Bà Hanna Homeniuk, người đứng đầu chương trình gắn kết xã hội của Caritas Ucraina cho Vatican News biết, chương trình đã khởi động vào năm 2016 và cho đến năm 2021 Caritas đã thực hiện được bốn dự án với sự tham gia của hơn 30.000 người. Mục đích chính của sáng kiến bao gồm tăng cường quá trình hội nhập, khả năng phục hồi và tự lực của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh do người Nga bắt đầu từ năm 2014.
Từ tháng 02/2022 khi Nga xâm lược vào Ucraina, nhiệm vụ đầu tiên của Caritas là cứu người, nhưng ở tất các các tổ chức địa phương của Caritas đều có những người hỗ trợ giúp mọi người giải quyết xung đột. Hiện tại tổ chức bác ái có hai dự án hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hoà bình ở 12 văn phòng khu vực. Chương trình làm việc của mỗi nhóm gồm tạo điều kiện, hỗ trợ tâm lý, giải quyết xung đột và các sự kiện cộng đồng để gia tăng sự gắn kết giữa mọi người. Mục tiêu chính là sự tương tác và hoà nhập của những người di dời nội địa ở các thành phố nhỏ, vì ở các thành phố này mọi người khó hoà nhập hơn trong các thành phố lớn.
Nhận ra rằng vấn đề chữa lành và vượt qua những tổn thương sẽ còn phải tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới, Caritas Ucraina đang cố gắng đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo các chuyên gia tâm lý. Gần đây tổ chức đã làm việc với Uỷ ban sức khoẻ của Giáo hội Công giáo để có một sự thống nhất trong việc hỗ trợ người dân. Nhờ đó có thể giúp mọi người một cách tốt hơn, biết khi nào một người cần chuyên gia tâm lý và khi nào cần sự đồng hành mục vụ của các linh mục và tu sĩ.
Người đứng đầu chương trình gắn kết xã hội của Caritas Ucraina cho biết thêm, mục đích dự án xây dựng hoà bình của tổ chức vượt ra ngoài việc giải quyết các xung đột trong các cộng đồng. Hoà bình lâu dài sẽ có được khi người ta sống trong một môi trường thực sự an bình, an ninh và có cơ hội để xây dựng đất nước.
Vatican News