Cha Ricci là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng Tên đến Viễn Đông và đã hoàn thành giấc mơ đến Trung Quốc của Thánh Phanxicô Xaviê. Cha Ricci đã kiên nhẫn học hỏi thông thạo tiếng Trung Quốc và hòa mình vào văn hóa của đất nước. Nhờ những bài viết bằng tiếng Trung Quốc và kiến thức về toán học và thiên văn học, cha được biết đến và kính trọng như một nhà hiền triết và học giả. Sự hiểu biết sâu rộng và khả năng tham gia vào cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng của cha đã được sử dụng để phục vụ Tin Mừng. Cha không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng các bài viết của mình mà còn qua tấm gương sống đạo, cầu nguyện và nhân đức, điều đã thu hút nhiều môn đệ và bạn bè người Trung Quốc của cha đón nhận đức tin Công giáo.
Đức Thánh Cha nói rằng trong thời đại của chúng ta, Cha Matteo Ricci cũng có thể là một mẫu gương tuyệt vời cho việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Ngài xin Chúa ban cho chúng ta lòng khiêm tốn để biết cách tiếp cận người khác với thái độ thân hữu, tôn trọng và nhìn nhận nền văn hóa và các giá trị của họ; xin cho chúng ta biết đón nhận tất cả những gì tốt đẹp nơi họ và xin cho chúng ta đừng ngần ngại cống hiến cho họ tất cả những gì tốt đẹp chúng ta có, để minh chứng cho Tình Yêu đánh động chúng ta.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong loạt bài giáo lý này chúng ta tiếp tục nói về lòng nhiệt thành tông đồ, nghĩa là điều mà người Kitô hữu cảm thấy được thúc đẩy để loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Và hôm nay tôi muốn trình bày với anh chị em một tấm gương tuyệt vời khác về lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta đã nói về Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Phaolô, những người thiệt thành; hôm nay chúng ta sẽ nói đến một người Ý nhưng đã đi đến Trung Quốc, đó là Cha Matteo Ricci.
Con đường đối thoại và tình bạn
Cha Matteo Ricci xuất thân từ Macerata, ở vùng Marche của Ý. Sau khi học tại các trường Dòng Tên và gia nhập Dòng Tên ở Rôma, say mê với các báo cáo của các nhà truyền giáo mà cha đã nghe, và nhiệt thành như nhiều người trẻ khác, cha đã xin được cử đi truyền giáo ở Viễn Đông. Sau nỗ lực của Thánh Phanxicô Xaviê, 25 tu sĩ Dòng Tên khác đã cố gắng đến Trung Quốc nhưng không thành công. Nhưng cha Ricci và một tu sĩ cùng dòng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiên cứu kỹ ngôn ngữ và phong tục của Trung Quốc, và cuối cùng đã có thể định cư ở miền nam của Trung Quốc. Họ đã phải cần 18 năm, với bốn chặng qua bốn thành phố khác nhau, trước khi đến được Bắc Kinh, khi đó là trung tâm. Với sự kiên định và kiên nhẫn, được thúc đẩy bởi một niềm tin không thể lay chuyển, Cha Matteo Ricci đã có thể vượt qua những khó khăn và nguy hiểm, sự ngờ vực và chống đối. Anh chị em hãy suy nghĩ, vào thời đó, họ đi bộ hay đi ngựa qua những đoạn đường dài… và cha đã tiến bước. Đâu là bí quyết của Cha Matteo Ricci? Lòng nhiệt thành của cha được thúc đẩy theo con đường nào?
Cha luôn đi theo con đường đối thoại và tình bạn với tất cả những người cha gặp gỡ, và điều này đã mở ra cho cha nhiều cánh cửa trong việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Tác phẩm đầu tiên của cha bằng tiếng Trung chính là một khảo luận Về tình bạn, đã có được tiếng vang lớn. Để hòa nhập với văn hóa và đời sống Trung Quốc, lúc đầu cha ăn mặc như một nhà sư Phật giáo, theo tập tục của nước đó, nhưng sau đó cha hiểu rằng cách tốt nhất là mang lối sống và trang phục của các nhà nho. Cha đã nghiên cứu hết sức kỹ càng các văn bản cổ điển của họ, để có thể trình bày Kitô giáo trong cuộc đối thoại tích cực với sự khôn ngoan của Nho giáo của họ và với các phong tục và truyền thống của xã hội Trung Quốc. Và điều này đòi có sự “hội nhập văn hoá”. Trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, các Giáo phụ, những nhà truyền giáo này đã biết “hội nhập văn hóa” đức tin Kitô giáo khi đối thoại với văn hóa Hy Lạp.
Đức Thánh Cha nhận xét: Sự chuẩn bị khoa học tuyệt vời của cha Ricci đã khiến những người học thức quan tâm và ngưỡng mộ, bắt đầu với quả địa cầu nổi tiếng của cha, bản đồ của toàn bộ thế giới được biết đến vào thời điểm đó, với các châu lục khác nhau, lần đầu tiên tiết lộ cho người Trung Quốc một thế giới bên ngoài Trung Quốc và nó lớn hơn nhiều so với những gì họ từng nghĩ. Làm cho họ thấy rằng thế giới lớn hơn Trung Quốc và họ đã hiểu, bởi vì họ là những người thông minh. Nhưng kiến thức toán học và thiên văn của Cha Ricci và của những nhà truyền giáo đồng hành với cha đã góp phần cho cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa văn hóa và khoa học của phương Tây và phương Đông; cuộc gặp gỡ này sau đó đã có một thời gian tốt đẹp nhất của nó, được đặc trưng bởi đối thoại và tình bạn. Trên thực tế, công việc của Cha Matteo Ricci sẽ không bao giờ có thể thực hiện được nếu không có sự cộng tác của những người bạn Trung Quốc tuyệt vời của ngài, ví dụ như các bác sĩ nổi tiếng: “Bác sĩ Phaolô” (Từ Quảng Kỳ – Xu Guangqi) và “Bác sĩ Lêô” (Lý Chi Tảo – Li Zhizao).
Nhất quán giữa lối sống và lời rao giảng
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Cha Ricci như là một nhà khoa học không được làm lu mờ động lực sâu xa nhất trong mọi nỗ lực của cha: đó là việc loan báo Tin Mừng. Với cuộc đối thoại khoa học, với các nhà khoa học, cha đã có thể thành công nhưng vẫn làm chứng về đức tin của mình, về Tin Mừng. Sự tín nhiệm có được từ cuộc đối thoại khoa học đã cho cha quyền đề xuất chân lý của đức tin và luân lý Kitô giáo, những điều mà cha đã nói rất sâu sắc trong các tác phẩm chính được viết bằng tiếng Trung Quốc của cha, ví dụ như Ý nghĩa thực sự của Chúa Trời. Ngoài giáo lý, chính chứng tá về đời sống tôn giáo, nhân đức và cầu nguyện; những nhà truyền giáo này cầu nguyện. Họ đi rao giảng, di chuyển, họ thực hiện các động thái chính trị, tất cả, và họ cầu nguyện. Đó là điều nuôi dưỡng đời sống truyền giáo, một đời sống bác ái, giúp đỡ người khác, khiêm tốn, hoàn toàn không màng đến vinh quang.
Những điều này đã khiến nhiều môn đệ và bạn bè người Trung Quốc của cha đón nhận đức tin Công giáo, bởi vì họ nhìn thấy một người quá thông minh, quá khôn ngoan, quá khéo léo – theo nghĩa tốt của từ này – để phát triển mọi việc, và họ tin tưởng đến mức họ nói: “Nhưng những gì ông ấy rao giảng là sự thật bởi vì đó là một con người làm chứng tá: ông làm chứng cho những gì ông loan báo bằng chính cuộc sống của mình”. Đây là sự nhất quán của những người loan báo Tin Mừng. Và điều này cũng đúng với tất cả các Kitô hữu chúng ta, là những người truyền giáo. Tôi có thể thuộc lòng Kinh Tin Kính, tôi có thể nói tất cả những điều chúng ta tin, nhưng nếu cuộc sống của bạn không phù hợp với điều này, thì nó vô ích. Điều thu hút mọi người là chứng từ nhất quán: các Kitô hữu chúng ta sống như những gì chúng ta nói, và không giả vờ sống như Kitô hữu và sống theo kiểu thế gian. Hãy coi chừng điều đó, hãy nhìn những nhà truyền giáo vĩ đại này, hãy thấy rằng sức mạnh lớn nhất là sự nhất quán: họ nhất quán giữa điều họ giảng và cách họ sống.
Nhà truyền giáo vĩ đại
Cuối bài giáo lý, tiếp tục nhấn mạnh lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Cha Ricci, Đức Thánh Cha thuật lại: Trong những ngày cuối đời, nói với những người thân thiết nhất đã hỏi xem cha cảm thấy thế nào, “cha trả lời rằng trong giây phút đó cha đang nghĩ liệu niềm vui và lòng hân hoan mà cha cảm thấy trong lòng khi nghĩ rằng cha đã gần đến cuộc hành trình để đi hưởng nếm Chúa có lớn hơn nỗi buồn phải rời xa những người bạn đồng hành trong toàn bộ sứ mạng mà cha vô cùng yêu quý, và việc phục vụ mà cha vẫn có thể làm cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta trong sứ mạng này hay không” (S. DE URSIS, Báo cáo về M. Ricci, Văn khố Lịch sử Roma S.J.). Đó cũng là thái độ của Tông Đồ Phaolô (xem Pl 1,22-24); muốn tránh xa Chúa, ngài đã tìm Chúa bởi vì “tôi ở lại để phục vụ anh em.”
Cha Matteo Ricci qua đời ở Bắc Kinh vào năm 1610, 57 tuổi, là một người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công việc truyền giáo. Tinh thần truyền giáo của Cha Matteo Ricci làm nên một mẫu mực sống động cho thời nay. Tình yêu của ngài đối với người Trung Quốc là một mẫu mực; nhưng một con đường rất hợp thời chính là sự nhất quán của cuộc sống, chứng tá của cuộc sống của ngài như là một Kitô hữu. Ngài đã mang Kitô giáo đến Trung Quốc; vâng, ngài vĩ đại bởi vì ngài là một nhà khoa học vĩ đại, ngài vĩ đại vì ngài can đảm, vì ngài đã viết rất nhiều sách – nhưng trên hết, ngài vĩ đại vì đã kiên định với ơn gọi của mình, nhất quán với ước muốn theo Chúa Giêsu Kitô. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta, mỗi người chúng ta, hãy tự hỏi: “Tôi có nhất quán trong cuộc sống không, hay tôi sống lập lờ?” Cảm ơn anh chị em.
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành ĐTC ban cho mọi người
Hồng Thủy – Vatican News