1. Các linh mục Phi Luật Tân vác thánh giá trên đường phố để cầu nguyện xin chấm dứt đại dịch
Các giáo sĩ của Giáo Phận Borongan ở miền trung Phi Luật Tân đã tổ chức ba kilomet “đi bộ sám hối” vào hôm Thứ Ba 20 tháng 7 để cầu nguyện cho mau chấm dứt đại dịch. Diễn biến này đã xảy ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tại quốc gia này đang tăng rất mạnh.
Các linh mục đã mang tượng Chúa chịu nạn trong cuộc rước từ nhà thờ chính tòa Borongan đến nhà thờ Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm ở thị trấn Sabang.
Cha Mike Gadicho, cha xứ của Giáo xứ nhà thờ chính tòa Borongan cho biết:
Các “ngày cầu nguyện và ăn chay” là “một biểu hiện của tình đoàn kết với những người bị mất người thân” và những người nhiễm bệnh.
“Ngày cầu nguyện và ăn chay này là phản ứng đơn sơ của chúng ta để nhắc nhở chúng ta về căn tính thực sự của chúng ta trong tư cách là người Công Giáo, “.
Source:Licas News
2. Bình luận viên đài phát thanh bị bắn chết ở miền trung Phi Luật Tân
Reynante Cortes, người dẫn chương trình bình luận “Engkwentro”, bị bắn chết trước đài phát thanh DyRB ở Cebu
Một bình luận viên đài phát thanh đã bị bắn chết sau khi rời đài phát thanh ở thành phố Cebu, miền trung Phi Luật Tân hôm thứ Năm, 22 tháng Bảy.
Anh Reynante Cortes, nhân viên phụ trách chương trình bình luận “Engkwentro”, đã bị bắn chết trước đài phát thanh DyRB vào khoảng chín giờ sáng.
Các nhân chứng cho biết, tay súng vẫn chưa được xác định danh tính đã bỏ trốn trên một chiếc xe máy.
Cảnh sát điều tra đang xem xét lý lịch của bình luận viên này để biết động cơ giết người.
Trong một tuyên bố, Liên minh các nhà báo quốc gia của Phi Luật Tân tại Cebu bày tỏ sự báo động về các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo và nhân viên truyền thông mà họ cho rằng “tiếp tục gia tăng và ngày càng trở nên bình thường một cách vô cảm”.
“Chúng tôi tiếp tục lên án thứ văn hóa giết người không bị trừng phạt đã khuyến khích những thủ phạm thực hiện những tội ác này.”
Hội đồng Báo chí-Công dân Cebu kêu gọi các nhà chức trách “điều tra kỹ lưỡng và nhanh chóng” vụ giết Cortes.
“Cho dù anh ta là một nhân viên bình thường hay một ký giả thượng thặng của DyRB đi nữa thì điều đó không thay đổi sự thật này: Anh ta là một người hành nghề truyền thông mà những kẻ giết người phải bị bắt và truy tố”.
Cortes dường như không có mâu thuẫn với ai đến mức bị người ta lấy mạng. Người duy nhất anh ta mâu thuẫn xem ra chính là tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều linh mục lên tiếng trước các sai trái của y trong cuộc chiến chống ma túy cũng từng bị thảm sát.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Rodrigo Duterte đã có 223 vụ tấn công và đe dọa các thành viên của các phương tiện truyền thông, trong đó ít nhất đã xảy ra 19 vụ giết người, 8 vụ ám sát và 52 vụ đe dọa.
Phi Luật Tân đứng thứ 136 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021, cho thấy “tình hình khó khăn” của tự do báo chí ở nước này.
Source:Licas News
3. Thư ngỏ của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ: “Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19”
Hôm 22 tháng 7, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Bắc Ninh, Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã công bố một lá thư có tựa đề Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19. Ngài viết như sau:
Kính gửi: Quý Bề trên các Hội Dòng
Trong hơn một năm qua, nhân loại phải đối đầu với đại dịch do biến chủng mới của Virus Corona gây ra với những hậu quả nặng nề. Hầu như chưa bao giờ, thế giới phải chứng kiến cảnh gần 200 triệu người nhiễm bệnh, trong đó đã có hơn 4 triệu người tử vong. Riêng ở Việt Nam, làn sóng dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát như một cơn sóng thần, khiến nhiều người hoang mang, các đơn vị phòng chống dịch cũng bất ngờ vì tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới.
Dịch bệnh hoành hành làm xã hội bất ổn, kinh tế đình trệ nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Giữa nỗi khổ cực của đồng loại, nhiều tu sĩ ở khắp nơi trên khắp thế giới đã và đang xả thân nhiệt thành cộng tác vào việc đẩy lui dịch bệnh và xoa dịu nỗi đau của con người. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây có không ít hội dòng, tu sĩ đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Tại Giáo phận Bắc Ninh, Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất ở tỉnh Bắc Giang đã tự nguyện dùng trường mầm non làm cơ sở cách ly tập trung, cùng với đó một nhóm nữ tu đã tình nguyện ở lại phục vụ anh chị em trong khu cách ly. Tại Xuân Lộc, đáp lại lời mời gọi của Đức Giám Mục giáo phận các tu sĩ dòng Gioan Thiên Chúa ở Hố Nai đã tình nguyện đến các bệnh viện và khu cách ly tập trung để phục vụ chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 với phương châm “ở đâu có bệnh nhân, ở đó có chúng con”. Đặc biệt, theo thống kê của văn phòng ủy ban tu sĩ trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, hiện tại đã có 531 tu sĩ nam nữ đáp lại lời mời gọi của Đức cha chủ tịch Hội đồng giám mục, sẵn sàng lên đường phục vụ các bệnh nhân, trong đó 430 tu sĩ đã được chọn để phục vụ các cơ sở y tế và cách ly tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh (nơi đang là tâm điểm của dịch bệnh).
Thánh Têrêxa Avila nhắc nhở chúng ta: “Hôm nay Đức Kitô nhìn người khác bằng mắt chúng ta, yêu người khác bằng trái tim chúng ta, đến với người khác bằng đôi chân chúng ta và phục vụ người khác bằng đôi tay của chúng ta.” Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã “yêu đến cùng” thế nào.
Trong cơn đại dịch này, chúng ta nhớ đến mẫu gương của thánh tu sĩ Luy Gonzaga (1568 – 1591). Ngài vốn là con của một vị lãnh chúa nhưng năm 17 tuổi ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa để gia nhập Dòng Tên với ước nguyện được sang Á Đông truyền giáo. Tuy nhiên vào năm 1591, Châu Âu bị dịch bệnh hoành hành, Luy Gonzaga cùng với các anh em khác tình nguyện đến thăm các bệnh nhận, đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích trước khi qua đời. Cuối cùng, Luy Gonzaga đã phục vụ bệnh nhân tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời đêm 20 tháng 6 năm 1591 khi mới 23 tuổi.
Khi những con số bệnh nhân gia tăng hàng ngày, số người chết cũng ngày một nhiều thêm, cuộc sống trở nên ngột ngạt, cũng là lúc anh chị em tu sĩ chúng ta được mời gọi làm chứng nhân cho Tin mừng, bằng việc chăm sóc, an ủi và xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân COVID-19. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên niềm mong đợi của ngài nơi các tu sĩ “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Bởi vậy, tu sĩ chúng ta phải là những người tiên phong dấn thân mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho các nạn nhân dịch cúm Covid qua việc tận hiến phục vụ tha nhân. Qua lá thư này, trên cương vị chủ tịch ủy ban tu sĩ và với tư cách là một tu sĩ, tôi tha thiết mời gọi những người sống đời thánh hiến tiếp tục tình nguyện dấn thân phục vụ các nạn nhân của đại dịch. Cũng vậy, xin các cộng đoàn tu sĩ tiếp tục trợ giúp và rộng cửa đón tiếp những nạn nhân COVID-19 trong khả năng có thể.
Xin gửi đến quý bề trên và tất cả quý tu sĩ nam nữ đang dấn thân giúp đỡ những nạn nhân Covid 19. Chúa Giêsu đã “yêu chúng ta đến cùng”, xin cho chúng ta, mỗi người tùy hoàn cảnh, cũng biết yêu thương anh chị em đến cùng, cách riêng là những anh chị em nhiễm dịch. Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, hai thánh tu sĩ Têrêxa Avila, thánh Luy Gonzaga và vô số những tu sĩ khác, cùng với các thánh tử đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho chúng ta, các bệnh nhân, các thân nhân và mọi người đang săn sóc người bệnh ở Việt Nam và toàn thế giới.
Bắc Ninh, ngày 22 tháng 7 năm 2021
CHỦ TỊCH ỦY BAN TU SĨ
Cosma Hoàng Văn Đạt S.J.
Giám Mục Bắc Ninh