GIÁO DÂN ÐA MINH GIẢNG THUYẾT
Suy tư của một giáo dân Ða Minh
về việc thực thi sứ vụ Giảng Thuyết ngày nay
Nguyên tác : EL LAICO DOMINICO … UN LAICO PREDICADOR
Una reflexión desde el Laicado sobre la predicación hoy
Tác giả : Hector G. Mandujano
Dịch giả : Chân Lý, 2001
Chương 8 : GIẢNG THUYẾT BIẾN ÐỔI CUỘC ÐỜI GIÁO DÂN
Một điều căn bản mà giáo dân cần phải biết là trong Tin Mừng có một thực tại uyển chuyển để sống và để chia sẻ Lời Chúa. Ðồng thời cũng là nguồn suối bất tận để suy gẫm, đặc biệt khi phải đối phó với những thách đố hằng ngày . Cuộc sống mỗi ngày luôn luôn được thẩm định lại trong môi trường Ðức tin. Việc tác động qua lại giữa Ðức tin và môi trường sống sẽ giải đáp những khó khăn hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Ngày nay, các đề tài tranh luận có tính cách toàn cầu cần đến nhiều chuyên viên giáo dân trong các lãnh vực : di truyền học, bảo tồn sự sống trong đông lạnh, v.v… Những giáo dân này nhất định phải được huấn luyện kỹ càng về Ðức tin. Họ là những người sẽ lập những dự án hữu ích, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Cho nên kiến thức Tin Mừng của họ sẽ giúp họ đưa ra những lý lẽ phù hợp và sinh động.
Trong lãnh vực kinh tế – xã hội, những dự án hiện đại đã gây ra nghèo đói, túng cực hơn là mang lại phúc lợi cho phần đông dân chúng. Phải chăng có điều gì còn thiếu sót trong các dự án đó, tính nhân đạo chẳng hạn. Hiện thời vấn đề nợ quốc tế mà từng trăm quốc gia phải gánh chịu, vẫn chưa có lối giải quyết tiện lợi. Hàng ngàn vạn người vẫn còn phải di cư tìm kiếm việc làm với bất cứ đồng lương nào ! Vậy thì còn hàng trăm lãnh vực cần đến các giáo dân chuyên môn, biết kế hoạch của Thiên Chúa để chia sẻ những quan điểm như tính công ích, tình huynh đệ, tính cộng đồng,… giúp con người ý thức về sự siêu việt của xã hội loài người mà nhân loại được kêu gọi tới, để rồi trình bày cho thế giới những kiểu mẫu kinh tế mang tính chất nhân đạo hơn.
Không có tính áp đặt hay nhồi sọ, giáo dân giảng thuyết mang một sức sống sinh động độc nhất cho nhân loại và trở thành việc đối thoại tự do chân chính kêu gọi suy tư và tìm kiếm. Ðây là một cơ hội tốt phát sinh nhiều giải đáp cho cuộc sống, song song với những kế hoạch cho tương lai dưới ánh sáng của Tin Mừng.
Trong những năm sắp tới, xã hội sẽ có rất nhiều vấn đề. Ðể giải đáp cho những vấn đề tương lai đó thì hiện nay, nhiều kinh nghiệm, dự kiến và kế hoạch phải được thai nghén để làm nên lịch sử cho ngày mai. Như thế, giáo dân tham gia vào các lãnh vực xã hội là điều rất quan trọng và cần thiết để đưa ra những kế hoạch phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Xét như thành phần của Giáo Hội, đặc biệt thành phần Dân Chúa, còn nhiều điều phải nói về giáo dân, về sự hiện diện khẩn thiết của chúng ta. Vì vậy, giáo dân cần phải được chuẩn bị để có được những tiếng nói xác đáng mang lại những giải đáp tốt đẹp.
Cầu nguyện, chóp đỉnh của việc giáo dân rao giảng
Việc huấn luyện chu đáo cho phép đẩy lui những sợ sệt và cho phép chuyển đạt Lời Chúa cách trung thành hơn. Nhưng để có thể rao giảng đắc lực, không sợ sai lầm thì cần vun trồng đời sống cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Thánh Ða Minh đã làm như vậy. Ngoài nền học vấn có hệ thống về thần học, văn hoá, nhân bản, Người còn bận tâm rất nhiều đến đời sống cầu nguyện của anh em. Chỉ khi nào chúng ta được củng cố vững chắc trong đời sống cầu nguyện, chúng ta mới đủ can đảm đối thoại và xông pha vào các nền văn hoá, mà không sợ đánh mất các nguyên lý nền tảng. Lời cầu nguyện củng cố Ðức tin, giúp quân bình đời sống, tránh việc trừu tượng hoá Thiên Chúa làm cho chúng ta xa lánh nhau, duy lý hoá Ðức tin làm cản trở đời sống thiêng liêng.
Tìm kiếm chân lý là thái độ tốt để hiểu được thần học dưới ánh sáng của các thực tại. Chiêm niệm và quan sát kỹ các sinh hoạt phố xá, môi trường thiên nhiên, tương quan đời sống nhân loại luôn luôn đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và dấn thân với người đời. Việc tìm kiếm Thiên Chúa được diễn ra hằng ngày khắp mọi nơi dưới mọi hình thức. Từ đó phát sinh nhiều lời giải đáp cần thiết cho suy tư xã hội. Không chiêm niệm thì không phải là thành phần của Gia đình Ða Minh. Chúng ta chiêm niệm Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong sinh hoạt của thế giới, trong xã hội bình thường. Nhưng điều quan trọng là chia sẻ với người khác điều chúng ta đã chiêm niệm, suy nghĩ và học hỏi.
Người giáo dân giảng thuyết đòi hỏi ý thức rằng lời cầu nguyện là nền tảng để có thể cảm nghiệm về Thiên Chúa và để lời giảng có sức thuyết phục. Cầu nguyện thành khẩn và liên tục. Một tu sĩ Ða Minh, thầy Mi-ca-en Ca-sa-li ở Bô-lô-nha, nói : “Hãy xin, hãy xin, hãy xin một cách tha thiết”. Phần lớn những câu trả lời cho các đòi hỏi của thế giới cần một kiến thức sâu sắc về Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt được những kiến thức này nhờ đối thoại với Người. Việc cầu nguyện này còn là việc cầu nguyện của cộng đoàn. Thánh Ða Minh đã khuyến khích một nhóm phụ nữ tại Prouille, bên Pháp, cầu nguyện liên lỉ cho việc giảng thuyết của anh em. Cùng với thời gian, nhóm phụ nữ này đã trở thành các nữ đan sĩ Ða Minh. Hiện nay họ có mặt trên khắp thế giới trong các đan viện cầu nguyện. Như vậy, Cha thánh đã nhận ra sự cần thiết của sự cầu nguyện trong sứ vụ rao giảng, hơn nữa Người còn cho đó là điều cơ bản trước mọi thách đố của thế gian.
Thánh Phao-lô, vị Tông Ðồ mở mang Kitô Giáo cho các nước châu Âu, trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê đã viết : “Ðồng thời, cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Ðức Kitô” (Cl 4,3) ; hay những lời khác : “Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (Tx 3,1).
Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô viết : “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng” (Ep 6,18-19).
Không thể là phần tử Ða Minh mà không cầu nguyện. Người giáo dân Ða Minh phải biết rõ điều đó. Ðời sống cầu nguyện bắt đầu từ sáng sớm. Chúng ta không thiếu lời để cầu nguyện với Thiên Chúa trong mọi lúc : chia sẻ với Người những nhọc nhằn, những thành tựu và cả những thất bại của chúng ta. Chúng ta cầu xin Người mọi điều cần thiết, một lần và hàng ngàn lần. Chúng ta cảm tạ Chúa về những ơn mà chúng ta đã nhận được suốt ngày.
Thuyết giảng cần phải dựa vào Lời Chúa :
Lời Chúa có tự khởi nguyên và có khả năng hoán cải con người. Lời Chúa không phải để nghe, mà là gây suy nghĩ, biến đổi, soi sáng, thuyết phục, ban nghị lực, xây dựng và mời gọi nhân loại. Ðó là điều chúng ta luôn phải ý thức. Bởi lẽ những gì chúng ta chia sẻ, sẽ sinh hoa kết trái quá sự mong ước của chúng ta. Lời Chúa luôn luôn tác động, không thể bị xiềng xích, không thể bị kết tủa trong các định nghĩa. Lời Thiên Chúa luôn tự do và có sức giải phóng vì là Lời Sự Thật. Thời gian đã minh chứng Lời Chúa có sức biến đổi địa lý, thăng tiến lịch sử và thay đổi cuộc đời. Không hiếm người dâng hiến cho lý tưởng mà họ khám phá ra từ Lời Chúa. Lời Thiên Chúa gây âm vang trong mọi thời đại, mọi địa điểm và trong tất cả mọi người. Vì Lời Thiên Chúa là chân lý, một chân lý phi thời gian. Chân lý đó sẽ gây âm vang nơi người này, gọt giũa nơi kẻ khác và vượt trên lợi ích những kẻ khác nữa.
Cậy dựa vào Chúa Thánh Thần
Trong Tin Mừng, các Tông Ðồ cảm nhận được Thiên Chúa qua hình dạng của Ðức Giêsu Kitô. Các vị trực tiếp nhìn thấy và nhận biết Thiên Chúa cách thể lý. Họ cùng chia sẻ những nhọc nhằn, những ưu tư, sợ sệt và những ước muốn với Ðức Giêsu. Họ được Người dạy dỗ, giải thích các dụ ngôn. Họ đồng hành với Người trong hành trình rao giảng. Họ nghe những lời hằng sống thốt ra từ chính miệng Người. Họ hiểu nhiều điều nhưng cũng có nhiều điều họ chẳng hiểu nổi.
Cùng với Chúa Giêsu, các Tông đồ từng trải nghiệm sự nản lòng, thối chí khi dân chúng tẩy chay hoặc không hiểu Giáo lý của Thầy mình. Họ sợ hãi khi người ta coi Thầy mình như tên phản bội nguy hiểm. Họ rùng mình khi nghe các phán quyết của tòa án về Chúa Giêsu. Những phán quyết kết án Chúa Giêsu có tội chỉ vì Người đã đưa ra những nhận xét có vẻ khác lạ với lối sống thường nhật.
Cùng với Chúa Giêsu, các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự, can đảm dấn thân vào các cuộc giảng đạo đầy phiêu lưu. Các vị đã chứng kiến được tinh thần cầu nguyện của Chúa, thấy Thầy mình bị hành xích, bắt bớ, bị treo, bị chết nhục nhã. Và các vị cũng đã có một kinh nghiệm lớn về việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh và được Người sai đi cũng như được nghe Chúa hứa sẽ trở lại. Sau cùng, khi Chúa về trời, các Ngài lại cảm nhận thấy sự cô đơn, lo âu và bất lực trước một sứ vụ lớn lao.
Nhiều vị đã trốn tránh vì “Người không còn”. Ðứng trước một Ðế quốc ngoại giáo, một đất nước chẳng cần biết đến Thiên Chúa, cũng chẳng muốn thay đổi để đạt hạnh phúc đích thực dựa trên mầu nhiệm Phục sinh. Trước một xác tín phải thay đổi cục diện, trước quãng đường xa mù đến với các dân tộc, các nền văn hoá khác nhau, các Tông đồ cảm thấy tuyệt vọng.
Tuy nhiên, họ đã tụ họp lại và Chúa Giêsu đã giữ lời hứa : “Thầy sẽ cử Thánh Thần xuống và Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chính biến cố Hiện xuống và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta nhận ra rằng chỉ một mình Thiên Chúa đã đủ, đủ một cách toàn vẹn. Bởi vì sau đó, các Tông đồ mạnh dạn đứng lên giảng thuyết, tổ chức cộng đoàn, sắp đặt hàng ngũ, củng cố cầu nguyện, phụng vụ, tham dự lễ bẻ bánh, hiệp nhất, chia sẻ của cải và quan trọng nhất là can đảm thi hành sứ vụ với thái độ hoàn toàn khác. Các vị bắt đầu tích cực hoạt động truyền giáo, thiết lập giáo đoàn, phân chia trách vụ, cắt đặt cơ cấu Giáo Hội địa phương và nhận mình là thành phần của cơ cấu ấy. Tất cả đều dấn thân truyền giáo, giảng thuyết. Từ lễ Ngũ Tuần, họ nhận lấy Chúa Thánh Thần, họ cảm nghiệm Thiên Chúa thực sự ở giữa họ hôm nay và cho đến tận thế. Cho nên họ mạnh dạn truyền Ðạo cho người Hy Lạp, người La Mã. Ngày ngày có thêm nhiều tín hữu hạnh phúc vì đã hiểu biết Tin Mừng.
Công đồng Vaticanô II nói : “Cũng như nhờ Chúa Thánh Thần, mà tiếng nói sống động của Tin Mừng vang dội trong Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập trong lòng họ”. (Mặc khải số 8). Trong Tông huấn “Loan báo Tin mừng”, Ðức Phaolô VI cũng nói : “Chúa Thánh Thần làm cho Thánh Phêrô, Gioan, Phaolô và các Tông đồ khác lên tiếng, bằng cách linh ứng những lời mà các Ngài phải nói. Người cũng ngự xuống trong lòng các thính giả. Chúa Giêsu hôm nay cũng là một Chúa như hồi Giáo Hội sơ khai, vẫn hoạt động nhờ mọi người loan báo Tin Mừng, những kẻ đã biết hiến dâng thân xác linh hồn để Người chiếm hữu và điều khiển. Người đặt vào môi miệng họ những lời lẽ mà tự thân họ không thể tìm ra”. (Số 75)
Không thể rao giảng : Nếu không có ý chí và quyết tâm.
Trong đời sống cá nhân, chẳng có gì xẩy ra nếu không có sự ưng thuận của chúng ta. Thuận ý cho Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời sống, đồng nghĩa với việc chấp thuận Chúa Thánh Thần hiện diện không chỉ trong “các bài giảng” mà còn đồng ý để Người hướng dẫn trở nên nhân chứng thật sự trước mặt mọi người qua việc đáp trả mau lẹ lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy theo Thầy”.
Ðiều đó có nghĩa là chúng ta cống hiến ý chí và ước vọng làm cho bản thân mình thành một cuộc hành trình hoà giải liên lỉ ; là quét dọn hàng ngày ngôi nhà mình để Thiên Chúa cư ngụ ; là đổi mới cuộc đời, từ bỏ lỗi lầm khi cần sửa sai ; là thăng tiến cuộc đời không ngừng về Ðức tin cho dù đôi khi còn do dự ; là cảm nghiệm ơn Chúa Thánh Thần, bất chấp các khó khăn, lo sợ hay bất lực trước các thách đố mới ; là một chí một lòng giảng thuyết. Có như vậy, Chúa Thánh Thần mới cùng đồng hành với chúng ta trong sứ vụ rao giảng.
Bước vào thế kỷ 21, giảng thuyết là làm cho thiên hạ nhận ra chúng ta là những người được Thiên Chúa sai đi. Chúng ta không nhồi nhét một học thuyết mới, cũng không quảng diễn những suy tư cá nhân mà là thực thi sứ điệp Chúa đã uỷ thác qua sự chuẩn nhận, củng cố và nhất là qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Cảm hóa sẽ không thành công khi chỉ dùng lời nói suông. Cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Ðấng thêm sức mạnh cho hành trình của chúng ta. Khám phá ra ý nghĩa chân thực của giảng thuyết đòi hỏi một quá trình liên tục. Thực ra, chúng ta không bao giờ hiểu hết và sống trọn vẹn mọi khía cạnh của giảng thuyết. Giảng thuyết mang theo mình yêu sách của Thiên Chúa, đòi hỏi ngày càng phải sống triệt để theo Tin Mừng. Lời Chúa hiện diện cụ thể qua mỗi con người được sai đi rao giảng trong một thế giới đòi hỏi hội nhập văn hoá. Không phải là một lời nói trừu tượng, nhưng là chân lý đã hoá thành sự sống thâm nhập vào thực tại xã hội. Biến đổi con người từ bên trong, không phải chỉ như những qui tắc điều khiển cách ăn nết ở bên ngoài, lại càng không phải chỉ là những lời ngăm đe, doạ nạt hay hứa hẹn phần thưởng, hình phạt. Rao giảng phải là sự xác tín tuyệt đối vào Lời Chúa bằng cách phân biệt rõ giới hạn của các thực tại hàng ngày, nhờ đó có thể thích ứng để biến đổi. Rao giảng là một lời mời gọi liên lỉ khám phá thế nào là công ích, công thiện để làm nền tảng đời sống chung. Giảng thuyết là khám phá ra chân lý do chính Chúa mạc khải cho dân chúng mà ta phục vụ, họ là những hạt giống của Lời Chúa.
Rao giảng thuyết phục
Giảng thuyết không những thuyết phục thính giả tìm kiếm sự thật, mời gọi họ tự cật vấn lương tâm trước những đòi hỏi của Tin Mừng, mà còn gây ảnh hưởng trên chính người giảng thuyết. Ðức Giêsu đã cứng rắn với một số người biệt phái, Người nghiêm khắc khiển trách họ : “nói mà không làm” (Mt 23,2-4). Họ không sống Lời Chúa nên họ phải nương dựa vào những lời đe loi, những giáo điều khô cứng. Có thể nói, họ không hề giảng thuyết mà đúng hơn chỉ như con vẹt nhắc lại những điều đã nghe, đã đọc hay đã thuộc lòng. Họ nhắc lại từng chữ, từng khoản luật cách điêu luyện khiến người nghe ngạc nhiên, thán phục. Họ hiếu thắng trong các cuộc tranh luận, cố gắng trình bầy một sự cương quyết, xác tín, sử dụng tối đa các phép biện chứng để đè bẹp đối phương. Nhưng thật ra, họ chẳng hề rao giảng, chẳng hề phục thiện thay đổi nếp sống. Họ chỉ trao đổi trí tuệ, tư tưởng chứ chẳng hề trao đổi những cảm nghiệm sống. Tương tự ngày nay, người ta biết cách thu phục thính giả, biết cách thu lượm nhiều tiếng khen. Người ta sử dụng các phương tiện truyền thông, micrô, máy ghi âm, Internet, nhưng hình như cuộc sống không hề thay đổi. Thật là vô ích. Những kỷ thuật đó không phải là rao giảng Tin Mừng.
Bao lâu, người ta dùng lời nói, kiến thức thần học như là dụng cụ, phương tiện dành cho các cuộc đấu lý, thì dù những kiến thức đó có mang lại “chiến thắng” đi chăng nữa, những lời đó vẫn không phải là những lời giảng thuyết, vì nó không mang lại những lời giải đáp cho những vấn đề trong cuộc sống, không đảm bảo đời sống cho con người. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng” (Cr 9,13).
Rao giảng Tin Mừng đích thực sẽ sinh nhiều hoa trái và có mùa thu hoạch. Lời Chúa gieo vào tâm hồn sẽ nảy nở, phát triển, sẽ sinh hoa kết trái đúng thời đúng vụ. Chính Thiên Chúa sẽ thu hoạch. Công việc của chúng ta là gieo vãi với một sự cố gắng, tận tâm và có suy nghĩ. Mỗi người chúng ta cũng là thành quả của Lời rao giảng. Các bậc cha anh cũng đã đổ bao xương máu, nước mắt để gieo Lời Chúa vào lòng chúng ta. Những bông hạt đang lớn trong chúng ta, trong mọi người không phải để cất giấu, để thu vào kho, song phải được gieo vãi, nếu không nó sẽ bị chất đống, bị mục nát.
Giảng thuyết phải lan truyền từ người này sang người khác
Lời rao giảng sống động có sức lan truyền từ người này sang người khác. Giảng thuyết hàm chứa những lời nói, những tình cảm bắt nguồn từ Thiên Chúa thông chuyển tới con người. Cho nên, đó là lời mời gọi đầy tình yêu hơn là lời doạ nạt, ngăm đe. Lời giảng thuyết làm chúng ta luôn bận tâm đến tha nhân, đến mọi đối tượng, kể cả Thiên Chúa.
Lời Chúa và hoạt động của con người là hai yếu tố đan kết trong sứ vụ giảng thuyết. Ðức Giêsu đã lấy kinh nghiệm lao nhọc của các mục đồng, nông gia, thợ thuyền để lời rao giảng được sâu sắc hơn. Giảng thuyết không phải là tiếng phán từ trời vang tới người nghe, mà đúng hơn là Lời Thiên Chúa được vang lên từ những việc làm của người đoan chính. Những lời này đã cải thiện thế gian từ ngày này qua ngày khác. Rao giảng kiểu này sẽ minh bạch, hiện đại, sinh động và có tính thuyết phục thính giả hơn. Vì thế, quá trình Tin Mừng hoá sẽ rộng rãi hơn, bởi người được nghe Tin Mừng lại trở thành người loan báo Tin Mừng (x. Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”).
Giảng thuyết là đối thoại chân tình
Ðối thoại là chìa khoá khai mở niềm cảm thông ; đối thoại sẽ loại trừ được thiên kiến, ngăn cách nếu như mục đích của nó là để hoà hợp, để chia sẻ, chứ không phải để so sánh, để gây bè phái. Lời Thiên Chúa để vãi gieo, chứ không phải để giấu kín, giữ trong kho. Không ai được phép lựa chọn thính giả, chia sẻ cho ai và không cho ai, cũng không được phép ngăn cản người ta đón nhận. Mọi người nam nữ, già trẻ, giàu nghèo đều có quyền đón nhận. Kẻ ở xa Giáo Hội nhất, lại là người cần đón nhận sứ điệp Lời Chúa nhất. Kẻ hoài nghi Thiên Chúa nhất lại là người cần tìm kiếm Người nhất. Kẻ sống theo ý riêng mình, có lẽ sẽ là người thấy mình sai lầm nhất. Thiên Chúa không có rào cản, thì chúng ta cũng đừng đặt ra những rào cản trong những thiên kiến, những quan niệm chủ quan của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến thánh Phao-lô, thánh Âu-gút-ti-nô và nhiều vị khác trong Giáo Hội làm thí dụ. Nhiều khi chính trong hoàn cảnh tội lỗi, chúng ta mới cảm nhận được sức mạnh của Lời Chúa. Không có người nào, vật nào có thể làm di hại Lời Chúa. Chúng ta phải nghĩ đến tương lai, một tương lai làm cho chúng ta gần với mọi người, mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng và mọi tấm lòng mong tìm về với chân lý. Chúng ta phải khẳng định không ai độc quyền về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần muốn thổi đâu thì thổi và muốn mặc khải cho ai tuỳ ý. Người không cần thỉnh vấn chúng ta về việc này.
Sứ vụ của người giáo dân : Trách nhiệm kép của Giáo dân Ða Minh :
Hiến pháp Nền tảng người Giáo dân Ða Minh số 4 minh định : “Tham gia sứ vụ Tông đồ bằng cầu nguyện, học hỏi và giảng thuyết theo khả năng giáo dân”, và số 12 : “Mọi phần tử Ða Minh phải sẵn sàng để rao giảng Lời Chúa, việc giảng thuyết này là thi hành chức năng ngôn sứ của người đã được rửa tội”. Tông huấn “Người Kitô hữu Giáo dân”, số 34 viết : “Có thể thực hiện được điều đó, nếu nơi chính mình, người tín hữu biết lướt thắng mọi phân cách giữa Tin Mừng và cuộc sống, bằng sự phối hợp lại thể thống nhất giữa Tin Mừng và cuộc sống sinh hoạt thường nhật, gia đình, lao động và xã hội”. Sau đó còn thêm: “Ðừng sợ gì cả, hãy mở toang hết mọi cửa để đón nhận Ðức Giêsu vào và quyền năng cứu độ của Người vào, hãy mở mọi biên giới quốc gia, mọi hệ thống kinh tế cũng như chính trị, mọi lãnh vực rộng lớn của văn hoá, văn minh, phát triển. Ðừng sợ, Ðức Kitô biết điều gì đang diễn ra trong tâm hồn người ta. Duy mình Người biết. Ngày nay thường con người không biết điều gì đang diễn ra trong tâm hồn mình”.
Hiện nay, vì nhận ra cần có một cuộc Tân Phúc Âm, Giáo Hội không thể khước từ sứ vụ trường kỳ là mang Tin Mừng đến cho hàng triệu triệu người nam nữ chưa nhận biết Ðức Kitô – Ðấng cứu độ nhân loại… cho nên công việc của anh chị em giáo dân hiện nay trở nên cần thiết hơn, cao cả hơn, dù rằng chưa bao giờ thiếu những anh chị em trong lãnh vực này. Thực vậy, mệnh lệnh của Ðức Kitô : “Hãy đi khắp thế giới” vẫn được rất nhiều tâm hồn hưởng ứng” (KTHGD số 35). Số 4 HPNT còn nói rõ hơn : “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, cho nên cũng mang ơn gọi và sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
Giảng thuyết theo gương thánh Ða Minh
Chúng tôi yêu mến họ, nên chúng tôi rao giảng.
Ðối với mọi phần tử Gia đình Ða Minh, nhất là giáo dân, việc giảng thuyết phải phát xuất từ lòng trắc ẩn và bác ái theo gương Thánh Tổ phụ. Nhiệt thành loan báo Lời Chúa là dấu chỉ tình yêu đối với tha nhân. Trước những mâu thuẫn, những bất công, thánh Ða Minh khám phá ra nơi nhiều người thiếu sức sống của Thiên Chúa, nên đã nảy ra ý tưởng đi rao giảng chân lý cho các nước miền Nam Âu châu, nơi mà những tín hữu có đời sống Ðức tin rất mơ hồ, thậm chí còn sai lạc. Họ sống như thể chưa biết mình được dựng nên, được yêu thương, được yên ủi. Các truyền thống tôn giáo đã biến mất theo thời gian. Các thuần phong mỹ tục cổ truyền không còn nữa. Thay vào đó là các tập tục, tệ đoan lan rộng trong các thành thị, các miền thôn quê. Cần phải canh tân, tìm lại đời sống Ðức tin dưới ánh sáng Tin Mừng. Cần phải coi trọng những nền tảng, những nguồn gốc xa xưa để có thể trở về với thời tươi trẻ, hiện đại cho mỗi hoàn cảnh xã hội, cho mỗi con người.
Xuất phát từ tấm lòng đối với tha nhân, thánh Ða Minh nghiên cứu lập ra kế hoạch đưa Lời Chúa đến với họ. Vì thế, trước khi dạy bảo, Người đã trở nên người bạn cảm thông, khoan dung với họ. Thay vì khăng khăng giáo điều, Người tôn trọng nguyên lý cởi mở trong suy tư thần học. Trước khi xác định phạm vi hoạt động, Người đã chu du khắp Âu châu để xem xét tình hình. Thánh Ða Minh ưa thích rao giảng Thiên Chúa đầy lòng thương xót hơn là Thiên Chúa công thẳng. Người giảng thuyết với lòng thành thật và trung tín đối với Lời Chúa.
Chỉ khi nào yêu mến, hiểu biết thính giả và coi họ như những người anh em ruột thịt, chúng ta mới lắng nghe và rao giảng cho họ có hiệu quả. Dù có am tường Lời Chúa mà không có lòng khiêm tốn, cởi mở thì khó mà tha nhân chấp nhận lời chúng ta nói. Tổng hội Oakland đã viết : “Nếu lời giảng của chúng ta không dẫn đến cảm nhận và xác tín về niềm hy vọng thì là lời giảng vô ích”.
Các phần tử của dòng Ða Minh không giảng về thánh Ða Minh mà là rao truyền Ðức Giêsu trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn, mọi thời gian. Giảng thuyết lữ hành là đặc tính của Dòng chúng ta. Cũng như thánh Ða Minh, Dòng đi tới những nơi có nhu cầu. Vì thế, Dòng đã có mặt ở mọi lục địa, và ngày nay nhiều người vẫn muốn rằng Dòng cần phải du thuyết nhiều hơn nữa, không những bằng đôi chân, mà còn bằng trí khôn, lòng đạo đức, vốn kiến thức,…Tư tưởng phải sinh động, uyển chuyển trong mọi môi trường văn hoá. Nguy hiểm biết bao nếu bám trụ vào quá khứ, không cởi mở với tương lai. Còn nhiều lãnh vực, nhiều miền đất, nhiều nền văn hoá cần sự hiện diện của chúng ta. Cần phải mau lẹ đem Lời Chúa vào những môi trường ấy.
Chúng ta rao giảng vì yêu mến những người ở xa, những người sống trong tuyệt vọng, những người không biết Thiên Chúa. Nếu không, Ðức Bác Ái của chúng ta chỉ là tiếng “thanh la inh ỏi”.
Giảng thuyết sẽ như thế nào nếu không có Ðức Maria ?
Ngay từ ngày khai sinh Dòng, Ðức Maria đặc biệt ưu ái đến các phần tử của Dòng. Hiển nhiên, có mối tương quan giữa Người và việc giảng thuyết của Dòng. Những lời ca, lời cầu nguyện của Dòng luôn có hình ảnh Mẹ. Ðức Maria luôn đồng hành và hằng cầu nguyện cho Anh Em Giảng Thuyết. Còn giáo dân chúng ta nhận thấy nơi Ðức Mẹ một mẫu gương dấn thân vĩ đại. Mẹ đã đáp trả lời Thiên Chúa một cách tự tin, đầy can đảm và không e dè? Trong giai đoạn đầu của lịch sử Giáo Hội, Ðức Maria đã dẫn đầu, đã cùng các Tông đồ soạn thảo kế hoạch Tin Mừng hoá, một công việc đòi hỏi hy sinh, thử thách.
Ðể rao giảng hữu hiệu phải có Ðức tin. Chúng ta cảm nhận nơi Mẹ một niềm tin sắt đá : “Người bảo thế nào thì làm như thế”. Giảng thuyết cần phải biết cầu nguyện, Ðức Maria cũng dạy chúng ta biết kêu xin với Thiên Chúa. Chúng ta cần noi gương Mẹ Maria, đón nhận ý Chúa như Mẹ đã làm dưới chân Thập Giá, biết nói tiếng “xin vâng” như Mẹ đã nói khi thưa cùng Sứ Thần : “Xin thể hiện nơi tôi như lời Sứ Thần truyền”. Sẽ chẳng bao giờ nói hết về Mẹ, nếu chúng ta tiếp tục suy tư về những đóng góp của Mẹ trong các công việc của Giáo Hội, những cộng tác của Mẹ trong công cuộc loan báo Ðức Kitô và trong những hoạt động làm sáng danh Người. Như thánh Ða Minh, điều cần lưu tâm là chúng ta biết phó thác vào tay Mẹ nhiệm vụ thuyết giảng. Có như thế, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp hơn và có nhiều phấn khởi trong khi thi hành nhiệm vụ.
Chương 9 : GIẢNG THUYẾT
ÐỂ XÂY DỰNG NƯỚC THIÊN CHÚA
Xây dựng Nước Thiên Chúa là nội dung chủ yếu của việc rao giảng về “Ðức Kitô thành Na-gia-rét”. Ðây là nhiệm vụ vĩnh viễn của Giáo Hội, chứ không phải là việc tông đồ hay hoạt động truyền giáo mang tính nhất thời. Ðó là một lệnh truyền của Chúa Giêsu. Nói đến xây dựng tức là nói đến việc làm hơn là lý thuyết, hành động hơn là lời nói ; nghĩa là cần tham dự vào các sinh hoạt hàng ngày của Giáo Hội cách cụ thể. Chúng ta không thể xây dựng Nước Thiên Chúa từ những bất công, những chênh lệch, những tranh chấp và xung đột. Vì thế, việc quan trọng, cần thiết là phải nhổ tận rễ vấn đề này ra khỏi xã hội.
Tuyên truyền, hành động, đấu tranh cho công lý, cho hoà bình là việc phải làm trong xã hội hôm nay. Nhưng đối với Dân Thiên Chúa, những hành động này không cho phép dùng bạo lực. Những tương quan kinh tế, xã hội, công bằng phải được dựa trên Sự Thật – một tiêu chuẩn vĩnh cửu. Cho nên, trong mọi lãnh vực hoạt động, người giáo dân phải loại trừ gian dối và bất công. Khi làm việc hay tham gia trong bất kỳ thể chế dân sự nào, họ có nhiệm vụ nói nên lời cảnh báo về bất cứ một hình thức bất công nào.
Lời giảng thuyết trong các lãnh vực đó phải trình bày rõ ràng sao cho thế giới hiểu rõ học thuyết xã hội của chúng ta, đồng thời ý thức được rằng giảng thuyết không phải là một phong trào nhất thời, không phải là cách thể hiện tình liên đới suông trước bất công, mà là một hoạt động liên tục được soi dẫn bởi Tin Mừng, được thúc đẩy bằng tình yêu, chứ không phải do bất bình. Ðó là cách thể hiện tác vụ ngôn sứ của người giáo dân.
Lời giảng thuyết không phát sinh từ một phong trào hay một nhóm đột kích. Lời đó khởi đi từ tình yêu. Theo gương cha thánh Ða Minh, vì tình yêu chúng ta đi tìm gặp những tâm hồn lầm lạc. Vì thế, hãy đặt quyền lợi của họ lên trên hết. Tuy nhiên vì phải lệ thuộc tại những luật lệ, những trật tự trong xã hội nhằm duy trì đời sống chung, chúng ta cần điều hợp và tôn trọng các mối tương quan xã hội. Sự hiện diện của giáo dân trong những mối tương quan đó thật là hữu ích.
Trong sứ vụ rao giảng của Giáo Hội, trách nhiệm của người giáo dân có một sắc thái riêng, thiết thực hơn. Khi được huấn luyện, họ sẽ hiểu rõ hơn khía cạnh này và mỗi người sẽ tự ý thức rằng họ là những hạt giống làm nảy sinh công lý và hoà bình.
Giảng thuyết tìm về chân lý và bình an
Xây dựng bình an trong con người là xây dựng tinh thần bình đẳng từ lòng mến Chúa. Vì thế chúng ta được kêu gọi trở về lĩnh vực công lý. Làm sao chúng ta chứng tỏ được lòng mến Chúa, nếu không biết đến những đau khổ của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ? Làm sao chúng ta am tường được Lời Chúa mà chúng ta loan báo, nếu không ý thức rõ ràng Ðức Giêsu đến để công bố hồng ân, giải phóng những người bị áp bức, mang Tin Mừng cho những người nghèo khó ? Xây dựng một Nước Thiên Chúa công bình là nội dung căn bản của việc giảng thuyết. Chúng ta thuyết giảng vì chúng ta ý thức rằng, các thính giả là con cùng một Cha và chúng ta là anh em với nhau. Quên điều này là lúc chúng ta trả lời câu hỏi : “Hỡi Ca-in, ngươi đã làm gì cho em ngươi ?” của Thiên Chúa, bằng lời đáp : “Con là kẻ canh giữ em con ư ?”. Việc thuyết giảng ngầm hiểu lời cam kết sẽ làm phát sinh một xã hội công bằng. Một xã hội người ta có thể nói “Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp”, một xã hội mà lời Ðức Giêsu được thực hiện : “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào”. Hay ít ra cũng làm cho mỗi người được sống xứng đáng nhân phẩm căn bản của mình.
Ðối tượng giảng thuyết của dòng Ða Minh là xã hội đương đại và nguồn mạch là đời sống chiêm niệm. Không thể coi mỗi con người như những cá nhân riêng lẻ, mà phải hiểu biết họ theo bối cảnh xã hội, nơi mà mỗi cá nhân đều có những mối tương liên chặt chẽ với nhau, có những nhu cầu vật chất, tinh thần. Cho nên, xây dựng Nước Thiên Chúa phải khởi sự từ những thực tại hàng ngày. Lời giảng của Phan-xi-cô de Víc-to-ri-a, Phêrô đờ Cót-đô-ba, Mông tê-xi-nô, Bát-tô-lô-mê-ô đờ Las Ca-sạt và nhiều vị khác đã không thể được thực hiện, nếu không phải là ở giữa lòng xã hội. Từ toà giảng, các vị không ngần ngại vạch trần những lạm dụng, bóc lột, bất công. Các vị không sợ hãi khi tố giác những tương quan bất chính, những áp bức của giai cấp quyền thế đối với giai cấp thấp cổ, bé miệng. Lời Chúa luôn đòi hỏi công lý và hoà bình. Những điều này không có dưới dạng làm sẵn, mà phải dày công xây dựng và bảo vệ. Hoà bình có tính năng động, chứ không phải là thụ động, kiểu yên tĩnh vì thiếu thốn. Chính ra sự bình an là dấu chỉ sự hiện diện sung mãn, hài hoà của mọi vật trong quân bình và công lý. Sự bình an của Thiên Chúa không phải là vắng mặt mà là sự hiện diện.
Không thể có giảng thuyết mang tính chất Ða Minh nếu không có lòng trắc ẩn, cảm thông. Linh mục Felicisimo Martinez, O.P đã viết : “Sự dấn thân cho công lý, như là dấu ấn cốt yếu của mọi nhà giảng thuyết, hàm chứa việc công bố rõ ràng những yêu sách mà công lý Nước Thiên Chúa đòi hỏi, lại cũng tố giác mọi tình trạng ngược lại với yêu sách của nước đó”.
Chương 10 : THAY LỜI KẾT
Khi Tin Mừng hiện diện thì làm cho con người trở nên sung mãn, sinh động, lương tâm được thanh tẩy và trở nên thánh thiện như Chúa Cha trên trời. Việc giảng thuyết được Lời Thiên Chúa và những thực tại xã hội nuôi sống ; được lời cầu nguyện và việc lắng nghe Lời Chúa bồi dưỡng. Việc giảng thuyết là một thách đố, một cơ hội may mắn, một phương tiện và một con đường, một bằng chứng đòi hỏi chúng ta phải nhiệt tâm sống theo “Ðức Giêsu thành Na-gia-rét”.
Lời Thiên Chúa luôn luôn vĩnh hằng. Những phần tử gia đình Ða Minh phải coi giảng thuyết là hoạt động liên tục từng giây từng phút, là thái độ của tất cả mọi người chúng ta trong cuộc sống, những người đã biết khám phá ra gương mẫu của thánh Ða Minh chỉ nói với Chúa hoặc nói về Chúa.