Chúng ta biết rằng, ngay từ thuở nhỏ, Ða Minh đã được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình cũng như tại nhà ông cậu linh mục. Nhưng nền giáo dục đó không đương nhiên không làm cho ngài trở nên một vị thánh. Chẳng có ai lại đương nhiên là thánh và cũng chẳng có ai đương nhiên là tội lỗi cả. Cũng có biết bao người khác, có khi cả chúng ta nữa, được hấp thụ một đời sống đạo đức tứ bé, nhưng đã chẳng nên thánh được. Bầu khí đạo đức, nền giáo dục nghiêm túc … đó là lời mời gọi của Thiên Chúa; và lời mời gọi đó cần được mỗi người đáp trả lại một cách chân thành. Thiên Chúa ban cho mỗi người những nén bạc và họ cần làm lợi ra. Ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, con người đều có một sự tự do sâu xa bên trong để trả lời “vâng” hoặc lời “không” đối với tiếng Chúa mời gọi. Thánh Ða Minh đã đáp lại lời kêu mời của Thiên Chúa, ngài mở lòng ra để Thiên Chúa tràn ngập vào tận những miền sâu xa nhất trong tâm hồn, đẩy lui sự ích kỷ, làm bừng lên lòng yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người.
Thái độ sẵn sàng, thưa “vâng” với Thiên Chúa như vậy, thánh Ða Minh đã giữ suốt cả cuộc đời, để cả một cuộc đời của ngài chỉ còn là một sự can đảm đáp lại lời Thiên Chúa; cả cuộc đời đều được chìm ngập trong tình yêu thương của Thiên Chúa, nên trong mọi hoàn cảnh, thánh Ða Minh đã luôn trả lời vâng với Thiên Chúa. Bầu khí đạo đức, những lời giáo huấn … đã chẳng dừng lại nơi lớp vỏ bên ngoài, chẳng phải chỉ tạo nên một lối sống, một số thói quen, một kiểu suy nghĩ … nhưng được thánh Ða Minh chấp nhận và hội nhập vào tận cõi lòng sâu kín. Như thế, khi còn là sinh viên ở trường cao đẳng Palencia, ngài đã chẳng nại lý do này, lý do khác để giữ lại cuốn sách quí của mình; khi gặp người lạc giáo trong quán trọ, ngài đã chẳng thoái thác như điều không thuộc trách vụ của mình; khi gặp các vị đặc sứ Tòa Thánh sống xa hoa, ngài đã không bất mãn để tách ra khỏi Giáo Hội như những người lạc giáo…
Con người của thánh Ða Minh thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa, nên ngài có thể nghe và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, mọi khó khăn.
Ngoài mối nguy cơ của những trào lưu vô thần, phóng túng, còn có mọi nguy cơ khác, sâu xa và ghê gớm hơn đối với đời sống đức tin ngày nay, đó là nguy cơ sống đạo chỉ như một lối sống, một thói quen, hoặc do sự “truyền nghề” của xứ đạo, của gia đình. Mối nguy cơ này thật tai hại, vì nó mà người ta chỉ sống đạo một cách giả tạo mà lại không biết, cứ tưởng mình là người đạo đức thánh thiện hoặc “cũng không đến nỗi nào”. Chúa Giêsu đã phải nói những lời rất mạnh mẽ đối với những người biệt phái và luật sĩ để mong phá vỡ sự đạo đức ngoài vỏ của họ. Họ là những người đạo đức gương mẫu thời Chúa Giêsu.
Nhưng đạo đức gì mà lại lợi dụng danh nghĩa dâng cúng cho Thiên Chúa để từ chối nghĩa vụ hiếu thảo với cha mẹ ? Ðạo đức gì mà lại kiêu căng, hợm mình ? Ðạo đức gì mà lại muốn kết án người khác, chất gánh nặng trên vai những người yếu đuối ? Ðó thực sự chỉ là lớp vỏ đạo đức, hay như Chúa Giêsu nói, đó là những mồ mả tô vôi, trắng đẹp, mà bên trong thì thối tha.
Cả cuộc đời thánh Ða Minh chỉ có một lòng yêu mến Thiên Chúa. Cả cuộc đời ngài thấm nhuần Thiên Chúa, đúng như tên của ngài : Dominique, nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Là con cái thánh Ða Minh, chúng ta đã đón nhận Thiên Chúa tới đâu ? Chúng ta đã cảm nhận tình yêu mến Thiên Chúa tới mức nào ? Chúng ta đã thể hiện lòng yêu thương con người ra sao ?
Noi gương cha thánh, chúng ta cần đập bỏ lớp vỏ đạo đức để cho sự thánh thiện của Thiên Chúa thấm sâu vào tận trong tâm hồn.