Lời Chúa: Lc 5,27-32
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
27 Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.
29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng : “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện một người thu thuế tội lỗi đã hoán cải và đi theo Đức Giêsu.
Đức Giê-su rời thành Ca-pha-na-um để đi ra bờ biển hồ Ghen-nê-xa-rét (x. Mc 2, 13-14 ), khi đi ngang qua cổng thành, Người thấy một nhân viên thu thuế đang ngồi ở trạm, liền bảo ông :“Anh hãy theo tôi”. Lê-vi, tên người thu thuế (ông còn có tên gọi là Mát-thêu, và theo thánh sử Mác-cô, ông là trưởng trạm thu thuế của đế quốc La-mã ở Ca-pha-na-um này), nghe Đức Giê-su gọi mình, ông lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người và mời Người cùng các môn đệ về nhà mình, mở tiệc thiết đãi.
Trong khung cảnh ồn ào náo nhiệt của đám đông đang đi ra khỏi thành, dáng dấp một nhân vật nổi bật giữa giòng người đang chen lấn, đó là Đức Giêsu Na-da-rét. Ông Lê-vi ngồi nơi trạm thu thuế nhìn theo bỗng bắt gặp ánh mắt hiền từ của Đức Giêsu đang nhìn ông, ông cảm thấy bối rối và khi Người nói với ông “Anh hãy theo tôi”, ông đã không chần chừ bỏ mọi sự và đi theo Người. Trong khoảnh khắc gặp gỡ ánh mắt của Đức Giêsu, ông nhận ra rằng đây là ngôn sứ của Thiên Chúa, một nhân vật mà dân chúng đang hết lòng ca ngợi vì những lời giảng dạy đầy khôn ngoan kèm theo các dấu kỳ phép lạ như: chữa lành nhiều bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ được cả ma quỷ
Có lẽ đã từ lâu, Lê-vi được nghe bạn bè cũng như nhiều người dân bàn tán về Đức Giêsu, về giáo lý của Người, nhất là việc Người kêu gọi dân chúng từ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng để đổi mới cách sống. Là người Do Thái, ông cũng biết đến nỗi khát vọng trông mong, chờ đợi từ bao đời nay của cha ông về Đấng Mê-si-a, người của Thiên Chúa sẽ đến để giải cứu dân của Người. Tuy nhiên, cuộc sống trần thế vốn có nhiều cuốn hút vì cơm áo, gạo tiền; ông đã chấp nhận làm nhân viên thu thuế cho người La-mã, mặc cho đồng bào của mình khinh khi miệt thị và lên án.
Thực tế thì đã làm nghề thu thuế, ông làm sao tránh khỏi sự gian lận, bớt xén tiền bạc và hà khắc với người nghèo, nhất là bắt tay với quân ngoại đạo; ông bị dân Do Thái liệt vào hàng những kẻ tội lỗi. Gặp gỡ Đức Giêsu, ánh mắt giao nhau; trong góc khuất của tâm hồn vốn chai lỳ trước những lợi lộc vật chất, tiền bạc và sự khinh khi, miệt thị của những người… đồng bào; một ánh sáng lóe lên, chiếu giọi vào tâm trí Lê vi, làm thức tỉnh lương tâm của người “Do thái chân chính” nơi ông; trong khoảnh khắc hiếm hoi đó, Lê-vi nhận ra tội lỗi của mình và những hậu quả nghiêm trọng đang gánh chịu; không những đối với đồng bào dân tộc mà cả với Thiên Chúa, Đấng mà tiền nhân của ông rất kính phục tôn thờ; ông hối hận và ăn năn; đồng thời một sức mạnh thiêng liêng hấp dẫn, thúc đẩy ông vượt qua hoàn cảnh hiện tại.
Khi nghe Đức Giêsu gọi: “Anh hãy theo tôi”; Lê-vi đã lập tức chọn lựa một hướng đi mới cho đời mình, dứt bỏ cuộc sống giàu sang tiện nghi mà bước theo Đức Giêsu Na-da-rét. Cuộc gặp với Đức Giêsu đã thay đổi quan niệm sai trái trong cuộc sống trần tục và giúp ông can đảm chấp nhận được biến đổi theo giáo huấn của Người.
Đức Giêsu chính là Đấng mà muôn dân đang trông mong chờ đợi; Người đến không phải để giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã nhưng để giải thoát nhân loại nói chung và dân Do Thái nói riêng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đam mê và dục vọng; Người loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
Những người Pha-ri-sêu ngạo mạn và cứng lòng vì tính ích kỷ, kiêu căng; họ tự hào vì có lề luật và thông thạo lề luật, cũng như dựa vào các tập tục, truyền thống của cha ông họ để lại mà thờ phượng Thiên Chúa; họ đã đi chệch đường và dạy cho dân chúng như vậy. Vốn có thành kiến và ganh ghét với Đức Giêsu nên khi thấy Người vào nhà ông Lê-vi và ăn uống, đồng bàn với những người tội lỗi thì họ rất khó chịu, bực mình, lẩm bẩm chê trách Người. Đức Giêsu thấu hiểu ý nghĩ xấu xa của những người Pha-ri-sêu nên bảo họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.
Dùng hình ảnh “người mạnh khỏe”, Đức Giêsu muốn ám chỉ đến người Pha-ri-sêu là những kẻ luôn kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết Thánh Kinh và tuân giữ lề luật một cách máy móc, hình thức mà quên đi cái cốt lõi là tinh thần tuân giữ lề luật; chính vì thế, việc giữ đạo của họ trở nên giả dối, vụ hình thức và họ sống trong lầm lạc mà không biết. Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Ông Lê-vi đại diện cho hạng người tội lỗi, đã trở thành mẫu người tiêu biểu trong việc đáp trả tiếng gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu, ông rũ bỏ cuộc sống hiện tại vốn có nhiều tai tiếng, chỉ trích để chấp nhận đi theo Đức Giêsu, để được nghe và sống giáo huấn của Người. Ông đã mở tiệc lớn để công khai cuộc đổi đời, lội ngược giòng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời của mình: Với bạn bè là những người đồng nghiệp thu thuế, là những người tội lỗi, ông muốn họ nhận ra sự chọn lựa đúng đắn của mình; còn với Đức Giêsu và các môn đệ, ông bày tỏ niềm vui vì một người tội lỗi như ông đã được yêu thương, tha thứ và nhất là được nên nghĩa thiết, thân tình với Người.
Về mặt thể lý: Sinh, bệnh, lão, tử là quy luật tự nhiên của đời người; khi ốm đau, người ta cần chữa trị và thầy thuốc đóng vai trò rất quan trọng, vì ông có khả năng chữa lành bệnh và đem lại hạnh phúc cho bệnh nhân. Về mặt tâm linh, người ta chỉ mạnh khỏe khi có sức quy hướng hành vi, lời nói, tư tưởng về điều thiện hảo: làm những việc có lợi cho mình, có ích cho Người khác; và giá trị cao hơn nữa là sẵn sàng chịu thiệt thòi để đem lại lợi ích cho tha nhân. Tuy nhiên, ngay từ thuở ban đầu nguyên tổ đã làm mất đi những đặc ân quý giá khiến nhân loại lâm vào sự suy yếu thiêng liêng, bị chi phối bởi lòng kiêu căng, tự phụ; dục vọng thấp hèn, ích kỷ, tham lam khiến con người làm nhiều điều tội lỗi trái với lương tâm, nghịch với lề luật của Thiên Chúa; đau ốm thiêng liêng phát sinh dẫn đến cái chết phần linh hồn. Đức Giêsu, người thầy thuốc có quyền năng chữa lành không những bệnh tật thể lý mà còn chữa lành những tâm hồn tội lỗi và ban sự sống thần linh cho những ai gặp gỡ và đi theo Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi
Hãy tỉnh thức để nhận ra ơn gọi hoán cải trong đời sống và thành tâm ăn năn sám hối bước theo Đức Giêsu để nỗ lực biến đổi cách sống theo tinh thần Tin Mừng, khởi đi từ Mùa Chay thánh này.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm đáp trả lời mời gọi của Chúa với tâm tình yêu mến; đồng thời, biết thành tâm ăn năn sám hối những lỗi lầm của mình để bước vào Mùa Chay thánh.
3. SỐNG TIN MỪNG
Khiêm tốn nhận ra những yếu đuối, tội lỗi, bất toàn nơi con người của mình và nhanh chóng đáp trả lời mời gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu Kitô mà ăn năn sám hối, bước đi theo Người và để được Người chữa lành.