Chút tâm tình mùa đại dịch

 

Gian trần vẳng tiếng kêu van

Covid – 19 lan tràn nơi nơi

Á, Âu, Phi, Mĩ tơi bời

Đông, Tây, Nam, Bắc rụng rời khiếp kinh

Hoàng hôn tới lúc bình minh

Khẩn cầu xin Chúa dủ tình xót thương

Ban cho Tổ quốc quê hương

Ban cho thế giới: Lòng Thương Xót Ngài

Đẩy lui dịch bệnh bi ai

Cho đoàn con được mãi hoài bình an.

Gần hai năm qua, một “quý cô” siêu nhỏ bé, nhưng luôn được cả thế giới nhắc đến nhiều nhất, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, từ những câu chuyện bên vỉa hè cũng như trên bàn nhậu. Từ thôn quê hẻo lánh đến phố phường đông đúc, từ trí thức đến thợ thuyền, từ đại gia tới lão nông. Từng thay đổi, di chuyển, đến sự lộng hành của cô trong từng giây phút, tất tất cả đều được giám sát chặt chẽ và thông tin nhanh nhất. Sự xuất hiện của cô đã khiến tất cả các nhà khoa học đại tài trên thế giới mất bao công sức để truy tìm xuất xứ, quê quán, cha mẹ của cô. Nhưng đến nay cô vẫn là một ẩn số, ngoài việc cô sở hữu một danh sách tên như: Sars cov- 2, Corona và Covid -19… Phải chăng “cha mẹ” cô cũng là những kẻ thâm hiểm, xảo quyệt và lộng hành vô cùng, mới hoài thai một đứa con tàn độc như cô. Có những lúc tưởng chừng như các nhà khoa học sắp sửa tóm được cô, thì cô lại ranh mãnh chơi trò trốn tìm, hóa trang tinh vi, làm đảo điên cả thế giới với biến thể Delta, Lambda, Mu.

Ngỡ Cô đến trần chơi một chút

Nào ngờ lì lợm đến hôm nay

Chưa bao giờ thế giới lại phải trải qua một cơn đại dịch kinh hoàng như vậy bởi một “mụ” tí hon. Hội Thánh Công giáo cũng chưa bao giờ phải trải qua một mùa Chay tím bi ai đến lặng người và một mùa Phục Sinh trắng một màu tang tóc, thê lương như năm 2020. Cái màu tím bi ai và màu trắng tang tóc ấy cứ kéo dài, kéo dài mãi đến bây giờ và không biết còn đến bao giờ? Chúa ơi! Bao nhiêu nhà thờ cửa đóng then cài, nhiều nhà thờ trên thế giới đã trở thành nơi quàn thi thể người chết. Mỗi lần nghe cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Nhật, OP. tổng phụ trách tập san: Chia Sẻ Tin Mừng của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, thổn thức cất lên tiếng hát: “Chúa ơi! con nhớ nhà thờ, nhớ giờ kinh nguyện, nhớ giờ Mân côi, nhớ câu nhạc thánh trên môi, bình an diệu vợi đượm tình êm trôi… Nhưng giờ đây buồn quá Chúa ơi! Nhà thờ vắng vẻ tiếng cười nơi đâu? Nỗi buồn phủ bóng chìm sâu, con người lo lắng mong mau yên bình…”.  Là lòng con lại chùng xuống xót xa, nhà thờ là nơi mà mọi người có thể đến bất cứ lúc nào, giờ phút nào, để thờ lạy Thánh Thể Chúa, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tác Tạo, Cứu Chuộc và Thánh Hóa loài người. Vậy mà trong cơn đại dịch này, được đến nhà thờ, được tham dự Thánh lễ lại là một điều xa xỉ, không biết đến bao giờ mới được… thỏa trí toại lòng, đối với bao đàn chiên trên toàn thế giới. Mỗi ngày, xem tin tức, thấy con số nhiễm bệnh và tử vong cứ tăng lên theo cấp số nhân, mà thấy lặng ngườì đi, không muốn tin vào tai mình. Nhất là trong mấy tháng nay, dải đất hinh chữ S thân yêu vốn đã cong cong, nay lại càng oằn mình gập lại, để chống chọi với dịch bệnh đang hoành hành, tàn phá. Trong cơn gian nan này, có biết bao bác sỹ, y tá, điều dưỡng, biết bao lực lượng quân đội, cảnh sát, đang phải miệt mài, tận tụy trên tuyến đầu để chống dịch, biết bao hiểm nguy đang rình rập họ. Không! Họ không chỉ bị hiểm nguy rình rập, mà rất nhiều người trong số họ đã nằm xuống vì sự sống của nguời khác. Dẫu vậy, hằng ngày họ vẫn kiên nhẫn từng giây phút để tranh giành với tử thần, trả lại mạng sống cho mọi người. Trong đó, Giáo hội Công giáo cũng đóng góp rất nhiều các vị mục tử, tu sĩ nam nữ và mọi thành phần giáo dân, mỗi người mỗi việc, từ nơi bệnh viện tuyến đầu, đến lo việc từ thiện cho dân nghèo cơ cực.

Trong gian nan mới thấy tình người cao quý dường bao, nhiều siêu thị 0 đồng và ATM gạo tình thương mọc lên khắp nơi, các đoàn thể, cá nhân, có sức nào làm từ thiện sức ấy. Có thanh niên mặc hàng hiệu, cưỡi xe xịn, chạy vòng vòng qua các phố phường, sau xe anh không phải là cô bạn gái xinh đẹp hay người vợ hiền, hoặc đứa con thơ, mà là thùng bánh mì đầy ắp, cùng nhiều bao cũng đầy cứng bánh treo lủng lẳng quanh xe, anh đi cứu đói cho đồng loại. Gặp ai lang thang dọc đường, hay đến những khu nhà trọ, anh gọi lớn: “bánh mì không cô ơi, bác ơi!” tiếng gọi nghe sao ấm áp, thân thương lạ. Dõi theo bước chân của nhóm Bác ái Mai Khôi (nhà thờ Mai Khôi 44 Tú Xương, P.7, Quận 3, tp HCM), nghẹn lòng không cầm được nước mắt, khi thấy anh chị em tại các nhà trọ đứng sau dải dây ngăn cách, đưa tay làm dấu thánh giá trước khi nhận quà. Chúa ơi! Dù đói khát, đau khổ đến đâu, dấu chỉ là con Chúa vẫn luôn hiện diện nơi tâm hồn, thân xác đàn chiên của Chúa. Đại dịch ập đến, bao công ty, nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, kéo theo ngàn vạn dân lao động nghèo thất nghiệp, ùn ùn bồng bế, đèo bòng, kéo nhau hồi hương trên con đường ngàn dặm hiểm nguy, đói khát. Những người ở lại thì sống vất vưởng không việc làm, không nhà ở, không tiền, nằm co quắp nơi vỉa hè, xó chợ. Những mảnh đời vật vờ, khốn khổ, đó chính là hiện thân của Chúa, vì Chúa luôn ẩn mình trong kiếp sống nghèo hèn, rách rưới, đói khát. Những đội ngũ y bác sỹ, những người tự nguyện vào tâm dịch để giúp đỡ bệnh nhân, đang tận tụy trên tuyến đầu chống dịch. Những đoàn thể, cá nhân đang miệt mài với công việc từ thiện, họ cũng đang mang khuôn mặt của Chúa, khuôn mặt yêu thương, hết lòng với người mình yêu. Thật nghẹn lòng khi thấy sau buổi làm thiện nguyện, Shipper của nhóm Bác ái Mai Khôi cởi áo vắt mồ hôi chảy thành dòng như áo vừa giặt. Tại kho của giáo xứ, quý thầy, quý cha cùng khuân vác, đóng thực phẩm, rau củ quả với nhóm thiện nguyện, yêu quá, các… “Cụ” ơi! Xin cảm ơn, cảm ơn tất tất cả những ai đã và đang xả thân vì đồng loại, xin phó thác vào tình yêu quan phòng và Lòng Thương Xót Chúa. Xin Chúa sớm đẩy lui cơn dịch bệnh, xin ban cho chúng con niềm tin yêu và tín thác, mong một ngày không xa dịch bệnh sẽ chấm dứt, vì:

Không có khổ đau nào mà không vơi đi với thời gian.

Chúa ơi! Xin ngàn lần cảm tạ tri ân Chúa. Vì cho tới giờ phút con đang viết lên những dòng này, bản thân con, gia đình con, giáo xứ quê hương con, vẫn là “vùng xanh”, không chỉ là xanh trong mùa đại dịch này, mà đã xanh ngát tự bao đời của miền trung du rừng cọ đồi chè. Không có sạt lở đất, lũ quyét của vùng núi cao, không có những cơn siêu bão, lụt lội của miền trung, với những cơn gió Lào cháy da bỏng thịt. Cái tên của giáo xứ con cũng như nói lên sự đông vui, no ấm: Trù Mật. Vâng! Không phải ngẫu nhiên mà khi xây dựng nhà thờ giáo xứ Trù Mật, các “Cố Tây” lại muốn giáo xứ nhận thánh Phêrô làm quan thầy. Thật vậy, giáo xứ Trù Mật trước đây vốn dĩ là một làng chài lưới có tiếng trong vùng, với bao ngư phủ lành nghề. Theo thay đổi của thời gian, thời cuộc, nghề chài lưới đã mai một, đồng cá thu hẹp lại ít nhất có thể và các ngư phủ cũng đã lần lượt ra đi về thế giới bên kia. Con được sinh ra và lớn lên trên giáo xứ Trù Mật thân yêu đó, dù con mồ côi mẹ từ khi mới 3 tháng tuổi, ở với bà nội khi đó đã hơn 80 tuổi. Sau này con được biết, để con lớn lên được cùng các bạn trang lứa, trong thân con đã chảy tràn, thấm đẫm dòng sữa của bao bà mẹ hiền trong giáo xứ Trù Mật. Tiếng chuông mỗi sớm ban mai cũng như khi hoàng hôn buông rủ, cứ ngân lên, ngấm sâu đọng mãi vào tâm khảm con, sao bâng khuâng, da diết quá chừng. Mỗi khi đi đâu trở về, từ xa đã trông thấy tháp chuông vươn lên cao vút trên nền trời, như ngọn hải đăng dẫn lối soi đường cho con trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa.

Con được Chúa yêu thương ban cho thân xác ấy, quê hương ấy, cuộc sống ấy, mà Chúa chỉ cần con: Yêu Chúa, Yêu người mà thôi. Vâng! Chúa biết rõ lòng con, con rất yêu Chúa, nhưng con chưa yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn con. Tình yêu ấy, con còn véo cho cơm áo gạo tiền một chút, con còn san cho cái tôi, cái danh lợi của con một phần, con còn xé cho cái lười biếng, trễ nải một mảnh, còn đâu tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa, Chúa ơi! Con cũng yêu người đấy, nhưng con chỉ yêu những ai cũng yêu thương con, giúp đỡ con, con chỉ yêu những ai thuộc về con. Nhưng cũng chỉ là yêu mà thôi, chứ yêu bằng bản thân mình và yêu cả kẻ thù ghét mình và cầu nguyện cho họ nữa, sao khó quá Chúa ơi! Xin Chúa ban ơn thêm sức cho con, vì con thật yếu đuối mọn hèn. Con có là chi đâu, con chỉ là tạo vật của Chúa, đã bao lần con bất trung, bất tín cùng Chúa, đã bao lần con làm Chúa đau khổ, vậy mà Chúa vẫn bao dung tha thứ cho con. Không chỉ tha thứ mà thôi, Chúa còn yêu con đến nỗi chết cho con được sống. Còn con, Chúa chỉ… đòi con yêu người như bản thân con, vậy mà con chưa làm được. Lạy Chúa! sức con yếu đuối lắm, mà cuộc đời nhiều khi quá nặng nề đắt đỏ.

Tạ ơn Chúa! Mỗi sớm mai thức dậy

Cho con thêm ngày nữa để học yêu.

Chúa ơi! Con đã hiểu, cuộc sống tạm, sống gửi ở trần gian này ngắn lắm, mong manh lắm, nhất là trong cơn đại dịch này, tất cả chỉ là phù vân. Chỉ còn tình yêu Chúa dành cho chúng con là vĩnh cửu.

Quẩn quanh cả thế giới này

Đời người cũng chỉ một giây vô thường

Chỉ còn tình Chúa yêu thương

Dìu con về tới quê hương vĩnh hằng.

Mờ – inh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *