Chiếc búa, cỗ tràng hạt, ống tẩu là 3 đồ vật kể về một cuộc sống thường nhật mà thầy Felice đã dành để phục vụ trong khiêm nhường và cách cụ thể, chìm đắm trong cầu nguyện và lòng sùng kính Đức Mẹ. Sống nghèo khó, đơn sơ và chia sẻ, đó là những từ khóa trong cuộc đời và sứ vụ của vị tu huynh được gọi cách thân tình là “Người thợ rèn của Thiên Chúa”.
“Hạnh phúc về tên gọi và trong việc làm”
Felice Tantardini sinh ngày 28.06.1889 tại Introbio, thuộc tỉnh Lecco, là con thứ 6 trong gia đình có 8 người con. Thầy Felice rất yêu thích tên gọi Felice, hạnh phúc, và tên gọi này cũng là lý tưởng cuộc sống của thầy. Nó thúc đẩy thầy sống hạnh phúc, luôn luôn và bằng mọi giá, muốn làm cho người khác hạnh phúc.
Vì gia cảnh khó khăn, Felice bắt đầu làm việc từ rất sớm để giúp đỡ gia đình. Năm 10 tuổi, cậu đã bắt đầu làm nghề thợ rèn. Năm 17 tuổi, cậu trở thành nhân viên tại Ansaldo Genova. Trong thời gian thế chiến thứ nhất, Felice gia nhập quân ngũ, bị bắt làm tù binh và bị chuyển từ trại lao động này sang trại lao động khác, cho đến khi anh trốn thoát được.
Khi chiến tranh kết thúc, Felice trở về lại nước Ý và bắt đầu ơn gọi tu trì mà anh đã đọc biết và yêu thích trong các tạp chí về truyền giáo. Năm 23 tuổi, Felice gia nhập Hội truyền giáo Pime và 10 tháng sau, thầy lên đường, như một thừa sai giáo dân, đến Birmania, ngày nay là Myanmar. Thầy bắt đầu sứ vụ vào ngày 02.09.1922 và đã ở lại đó suốt gần 70 năm. Thầy Felice chỉ trở về Roma một lần duy nhất, trong một vài tháng vào năm 1956.
“Người thợ rèn của Thiên Chúa”
Đầu tiên, thầy Felice được gửi đến truyền giáo tại Toungoo, nhưng sau đó thầy được chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác; bất cứ nơi nào thầy được gọi đến đều là vì có công việc để làm; thầy có khả năng làm được “mọi việc”. Thầy Felice xây cất các nhà thờ, trường học, nhà xứ, bệnh viện, chủng viện, trại trẻ mồ côi, tu viện, cầu cống. Đại sứ Tiziano Terzani đã viết về thầy: “Thầy đã làm tất cả cửa sổ, đèn lồng, chân đền và thánh giá của tất cả nhà thờ ở bang Shan của Birmania”. Thầy luôn luôn vui tươi và nở nụ cười, bởi vì đối với thầy, làm những công việc này chính là cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng. Đôi khi thầy cũng được mời dạy giáo lý cho các trẻ em cũng như người lớn, nhưng công việc mà thầy có thể làm tốt hơn chính là làm việc với cái đe và cái búa.
Điểm khiếm khuyết của thầy Felice, theo chân phước Clemente Vismara, cũng thuộc Hội Pime, đó là tẩu thuốc. Ngài nói: “Điểm yếu của thầy Felice là tẩu thuốc, dù cho là đang giờ cầu nguyện hay lúc nhai thức ăn, miệng thầy luôn ngậm tẩu thuốc.” Nếu người ta nói với thầy: “Này anh Felice, anh không thể được phong thánh, chính bởi vì lý do anh luôn dính với tẩu thuốc”, và thầy luôn trả lời cùng một câu: “Như thế thì tốt hơn!”.
Năm 85 tuổi, thầy được cho nghỉ hưu, theo nghĩa là thầy không được làm các công việc hàn xì sắt thép nữa. Khi ấy, thầy dành thời giờ để cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với Đức Mẹ yêu quý; mỗi ngày thầy giải trí bằng việc đọc 3 chuỗi Mân Côi cầu nguyện với Đức Mẹ.
Trong cuốn tự truyện do thầy Felice viết theo lệnh truyền của Đức Giám mục, có tựa đề “Người thợ rèn của Thiên Chúa”, thầy kể lại tất cả những cuộc phiêu lưu, các cuộc hành trình mà nhờ lòng can đảm và bác ái, hoa trái của đức tin, thầy đi ngang dọc, xuôi ngược khắp nước Myanmar để xây dựng, trồng trọt, để cứu những người sống trong hoàn cảnh đau thương thảm kịch do cuộc chiếm đóng của quân Nhật, do những cuộc chiến giữa các bộ tộc.
Trên đường được tuyên phong chân phước
Thầy Felice qua đời ngày 23.03.1991. Mộ phần của thầy trở thành điểm hành hương. Năm 1999, hồ sơ phong chân phước cho thầy được bắt đầu tiến hành. Rất nhiều chứng từ về những ơn lành và các phép lạ được thực hiện nhờ lời chuyển cầu của thầy. Năm 2016, tại Introbio ở Valsassina , một cuộc triển lãm có tên “Hạnh phúc về tên gọi và trong việc làm”, được tổ chức để vinh danh thầy. Cuộc triển lãm đã trình bày cách hiệu quả cuộc đời thầy dưới chiều kích con người và khía cạnh thiêng liêng của môt thừa sai giáo dân nhỏ bé nhưng vĩ đại, một con người vô cùng thật và có những đức tính thánh thiện rõ ràng.
Hồng Thủy – Vatican