1. Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan có 217 tân linh mục, khó hy vọng chiến tranh sớm kết thúc ở Ukraine
Kỷ niệm 100 ngày cuộc chiến tại Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki của giáo phận Poznan, khó hy vọng sớm có hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Mới đây, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cùng với Đức Tổng Giám Mục Giáo chủ Wojcieck Polak và Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Budzik của giáo phận Lublin ở Ba Lan, đã viếng thăm Ukraine, từ ngày 17 đến ngày 20 tháng Năm.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhận xét rằng trong tình thế bị Nga tấn công hiện nay, các thành phần tại Ukraine thường không tìm được sự đồng nhất trong nội bộ, “nhưng nay họ đoàn kết với nhau, bất luận ngôn ngữ, tất cả đều cảm thấy mình là người Ukraine và chiến đấu cho tổ quốc, tức là cho lãnh thổ nơi họ đang sống cùng với gia đình và những người đồng hương. Họ hài lòng vì tiến trình dân chủ hóa trong 30 năm qua. Họ chiến đấu để bảo vệ trật tự của một nhà nước dân chủ chống cuộc gây hấn của Liên bang Nga, dường như nước này không đánh giá cao nền dân chủ Tây phương. Chính những người Ukraine bênh đỡ đất nước của họ, nhất là vì cuộc xâm lăng này nhắm ngăn cản tiến trình dân chủ hóa, đưa đất nước của họ tới sự tiến bộ mau lẹ và phát triển kinh tế, và tiến trình này có thể lây sang cả nước Nga. Theo tôi, đó là lý do đích thực của cuộc chiến tranh hiện nay”.
Trả lời câu hỏi: “Giá trị của tha thứ là một trong những giá trị Kitô cơ bản, vậy làm sao đánh giá những viễn tượng hòa giải giữa người Ukraine và Nga?” Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan nhận định rằng: “Trong lúc này, tôi thấy không có nhiều khả thể về một cuộc hòa giải mau lẹ giữa hai bên. Người Ukraine đòi người Nga phải nhìn nhận tội của mình. Chỉ sau đó mới có thể có sự hòa giải. Nhưng tôi tin rằng người ta có thể nói về sự hòa giải này trong 50 năm nữa! Quá nhiều máu đã đổ ra. Thực vậy, hiện thời dường như người ta không hướng tới một sự hòa giải mau lẹ”.
Cũng liên quan đến Ba Lan, năm nay, Giáo Hội Công Giáo tại nước này có 217 tân linh mục, theo tin từ hãng thông tấn Kai của Công Giáo Ba Lan. Con số này giảm một nửa so với con số tân linh mục cách đây mười năm tại nước này.
Hãng tin Kai đã thu thập về con số này từ các giáo phận và dòng tu ở Ba Lan. Giáo phận Tarnów có con số tân linh mục cao nhất là 17 vị, tiếp đến là Tổng giáo phận thủ đô Varsava 13 vị, trong khi Tổng giáo phận Warmia không có thêm một linh mục nào.
Con số tân linh mục tại Ba Lan liên tục giảm sút trong thập niên vừa qua. Năm 2013, có 401 linh mục mới. Năm 2016, số linh mục mới tại Ba Lan là 334 vị.
Dầu sao, với con số trên đây, tình trạng ơn gọi linh mục tại Ba Lan vẫn còn khá hơn nhiều so với nhiều nước Âu châu, nhất là tại Đức. Theo hãng tin Công Giáo Đức KNA, năm ngoái 2021, tại Đức chỉ có 21 tân linh mục. Năm 2020 trước đó, có 56 linh mục mới tại nước này.
2. Di hài chân phước Acutis được trưng bày vĩnh viễn tại Assisi
Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino, Giám mục giáo phận Assisi bên Ý, thông báo rằng di hài chân phước Carlo Acutis được trưng bày vĩnh viễn tại Đền thánh “Cởi bỏ” ở Assisi cho các tín hữu kính viếng.
Chân phước Carlo Acutis sinh năm 1991 trong một gia đình người Ý giàu có tại Luân Đôn, Anh quốc, sau đó trở về nước. Cậu tỏ ra có trí thông minh đặc biệt, có khả năng sử dụng giỏi máy vi tính và các phần mềm tin học. Carlo chăm chỉ tham dự thánh lễ và rước lễ hằng ngày, siêng năm đọc kinh Mân côi hằng ngày và chầu Mình Thánh Chúa. Carlo tìm cách giúp đỡ đặc biệt cho những người sống xa Chúa Giêsu, những người dửng dưng đối với Chúa và sống trong tội lỗi. Cậu thường dâng hiến bản thân, cầu nguyện và đền tạ vì những tội lỗi và xúc phạm chống lại Tình Thương của Chúa, chống lại Thánh Tâm Chúa Giêsu, cậu cảm thấy Trái Tim Chúa sinh động trong Thánh Thể.
Carlo Acutis bị một thứ bệnh ung thư máu (bạch cầu) rất nặng, bất trị. Cậu qua đời lúc 15 tuổi, ngày 12 tháng Mười năm 2006, với nụ cười trên môi. Án phong chân phước cho Carlo được khởi sự năm 2013 và được hoàn tất bảy năm sau đó, ngày 02 tháng Hai năm 2020, với sắc lệnh của Bộ Phong thánh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa Carlo Acutis: Một em bé người Brazil bị bệnh dị tật bẩm sinh ở tuyến tụy đã được khỏi bệnh lạ lùng hồi năm 2013, nhờ lời chuyển cầu của Carlo.
Lễ phong chân phước cho vị Tôi tớ Chúa thiếu niên đã được cử hành lúc 4 giờ chiều, ngày thứ Bảy, 10 tháng Mười năm 2020 tại Assisi. Chỉ trong 19 ngày, từ ngày 01 đến ngày 19 tháng Mười năm 2020 hơn 41.000 tín hữu đã đến kính viếng di hài chân phước. Trong thời qua, vẫn có các tín hữu, đặc biệt là những người trẻ đến viếng mộ chân phước Acutis. Và hôm 01 tháng Sáu vừa qua, sau thánh lễ ban chiều, Đức Cha Sorrentino thông cáo di hài chân phước sẽ được trưng bày trường kỳ để các tín hữu kính viếng.
Đức Tổng Giám Mục Sorrentino nói rằng: “Những nơi thánh Phanxicô và di hài chân phước Carlo Acutis là những con đường để gặp gỡ Chúa. Hình ảnh các vị, được đặt ở lối vào Đền thánh “Cởi Bỏ” chỉ về Chúa Giêsu”. Đền thánh này tưởng niệm biến cố thánh Phanxicô cởi bỏ y phục cho thân phụ để hoàn toàn đi theo Chúa. Đức Tổng Giám Mục cầu mong rằng “Ý thức này linh hoạt tất cả các tín hữu đến Đền thánh, thúc đẩy họ cởi mở đối với ánh sáng Tin mừng và cảm nghiệm sâu đậm về đức tin”.
3. Đại dịch coronavirus đã giảm, hàng triệu người Âu Châu sẽ rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố. Xin nhớ theo dõi
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Năm nay rơi vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp. Tại Âu Châu, theo truyền thống bên cạnh các thánh lễ, các buổi cử hành sẽ kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố. Ước chừng sẽ có hàng triệu người trong đoàn rước.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là ngày nghỉ lễ chính thức tại 22 quốc gia và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha. Ở các quốc gia này, lễ Corpus Christi được mừng vào đúng ngày chính lễ, tức là thứ Năm 16 tháng Sáu trong năm nay.
Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.
Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.
Theo tin của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, hàng triệu người Công Giáo tại quốc gia này, từ nông thôn cho đến thành thị, sẽ tham gia các cuộc rước kiệu tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitô và cầu nguyện cho đại dịch coronavirus sớm chấm dứt.
Tại thủ đô Ba Lan, Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục Warsaw, sẽ chủ sự thánh lễ trước tiền đình nhà thờ chính tòa Thánh Gioan và cuộc rước kiệu sau đó.
Điểm đặc biệt là họ sẽ diễn hành trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Chúng tôi sẽ có các phóng sự đặc biệt về biến cố quan trọng này. Xin quý vị và anh chị em nhớ theo dõi.