Đức Tổng Giám mục Felix Machado của Tổng Giáo phận Vasai, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Ấn Độ nói: “Đối với nhiều người trong chúng tôi, những người đã lãnh nhận đức tin từ các vị tiền bối, chứng tá của chân phước Devasahayam nhắc nhở chúng tôi rằng, Tin Mừng là một kho tàng cần được khám phá và dành trọn cả đời. Chân phước Lazarus, thường được gọi là Devasahayam, đã trở thành người nghèo vì thiện ích và tình thương dành cho người nghèo. Việc chân phước Lazarus được phong thánh sẽ là một sự khích lệ cho chúng tôi cố gắng bắt chước đời sống của chân phước”.
Chân phước Lazarus sẽ là giáo dân và thánh tử đạo đầu tiên người Ấn của Giáo hội Ấn Độ. Ngài sẽ được chính thức tuyên là thánh tử đạo của Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Chân phước Lazarus đã được phúc tử đạo vì đức tin cách đây gần 270 năm tại tiểu bang Tamil Nadu.
Vào ngày 03/5/2021, tại Dinh Tông Tòa, Đức Thánh cha đã nhóm công nghị và quyết định tôn phong bảy chân phước lên bậc hiển thánh, trong đó có chân phước Lazarus. Tuy nhiên, ngài không ấn định ngày cho lễ tuyên thánh vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra. Hôm 09/11 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã ấn định ngày tôn phong hiển thánh cho bảy chân phước, là ngày 15/5/2022, và chính ngài sẽ chủ sự Thánh lễ phong thánh này.
Tiểu sử
Lazarus Devasahayam sinh ngày 23/4/1712 với tên gọi Neelakanda Pillai, tại làng Nattalam. Ông từng phục vụ trong hoàng gia của Vương quốc Hindu ở Travancore, ngày nay thuộc bang Kerala miền nam Ấn Độ. Vương quốc này trải dài từ khu vực Kanyakumari của bang Tamil Nadu, đến tận Cochin ở bang Kerala láng giềng.
Năm 1741, thuyền trưởng Eustachius De Lannoy, một vị chỉ huy hải quân Hà Lan của công ty Đông Ấn Hà Lan, được lệnh đến đánh chiếm cảng Colachel của Travancore. Ông đã không thành công trong nhiệm vụ này, bị bắt làm tù binh. Nhưng sau đó, thuyền trưởng người Hà Lan đã được ân xá và trở thành vị chỉ huy đáng tin cậy của Vương quốc Hindu. Ông đã giành chiến thắng trong một số trận chiến tại Travancore.
Chính trong những vai trò có ảnh hưởng của họ dưới thời vua Travancore, Devasahayam Pillai và De Lannoy đã trở thành bạn thân.
Trở lại và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy
Devasahayam bắt đầu quan tâm đến đức tin của De Lannoy. Từng bước, thuyền trưởng đã khai mở đức tin cho Devasahayam và vào năm 1745, khi đó 32 tuổi, ông chính thức trở lại Công giáo, lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
Devasahayam được cha Bouttari Italus, Dòng Tên, rửa tội tại nhà thờ Công giáo của làng Vadakkankulam, thuộc quận Tirunelveli của Tamil Nadu. Ông lấy tên thánh rửa tội là Lazarus, và trong tiếng địa phương, Devasahayam có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Vợ ông, bà Bargavi Ammal ở Travancore, cũng theo chồng và được rửa tội lấy tên là Gnanapoo, nghĩa là Têrêsa.
Bị giết vì thù ghét đức tin
Cuộc trở lại Công giáo của Lazarus Devasahayam gây bất mãn nơi các thủ lãnh tôn giáo địa phương. Họ vu khống ông phản bội và gây nguy hiểm cho vương quốc Hindu.
Việc ông từ chối thờ các vị thần Ấn giáo trong cung điện và từ chối tham dự các lễ hội tôn giáo truyền thống của Ấn giáo đã khiến các quan chức vô cùng tức giận. Họ không thể dung thứ cho ông về những lời rao giảng cho sự bình đẳng đối với mọi người. Thực vậy, trong các lần giảng dạy, ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự bình đẳng của tất cả mọi người, bất chấp sự khác biệt về đẳng cấp.
Những kẻ thù ghét vu khống ông về tội phản quốc và tố cáo ông làm gián điệp, đồng thời cách chức và sa thải ông. Devasahayam đã bị bắt giam và bị tra tấn dã man. Ngày 14/01/1752, sau 7 năm trở lại Công giáo, ông đã bị bắn chết trong rừng Aralvaimozhy.
Các địa điểm liên quan đến cuộc đời và cuộc tử đạo của Devasahayam ở giáo phận Kottar, thuộc quận Kanyakumari của bang Tamil Nadu, cũng như phần mộ của ông tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier ở Nagercoil đã thu hút rất nhiều người đến kính viếng và cầu nguyện.
Công nhận tử đạo
Trong Giáo hội Công giáo, việc phong thánh cho một tín hữu là một tiến trình rất nghiêm ngặt kéo dài nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ. Tiến trình này bắt đầu ở cấp giáo phận nơi ứng viên thuộc về. Trong trường hợp của ông Devasahayam, từ năm 1756 đã bắt đầu có những nỗ lực và lời kêu gọi lẻ tẻ về việc phong thánh và tử đạo cho ông.
Vào ngày 22/12/2003, Giáo phận Kottar đã nhận được sự đồng ý của Toà Thánh cho tiến trình án phong thánh tử đạo của Devasahayam ở cấp địa phương. Từ năm 2006 đến 2008, bắt đầu giai đoạn điều tra ở cấp Giáo phận, và Devasahayam đã được tuyên Tôi Tớ Chúa.
Sau đó, tiến trình này được chuyển đến Vatican dưới sự xem xét của Bộ Phong thánh. Vào ngày 15/11/2011, sau khi đánh giá các tài liệu được đệ trình, các nhà tư vấn lịch sử kết luận rằng các bằng chứng thu thập được là đủ và đáng tin cậy để chứng minh cuộc tử đạo của Devasahayam là xác thực.
Ngày 07/02/2012, một cuộc họp đặc biệt của các nhà tư vấn thần học đã diễn ra, lưu ý đến độ tin cậy lịch sử của các tài liệu thu thập được. Các nhà thần học kết luận rằng nguyên nhân cái chết của Devasahayam là do lòng thù ghét đức tin và chính Devasahayam cũng đã chấp nhận điều này. Sau đó, ngày 08/5/2012, trong một phiên họp thường niên, các hồng y và giám mục đã thông qua việc xác định này.
Đối với một ứng viên không phải tử đạo, trước khi phong chân phước phải có một phép lạ được chứng minh là nhờ lời chuyển cầu của tín hữu này. Tuy nhiên điều này không cần thiết đối với một án phong chân phước cho một tín hữu đã chịu tử đạo, như trường hợp của ông Devasahayam.
Phong chân phước
Vào ngày 28/6/2012, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của Devasahayam. Ngày 02/12/2012, Đức Hồng y Angelo Amato, nguyên Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đại diện Đức Giáo Hoàng, chủ sự Thánh lễ phong Chân phước cho ông Devasahayam, tại khuôn viên trường Carmel ở Nagercoil, Giáo phận Kottar.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô cùng hôm đó Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói: “Chúng ta cùng hòa niềm vui chung với Giáo hội Ấn Độ và cầu nguyện với tân Chân phước, xin ngài nâng đỡ đức tin của các Kitô hữu của đất nước rộng lớn và cao quý đó”.
Tiến trình phong thánh
Phép lạ qua sự chuyển cầu của chân phước là điều cần thiết để hoàn thành tiến trình phong thánh.
Trong trường hợp của chân phước Devasahayam, một cuộc điều tra đã được thực hiện tại Giáo phận Kottar về một phép lạ. Bộ Phong thánh cho biết đây là trường hợp hồi sinh của một thai nhi mới được 20 tuần của một phụ nữ người Ấn Độ. Hội đồng y khoa đã thẩm tra trường hợp này, vào ngày 28/02/2019 họ đã nhất trí tuyên bố rằng việc chữa bệnh không thể giải thích bằng kiến thức y học hiện tại.
Vào ngày 05/12/2019, một cuộc họp đặc biệt của các nhà tư vấn thần học của Bộ Phong thánh đã thông qua phép lạ. Các hồng y và giám mục đã họp vào ngày 18/02/2020, cũng đã chấp thuận. Ba ngày sau, ngày 21/02, Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh chính thức nhìn nhận phép lạ, giúp cho tiến trình phong hiển thánh cho Chân phước Devasahayam được hoàn tất.
Niềm vui của Giáo hội Ấn độ
Việc chân phước Devasahayam, một giáo dân Ấn Độ đầu tiên được phong thánh là một sự khích lệ lớn cho Giáo hội tại đây. Điều này càng là một niềm tự hào, vì Devasahayam chịu tử đạo khi đấu tranh cho sự bình đẳng của các giai cấp trong Ấn Độ, một hiện tượng cho đến nay vẫn còn tồn tại.
Xã hội Ấn chia thành 4 giai cấp: giai cấp cao nhất là “Brahmani” gồm các tư tế, các người trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dạy dỗ và truyền thụ; giai cấp thứ hai là “Kshatriya” gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ, tức giới thượng lưu quân sự; giai cấp thứ ba là “Vaishya” gồm các thương gia, các nông dân và các người chăn nuôi súc vật; giai cấp thứ tư là “Shudra” gồm các người làm thủ công nghệ, đầy tớ và công nhân thợ thuyền. Ngoài ra, thấp nhất trong bậc thang xã hội là những người “ngoài giai cấp”, thường được gọi là những người “paria” hay ”không thể đụng tới”, vì các công việc ô uế và hèn hạ họ làm như thu dọn vệ sinh và chôn người chết. Ngày nay những người “paria” này được gọi là “Dalit”, những người “bị áp bức”.
Hiến pháp của Ấn Độ độc lập năm 1950 đã chính thức loại bỏ việc phân chia giai cấp. Khoản 15 của Hiến pháp cấm mọi kỳ thị dựa trên tôn giáo, chủng tộc, giai tầng xã hội, phái tính và nơi sinh trưởng. Và khoản 16 thiết định các cơ hội đồng đều cho tất cả mọi công dân liên quan tới công ăn việc làm. Nhưng giữa hai cực đó là sự mập mờ và khuynh hướng xu thời.
Tuy trên lý thuyết việc phân chia giai cấp đã chính thức được hủy bỏ, nhưng trên thực tế, trong tiềm thức và cung cách hành xử của người dân Ấn Độ, việc phân chia và kỳ thị giai cấp vẫn tiếp tục hiện diện và đè nặng trên cuộc sống của các giai cấp thấp kém hơn, đặc biệt là giai cấp cùng đinh.
Trong nhiều thập niên qua, Kitô giáo đã tranh đấu cho quyền được hỗ trợ của các anh chị em cùng đinh Dalit Kitô, nhưng chính quyền Ấn Độ nhất quyết không chấp thuận, viện cớ là họ đã được các Giáo hội Kitô nâng đỡ rồi. Việc theo Kitô giáo giúp người Dalit ra khỏi các ràng buộc truyền thống, nhưng lại khiến cho họ trở thành nạn nhân của bạo lực.
Các nhà truyền giáo đã hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các anh chị em Dalit, để họ có được nền giáo dục cao hơn. Các thế hệ sau này theo Kitô giáo vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt vì căn tính Kitô mới mẻ giúp họ sống kinh nghiệm của phẩm giá và sự tự do của bản vị con người.
Tuy vậy, quyền lợi của người Dalit vẫn chưa thực sự được nhìn nhận. Vì vậy Giáo hội Công giáo vẫn không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của những người bị thiệt thòi này. Từ năm 2007, hàng năm vào Chúa nhật thứ hai của tháng 11, người Công giáo và Tin lành ở Ấn Độ cử hành “Ngày giải phóng người Dalit”, “những người không có vị trí trong xã hội”. Sáng kiến được Hội đồng Giám mục Ấn Độ đứng ra tổ chức, với sự cộng tác của Hội đồng các Giáo hội Kitô Quốc gia.
Với thực trạng xã hội Ấn, chân phước Devasahayam được phong thánh trong năm tới sẽ là nguồn động viên lớn cho những ai đang dấn thân đấu tranh cho quyền lợi của những người nghèo, những người bị loại ra bên lề ở Ấn Độ.
Ngọc Yến – Vatican News