ĐTC Phanxicô gặp các giáo sư đại học tại Đại học Công giáo Leuve

1. ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Bỉ

Sau khi thăm hữu nghị vua Bỉ, vào lúc 10 giờ 00’, cũng tại Lâu đài Laeken, Đức Thánh Cha gặp đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Trước khi Đức Thánh Cha có bài phát biểu hướng đến khoảng 300 người hiện diện, Vua và Thủ tướng Bỉ có diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha.

Trong bài diễn văn liền sau đó, trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui và cảm ơn vì sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ngài. Đức Thánh Cha nói: “Khi nghĩ đến đất nước này, điều hiện lên trong tâm trí tôi là một điều gì đó nhỏ bé nhưng to lớn, một đất nước ở phía tây nhưng đồng thời cũng là trung tâm, như thể Bỉ là trái tim đang đập của một sinh vật khổng lồ”.

Lâu đài
Lâu đài

Châu Âu cần Bỉ để nhắc rằng lịch sử châu lục gồm các dân tộc, nền văn hóa, nhà thờ và trường học

Ở điểm này, ngài khẳng định sẽ là sai lầm khi đánh giá chất lượng của một quốc gia dựa trên kích thước địa lý. Bỉ không phải là một quốc gia rộng lớn, nhưng lịch sử đặc biệt của quốc gia có tác động mạnh mẽ. Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các dân tộc châu Âu mệt mỏi và chán nản, bắt đầu con đường bình định, hợp tác và hội nhập nghiêm túc, đã coi Bỉ là địa điểm tự nhiên của các tổ chức chính của châu Âu. Do thực tế đất nước nằm trên đường đứt gãy giữa thế giới Đức và thế giới Latinh, giáp ranh với Pháp và Đức, hai quốc gia thể hiện rõ nhất những lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đối lập trong cuộc xung đột, Bỉ xuất hiện như một địa điểm lý tưởng, gần như là nơi tổng hợp của châu Âu, từ đó tái khởi động công cuộc tái thiết về thể chất, đạo đức và tinh thần.

Có thể nói Bỉ là cầu nối giữa lục địa và quần đảo Anh, giữa các vùng nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu. Một cây cầu cho phép sự hòa hợp lan toả và tranh chấp lùi bước. Một cầu nối nơi mọi người, với ngôn ngữ, cách nghĩ và niềm tin riêng có thể gặp những người khác và trò chuyện, đối thoại, chia sẻ như phương tiện tương tác lẫn nhau. Một nơi người ta học cách tạo nên căn tính của mình không phải là thần tượng hay rào cản, nhưng là một không gian chào đón, để bắt đầu và quay trở lại, nơi thúc đẩy những trao đổi giá trị và cùng nhau tìm kiếm sự ổn định xã hội mới, xây dựng những thoả thuận mới. Một cây cầu thúc đẩy thương mại, kết nối và cho phép các nền văn minh đối thoại. Do đó một cây cầu không thể thiếu để xây dựng hoà bình và từ khước chiến tranh.

Như thế, dễ hiểu tại sao Bỉ nhỏ bé nhưng thực sự to lớn. Châu Âu cần Bỉ để nhắc nhớ rằng lịch sử của mình bao gồm các dân tộc và nền văn hóa, nhà thờ và trường đại học, thành tựu của sự khéo léo con người, nhưng cũng có nhiều cuộc chiến tranh và ý chí thống trị mà đôi khi dẫn đến chủ nghĩa thực dân và bóc lột.

Châu Âu cần Bỉ để tiếp tục con đường hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Đất nước này nhắc nhở mọi người rằng, khi – dựa trên những lý do đa dạng và không thể bảo vệ nhất – người ta bắt đầu không tôn trọng biên giới và hiệp ước nữa, đồng thời để lại quyền tạo ra luật về vũ khí, đảo lộn luật hiện hành, người ta mở nắp hộp Pandora và mọi cơn gió bắt đầu thổi dữ dội, làm rung chuyển ngôi nhà và đe dọa phá hủy nó.

ĐTC chào các thiếu nhi
ĐTC chào các thiếu nhi

Hoà hợp và hoà bình là một nhiệm vụ cần vun trồng cách kiên nhẫn

Thực ra, hòa hợp và hòa bình không phải là một cuộc chinh phục đạt được một lần cho mãi mãi, mà là một nhiệm vụ và sứ vụ không ngừng cần được vun trồng, được chăm sóc một cách kiên nhẫn. Thực tế, khi con người không còn nhớ về quá khứ và những bài học giá trị của quá khứ, họ đang đối diện với nguy cơ lại một lần nữa tụt hậu, ngay cả khi đã tiến lên, quên đi những đau khổ và cái giá khủng khiếp mà các thế hệ trước phải trả.

Theo nghĩa này, hơn bao giờ hết Bỉ quý giá trong việc duy trì ký ức về lục địa châu Âu. Thật vậy, quốc gia này cung cấp một lý lẽ không thể chối cãi cho sự phát triển hoạt động văn hóa, xã hội và chính trị kịp thời và liên tục, đồng thời can đảm và thận trọng loại trừ khỏi tương lai ý tưởng và thực hành chiến tranh như một lựa chọn khả thi với những hậu quả thảm khốc.

ĐTC gặp chính quyền
ĐTC gặp chính quyền

Lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu mở lòng đón nhận sự sống và hy vọng

Lịch sử, thầy dạy cuộc sống thường không được chú ý, và lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu tiếp tục con đường của mình, tìm lại bộ mặt thật của mình, tái đầu tư vào tương lai bằng cách mở lòng đón nhận sự sống, hy vọng, vượt qua mùa đông nhân khẩu học và đau khổ của chiến tranh!

Giáo hội mong muốn mang đến cho thế giới niềm hy vọng

Tới đây, bài phát biểu của Đức Thánh Cha hướng đến Giáo hội Công giáo. Ngài giải thích, khi làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Giáo hội Công giáo mong muốn trở thành một sự hiện diện mang đến cho các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia một niềm hy vọng vừa xa xưa vừa mới mẻ. Một sự hiện diện giúp mọi người đối diện với những thách đố và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình dễ dãi hay bi quan ảm đạm, nhưng với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương, có một ơn gọi đời đời về hoà bình và sự tốt lành, chứ không phải bị dẫn đến số phận tan rã và hư vô.

ĐTC chào vua và hoàng hậu Bỉ
ĐTC chào vua và hoàng hậu Bỉ

Giáo hội biết mình thánh thiện vì được Chúa thiết lập nhưng cũng cảm nhận sự mong manh

Hướng mắt về Chúa Giêsu, Giáo hội luôn nhận ra mình như người môn đệ, bước theo Thầy với sự lo sợ và run rẩy khi biết rằng mình thánh thiện vì được Chúa thiết lập, nhưng đồng thời cũng cảm nghiệm sự mong manh và thiếu sót của các thành viên, những người không bao giờ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó vì luôn vượt quá khả năng của họ.

Giáo hội loan báo Tin Mừng có thể lấp đầy trái tim chúng ta bằng niềm vui. Qua các hoạt động bác ái và vô số chứng từ về tình yêu dành cho người khác, Giáo hội tìm cách đưa ra những dấu chỉ cụ thể và đáng tin cậy về tình yêu thúc đẩy mình. Tuy nhiên, Giáo hội luôn sống trong một nền văn hóa cụ thể, trong tâm thức của một thời đại cụ thể mà đôi khi Giáo hội giúp định hình hoặc đôi khi Giáo hội phải tuân theo; và các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng hiểu và sống sứ điệp của Tin Mừng trong tất cả sự thuần khiết và trọn vẹn của sứ điệp này.

Trong sự tồn tại lâu năm giữa ánh sáng và bóng tối này, Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình, thường với những mẫu gương về lòng quảng đại và sự tận tụy chân thành, nhưng đáng buồn thay, đôi khi lại có những phản chứng đau đớn.

Đức Thánh Cha đề cập đến thực tế những trường hợp bi thảm về lạm dụng trẻ em, đây là một tai ương mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới.

Ngài còn bày tỏ đau buồn trước hiện tượng “nhận con nuôi ép buộc”  diễn ra ở Bỉ vào giữa những năm 1950 và 1970. Trong những câu chuyện đau buồn này, chúng ta thấy trái đắng của hành vi sai trái và tội phạm đã hòa lẫn vào quan điểm không may đang thịnh hành ở mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó, đến mức nhiều người tin vào lương tâm cho rằng đang làm điều gì đó tốt cho cả em bé và người mẹ. Thông thường, gia đình và các tác nhân xã hội khác, kể cả Giáo hội, nghĩ rằng để xóa bỏ sự kỳ thị tiêu cực, không may ảnh hưởng đến người mẹ chưa lập gia đình vào thời đó, tốt hơn là nên cho con nuôi vì lợi ích của cả hai, mẹ và con. Thậm chí có trường hợp một số phụ nữ không được lựa chọn giữ con hay giao cho người khác làm con nuôi.

Đức Thánh Cha cầu xin Chúa cho Giáo hội luôn tìm thấy trong mình sức mạnh để làm sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa thống trị, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng một cách thao túng các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, nhưng lại rút ra từ đó những kết luận không chân thực, gây đau khổ và loại trừ. Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, để có thể học hỏi từ nước này, và nhờ đó cứu dân mình khỏi những bất hạnh và đau khổ vô tận. Ngài cũng cầu nguyện để những người cầm quyền biết đảm nhận trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, cũng như biết cách tránh nguy hiểm, sự ô nhục và phi lý của chiến tranh. Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện để họ sợ sự phán xét của lương tâm, lịch sử và Chúa, để trái tim và khối óc của họ được hoán cải và luôn đặt công ích lên hàng đầu.

Kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha nhắc đến khẩu hiệu của cuộc viếng thăm “En route, avec Espérance”. Ngài nói: “Hy vọng được viết hoa khiến tôi nghĩ hy vọng không chỉ là thứ gì đó để chúng ta mang theo trong hành lý của một chuyến đi. Ngược lại, hy vọng là một món quà từ Chúa cần được mang trong trái tim chúng ta. Vì thế tôi muốn để lại lời chúc này cho Quý vị và tất cả những người nam nữ đang sống tại Bỉ: cầu chúc Quý vị luôn cầu xin và nhận được món quà này từ Thánh Thần để cùng nhau bước đi với Niềm Hy vọng trên hành trình cuộc sống và lịch sử”.

Sau buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ Thần các đó khoảng 11km để dùng bữa trưa và nghỉ trưa.

2. ĐTC Phanxicô gặp các giáo sư đại học tại Đại học Công giáo Leuve

Chiều ngày 27/9/2024, tại Đại học Công giáo Leuven, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các giáo sư đại học. Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha mời gọi họ mở rộng các biên giới kiến thức và biến đại học trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội, biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống, mang lại những đóng góp quyết định như men, muối của Phúc Âm.

Hồng Thủy – Vatican News

Đại học Công giáo Leuven 

Đại học Công giáo Leuven là Đại học Công giáo lâu đời nhất thế giới, được thành lập vào năm 1425 với sắc chỉ của Đức Giáo hoàng Martino V. Ban đầu đại học bao gồm 4 phân khoa: Khoa học nhân văn, Giáo luật, Dân luật và Y khoa. Vào năm 1432, Đức Giáo hoàng cho phép mở thêm khoa Thần học.

Vào năm 1797, Đại học Công giáo Leuven bị lực lượng Cách mạng Pháp đóng cửa nhưng đến năm 1834 được Giáo hội Bỉ tái lập.

Vào năm 1968, Đại học được chia thành hai đại học riêng biêt: Đại học Công giáo Leuven thuộc khối nói tiếng Flamand, có trụ sở ở Leuven, và Đại học Công giáo Louvain của khối tiếng Pháp, tại thành phố mới được thành lập, Louvain-la-Neuve, cách đó khoảng 24 km về phía nam-tây nam của Leuven.

Hiện nay Đại học Công giáo Leuven có hơn 60 ngàn sinh viên. Là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu của châu Âu, chắc chắn Đại học có thể được coi là có vai trò toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Sứ mạng của Đại học, dựa trên quan điểm Kitô giáo về nhân loại và thế giới, là nơi thảo luận cởi mở về các vấn đề xã hội, triết học và đạo đức, đồng thời là trung tâm tư duy phản biện trong cộng đồng.

Trong năm học 2024-2025, hai Đại học Công giáo Leuven và Louvain sẽ tổ chức kỷ niệm 600 năm thành lập.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Đại học có ông Viện trưởng của Đại học Leuven và bà Viện trưởng của Đại học Louvain, Tổng Giám mục của Malines-Bruxelles trong vai trò là Đại Chưởng ấn của Đại học, và một số chức sắc chính quyền dân sự.

Ngỏ lời với các giáo sư đại học, Đức Thánh Cha mời gọi họ mở rộng các biên giới kiến thức và biến đại học trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội, biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống, mang lại những đóng góp quyết định như men, muối của Phúc Âm.

Các đại học là những không gian sáng tạo

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói: “Nhiệm vụ đầu tiên của Trường: cung cấp chương trình đào tạo toàn diện để mọi người nhận được những công cụ cần thiết để giải thích hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai”, và nhắn nhủ: ” mục đích của giáo dục văn hóa không bao giờ là chính nó và các trường đại học đừng bao giờ có nguy cơ trở thành ‘các thánh đường trong sa mạc'”. Nhưng “Do bản chất, đó là những nơi thúc đẩy những ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và suy nghĩ của con người cũng như để đối mặt với những thách thức của xã hội. Nói cách khác, đó là những không gian sáng tạo“.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các đại học “tạo ra văn hóa, tạo ra các ý tưởng, nhưng trên hết nó thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm sự thật, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Đặc biệt, các trường đại học Công giáo, như trường của anh chị em, được kêu gọi “mang lại sự đóng góp mang tính quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, những điều luôn mở ra những hoàn cảnh mới và những đề xuất mới” (Hiến chế Veritatis gaudium, 3).

Hãy mở rộng các biên giới kiến ​​thức

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các giáo sư: hãy mở rộng các biên giới kiến ​​thức! Ngài giải thích rằng đây không phải là việc “nhân rộng các quan niệm và lý thuyết, nhưng là biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống”. “Mở rộng biên giới và trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội là sứ mạng cao cả của một đại học”.

Nguy cơ mất đi niềm vui học hỏi và rơi vào thái độ duy lý

Đức Thánh Cha nhận định: “Trên thực tế, trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình phải đối mặt với một tình huống mâu thuẫn, trong đó các ranh giới bị hạn chế. Một mặt, chúng ta đang đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng việc từ bỏ việc tìm kiếm chân lý. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê không ngừng tìm kiếm. Thay vào đó chúng ta tìm an ủi và trú ẩn trong một ý nghĩ yếu đuối, trong niềm tin rằng mọi thứ đều bằng nhau, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ chỉ là tương đối. Mặt khác, khi nói về sự thật trong bối cảnh đại học cũng như trong các lĩnh vực khác, chúng ta thường rơi vào thái độ duy lý, theo đó chỉ những gì chúng ta có thể đo lường và trải nghiệm mới có thể được coi là đúng, như thể cuộc sống chỉ đơn giản là vật chất và những gì có thể nhìn thấy được. Trong cả hai trường hợp, các ranh giới đều bị giới hạn”.

Sự mệt mỏi về tinh thần

Nói về giới hạn thứ nhất, Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta có sự mệt mỏi về tinh thần, “khiến chúng ta thường xuyên bất ổn và thiếu vắng niềm đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thực tế vẫn không thể thể hiểu được thì vô ích”. Ngài nói thêm: “Việc tìm kiếm sự thật thật sự mệt mỏi, bởi vì nó buộc chúng ta phải bước ra khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Và do đó, do sự mệt mỏi trí tuệ, chúng ta càng bị cuốn hút hơn bởi một cuộc sống hời hợt không đặt ra quá nhiều thách đố mới. Cũng giống như vậy, chúng ta bị thu hút nhiều hơn bởi một ‘đức tin’ dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái, không bao giờ đặt câu hỏi về bất cứ điều gì.”

Chủ nghĩa duy lý vô hồn

Nói về loại giới hạn thứ hai, Đức Thánh Cha lưu ý: “ngày nay chúng ta một lần nữa có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy lý vô hồn chịu sự chi phối của nền văn hóa kỹ trị. Khi con người chỉ được coi là vật chất, khi thực tại bị giới hạn trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành toán học và thực nghiệm, thì nhiều thứ đã mất đi. Theo cách này, chúng ta mất đi cảm giác ngạc nhiên, khả năng kinh ngạc, thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, khám phá ra chân lý ẩn giấu, trả lời cho những câu hỏi cơ bản như: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích cuối cùng và cùng đích của cuộc hành trình này là gì?

Con người chỉ nhận ra chính mình nếu họ bắt đầu từ Thiên Chúa

Ngài lặp lại câu hỏi của Romano Guardini: “Tại sao con người, bất chấp mọi tiến bộ, lại không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết như thế? Bởi vì họ đã đánh mất chìa khóa để hiểu được bản chất của con người. Quy luật về sự thật của chúng ta nói rằng con người chỉ nhận ra chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên trên họ, từ Thiên Chúa, bởi vì sự sống của họ đến từ Người” ​​(Cầu nguyện và sự thật, Brescia 1973, 56).

Hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy mở rộng các ranh giới của chúng con!”

Và Đức Thánh Cha đưa ra cách thế để chống lại sự mệt mỏi của tinh thần và chủ nghĩa duy lý vô hồn, hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin hãy mở rộng các ranh giới của chúng con!”. Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta, phục vụ một nền văn hóa có khả năng đối mặt với những thách thức ngày nay. Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta đã nhận được như một hồng ân, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian suy nghĩ và hành động của chúng ta, cho đến khi dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (xem Ga 16,13). Ngài nói rằng những giới hạn phải luôn thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, giúp chúng ta giữ được ngọn lửa nghiên cứu cháy sáng và vẫn là một cánh cửa mở để nhìn vào thế giới ngày nay.

Chào đón người tị nạn

Đức Thánh Cha cảm ơn các giáo sư bởi vì bằng cách mở rộng biên giới, họ đã tạo ra một không gian chào đón cho nhiều người tị nạn bị buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa hàng ngàn nỗi bất an, những khó khăn to lớn và đôi khi là những đau khổ khủng khiếp.

Một nền văn hóa mở rộng các biên giới, không mang tính ‘bè phái

Ngài nói rằng chúng ta cần “một nền văn hóa mở rộng các biên giới, không mang tính ‘bè phái’ hay đặt mình lên trên những nền văn hóa khác. Một nền văn hóa như men tốt ở trong thế giới, góp phần vào thiện ích của nhân loại. Nhiệm vụ này, ‘niềm hy vọng lớn nhất’ này, được giao phó cho anh chị em!”

Tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, có lòng trắc ẩn

Cuối cùng, ngài mời gọi các giáo sư, như là những bụi gai bốc cháy để mặc khải Thiên Chúa, “Hãy giữ ngọn lửa này cháy mãi; hãy mở rộng các ranh giới! Hãy là những người không ngừng tìm kiếm sự thật và đừng bao giờ dập tắt niềm đam mê của mình, để không nhượng bộ trước sự lười biếng suy nghĩ. Hãy là những nhân vật chính trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng trắc ẩn, quan tâm đến những người yếu thế nhất khi anh chị em tìm cách vượt qua những thách thức lớn lao của thế giới chúng ta đang sống”.

Sau khi ban phép lành cho những người tham dự cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần đến Grote Markt, quảng trường chính của thành phố Leuven để chào khoảng 20 ngàn tín hữu chờ đợi được gặp ngài, trước khi trở về Tòa Sứ thần cách đó 27 km để dùng bữa và nghỉ đêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *