Hải Dương được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trong suốt chặng đường khoa cử Việt Nam (1075-1919), xứ Đông xưa và ngày nay là tỉnh Hải Dương nổi tiếng cả nước về truyền thuyền thống khoa bảng với 486/2898 vị tiến sĩ Nho học. Nam Sách là huyện được biết đến với nhiều tiến sĩ nhất cả nước, còn Mộ Trạch (huyện Bình Giang) được mệnh danh là “Làng tiến sĩ” hay “Lò tiến sĩ xứ Đông”.
Về lãnh vực tôn giáo, Hải Dương cũng là địa danh nổi tiếng được nhắc đến nhiều trong các hoạt động truyền giáo của các nhà thừa sai, đặc biệt với các bước chân loan báo Tin mừng của Đức cha Giêrônimô Liêm trong vai trò Giám mục Đông Đàng Ngoài (1841-1861). Hải Dương cũng đã từng một thời là trụ sở của Toà Giám mục. Lịch sử ghi lại, năm 1883, khi Toà thánh tách và thành lập giáo phận Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh), đồng thời bổ nhiệm Giám mục Đông Đàng Ngoài là Đức cha José Terres, thì ngài đã chọn Hải Dương làm Toà Giám mục cho đến khi chuyển ra Hải Phòng vào năm 1892.
Với người Công giáo, địa danh Hải Dương còn được biết đến là nơi ghi chứng tích về sự hy sinh can trường của các anh hùng đức tin, những chứng nhân trung kiên của Chúa. Lịch sử ghi lại, vào giữa thế kỷ XIX, một mảnh đất ngoại thành thị xã Hải Dương đã được chọn làm nơi hành quyết những người ngoan cố theo đạo với tên gọi Pháp trường Năm Mẫu. Hàng trăm tín hữu đã đổ máu xuống nơi đây. Trong số đó, một ngày lịch sử còn ghi lại, ngày 09/5/1862, có đến 200 người bị trảm quyết. Cha thánh Vinh Sơn Đỗ Yến, chính xứ Kẻ Sặt, cũng đã đổ máu nơi này, vào ngày 30/6/1838.
Tuy nhiên, tên tuổi của linh địa Hải Dương luôn gắn liền với Bốn Thánh tử đạo Hải Dương: Thánh Giêrônimô Liêm, Giám mục Ðông Đàng Ngoài; Thánh Valentinô Vinh, Giám mục Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu); Thánh Phêrô Almatô Bình, linh mục, phụ tá Ðức cha Vinh; Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, thầy giảng, phụ tá Ðức cha Liêm. Ba đấng thừa sai người Tây Ban Nha bị xử vào ngày 01/11/1861, còn thầy Giuse Nguyễn Duy Khang, quê hương Thái Bình, bị xử trảm ngày 06/12/1861. Máu các anh hùng đức tin, nhất là Bốn Thánh tử đạo đã thẫm đẫm Pháp trường Năm Mẫu và làm cho mảnh đất Hải Dương trở nên mảnh đất linh thiêng, mảnh đất tử đạo.
Trên mảnh đất linh thiêng Năm Mẫu Hải Dương – “Đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 85,13). Hoa trái ấy được dễ nhận biết nhất, đó là một nhà nguyện được lập nên vào năm 1907 và Đền thánh nguy nga được xây dựng vào năm 1927 để tôn kính ngài. Dầu vậy, hoa trái của Các Thánh tử đạo được thể hiện cách đặc biệt nơi đoàn người đông đảo từ khắp nơi tuôn hành hương, nhất là trong ngày hành hương truyền thống 06/11. Nhờ lời chuyển cầu của Bốn Thánh tử đạo Hải Dương, biết bao ơn lành được ban cho những ai thành tâm đến khẩn cầu. Những ơn lành thường nhận đó là: Ơn bình an, ơn mạnh khoẻ, ơn lành bệnh thể xác cùng như tâm hồn ….
Tuy nhiên, Hải Dương – “Đất chúng ta trổ sinh hoa trái” lớn nhất là hoa trái đức tin. Quả thế, đức tin là hoa trái đầu mùa của các Thánh tử đạo, như văn hào Tertulianô xác quyết: “Máu Các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Từ dòng máu Các Thánh tử đạo Hải Dương đã phát sinh bao người tín hữu nơi Giáo phận Đông Đàng Ngoài xưa và nay là Hải Phòng, cách riêng là mảnh đất Hải Dương. Sự lớn mạnh của các công trình đức tin, sự đông đảo của các cộng đoàn tín hữu và các hoạt động tôn giáo sinh động của người Công giáo tại vùng đất này vào những năm trước 1954 là bằng chứng sống động cho mùa hoa trái dồi dào của những giọt máu đào tử đạo đã đổ xuống nơi linh địa Hải Dương.
Linh địa Hải Dương – “Đất chúng ta trổ sinh hoa trái” đã, đang và sẽ tiếp tục trổ sinh nơi người tín hữu mọi thời. Dù sống cách xa 162 năm, nhưng người tín hữu hôm nay vẫn là con cháu, là hoa trái của cây mang tên Bốn Thánh tử đạo Hải Dương được trồng nơi mảnh đất thánh thiêng Hải Dương. Hậu duệ của các ngài không chỉ ở mảnh đất Hải Dương hay trong giáo phận Hải Phòng, mà còn lan tràn khắp Bắc Nam và nhiều miền đất trên thế giới. Là dòng dõi các ngài, mỗi người được mời gọi hãy tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc cha anh, để cùng nhau tiếp tục làm cho mảnh đất Hải Dương “trổ sinh hoa trái”.
Hải Dương với ý nghĩa tên gọi thật tuyệt đẹp: “Ánh mặt trời biển Đông” hay “Ánh sáng từ phía duyên hải chiếu về”. Không biết có phải nhờ tên gọi ấy mà mảnh đất Hải Dương linh thiêng và trổ sinh nhiều hoá trái như vậy. Dẫu sao thì Hải Dương không chỉ là linh địa sinh ra vô số hiền tài cho quốc gia, mà còn là miền đất phì nhiêu phát sinh đông đảo các Kitô hữu cho Giáo hội và nhiều vị thánh cho Nước Trời.
Ý nghĩa của miền đất Hải Dương linh thiêng như thế càng làm nổi bật lên ý nghĩa của việc tái thiết Đền thánh Hải Dương. Thật vậy, công cuộc này không chỉ nhằm xây dựng lại ngôi Đền thánh đã bị tàn phá trên mảnh đất tử đạo, mà còn trả lại ý nghĩa thánh thiêng cho linh địa Hải Dương. Trên mảnh đất này, nhờ những giọt máu đào của các Thánh tử đạo tưới xuống, Chúa sẽ tiếp tục làm trổ sinh hoa trái tốt tươi, như tác giả Thánh Vịnh 85 xác quyết: “Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái (Tv 85,13).