Theo Vatican News
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Công giáo Ý AgenSIR được công bố ngày 26 tháng 7, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Vira Arpondarattana – Tổng Giám mục Bangkok và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan – đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Giáo hội Công giáo Thái Lan trước căng thẳng quân sự đang leo thang tại khu vực biên giới với Campuchia, đồng thời kêu gọi cổ võ một nền văn hóa liên đới và huynh đệ.
“Giáo hội Công giáo Thái Lan nhìn nhận với sự lo âu sâu xa về tình hình căng thẳng quân sự hiện nay tại biên giới”, Đức Tổng Giám mục Arpondarattana phát biểu với AgenSIR.
Theo thông tin, căng thẳng đã bùng phát vào ngày thứ Năm, 24 tháng 7, với các cuộc giao tranh kéo dài khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 168.000 người phải di tản. Biên giới dài 800 km giữa hai nước đã nhiều lần trở thành điểm nóng tranh chấp trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên các cuộc đụng độ trước đây thường ngắn và không lan rộng.
“Giáo hội ý thức rõ rằng các tranh chấp biên giới, dù được trình bày như những vấn đề lãnh thổ thuần túy, lại thường bị lợi dụng vì mục tiêu chính trị”, Đức Tổng Giám mục nhận định. Ngài cảnh báo rằng căng thẳng có thể bị thao túng nhằm kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội tại, hoặc phục vụ cho lợi ích của một số tác nhân chính trị nhất định. Điều này, theo ngài, đặt chủ nghĩa cơ hội chính trị ngắn hạn lên trên lợi ích và an sinh của người dân, đồng thời cản trở một giải pháp hòa bình và bền vững về lâu dài.
Ưu tiên đối thoại và hoà giải
Đức Tổng Giám mục Arpondarattana nhấn mạnh rằng Giáo hội luôn cảnh báo về nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và các cuộc xung đột như hiện tại thường bắt nguồn từ những phức tạp và bất đồng lịch sử, cần được thấu hiểu và xét đến nếu muốn đạt được hòa giải đích thực và giải pháp công bằng, hướng đến một tương lai hòa bình bền vững.
“Giáo hội dứt khoát ủng hộ con đường đối thoại, thương thảo và trung gian quốc tế như những phương thế xây dựng hòa bình lâu dài”, Đức Tổng Giám mục khẳng định.
Ngài cũng bày tỏ sự gần gũi của Giáo hội với những người dân bình thường đang sống tại các vùng biên giới: “Họ đang phải chịu đựng việc mất nơi cư trú, mất sinh kế, và luôn sống trong sợ hãi bạo lực”. Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh: “Đức tin của chúng ta mời gọi chúng ta nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mọi con người, bất kể quốc tịch hay sắc tộc. Chúng ta phải khước từ những ý thức hệ gây chia rẽ, và thay vào đó vun trồng nền văn hóa liên đới và tình huynh đệ đích thực.”
Lên án bạo lực, bảo vệ dân thường
“Giáo hội lên án rõ ràng mọi hành vi bạo lực nhằm vào thường dân”, Đức Tổng Giám mục Arpondarattana tuyên bố. “Chúng tôi lặp lại lời khẳng định rằng luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng, và rằng những người không trực tiếp tham chiến – bao gồm phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi – luôn phải được bảo vệ”.
Giáo hội đồng hành và trợ giúp
Đức Tổng Giám mục cũng chia sẻ rằng Giáo hội Thái Lan, thông qua Văn phòng Cứu trợ Khẩn cấp và Người tị nạn Công giáo (COERR) trực thuộc Hội đồng Giám mục Thái Lan, đang tích cực hỗ trợ các nhu yếu phẩm, cứu trợ nhân đạo và nâng đỡ thiêng liêng cho các nạn nhân. Ngoài ra, nhiều nhà thờ trên toàn Thái Lan đang tổ chức các Thánh lễ đặc biệt, giờ cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi để cầu xin ơn bình an.
Ngài cũng lưu ý rằng Hội đồng Giám mục Thái Lan duy trì mối quan hệ thân thiết và huynh đệ sâu sắc với Giáo hội Công giáo tại Campuchia.
https://www.vaticannews.va/en/church/news/2025-07/cambodia-thailand-tensions-bishops-conference-peace-dialogue.html