Cơn mưa những mề đay huyền nhiệm đổ xuống Ukraine

1. 50 ngàn thanh thiếu niên Ý sẽ gặp Đức Thánh Cha vào ngày 18 tháng Tư

Hơn 50.000 thanh thiếu niên Ý đã đăng ký tham gia cuộc hành hương của thanh thiếu niên và gặp Đức Thánh Cha vào ngày 18 tháng Tư tới đây tại quảng trường Thánh Phêrô.

Các nhóm, hiệp hội và phong trào giáo xứ thuộc các giáo phận của Ý do các Giám mục của họ lãnh đạo và được đồng hành bởi các nhà giáo dục, linh mục, tu sĩ nam nữ.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Vatican với các thanh thiếu niên Ý sau thời gian dài tạm dừng do đại dịch và điều quan trọng là nó diễn ra vào một ngày sau Lễ Phục sinh, ngày lễ làm nảy sinh niềm tin, lan truyền hy vọng và là biểu tượng của sự tái sinh.

Cha Michele Falabretti, người đứng đầu Uỷ ban toàn quốc về mục vụ giới trẻ của hội đồng giám mục Ý cho biết: “Với cuộc hành hương của thanh thiếu niên đến Rôma và cuộc gặp gỡ của họ với Đức Giáo Hoàng, chúng tôi muốn khuyến khích và mang đến những dấu hiệu hy vọng cho những người dấn thân vì sự trưởng thành của các thiếu niên và cho những người nhìn vào cộng đoàn Kitô giáo như người bảo vệ tương lai của một sự sống nảy sinh từ Chúa Giêsu Phục sinh.”

Điểm trọng tâm của cuộc gặp gỡ tại quảng trường thánh Phêrô vào chiều ngày 18 tháng Tư sẽ là lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Hãy theo Thầy”. Không phải ngẫu nhiên mà lời mời này được chọn làm chủ đề cho sự kiện. Nó ám chỉ việc tìm kiếm cá nhân được đổi mới trong sự hiệp thông huynh đệ với Chúa Cha, trong Tình yêu của Chúa Con.

Logo của sự kiện – nhiều vòng tròn màu xanh với các kích cỡ khác nhau để tạo thành một con cá, với Thánh giá ở vị trí con mắt – là một lời nhắc nhở về sự hợp nhất và thuộc về Chúa Kitô.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với Đức Thánh Cha, các em sẽ bắt đầu tập trung tại quảng trường từ 2:30 trưa. Vào lúc 5:30 chiều, các em sẽ chào đón Đức Thánh Cha. Ngài sẽ chủ sự buổi cầu nguyện và sẽ đưa ra một số suy tư từ đoạn Tin Mừng thánh Gioan. Cuộc gặp gỡ sẽ kết thúc lúc 7:30 tối với việc Tuyên xưng Đức tin

2. Bản sao của nhà nguyện Sistina được lắp đặt tại trung tâm của thành phố Mễ Tây Cơ

Một bản sao của Nhà nguyện Sistina của Vatican sẽ được lắp đặt tại Quảng trường Hiến pháp, còn được gọi là “Zócalo” của Thành phố Mễ Tây Cơ, như một phần của dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mễ Tây Cơ và Tòa thánh.

Nhà nguyện Sistina, được Đức Giáo Hoàng Sixtô IV yêu cầu xây dựng vào thế kỷ 15, một trong những kho tàng nghệ thuật tiêu biểu nhất trong lịch sử; nội thất của nó được thực hiện bởi các nghệ sĩ thời Phục hưng như Michelangelo, Raphael, Pietro Perugino, Sandro Botticelli và Domenico Ghirlandaio, vv.

Hiện nay, ngoài chức năng là nhà nguyện của Giáo Hoàng, nơi đây còn là nơi diễn ra các mật nghị bầu Giáo Hoàng mới.

Đức ông Ángel Luis Lorente Gutiérrez cảm ơn các nhà chức trách dân sự vì “cung cấp một không gian mang tính biểu tượng như vậy không chỉ cho thành phố của chúng ta mà cho toàn thể Quốc gia, để lắp đặt bản sao của Nhà nguyện Sistina.” Ngài nhấn mạnh: “Đó là một sáng kiến văn hóa và là một sáng kiến tư nhân, nhưng cả hai đều được Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ và Chính phủ thành phố tán thành, và nó sẽ đến Mễ Tây Cơ với sự công nhận và hỗ trợ của Bảo tàng Vatican.”

Bản sao của Nhà nguyện Sistina sẽ mở cửa miễn phí cho công chúng từ ngày 19 tháng Tư đến ngày 19/5, từ 10:00 sáng đến 6:40 chiều các ngày từ thứ Ba đến Chúa Nhật.

Tại cuộc họp báo ngày 4 tháng Tư, người đứng đầu văn phòng Trụ sở chính quyền Thành phố Mễ Tây Cơ, José Alfonso Suárez del Real y Aguilera, nhắc lại rằng quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Mễ Tây Cơ đã được tái lập vào ngày 21/9/1992, sau cuộc cải cách Hiến pháp Mễ Tây Cơ và việc thông qua Luật các Hiệp hội Tôn giáo và Việc thờ tự Công cộng.

Ông Suárez del Real y Aguilera cho biết: “Kể từ đó, quan hệ giữa Mễ Tây Cơ và Tòa Thánh đã trở nên rất chặt chẽ. Ông nhắc lại rằng ba cuộc tông du gần nhất của các Giáo Hoàng viếng thăm Mễ Tây Cơ, trong tổng số năm lần, Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện với tư cách là Quốc trưởng, vào các năm 1993, 1999 và 2002. Sau đó, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vào năm 2012, cũng đã đến thăm đất nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia của Vatican; và Giáo Hoàng Phanxicô, vào năm 2016.”

Quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước ở Mễ Tây Cơ suy yếu vào giữa thế kỷ XIX, do việc quốc hữu hóa các tài sản của nhà thờ theo lệnh của Tổng thống Mễ Tây Cơ Benito Juárez. Đến năm 1917, Hiến pháp mới của Mễ Tây Cơ đã loại bỏ các quyền khác nhau của Giáo hội như tư cách pháp nhân, hạn chế số lượng linh mục và áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với việc thờ phượng công cộng.

Năm 1924, Plutarco Elías Calles ban hành quy tắc được gọi là “Luật kêu gọi”, nhằm tìm cách làm cho các điều khoản hiến pháp chống lại Giáo hội có hiệu lực, và cấm các dòng tu, cấm linh mục mặc áo dòng ra đường và cấm giảng dạy tôn giáo.

Mặc dù dưới triều Giáo Hoàng của Thánh Phaolô VI, hai bên đã xích lại gần nhau hơn, nhưng phải đến năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Mễ Tây Cơ mới được tái lập

3. Cơn mưa những mề đay huyền nhiệm đổ xuống Ukraine

Cơn mưa những mề đay huyền nhiệm đổ xuống Ukraine

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 8 tháng Tư, có bài tường trình nhan đề “A rain of miraculous medals pours over Ukraine”, nghĩa là “Cơn mưa những mề đay huyền nhiệm đổ xuống Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một phụ nữ đến từ Pháp hiểu rõ Ukraine đã can thiệp vào cuộc chiến bằng cách gửi “một cơn mưa những mề đay huyền nhiệm” khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Marie-Aude Tardivo là một dịch giả tiếng Nga, Ukraine và Anh, và sống ở Nice, bên Pháp. Nhưng trái tim cô ấy tan vỡ vì Ukraine, nơi cô ấy đã có ba năm làm việc tại Đại học Công Giáo Ukraine. Cô ấy đã giữ được nhiều tình bạn kể từ thời gian ở đó. Cô ngay lập tức liên hệ với những người bạn này khi Nga xâm lược Ukraine.

“Tôi có thể làm gì cho các bạn?” cô hỏi bạn bè của mình, cảm thấy bất lực khi đối mặt với sự kinh hoàng của chiến tranh. “Hãy gửi các ảnh tượng của Pháp về Đức Mẹ cho những người lính,” người bạn thân của cô, Cha Vasyl Bilash, một linh mục của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, trả lời. Nhưng các ảnh tượng không được yêu thích ở Pháp cho bằng các mề đay. Vì vậy, Marie-Aude, người rất yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, đã có một ý tưởng: “Gửi những mề đay huyền nhiệm đến Ukraine để cho tất cả người dân Ukraine biết rằng chúng tôi đang cầu nguyện cho họ và quan trọng hơn là Đức Maria đang ở bên cạnh họ”.

5,000 mề đay huyền nhiệm

les-enfants-preaprent-la-pluie-de-medailles.jpg

Cùng với một vài người bạn, Marie-Aude đã mua 1,000 mề đay huyền nhiệm, và thật bất ngờ, sau đó cô đã nhận được 4,000 mề đay khác nhờ quyên góp. Cô ấy có in những tấm thiệp nhỏ, trong đó câu chuyện về Rue du Bac được giải thích bằng tiếng Ukraine cùng với câu “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, hãy cầu nguyện cho chúng con, những người đã cầu xin Mẹ.”

Sau đó, người mẹ khoảng bốn mươi tuổi này đã yêu cầu trường tiểu học của con trai mình giúp đỡ trong việc buộc các huy chương vào các thẻ bằng ruy băng có màu sắc của Ukraine. Và thế là những bàn tay nhỏ bé của các học sinh Saint Rita thành Nice bắt đầu hoạt động.

Được truyền cảm hứng sâu sắc từ dự án “vượt quá sức tôi” này, Marie-Aude hy vọng sáng kiến nhỏ của mình sẽ phát triển “để cơn mưa mề đay rơi xuống Ukraine.”

Miraculous medals arrive in Ukraine

Gần 600 mề đay đã được gửi đi và đến đích an toàn, dưới sự chứng kiến của Cha Vasyl Bilash, người vừa gửi một số bức ảnh cho Marie-Aude với lời nhắn này:

“Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô! Các bạn thân mến, chúng tôi vừa nhận được huy chương do Marie-Aude chuẩn bị và gửi đến. Vì vậy, cảm ơn các bạn rất nhiều vì những lời cầu nguyện, hồi ức và lòng trắc ẩn của các bạn. Giờ đây, chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi là một thân thể của Chúa Kitô, một Giáo hội. Và cho dù một thành viên đau khổ, tất cả các thành viên đau khổ với nó; hoặc một thành viên được vinh danh, tất cả các thành viên vui mừng với điều đó.: (1 Cr 12:26)

Trong những bức ảnh do Cha Vasyl Bilash gửi về, ngoài những huy chương, người ta có thể thấy tượng Đức Trinh Nữ Fatima, bức tượng mà linh mục đã đến Warszawa để mang đến Lviv vào ngày 18 tháng 3. Chắc chắn Đức Maria hiện diện và hướng dẫn các bước. của những đứa con Đức Mẹ bên kia biên giới.


Source:Aleteia

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *