Năm 2019, Hội Thánh tại Việt Nam – theo định hướng mục vụ Hội đồng Giám mục đã đề ra trong Thư Chung 2016 – giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”.
Các Đức Giám mục của chúng ta, cách riêng, nêu ra ba loại đối tượng phạm trù: các gia đình di dân, các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn giáo/tín ngưỡng, và các “gia đình” li thân, li dị tái hôn. Để Hội thánh thể hiện một sức bật mục vụ có tính tập trung, chúng tôi đề nghị điểm nhấn mục vụ chi tiết và cụ thể hơn theo thời gian của năm mục vụ tới:
Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2018 – 3/2019): đồng hành với các gia đình di dân;
Giai đoạn 2 (từ tháng 4 – tháng 7/2019): đồng hành với gia đình các cặp hôn nhân khác đạo;
Giai đoạn 3 (từ tháng 8 – tháng 11/2019): đồng hành với các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.
Chúng ta thiếu điều thiết yếu của mục vụ
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình 2014 và 2015 vừa qua, khi nói về việc Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn đã có nhận xét về sự khiếm khuyết này trong thực hành của Giáo hội hiện nay: “Những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế,cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằngmột cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu” (Amoris laetitia, 234).
Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội. Hướng tới một viễn tượng Mục vụ Đồng hành có nghĩa là bắt đầu một cuộc hoán cải mục vụ, mà để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì, và hành động thực tế. Chương trình Mục vụ này cần phải được phác thảo cho tốt và đi đến chạm tới đời sống của người ta. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói:
“Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của Hội thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”[1]. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”[2], theo định hướng này” (AL 200).
Đồng hành là gì?
Đồng hành là việc Hội thánh khởi đầu đến với con cái mình để thiết lập một mối quan hệ bền vững và ngày càng tiến triển. Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các vấn đề cuộc sống, ngược lại, Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái qui tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa Hội thánh giúp phân địnhmục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn. Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ, và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300). Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản (AL 211). Sau cùng, Hội thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô toàn thể, tức là Gia đình Hội thánh. Hội nhập hoàn toàn, vào mốihiệp thông hội thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.
Từ đó, có thể gợi lên những đề tài suy tư mục vụ cho năm 2019 tập trung vào những hành động mục vụ trong Đồng hành, thể hiện qua các từ khóa sau đây: ĐỒNG HÀNH – PHÂN ĐỊNH – HỘI NHẬP, như sau:
- Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
- Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
- Qui luật của đồng hành: sự tiệm tiến theo thời gian
- Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
- Các bước của lộ trình đồng hành
- Phân định để làm gì?
- Cách thức phân định
- Phân định cái gì?
- Hội nhập: trở về để hiệp thông trọn vẹn
- Chăm sóc những thương tích cản trở ta tham dự trọn vẹn
- Làm thế nào để khích lệ những người li dị tiến bước trên đường hướng về tham dự trọn vẹn?
- Hội nhập: xây nhà trên đá. Tiếp cận mục vụ toàn diện.
[1] Relatio Finalis (RF) 2015, 56.
[2] RF 2015, 89.
Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 1: Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
Các vị chủ chăn của chúng ta hướng dẫn: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn.” (HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2018, 2).
Mục vụ Đồng hành là trung tâm
Chúng ta đừng quan niệm cách hạn hẹp mục vụ như một thứ “dịch vụ” để chờ người ta tìm đến xin Hội thánh cung ứng những đề nghị, hay nghe rao giảng trong thánh lễ và gặp gỡ các nhóm hội đoàn trong giáo xứ, mà không biết cùng bước đi với con người trên cuộc hành trình lâu dài đòi hỏi kiên trì. Mục vụ đồng hành không có tham vọng đem lại những giải đáp tức thời cho nhiều vấn đề. Thực ra, tìm cung ứng những giải đáp mục vụ có thể giúp giải quyết mọi sự, trừ điểm trọng tâm là chúng ta tiếp tục không đồng hành với con người! Như thế là giản lược lòng thương xót chỉ còn là một sự uyển chuyển thích nghi luật lệ được cho là cứng rắn, và cách thế đó cũng là “duy luật”.
Đồng hành là cùng bước đi với ai đó trên một lộ trình qua đó giúp họ nhận ra một ánh sáng mới khả dĩ xây dựng cuộc sống. Cách thức đồng hành với các gia đình tương tự như con đường dự tòng của Hội thánh sơ khai: phải đồng hành trong một thời gian dài nhiều hay ít. Thực tế những người dự tòng đã phải chuyển từ một cuộc sống ngoại đạo rất xa Tin mừng để bước vào giao ước Thanh tẩy của Đức Kitô. Đức thánh cha Phanxicô xác định Đồng hành là một tiêu chuẩn trung tâm của mục vụ gia đình.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành
Trước hết, chúng ta không được hiểu Đồng hành như là một chiến lược giao tiếp với thế giới. Ngược lại, đó là phương pháp chính Đức Giêsu đã chọn để gặp gỡ chúng ta gần như tình cờ và tỏ cho chúng ta thấy con đường đi của Chúa Cha. Chính Người, là vị Thầy dạy chúng ta nghệ thuật “đồng hành” mà mọi môn đệ cần phải học. Chúng ta nhớ lại, chẳng hạn, sau khi sống lại Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ đi về Emmau (Lc 24,13-33) Người chỉ cho chúng ta những tham chiếu cho mọi lộ trình chung: Lời Chúa và bí tích, là tất cả sự hiệp thông của Giáo hội, tiêu biểu là Bữa ăn Thánh Thể từ đó hai môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem trong đêm. Chúa Kitô Phục sinh “đi trước” các Tông đồ mở ra cho họ các con đường trên đó họ gặp gỡ mọi người. Nước của Người là ở những mối quan hệ cá nhân vốn luôn khởi đầu âm thầm nhưng hàm chứa một sức sống bên trong khả dĩ làm biến đổi thế giới.
Như thế, Đồng hành là một cách thức đặc biệt để loan báo Tin mừng, có nối kết nội tại với việcbước theo Đức Kitô, vị Tôn sư. Thánh Giáo hoàng Gioan-Pholô II nói rằng: “nối bước theo Chúa Kitô là nền tảng thiết yếu và nguyên thủy của nền luân lí Kitô giáo: tựa như dân Israel xưa cất bước theo Chúa và đã được Chúa dẫn dắt qua hoang địa tiến về Đất Hứa (x. Xh 13,21), người môn đệ cũng phải nối bước theo Đức Giêsu và được Chúa Cha lôi kéo để đến với Người (x. Ga 6,44)”[1]. Vấn đề ở đây là đời sống gắn bó với một con người, là Giêsu Kitô, từ đó mà người ta hiểu ý nghĩa của lề luật và tư tưởng. Đồng hành phải bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu. Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong khi loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” (AL 60). Chúa Giêsu nhìn “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Mọi bận tâm mục vụ của Hội thánh trước hết phải bắt nguồn từ ánh mắt nhìn này.
… với một tình yêu đích thật
Nguyên lí của Đồng hành Kitô giáo được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu của cuộc đời Kitô hữu không phải là một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đó đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (EG 7; DCE 1). Từ cuộc gặp gỡ đó toát lên “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh” (EG 36), một tình yêu thật Đức Kitô hiến trao cho chúng ta với lí lẽ của nó: một khi đã gặp gỡ xin cùng bước đi trên lối đường cuộc đời. Đồng hành để dần nhận ra sự thật về một tình yêu, để tình yêu đó tăng trưởng đến mức trưởng thành, và đáp lại tình yêu của Đấng Mục tử nhân lành: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
“Điều quan trọng là đón nhận và đồng hành với họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thật của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng” (AL 299). Bắt đầu từ lòng khát khao một tình yêu đích thật, và khát khao đó là sự thật ghi dấu suốt cuộc hành trình và phải dựa trên đó mà vượt qua những cản ngại để đạt đến viên mãn. Cần nhớ ba nguyên tắc rất quan trọng cho mục vụ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu.
- Tình yêu đích thật(cf. chương 4 AL 89-164) là sợi chỉ đỏ dẫn dắt mọi cuộc Đồng hành. Tình yêu biết “kiên nhẫn, nhân hậu,…, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (cf.1Cr 13,4-7).
- Hành trình này gắn liền với khát vọngđặc biệt của con tim đầy tình cảm. Khát vọng của con tim ấy cần được giáo dục khởi đi từ ánh sáng của tình yêu thật. Tiến trình này là quá trình huấn luyện để trưởng thành tình cảm,rất quan trọng cho chọn lựa tự do bậc sống.
- Đồng hành gắn liền với đời sốngbí tích,nguồn ân sủng hoạt động bởi Đức Giêsu Kitô. Bí tích Rửa tội khởi đầu biểu lộ một chi thể ‘thuộc về’ Thân Mình Chúa Kitô yêu cầu được đồng hành; hiệp thông trong bí tích Thánh Thể kết thúc mọi hành động và biểu lộ sự viên mãn thuộc vể Hội Thánh.Hoán cải đời sống nhằm thoát khỏi hoàn cảnh tội tình khốn khổ là kết quả mong muốn của mục vụ Đồng hành.
Đức Giêsu đã bắt đầu đồng hành với chị phụ nữ Samaria bằng việc nhắc đến “tánh bản thiện” vốn khát mong một tình yêu đích thật Thiên Chúa đã gieo mầm trong tâm hồn mọi người nam và nữ. Từ chỗ khơi dậy lòng khát khao này, Đức Giêsu đã dẫn chị đi đến chỗ nhận ra sự dữ của những điều chị đã làm và của hoàn cảnh lầm lạc của chị, từ đó mở ra cho chị con đường giải thoát, con đường hoán cải. Trong tình cảnh hiện tại của chị, quả thật, không có những nhân tố thiện hảo dẫn lối đến với Tin mừng, vẫn còn những cản trở lớn ngăn chặn chị đạt đến cuộc sống viên mãn. “Nhận thức về tội được thức tỉnh trước tình yêu nhưng không của Đức Giêsu” (AL 64).
Câu hỏi để giúp suy tư và thảo luận
- Anh chị hãy thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa với hai môn đệ trên đường về Emmau, và rút ra ý nghĩa chủ chốt của việc Đồng hành.
- Anh chị có nhận thấy các nguyên tắc mục vụ Đồng hành trong câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ chị phụ nữ Samaria thể hiện như thế nào không, để từ đó cộng đoàn Hội thánh là hình ảnh bí tích của Chúa tiếp tục đồng hành với các cá nhân hay gia đình trong hoàn cảnh khó khăn ?
- Anh chị có nghe chăng tiếng kêu của những con người, giống như của anh mù ở Giêrikô (Lc18,35-42), bị thương tích trong các gia đình quanh mình “Lạy Chúa, xin thương xót tôi!” và đáp lại như thế nào?
[1] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, 19.
Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 2: Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
Trong thực tế chúng ta rất thường nghĩ rằng các giám mục, linh mục hay tu sĩ mới là người làm nhiệm vụ Đồng hành với con người. Thực ra, không phải như vậy, vì nơi chốn đầu tiên ta được đồng hành là gia đình.
Gia đình là nơi ta được đồng hành đầu tiên
Trong thực tế chúng ta rất thường nghĩ rằng các giám mục, linh mục hay tu sĩ mới là người làm nhiệm vụ Đồng hành với con người. Thực ra, không phải như vậy, vì nơi chốn đầu tiên ta được đồng hành là gia đình. Chính mẹ hay cha, và đôi khi là ông/bà, là người đầu tiên đã nắm tay dẫn đưa ta đến nhà thờ dự lễ, dạy ta biết yêu kính Chúa, biết Hội thánh, biết đức tin cho ánh sáng soi dẫn bước chân ta đi vào cuộc đời.
Đức Thánh cha Phanxicô nói:
“Gia đình không thể khước từ mình chính là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và tìm cho ra các nguồn lực mới. Cha mẹ cần phải dự tínhxem mình muốn trao cho con cái những gì”[1].
Tình yêu thương được trao ban và lớn lên trong gia đình, đó là môi sinh tự nhiên cho đức tin được thông truyền và củng cố.
“Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình thì cần chú ý đến những biến chuyển của chúng, vì họ biết kinh nghiệm tâm linh không thể áp đặt nhưng được đề nghị trong tự do”[2]. Nếu không có sự đồng hành tự nhiên để cho tình thương yêu triển nở mỗi ngày, ngay cả giữa hai vợ chồng, “cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau”[3].
Đồng hành với gia đình qua các gia đình
Với đức Thánh cha chúng ta xác tín rằng gia đình chính là chủ thể của việc loan báo Tin mừngtrong mục vụ gia đình[4]. Cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhờ gia đình để đồng hành với các gia đình khác. Đó chính là ơn gọi truyền giáo của gia đình kitô hữu[5], được Chúa kêu gọi đi ra để đồng hành trong đức tin và cuộc sống với những người sống quanh họ qua sự gần gũi giúp đỡ hầu cuộc sống gia đình họ phong phú ngập tràn hiện diện của Thiên Chúa. Không có bước đầu tiên này, mục vụ đồng hành chỉ còn là lí thuyết thiếu sự nâng đỡ thiết yếu từ phía cộng đoàn Hội thánh cụ thể.
Nhiều gia đình đã nhận ra sứ mạng này Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Thế nhưng, Giáo hội địa phương vẫn còn chưa sử dụng đến mạng lưới các gia đình cho đủ khi đối diện với nhiệm vụ đồng hành này. Hơn nữa, cần thiết phải có một sự huấn luyện thích hợp đối với các gia đình chủ thể truyền giáo này để phát huy hữu hiệu và có trách nhiệm. Một điều rất ý nghĩa và quan trọng là các gia đình này sống trong cùng một khu vực cần liên kết với nhau thành cộng đoàn nhỏ, như cácliên gia trong các giáo khu của giáo xứ, theo mô hình các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (CĐGHCB). Bởi lẽ Hội thánh là sự Hiệp thông của các cộng đoàn được thể hiện sẽ là chứng từ và lời loan báo Tin mừng có sức thuyết phục nhất.
Trong tình hiệp thông Hội thánh mà gia đình được hít thở thường xuyên trong cộng đoàn giáo xứ qua sự đồng hành với các Cộng đoàn nhỏ, các khó khăn, thách đố, và cả các thương tích trong gia đình dần dần được chữa lành vì có Đức Kitô là Đầu và là Lương y thần linh hiện diện ở trung tâm. Hội thánh Chúa Kitô là một “nơi gặp gỡ ưu việt” giữa Thiên Chúa và dân mới của Người. Hội thánh là “bí tích của sự kết hợp thâm sâu con người với Thiên Chúa”. Hội thánh cũng là “bí tích của sự hiệp nhất nhân loại”. “Hiệp thông và sứ vụ kết hợp với nhau không thể tách biệt, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau”. Hiệp thông “vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của sứ vụ”. “Hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành nơi Hiệp thông”[6]. Sự hiệp thông này thường xuyên được sống trong các cộng đoàn tín hữu địa phương. “Hội thánh Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các mục tử của mình, và Tân ước cũng gọi đó là các Gáo hội”[7].
Đó là ý nghĩa của một hiện diện mới mẻ của Hội thánh tại Á châu ngày nay.
Hội thánh chính là sự Hiệp thông của các Cộng đoàn nhỏ, đồng hành với gia đình và cùng với gia đình loan báo Tin mừng “trong gia đình” và đi ra loan báo Tin mừng cho các gia đình khác.
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
- Bạn hãy chia sẻ và kể kinh nghiệm đầu đời của bạn về Hội thánh và về Chúa của đức tin của bạn.
- Những tổn thương nào thường xảy ra do các thành viên trong gia đình (ông bà cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em chị em…) vô tình hay hữu ý gây ra cho nhau? Bạn chia sẻ các thương tích ấy có được quan tâm chăm sóc và chữa lành trong gia đình mình hay không? Và trong đại gia đình ? trong cộng đồng Giáo hội nhỏ thân tình (liên gia) của bạn chẳng hạn?
- Cộng đoàn Giáo hội nhỏ hay liên gia của bạn có Chúa Giêsu với Lời của Người làm trung tâm trong khi đồng hành với các gia đình và với nhau hay chưa?
- Tính sứ vụ và hiệp thông với Hội thánh hoàn cầu và Hội thánh địa phương trong đời sống gia đình và cộng đoàn nhỏ liên gia của bạn thể hiện thế nào?
[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (AL) 260.
[2] AL 288.
[3] AL 108.
[4] Cf. AL 200.
[5] Cf. AL 208, 230, 289.
[6] Gioan-Phaolô II, Ecclesia in Asia (EA) 24.
[7] LG 26.
Ủy ban Mục vụ Gia Đình