về tình trạng lạm dụng trong Giáo Hội ở Hoa Kỳ: Những trường hợp gần đây hiếm khi xảy ra, nhưng những con số lịch sử cho thấy di sản đau thương
Theo báo cáo mới nhất về tình trạng lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ, đã có những dấu hiệu tiến bộ trong nỗ lực ngăn chặn lạm dụng tình dục trẻ em, với dưới hai mươi cáo buộc mới về lạm dụng gần đây của các giáo sĩ,.
Đồng thời, hơn 4,200 cáo buộc mới về lạm dụng trong lịch sử đã được báo cáo và khoảng 35% giáo phận và giáo phận thiếu quy trình chính thức để kiểm tra các giáo xứ về thực hành bảo vệ trẻ em.
Báo cáo thường niên về các Phát hiện và Khuyến nghị về việc Thực hiện Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên đã được Ban Thư ký Bảo vệ Trẻ em và Thanh niên của các Giám mục Hoa Kỳ công bố ngày 9 tháng 11. Đây là báo cáo thứ mười tám kể từ khi Hiến Chương Dallas được thực hiện vào năm 2002.
Báo cáo liên quan đến năm kiểm toán kéo dài từ ngày 1 tháng 7 năm 2019 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020.
Suzanne Healey, chủ tịch Hội đồng Rà soát Quốc gia, cho biết cuộc kiểm toán đã xác định được 22 cáo buộc lạm dụng xảy ra gần đây. Trong mỗi trường hợp, các cơ quan dân sự cũng được thông báo về cáo buộc để cơ quan thực thi pháp luật địa phương có thể giải quyết các vấn đề khi cần thiết.
Những trường hợp này đại diện cho 0.5% tất cả các báo cáo mà Giáo hội biết được trong giai đoạn kiểm toán.
“Thực tế là 4,228 cáo buộc nhận được có tính chất lịch sử, tức là nạn nhân bị cáo buộc hiện là người lớn và việc lạm dụng đã xảy ra trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trước, cũng là một lời nhắc nhở rằng nỗi đau của quá khứ vẫn còn và chúng ta với tư cách là một Giáo hội phải tiếp tục vươn tới tất cả những người đã bị hại bất kể sự kiện xảy ra khi nào,” cô nói trong báo cáo.
“Các tài liệu kiểm toán năm nay, một lần nữa, cho thấy rằng các trường hợp có hành vi sai trái tình dục của các linh mục liên quan đến trẻ vị thành niên ngày nay rất hiếm trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ,” chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Tổng giám mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết trong lời nói đầu của báo cáo. “Theo kết quả kiểm toán mới nhất này, năm ngoái chỉ có 22 cáo buộc hiện nay trên toàn quốc liên quan đến trẻ vị thành niên; trong số này khoảng một phần tư đã được chứng minh cho đến nay. Những người vi phạm đã bị loại bỏ khỏi chức vụ. Mọi cáo buộc đều được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật”.
Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Như chúng ta biết, một cáo buộc lạm dụng cũng là quá nhiều. Tôi và các giám mục anh em của tôi vẫn cam kết duy trì cảnh giác trong việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương, đồng thời cung cấp lòng thương cảm và sự tiếp cận với nạn nhân là nạn nhân của sự lạm dụng.”
Khoảng 65% giáo phận hoặc giáo xứ có quy trình nội bộ chính thức để kiểm tra các giáo xứ về các thực hành môi trường an toàn.
Chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ một lần nữa xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng.
“Thay mặt cho các giám mục anh em của tôi, tôi một lần nữa muốn bày tỏ nỗi buồn và lời xin lỗi của chúng tôi đối với tất cả những người đã phải chịu đựng dưới bàn tay của một ai đó trong Giáo hội. Mặc dù chúng tôi không thể trả lại cho bạn những gì đã lấy từ bạn, nhưng chúng tôi cam kết làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp bạn chữa lành và chống lại tai họa lạm dụng trong Giáo hội và trong xã hội rộng lớn hơn.”
Source:Catholic News Agency