Đây là lần thứ 10 sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành. Năm 2022, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thống hối tại đền thờ Thánh Phêrô. Năm nay, nhằm để cho các tín hữu ở các giáo xứ có thể tham dự, Đức Thánh Cha đã chọn cử hành tại giáo xứ Đức Mẹ Ân sủng.
Đến giáo xứ vào khoảng lúc 4 giờ 15 phút chiều, Đức Thánh Cha đã dâng hoa kính viếng Đức Mẹ và gặp gỡ các tín hữu trước khi bắt đầu chủ sự nghi thức thống hối.
Sự giàu có tôn giáo có thể là một trở ngại
Sau phần phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Pl 3,7). Những điều thánh Phaolô nói chính là “sự giàu có tôn giáo”. Theo Đức Thánh Cha, “thói quen tôn giáo này, có thể tạo nên một công đức, một sự khoe khoang, một sự giàu có tôn giáo, trên thực tế lại là một trở ngại.”
Và ngài nhận định rằng người quá giàu có về bản thân và về “sự anh hùng” tôn giáo của mình, tự cho mình là công chính và tốt hơn những người khác, cho phép mình hài lòng với việc đã giữ được vẻ bề ngoài. Nhưng điều này khiến họ không thể dành chỗ cho Chúa vì không cảm thấy cần Người, “cái tôi” của họ đã chiếm chỗ của Chúa và do đó, ngay cả khi đọc kinh và thực hiện các hoạt động thiêng liêng, họ cũng không thực sự đối thoại với Người.
Thái độ của người Pharisêu
Đó là thái độ của người Pharisêu. Trước hết, Đức Thánh Cha giải thích về tư thế của người Pharisêu: ông đứng thẳng. “Ông chắc chắn về bản thân, đứng thẳng và đắc thắng như một người được ngưỡng mộ vì năng lực của mình. Trong thái độ này, anh ta cầu nguyện với Chúa, nhưng trong thực tế, anh ta ăn mừng chính mình… Về hình thức, lời cầu nguyện của ông không chê vào đâu được, bề ngoài ông tự cho mình là một người ngoan đạo và mộ đạo, nhưng, thay vì mở lòng với Chúa bằng cách nói với Người sự thật của trái tim, ông che giấu những điểm yếu của mình bằng thói đạo đức giả. Ông không chờ đợi ơn cứu độ của Chúa như một món quà, nhưng gần như mong đợi nó như một phần thưởng xứng đáng cho công trạng của ông. Ông không do dự tiến về phía bàn thờ của Chúa để ngồi vào chỗ của mình, ở hàng ghế đầu, nhưng cuối cùng lại đi quá xa và đặt mình trước Chúa!”
Người thu thuế đứng đàng xa
Còn người thu thuế đứng đàng xa. Đức Thánh Cha giải thích tiếp: “Ông không cố gắng vượt lên, ông đứng lại ở cuối. Nhưng chính khoảng cách đó cho thấy ông là một tội nhân đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa, là điều cho phép ông cảm nghiệm được phúc lành và vòng tay thương xót của Chúa Cha. Thiên Chúa có thể đến với ông chính bởi vì, bằng cách giữ khoảng cách, ông đã dành chỗ cho Người… Điều này cũng xảy ra trong cuộc sống của người thu thuế đó: dừng lại ở phía cuối đền thờ, ông thực sự nhận ra mình đang ở trước mặt Thiên Chúa: với khoảng cách, và bằng cách này, ông để cho Thiên Chúa đến gần mình.”
Thiên Chúa có thể xoá bỏ khoảng cách với chúng ta khi chúng ta thành thật với Người
Từ hai thái độ này, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúa đến với chúng ta khi chúng ta tránh xa cái tôi tự phụ của mình. Người có thể rút ngắn khoảng cách với chúng ta khi chúng ta thành thật, không giả vờ, mang đến với Người sự mong manh của chúng ta. Người dang tay đỡ chúng ta đứng dậy khi chúng ta biết ‘đụng đáy vực sâu’ và lòng chúng ta chân thành tin cậy Người… Người chờ đợi chúng ta ở dưới tận cùng, bởi vì qua Chúa Giêsu, Người muốn ‘xuống tận cùng’, nhận lấy vị trí cuối cùng, trở thành người phục vụ mọi người… Thiên Chúa chờ đợi chúng ta ở đó, đặc biệt Người chờ đợi chúng ta trong bí tích Giải tội.”
Bí tích Giải tội là vòng tay Thiên Chúa an ủi
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xét mình, bởi vì trong chúng ta có thể có cả người Pharisêu và người thu thuế. Ngài nói: “Chúng ta đừng trốn đằng sau vẻ giả hình bề ngoài, nhưng hãy tin tưởng phó thác cho lòng thương xót của Chúa những mờ mịt, lỗi lầm, đau khổ của chúng ta. Khi đi xưng tội, chúng ta đứng ở cuối, giống như người thu thuế, để nhận ra khoảng cách ngăn cách chúng ta giữa điều Chúa mơ ước cho cuộc đời chúng ta và con người thật của chúng ta hàng ngày… Bí tích Hòa giải phải là: một cuộc gặp gỡ lễ hội, chữa lành con tim và để lại bình an nội tâm; không phải là tòa án của con người để sợ hãi, mà là một vòng tay của Thiên Chúa để an ủi.”
Đức Thánh Cha mời các tín hữu cùng lặp lại lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” sau mỗi lời xưng thú tội lỗi.
Hồng Thủy – Vatican News