Hôm nay 20/10 người ta um xùm tôn vinh phụ nữ…
Con trai con gái phương xa gửi hoa gửi quà mừng Mẹ…
Em hem có gì gói gém chút tâm tình gửi Người đi xa…
Trong trí nhớ tôi có một dòng sông chảy ngược.Dòng nước cứ miên man xa khơi. Trong ký ức tuổi thơ tôi có một con thuyền nhỏ, đi mãi không cập bến bờ. Tuổi thơ xanh ngát, có cánh diều lồng lộng bay trong gió… Ba tôi hay nói, cho dù có như thế nào thì mỗi con người đều có một trang ký ức tuổi thơ đáng nhớ, đáng để trân trọng và hoài niệm. – Ở đời người ta hay đánh giá, kẻ mang lại lợi ích cho ta, kẻ giúp đỡ ta là người tốt. Quen rồi cách nhìn nhận sự việc phiến diện, cách bình phẩm cái tốt cái xấu theo bản năng, chủ quan, hời hợt thậm chí kéo ngược chân lý.
Ba tôi là vậy, hay nói những câu khó hiểu, cách nói không giống ai mà lắm khi ngẫm nghĩ cũng đúng. Năm tôi học tiểu học, tôi chơi thân với nhỏ Lụa. Nó thuộc con nhà khá giả. Hồi đó bọn tôi đi học, nghĩ mà xót xa, tập vở thiếu thốn. Tôi nhớ năm học lớp ba, tôi vẫn phải viết tập giấy đen xù xì, nó không mịn và trắng toanh, rồi nào là năm ô-li, bốn ô-li như bọn trẻ ngày nay. Mỗi lần nhìn thấy chị tôi học lớp năm được viết chính tả trên quyển tập trắng ngà là tôi thèm nhỏ dãi, nghĩ bụng phải cố gắng học lên tới lớp năm chỉ để được viết chính tả bằng tập trắng với cây viết Trung cộng, chỉ nghĩ thôi là thấy lòng sung sướng.
Tôi, lúc đó phải rị mọ với cây viết lá tre, viết được dăm ba chữ là nó đóng rác rưởi vào giữa cái khe để mực chảy xuống, làm tắt nghẽn, lắm khi phải bức cọng tóc luồng vào cái kẽ để nó không bị tắt mực, lòng cứ mơ cây viết Trung cộng, vì cây viết Trung Cộng mới viết được nét chữ sạch đẹp gọn bân.Hồi đó không có bút bi thì phải, sao tôi chỉ biết có cây viết lá tre? Hay hoặc là bút bi sử dụng mau hết mực hay gì ý?
Tôi nhớ Má tôi cứ mua cho tôi viết lá tre và bình mực, rồi lắm khi đi học mang theo, chộn rộn tay chân đổ be bét ra người, thậm chí in xuống tập, quần áo. Có hôm, về nhà mà lòng hồi hộp sợ ăn đòn. Nghĩ mà thương má. Má tôi thường ít khi đánh con cái, chỉ nhỏ nhẻ, quá lắm thì càm ràm chút đỉnh là thôi, không như ba tôi, ba tôi đánh thì phải biết tay. Mà quá lắm thì mới tới lượt ba tôi xử. Thường thì mấy tội lẻ tẻ của anh em tôi được má tôi răn dạy, che đậy, không để ba tôi hay biết. Má nói ba đi làm mệt, kiếm tiền nuôi cả tám chín miệng ăn, về đến nhà còn phải làm “Bao công xử án” cho anh em tôi thì tội thân ba.
Vì thế má thường làm “Triển Chiêu” ra tay trước. Bởi thế nên anh em tôi ngoan ngoãn, ít hay cãi cọ, đánh đập nhau, đứa lớn biết thân phận nhường đứa nhỏ, đứa nhỏ biết lễ phép, anh em dù có giận nhau cỡ nào thì cũng không được kêu bằng mày – tao, má tôi mà nghe được thì xui ba tôi đánh chết. Nghĩ tội thân má. Làm cái thân phụ nữ thời đó cực như con trâu, quần quật suốt ngày với con cái, bếp núc, rồi chuyện đồng chuyện áng, không từ nan bất cứ chuyện gì.
Ngày nay lắm khi sung sướng quá nghĩ lại thương má cũng một kiếp phụ nữ mà sao thời đó má tôi cơ cực quá trời quá đất, chi tiêu thì chắc móp.Tôi nhớ có lần tôi bị má đánh, khóc rấm rứt, vì má mới mua cho bình mực mà làm đổ hết sạch. Lúc đó má phải đi vay nhà bác Hai mấy chục bạc, lần này để đỡ tốn má mua mực khô về pha ra cho nó được nhiều hơn. Có những lúc hết mực, nhà hết gạo, má chạy vạy không ra tiền, má phải bẻ trái mồng tơi rồi dùng tay bóp nó ra, gạn hết cái xơ, lấy miếng vải mùng cho vào vắt lấy phần nước làm mực cho anh em tôi viết đỡ chờ đến khi ba đi làm mướn về có tiền thì mua mực khô. Những lúc viết bằng mực mồng tơi chữ nó nhợt nhạt lắm, nó nhòe ra bê bết.
Lúc đấy, nhỏ Lụa hay nhểu cho tôi chút xíu mực từ cái cây bút Trung Cộng của nó cho trộn với cái óng mực mồng tơi của tôi để viết chữ nó đậm đậm hơn. Nhỏ Lụa nó tốt với tôi. Tôi luôn luôn nghĩ nó là người tốt. Mà lắm khi thấy nó tốt thiệt chớ bộ: Mỗi sáng đi học trong cặp nó đều có củ khoai hay chuối luộc, nó thường bẻ chia cho tôi một nửa, mỗi lần nó uống đá đậu nó đều mời tôi. Bù lại tôi thường hay viết bài hộ nó, hoặc thi thoảng chỉ nó bài toán khó. Nó tốt với tôi là thế.
Trong lòng tôi nó luôn là đứa tốt, cho đến một hôm, thằng Dũng thuật lại với tôi, con Lụa nó nói nhà bạn nghèo, má bạn sanh con như gà đẻ trứng… bởi vậy nghèo là phải. Từ đó về sau, tôi hết xem nhỏ Lụa là bạn thân. Tôi với nó chia ranh giới trên cái bàn. Mỗi ngày đi học, hễ đứa nào đến sớm thì lấy phấn rạch một đường ranh chia đôi cái bàn, ngầm ý rằng nước sông không thông nước giếng, kẻ giàu người nghèo khó đi chung đường. Chuyện trẻ con vớ vẩn! Nhà đông con cái vất vả thiệt!
Tôi thấy ba má tôi cả đời làm lụng vất vả mà không lo nổi cho mấy miệng ăn của anh em tôi. Thùng gạo quay qua quay lại chẳng mấy ngày là hết sạch. Không cần thức ăn chi hết, chỉ cần có cơm thôi là ấm lòng rồi. Bữa ngon nhất của cả nhà là: những mùa nước lên, ba với anh tôi đi giăng câu có được cá lóc, cá rô mề, má tôi nấu canh chua với rau muống đồng xoài sống, thêm vài cọng ngò gai, hoặc rau ngò om, vài lác ớt, chỉ cần có vậy, anh em tôi được bữa căng đầy bụng, cả nhà rôm rả, tiếng cười nói xôn xao. Đến những mùa khô héo hắt, việc ít, ba tôi không kiếm đủ gạo, má tôi thường nấu cơm trộn với khoai lang, ăn riết ngán phát ớn. Mỗi lần xới cơm ai cũng lừa lừa mấy củ khoai qua một bên để xới miếng cơm trắng.
Thằng em út nó khóc rỉ rả, má tôi vò vò đầu nó hứa ngày mai má không nấu khoai chung nữa. Hứa với con nít thì phải giữ lời. Tôi thấy sáng sớm má sách thúng qua nhà bà Hai, lúc về có ít gạo, nhưng tôi nghe giọng bà Hai the thé sáng sớm đã gặp xui xẻo, mượn chát hoài. Tôi thấy mắt má tôi nâu nâu, hình như có giọt buồn rưng rưng. Nghèo phải đành! Ba tôi hay khuyên má đừng buồn, lắm khi như thế mà tốt, nhờ thế mình cố gắng hơn, mình biết siêng năng lao động, có ý chí vươn lên. Mà thiệt cái cách ba tôi vươn lên khó hiểu, mà cũng khó nghĩ thiệt. Đã nghèo mà ba tôi còn dốc sức cho anh em tôi đi học.
Ba nói, làm gì thì làm cũng có cái chữ cái nghĩa, đừng giống như ba má dốt nát chỉ biết lam lũ, chữ nghĩa chưa đầy lá mít, lắm khi bán trái cà trái ớt không biết tính tiền phải nhờ vả người ta. Mấy anh chị tôi, trừ những người lớn lớn phiá trước, vì thời cuộc không được đi học, còn về sau này đều được đi học ít nhất là tốt nghiệp cấp hai, còn nhiều nữa thì như tôi… Mà con đường đi học của con nhà nghèo nhiêu khê thiệt, đường trơn trợt cõng vác cái chữ cái nghĩa trên vai, ngã lên ngã xuống, té tới té lui, trầy da trốc vẩy. Đời lắm khúc quanh, ngã rẽ. Cái bước ngoặc rẽ gắt nhất mà không bao giờ tôi có thể quên là năm tôi vừa học xong tiểu học, má tôi bệnh nặng, ba tôi phải bán đi mấy sào đất để chạy chữa cho má, anh chị tôi bắt đầu bỏ học lăn lộn đi làm thuê làm mướn.
Nhớ những mùa cấy lúa, cả nhà tôi lãnh công cấy mướn phải cấy cả những đêm trăng, bóng anh chị tôi dằng dặc dưới trăng khuya, đẹp ngời ngời như trong ca dao cổ tích, thơ ca. Cổ tích thi vị hóa đời thường, nâng cái tầm thường khốn khó lên thành thanh cao, chứ thiệt tình mà nói cấy đêm nhọc nhằn thí mồ, chỉ vì phải gom góp tiền cho má tôi trị bệnh tuốt trên nhà thương Chợ rẫy. Thời ấy xe cộ hiếm hoi, muốn mua được vé xe đi thành phố, ba tôi phải mượn sổ thương binh liệt sĩ của nhà bà Hai, rồi chen chân chờ cả ngày mới mua được vé xe.
Nhà nghèo, chịu! Má tôi phước phần chỉ có tới đấy, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối… dầu cho có cố gắng cỡ nào ba tôi cũng đành nuốt nước mắt đưa má về với câu dặn dò của bác sĩ, bà nhà muốn ăn gì thì cứ cho ăn. Nỗi đau vò võ hằn rõ trên mí mắt ba tôi, rạch nát linh hồn ba tôi, như ai bóp nghẹn trái tim. Cả nhà tôi quây quần bên má. Ai cũng biết má đau lắm, nhưng kỳ thực sức chịu đựng của má tôi bền bỉ dẻo dai, không hề than van rên xiết. Má luôn luôn cười khi có bà con chòm xóm đến thăm. Ai thấy cũng kéo cái chéo khăn lau nước mắt, nhìn cái lũ con của má đứng dọc dài, xiên xiên như cái mái ngói nhà, ai cũng thở vắn than dài. Chúng nó còn nhỏ quá!
Rồi má tôi cũng xuôi tay từ giã cõi đời, để lại cho ba tôi đàn con nheo nhóc, gánh con, gánh nợ, gánh đời oằn trên vai ba. Đã cực khổ nay càng khổ cực hơn… Có một dòng sông đang chảy ngược ì ạch nặng nhọc, chở phù sa, vun đắp cho bờ bãi, có con thuyền đi ngược dòng, chống chọi với cơn nước chảy xiết, nặng nhọc lách từng lạch nước để tiến về phía trước. Ba tôi một mình bước đơn độc những bước còn lại trong quãng đường dài vì chúng tôi, những đứa con của ba… Rồi tất cả chúng tôi đều bị nghỉ học, lăn lóc vào đời tìm miếng cơm manh áo, kẻ ngược người xuôi tìm lẽ sống cho riêng mình.
Tôi còn nhỏ lắm, vừa tốt nghiệp tiểu học, được cái tôi biết làm toán, tính tiền nên tôi phải theo ba và chị tôi lênh đênh trên sông nước mua đầu chợ bán cuối chợ, chở khóm trong rẫy, chở bầu bí trên nương về chợ buôn bán. Chợ nổi, chợ chìm, ba bảy chín( ba chìm bảy nổi chín lênh đênh) cha con tôi đều có mặt. Những lúc trời mưa xối xả ghe chở đầy hàng, trong mui không còn chỗ, tôi ngồi dưới chân ba phía sau lái, co ro, bóng ba không đủ che chắn cho tôi. Mưa xối xả, mưa như trút nước.
Ba tôi phía sau lái, chị tôi phía mũi, cứ dốc sức đẩy mái chèo ngược dòng chảy cho kịp chợ sáng. Mưa không tình không nghĩa cứ xối xả đổ vào những mảnh đời rách rưới, mưa không thấu hiểu nỗi đau của nhân gian, nên cứ vô tư cười đùa trước những phận nhỏ nhoi ướt sủng. Mặt tôi tái tím, cứ dứt cơn này thay bộ đồ chưa khô, cơn khác lại ập đến, lắm khi không còn quần áo để thay, cứ chịu trận, ngồi nuốt từng hạt mưa rơi mà lòng thầm ước một chỗ ngồi khô ráo trong lớp học, rồi một vị trí mát mẻ trong văn phòng thoáng mát cho tương lai.
Cầu vòng đang lên tuyệt đẹp sau cơn mưa. Ba tôi chỉ tay về phía chân trời nói, sau cơn mưa cầu vòng lên đẹp quá. Không ai bảo ai, nhưng tôi biết cha con tôi đều mong một ngày mai đẹp hơn, sáng sủa hơn, bởi vì: …Những đêm tĩnh mịch, tôi nghe ba nói với chị, ráng hết năm nay trả xong nợ ba cho tôi đi học trở lại. Ba tôi nói chỉ có đi học mới thoát khỏi cái nghèo cái khổ. Đời ba má vật lộn với đói nghèo đủ rồi, đời con cái phải vươn lên, đừng để nghèo đói hành hạ. Nói thì nói thế, chứ chừng nào mới trả dứt nợ, cái kiểu nợ đẻ từng ngày, tiền vay bạc hỏi, trả hoài trả mãi cái lãi cái lời còn y chang.
Lưng ba tôi mới đó mà đã còng xuống ngó thấy. … Hết cách, ba tôi gạt nước mắt gởi tôi đi ở với nhà người ngoài thị trấn, với mong muốn khắc khoải cho con được tiếp tục đi học. Đưa tôi đi, lúc quay về tôi thấy mắt ba tôi đỏ ngầu. Sau này lớn lên tôi mới hiểu giọt nước mắt đàn ông nó hiếm hoi và quí giá biết dường nào, nó chứa đầy ẩn trắc. Tôi được ở trong một ngôi nhà sang hơn nhà tôi, không phải trượt chân sáng chiều trên ruộng đồng mò con cua, con ốc, bắt con tép, con tôm hay đào mấy con trùng lăn quăn uốn éo câu cá bóng cá rô, đầu cứ chang chang dưới cái nắng ban trưa trên rẫy khóm rẫy dưa lựa mua hàng. Đời tôi được lật sang một trang mới sáng sủa hơn, phía trước là bình minh là những mảng cầu vồng đủ màu sắc.
Tôi rượt đuổi tương lai bằng đôi chân bước trên đôi dép nhựa trắng tinh chứ không phải đôi chân trần lấm lem bùn đất. Nhưng cái gì cũng phải có giá của nó. Cái giá tôi phải trả là những bữa cơm chan đầy nước mắt, những đêm đen kịt nằm gặm nhấm nỗi buồn, gục đầu khóc ướt gối, là vết cắn bầm môi thậm chí đến rướm máu vì chịu đựng. Đời đâu ai cho không ai cái gì. Người không mang đến lợi ích cho mình chưa hẳn là người xấu, chỉ tại ta có thói quen đánh giá người tốt là người mang đến cho ta lợi ích. Ngược dòng chảy lắm khi cũng hay! Sao cũng được, miễn là tôi được đi học, vì gần cả đời ba tôi lội ngược dòng chỉ mong muốn con ba có ăn học.
Tôi thấy mắt ba tôi lóe lên sợi hạnh phúc mỏng manh, yếu đuối, lắm lúc nhạt nhòe rồi lại rực sáng. Tiễn chân tôi ở sân ga cuộc đời, cả nhà tôi đứng lại, mình tôi bước đi. Tôi dõi theo chuyến tàu của riêng tôi, ba tôi, anh chị tôi đứng đó dõi mắt trông theo, lại một lần nữa thuyền tôi đi ngược sóng… Con đường mới không có ba, không có anh chị, tôi phải tự thân, một đứa bé chưa tròn mười tuổi, một đứa bé chưa một lần xa chiếc nôi làng mạc lại phải dứt áo ra đi.
Tôi cảm được cái đói cái nghèo, cảm được những đêm trăng héo hắt lôi mạ cho mọi người cấy lúa, cảm được chiếc chăn vá chằng vá chịt không đủ ấm, cả nhà phải nhường nhau, cảm nhận nghèo đói, đau khổ và khốn khó. Tôi sớm cảm nhận nhiều thứ để rồi quyết chí gạt nước mắt đi theo người dưng nung nấu ý chí ăn học thành tài. Con đường đi đến đỉnh vinh quang nào cũng có máu và nước mắt, gai nhọn và đinh thép, hy sinh mất mát và cam chịu.
Tôi thương mình đứa bé mười tuổi lội ngược dòng! Cái cảm giác lội ngược dòng không dễ chịu chút nào, nhưng nếu đã vượt qua cái dòng chảy xiết nguy hại ấy, đứng nhìn lại thấy mình can đảm, thấy mình giỏi thiệt. … Lăn lóc rồi cũng đến cái ngày tôi đậu vào đại học. Cầm giấy báo trên tay nước mắt tôi trào ngược, nó cay xé mặn đắng rồi cuối cùng đọng lại vị ngọt trên môi. Năm tháng ngọt ngào bên giảng đường của tôi vì có bạn bè, những người xa lạ bỗng hóa thân thương, có niềm vui, trộn lẫn nỗi buồn, có hạnh phúc pha chút phần cay đắng, có những chuyến lội ngược dòng cùng đồng bọn.
Vui, vui thiệt là vui… Ba tôi cuối cùng cũng có cái ngày xuôi theo dòng chảy, về với má tôi, sau một cơn đột quỵ. Tôi không về kịp. Tôi luôn luôn là đứa lội ngược dòng, nhưng trong tim tôi cảm nhận nụ cười ba để lại cho chúng tôi. Bóng ba vẫn dằng dặc trên cao và nhỏ lại ấp ủ trong tim anh em chúng tôi. Có một dòng chảy đang trôi xuôi về cội. Dòng sông cuối cùng cũng quay ngược dòng chảy…
Suan Trần.