1. ‘Trong lòng chúng tôi có một nỗi tiếc thương không thể nói thành lời’ – Thánh Lễ cầu nguyện cho người dân Cuba tại Tổng giáo phận Newark
Đông đảo các linh mục gốc Cuba từ Tổng giáo phận Newark và Giáo phận Paterson, cùng với cộng đồng người Cuba và người Mỹ Latinh, đã tụ họp trong tình đoàn kết với người dân Cuba trong buổi cầu nguyện tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Palisades vào ngày Chúa Nhật 18 tháng 7.
“Đã đến lúc chúng ta phải nói ‘quá đủ rồi’”, Đức Cha Manuel Cruz, một người Mỹ gốc Cuba và là Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Newark, nói trong buổi lễ cầu nguyện. “Đồng bào của chúng ta, những người dân Cuba, đang bất lực khi họ bị tàn sát bởi sự tàn bạo của chế độ Cuba. Ngày nay chúng ta phải nói đã ‘quá đủ rồi’ đối với cuộc diệt chủng đó”.
Hàng nghìn người Cuba ở Havana và các nơi khác đã xuống đường vào ngày 11/7 để phản đối những khó khăn về kinh tế, thiếu các quyền tự do cơ bản và việc bọn cầm quyền Cuba giải quyết đợt bùng phát coronavirus quờ quạng, gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Đức Hồng Y Joseph Tobin, Tổng Giám Mục của Newark, đã chủ trì buổi cầu nguyện hôm Chúa Nhật. Cùng với Đức Cha Cruz, còn có các Đức Cha Gregory Studerus và Michael Saporito, cũng là những Giám Mục Phụ Tá của Newark. Đức Cha Kevin Sweeney, Giám mục Giáo phận Paterson, cũng có mặt.
Các vị đã lần lượt bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Cuba trên đảo, cùng với cộng đồng người Cuba hải ngoại ở Hoa Kỳ. Họ cầu xin vị thánh bảo trợ của hòn đảo, Đức Mẹ Mỏ Đồng Caridad del Cobre, xin chấm dứt đau khổ và kêu cầu Chúa cứu dân Cuba.
Source:Religion News
2. Hàng loạt các tín hữu Kitô bị bắt vì bị vu cáo cưỡng bức cải đạo ở Ấn Độ
Một báo cáo của nhóm nhân quyền International Christian Concern, gọi tắt là ICC, cho biết hàng loạt các tín hữu Kitô bị bắt vì bị vu cáo cưỡng bức cải đạo ở Ấn Độ.
Trường hợp gần đây nhất được tổ chức này trích dẫn là vụ bắt giữ 9 Kitô Hữu vào ngày 18 tháng 7 với cáo buộc vi phạm luật chống cải đạo mới của bang Uttar Pradesh.
ICC cho biết họ đã ghi nhận sự gia tăng các cáo buộc cưỡng bức cải đạo ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ trong những tuần gần đây.
Báo cáo dẫn lời một trong những Kitô Hữu bị bắt, là anh Sadhu Srinivas Gautham. Anh cho biết khoảng 25 người theo chủ nghĩa Ấn Giáo cực đoan đã xông vào một buổi cầu nguyện mà anh tham dự ở thị trấn Gangapur.
Anh cho biết những người đàn ông này cáo buộc các Kitô hữu đã dụ dỗ trái phép những người Ấn Giáo chuyển sang Công Giáo.
“Họ nổi cơn thịnh nộ với tôi. Cứ như thể họ muốn giết tôi ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cảnh sát đã đến và áp giải chúng tôi đến đồn cảnh sát”.
Gautham và sáu Kitô Hữu khác đã bị đưa đến đồn cảnh sát và bị buộc tội vi phạm luật chống cải đạo.
Anh cho biết thêm các quan chức cảnh sát coi chúng tôi là những người “bị quỷ ám”. Họ nói rằng những người theo Công Giáo đã từ bỏ tôn giáo truyền thống của Ấn Độ là Ấn giáo và chấp nhận một tôn giáo ngoại lai.
“Họ nói với chúng tôi là chúng tôi nên từ bỏ đức tin Kitô của chúng tôi và trở về với Ấn giáo”, Gautham nói.
Cũng trong ngày 18 tháng 7, Dinesh Kumar, một mục sư Tin lành, đã bị bắt cùng với một Kitô Hữu khác từ nhà riêng của ông, nơi đang diễn ra buổi họp nhóm cầu nguyện.
Họ cũng bị buộc tội vi phạm luật chống cải đạo của Uttar Pradesh.
Báo cáo của ICC cho biết vào ngày 21 tháng 7, thêm ba Kitô Hữu khác đã bị bắt tại thành phố Padrauna.
Mục sư Jeyawant, vợ và anh trai của ông, là người trông coi một trại trẻ mồ côi, đã bị bắt sau khi các quan chức chính quyền tiểu bang đột kích vào trại trẻ mồ côi.
Cảnh sát đã bắt giữ ba Kitô Hữu này và đưa 24 trẻ mồ côi mà họ chăm sóc vào nơi giam giữ.
ICC cho biết số vụ bắt giữ trong tháng này đã tăng lên 30 vụ.
“Thật là bất hạnh rằng tôn giáo trở nên miếng mồi ngon cho chính trị,” Dinanath, một nhà lãnh đạo Kitô giáo từ Uttar Pradesh, nói với ICC.
“Các chính trị gia cần một vấn đề cho cuộc bầu cử sắp tới của họ và giới truyền thông cần một câu chuyện giật gân. Cả hai đều được lợi nhưng những người vô tội phải trả giá, dù đó là người Hồi giáo hay các Kitô Hữu”.
Source:Licas News
3. Tại sao tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội, thay vì tiếng Aramaic hoặc tiếng Do Thái?
Tiếng Latinh tiếp tục được bảo tồn trong phụng vụ của Giáo hội và trong nhiều tài liệu chính thức của Giáo hội, nhằm thúc đẩy sự thống nhất giữa các ngôn ngữ.
Mặc dù có vẻ như Giáo Hội Công Giáo không còn sử dụng nhiều ngôn ngữ Latinh nữa, nhưng sự thật thì phức tạp hơn nhiều.
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, số ra ngày 23 tháng 7, cho biết trên thực tế, chính Công đồng Vatican II đã thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh trong phụng vụ. Công đồng Vatican II đã không bãi bỏ tiếng Latinh
Trong tài liệu Sacrosanctum Concilium, Công đồng nói khá rõ ràng những gì phải làm với bản ngữ và tiếng Latinh.
Tiếng bản ngữ được thiết kế để sử dụng cho “các bài đọc và chỉ thị, cũng như một số lời cầu nguyện và thánh ca” (Sacrosanctum Concilium, 36).
Ý định ban đầu là thay thế nhiều phần của Thánh lễ bằng các ngôn ngữ địa phương, đồng thời bảo lưu phần còn lại bằng tiếng Latinh.
Tài liệu tương tự này thậm chí còn khuyến khích dạy mọi người hát bằng tiếng Latin!
Tuy nhiên, cần phải thực hiện các bước để các tín hữu có thể nói hoặc hát cùng nhau bằng tiếng Latinh những phần Thông thường của Thánh lễ liên quan đến họ.
Tương tự, Hướng dẫn Chung của Sách Lễ Rôma cũng lặp lại những lời này, nhưng đặt chúng trong bối cảnh duy trì sự thống nhất giữa các nhóm ngôn ngữ khác nhau.
Vì các tín hữu từ các quốc gia khác nhau đến với nhau thường xuyên hơn, nên họ phải biết hát với nhau ít nhất một số đoạn của Thánh lễ Thông thường bằng tiếng Latinh, đặc biệt là Tuyên xưng Đức tin và Kinh Lạy Cha, theo những cách sắp xếp đơn giản hơn.
Giáo hội đã sử dụng tiếng Latinh trong nhiều thế kỷ bởi vì nó được sinh ra trong Đế chế La Mã và khi đế chế đó sụp đổ, Giáo Hội vẫn giữ nó như một cách để thống nhất những người Công Giáo trên toàn thế giới.
Thậm chí, nhiều tài liệu của Giáo hội vẫn được dịch sang tiếng Latinh, và mới đây, Tòa thánh Vatican đã cho ra mắt đài phát thanh tiếng Latinh! Điều này được thực hiện để bảo tồn ngôn ngữ cổ và giúp giữ nó như một lực lượng thống nhất cho tất cả người Công Giáo.
Ngay trong chương trình này, câu đầu tiên chúng tôi nói với quý vị và anh chị em là một câu bằng tiếng Latinh.
Source:Aleteia
4. Tổng giám mục của Pelosi: Không một người Công Giáo sùng đạo nào có thể dung thứ cho việc phá thai, ‘chứ đừng nói đến chuyện buộc chính phủ phải trả tiền cho phá thai’
Hôm thứ Năm, 22 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục San Francisco đã lên tiếng trả lời Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân Chủ đơn vị California, sau khi bà trích dẫn đức tin Công Giáo của mình để bảo vệ các nỗ lực cho phép liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn.
Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, giáo phận quê hương của Pelosi, đã chỉ trích lập trường của bà về Tu chính án Hyde.
“Hãy để tôi nhắc lại: không ai có thể khẳng định mình là một tín hữu Công Giáo sùng đạo mà lại tán đồng việc giết hại mạng sống những con người vô tội, chứ đừng nói đến việc buộc chính phủ phải trả tiền cho điều đó,” ông nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.
“Quyền sống là quyền cơ bản – căn bản nhất – của con người, và người Công Giáo không thể nào lại đi chống các quyền cơ bản của con người”.
Trong phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của bà ta ở Điện Capitol Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm, Pelosi cho biết bà ta ủng hộ việc bãi bỏ tu chính án Hyde vì đây là “một vấn đề sức khỏe của nhiều phụ nữ ở Mỹ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh thu nhập thấp và ở trong các trạng huống khác nhau”.
“Và nó là cái gì đó đã là một ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người trong chúng ta trong một thời gian dài”, Pelosi nói.
Trích dẫn đức tin của mình, và lưu ý các ký giả rằng bà ta là “một người Công Giáo sùng đạo và là mẹ của 5 người trong 6 năm, tôi cảm thấy rằng Chúa đã ban phước cho chồng tôi và tôi với gia đình đẹp đẽ của chúng tôi, năm đứa con trong sáu năm gần như mỗi năm một đứa”.
Bà ta nói thêm rằng bà ta sẽ không đưa ra quyết định cho những phụ nữ khác, về gia đình của họ và về việc phá thai.
Pelosi nói rằng “tài trợ cho việc phá thai bằng Medicaid là một vấn đề về công bằng và công lý cho những phụ nữ nghèo ở đất nước chúng tôi”.
Joe Biden loại bỏ Tu chính án Hyde trong yêu cầu ngân sách của mình với Quốc hội cho năm tài chính 2022. Các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu đã thúc đẩy việc chấm dứt chính sách này trong những năm gần đây. Do nắm được cả Hành Pháp và Lập pháp, các dự luật phân bổ Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Giáo dục và Các Cơ quan Liên quan gần đây đã được Ủy ban Chuẩn chi thông qua mà không có bất kỳ sửa đổi nào.
Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300,000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.
Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.
Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60,000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.
Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói: “Sử dụng màn khói phá thai như một vấn đề sức khỏe và công bằng cho phụ nữ nghèo là hình ảnh tiêu biểu của thói đạo đức giả: còn sức khỏe của đứa bé bị giết thì sao? Còn việc cho những người phụ nữ nghèo được lựa chọn thực sự, lựa chọn giữ lại cuộc sống cho con mình thì sao? “
“Điều này mới thực sự mang lại cho họ sự công bằng và bình đẳng đối với những phụ nữ có phương tiện, những người có đủ khả năng để mang một đứa trẻ đến với thế giới. Chính những người có đức tin đang điều hành các cơ sở giúp các phụ nữ gặp khủng hoảng mới là những người duy nhất cung cấp các giải pháp thực sự cho những phụ nữ nghèo, thay cho cái giải pháp là phải giết chết đứa con trong bụng của họ”.
Ngài nói thêm: “Tôi rất tự hào về những người Công Giáo của tôi, những người đã rất nổi bật trong việc cung cấp dịch vụ quan trọng này. Đối với họ, tôi nói: anh chị em là những người đáng tự gọi mình là ‘những người Công Giáo sùng đạo’!”
Source:Catholic News Agency