1. Chủ tịch Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi phản ứng theo tinh thần lễ Phục sinh đối với vụ xả súng hàng loạt ở Indianapolis
Sau vụ xả súng hàng loạt tại một cơ sở chuyển thư FedEx ở Indianapolis, Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, Chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:
“Thật bi thảm, chúng ta thức dậy khi biết một vụ xả súng hàng loạt khác vào ngày hôm nay, lần này là ở Indianapolis, được cho là khiến 8 người chết và một số người bị thương. Như chúng ta đã nghe trong Thánh lễ ngày hôm qua, ‘Chúa gần gũi với những người có tâm hồn ta nát’ (Tv 34:19). Một lần nữa chúng ta cần lời cầu nguyện và những hành động bác ái cụ thể cho các gia đình, và cho tất cả các nạn nhân của tội phạm bạo lực”.
“Hết lần này đến lần khác, chúng ta phản ứng kinh hoàng trước những hành vi bạo lực này, nhưng nhiều người không thể đồng ý về cách ngăn chặn chúng. Các giám mục tiếp tục ủng hộ một số biện pháp chính sách nhằm cố gắng giảm thiểu các vụ giết người và tự sát. Trong mùa Phục sinh này, khi chúng ta được nhắc nhở rằng luôn có hy vọng, ngay cả khi chúng ta dường như đi vào ngõ cụt, tôi muốn yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, và tất cả những người thiện chí, một lần nữa xem xét vấn đề này và đề xuất các giải pháp thận trọng. Thật tốt là Tổng thống Biden và một số nhà lãnh đạo trong Quốc hội đang thu hút sự chú ý mới về điều này. Đối với một con đường toàn diện và lâu dài dẫn tới hòa bình, cần có sự hợp tác của lưỡng đảng. Theo tinh thần của Lễ Phục Sinh, chúng ta hãy cầu nguyện để có được lòng tôn kính mới đối với món quà sự sống, và tin rằng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta luôn có thể bắt đầu lại và làm việc hướng tới hòa bình”.
Source:USCCB
2. Tay súng giết 8 công nhân tại FedEx ở Indianapolis đã từng bị tạm giam vì bệnh tâm thần
Tay súng 19 tuổi đã giết chết 8 công nhân và chính anh ta tại một trung tâm FedEx ở Indianapolis là một cựu nhân viên đã bị quản thúc tâm thần vào năm ngoái sau khi mẹ anh ta báo cáo lo ngại anh ta có thể tự sát “bởi cảnh sát”, cảnh sát và FBI cho biết.
Bốn thành viên của cộng đồng đạo Sikh – ba phụ nữ và một nam giới – nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ xả súng đêm thứ Năm. Một nhà lãnh đạo Sikh địa phương cho biết như trên sau khi ông được gia đình các nạn nhân thông báo tóm tắt.
Các quan chức thực thi pháp luật cho biết họ chưa xác định ngay được liệu hận thù chủng tộc hay sắc tộc có đằng sau các vụ giết người hay không. Nhưng một nhóm ủng hộ quyền công dân của người Sikh đã kêu gọi một cuộc điều tra về bất kỳ thành kiến thù địch nào có thể có liên quan đến tội ác này.
Vụ việc này là vụ mới nhất trong số ít nhất bảy vụ xả súng hàng loạt chết người ở Hoa Kỳ trong tháng qua – xảy ra tại một trung tâm phân loại thư tín và hàng hóa của FedEx gần Sân bay Quốc tế Indianapolis sau 11 giờ đêm, theo giờ địa phương.
Craig McCartt, phó giám đốc sở cảnh sát Indianapolis, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, sự việc chỉ kéo dài vài phút và đã kết thúc vào thời điểm lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh đến được hiện trường.
Các nhân chứng mô tả một cuộc tấn công là rất hỗn loạn, khi tay súng nổ súng bằng súng trường trong bãi đậu xe trước khi bước vào cơ sở và tiếp tục bắn, khiến các nạn nhân gục ngã cả ở cả bên trong và bên ngoài tòa nhà. Các cảnh sát phát hiện nghi phạm đã chết vì vết thương do súng gây ra.
Người phát ngôn của FedEx và cảnh sát xác định kẻ xả súng là Brandon Hole, một cựu nhân viên tại cơ sở này. McCartt nói với các phóng viên rằng nghi phạm được cho là đã làm việc lần cuối tại nhà máy vào mùa thu năm 2020.
Đã có 147 vụ xả súng hàng loạt từ đầu năm 2021 cho đến nay.
Thứ Sáu tuần qua cũng đánh dấu kỷ niệm 14 năm vụ xả súng trường học đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tại Virginia Tech, khiến 32 người thiệt mạng.
Source:Reuters
3. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: Người Ukraine đang phải sống trong một cuộc ‘khủng bố về tâm lý’ khi quân đội Nga tập trung ở biên giới
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine cho biết đồng bào của ngài đang sống trong nỗi kinh hoàng liên tục trước một cuộc tấn công khi quân đội Nga tập trung tại biên giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói: “Chúng tôi đang sống trong nỗi kinh hoàng tâm lý thường xuyên và, theo các cuộc thăm dò mới nhất, 60% dân số Ukraine sống trong nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công quân sự từ phía người Nga”.
“Thay mặt cho người dân Ukraine, tôi yêu cầu các bạn cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, và sự tham gia của cộng đồng quốc tế để giải quyết xung đột và ngăn chặn ngọn lửa trên toàn thế giới bùng nổ từ ngòi nổ này”, vị tổng giám mục 50 tuổi nói.
Ukraine là một quốc gia có dân số 44 triệu người, giáp với Moldova, Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan, Belarus và Nga.
Chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2014, tập trung vào phía đông của đất nước. Các bên tham chiến đồng ý ngừng bắn vào tháng 7 năm 2020.
Nhưng trong những tháng gần đây, các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ngày càng gia tăng khi Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine.
“Chúng tôi đang rất bối rối và lo lắng về sự gia tăng sự hiện diện quân sự của Nga ở ngưỡng cửa của nước chúng tôi”, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói. “Có vẻ như đây là áp lực quân sự mạnh mẽ nhất từng xảy ra kể từ đầu cuộc chiến. Thực tế này không thể không được cộng đồng quốc tế chú ý”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đang theo dõi sát sao tình hình ở miền đông Ukraine Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào ngày 18 tháng Tư.
Đức Thánh Cha đã yêu cầu những người hiện diện đọc một “Kinh Kính Mừng” cho đất nước và người dân Ukraine, Đức Phanxicô kêu gọi giảm bớt căng thẳng và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, hòa giải và hòa bình.
“Mong rằng chúng ta cũng lưu tâm đến tình trạng nhân đạo nghiêm trọng mà dân số ở đó đang trải qua, những người mà tôi bày tỏ sự gần gũi của mình và những người mà tôi mời các bạn cầu nguyện”, Đức Giáo Hoàng nói.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn những lời của Đức Giáo Hoàng.
Source:Catholic News Agency
4. “Chúng tôi đã bỏ rơi anh chị em”: Linh mục Arizona cầu xin sự tha thứ vì đã khước từ bí tích Thánh Thể trong đại dịch
Một linh mục Công Giáo ở Gilbert, Arizona đã xin lỗi giáo xứ của mình trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh của mình vì đã không ban các bí tích của các tín hữu trong các vụ đóng cửa đại dịch năm ngoái.
Cha Sergio Muñoz Fita, cha sở giáo xứ Công Giáo Thánh Anne đã “cầu xin sự tha thứ vì đã để “giáo dân của mình” không có Bí tích Thánh Thể trong nhiều tuần vào năm ngoái”.
Cha Fita nói: “Tôi thấy cần phải công khai xin lỗi vì những sự kiện trong năm qua. Tôi là một linh mục, và do đó, theo một cách nào đó, tôi đại diện cho Giáo hội”.
“Khi anh chị em đến với tôi để xin lời khuyên, anh chị em không tìm kiếm ý kiến của tôi, vì ý kiến của tôi cũng dễ sai lầm và mong manh như ý kiến của chính anh chị em. Thật ra, anh chị em muốn tìm sự hướng dẫn và lẽ thật mà Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh”.
“Đó là lý do tại sao, nhận thức được thực tế này, tôi muốn cầu xin sự tha thứ của anh chị em tối nay. Nhân danh Giáo hội, tôi cầu xin sự tha thứ của Chúa, vì tội lỗi của tôi và của Giáo Hội. Tôi cầu xin sự tha thứ vì đã bỏ rơi anh chị em mà không có Bí tích Thánh Thể trong nhiều tuần vào năm ngoái”.
“Nhiều người trong anh chị em, trong những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch, đã hướng về cha mình để xin bánh, và chúng tôi đã cho anh chị em một viên đá. Chúng tôi đã làm anh chị em thất vọng khi từ chối không cho anh chị em đón nhận thức ăn duy nhất có thể duy trì hy vọng của anh chị em”.
“Chúng tôi đã bỏ rơi anh chị em khi lẽ ra chúng tôi phải ở gần anh chị em trong thời khắc đen tối. Vì điều này, trong thánh lễ này, tôi cầu xin sự tha thứ của anh chị em”.
“Điều tồi tệ nhất là tôi không thể bảo đảm với anh chị em rằng điều như vậy sẽ không xảy ra nữa. Vì theo tôi biết, tôi chưa nghe ai bày tỏ sự hối hận vì những gì đã xảy ra.”
“Điều tôi có thể hứa với anh chị em là tôi sẽ không bao giờ tham gia vào một thứ gì đó tương tự nữa. Và rằng nếu sự vâng lời lại đặt tôi vào hoàn cảnh như vậy, tôi sẽ phản kháng để không phải là một bên có trách nhiệm và tội lỗi đối với một việc mà ngày nay, thậm chí còn đè nặng lên lương tâm của tôi như là hành động mà tôi xấu hổ nhất trong suốt cuộc đời mình”.
Source:Church Pop