Cha Stéphane Esclef hiện đang là cha xứ của giáo xứ thánh Gioan Tẩy giả ở Belleville, thuộc quận 19 của thành phố Paris. Nhưng trước khi trở thành Linh mục, cha đã là một đầu bếp trong gần 10 năm trời. Mãi đến năm 27 tuổi, cha mới quyết định vào chủng viện để theo đuổi ơn gọi Linh mục, phục vụ trong “nhà hàng các linh hồn”, như cha chia sẻ cách hài hước. Cha Stéphane kể về hành trình trở thành Linh mục của mình như sau:
“Tôi sinh ra trong một gia đình bình dân; cha tôi là một thợ sơn xe, còn mẹ tôi là thợ may quần áo. Cha mẹ tôi phải làm việc rất bận rộn, do đó chính bà của tôi là người đã nuôi dạy tôi. Tôi có một tuổi thơ đơn giản nhưng rất hạnh phúc. Bà tôi muốn tôi được rửa tội và cha mẹ tôi, cũng đã được rửa tội theo truyền thống Công giáo, đã không phản đối điều đó. Bà tôi không siêng năng thực hành đạo lắm nhưng bà lại có lòng bác ái; bà làm điều đó mỗi ngày khi phục vụ Giáo hội và những người khác. Tôi luôn nhìn thấy điều bà làm và nó gây ấn tượng với tôi rất nhiều. Bà tôi huấn luyện tôi, vào lúc 7 giờ, trước khi đi đến trường thì theo bà, lần lượt giúp những người nghèo. Bà tôi là một phụ nữ nhà quê, không biết đọc, không biết viết, nhưng làm việc nhà, chăm sóc cho người dân. Bà không biết làm gì nhưng lại làm hết lòng với tình yêu thương. Đời sống Kitô hữu đối với tôi chỉ như thế. Sau đó tôi đã học giáo lý và rước lễ lần đầu… Không lâu sau khi học giáo lý, rước lễ lần đầu và thêm sức, tôi đã dừng thực hành đạo vì nó không hứng thú với tôi tí nào. Tôi chỉ tiếp tục đi theo bà tôi làm việc bác ái.”
Từ khi còn nhỏ, tôi đã giúp bà tôi chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình. Tôi đã học nấu ăn với bà. Chính từ đó mà đam mê nấu ăn đến với tôi khi nhận thấy việc nấu ăn là cách để vui chơi, tụ họp và hiệp thông với nhau. Khi đọc lại cuộc sống của mình bây giờ, tôi nói rằng Chúa đã sắp đặt sẵn chương trình. Lúc 7 tuổi tôi đã biết rằng mình muốn trở thành một đầu bếp. Tôi bắt đầu làm việc từ 14 tuổi và tôi đã theo một con đường chuyên nghiệp, làm việc trong các nhà hàng nổi tiếng. Nhưng Thiên Chúa với tôi vẫn là số không. Không Thánh lễ, không lễ Giáng sinh, không Phục sinh. Đối với tôi, Giáng sinh chỉ là con gà tây mà người ta mua về, cắt cổ và nhổ lông.
Do việc học và làm việc, tôi đã xin hoãn nghĩa vụ quân sự và tôi thi hành vào năm 22 tuổi. Tôi đã tổ chức một nhà hàng cho các quân nhân: tôi không thường cầm súng trừ “súng” của nhà bếp. (Cha cười khi nói thế). Tôi đã kết bạn với một người sống không xa nhà tôi lắm. Một ngày kia, cậu Xavier này nói với tôi: “Nghe này Stephan, tôi muốn đề nghị anh đi Lộ đức. Tôi trả lời: “Không, không, nó không dành cho tôi. Nhưng bạn tôi nài nỉ, tôi tìm hiểu và biết rằng nếu tôi đi Lộ đức với quân đội, tôi sẽ được trừ 4 ngày trong quân ngũ. Tôi tự nhủ: “Tuyệt vời! Đây là động lực thiêng liêng để đi Lộ đức.” Tôi đã đi Lộ đức với động lực này và ở đó mọi thứ đã đảo lộn.
Đây là lần đầu tiên tôi đi chung với các Kitô hữu, các linh mục, và điều này làm tôi ngạc nhiên – vì tôi đã có thành kiến về Giáo Hội, về các linh mục vv – khi tôi thấy những con người bình thường, cười đùa vui vẻ và đặc biệt là họ rất chu đáo quan tâm lẫn nhau, hỗ trợ giúp đỡ người bệnh. Người ta nói với tôi: “Stephan, anh nên đi đến hang đá.” Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đi đến đó nên tôi đi sang phía bên kia bờ sông, đối diện với hang đá. Và thời gian dừng lại ở đó.
Tôi đã nhận được sự mặc khải của Đức Trinh nữ Maria. Đức Mẹ nói với lòng tôi. Mẹ không nháy mắt với tôi ở trong hang đá nhưng nói chuyện với tôi. Đức Mẹ nói: “Stephan, xắn tay áo lên và làm việc trong Giáo hội và là con của mẹ.” Sau đó, khi tôi trở về lại quân đội, tôi đã thay đổi: Tôi luôn nói về Chúa và người ta không hiểu. Tôi bắt đầu cầu nguyện lần đầu tiên trong cuộc đời và điều này âm vang trong tôi, tận trong sâu thẳm lòng tôi.
Sau 3 tháng ở Áo, tôi trở về Paris để làm việc. Và đó là lần đầu tiên tôi làm chứng về đức tin của tôi ở nơi làm việc. Đức tin của tôi quá mạnh mẽ, biến đổi tôi, người ta đặt câu hỏi với tôi và tôi đã nhìn thấy những cuộc trở lại từ chứng từ của tôi. Vào ngày Chúa nhật, vì chúng tôi không thể đi tham dự Thánh lễ, trước khi ăn khai vị, tôi tập họp các bạn lại và chúng tôi đọc kinh Lạy Cha. Và chúng tôi đã lập nên một nhóm cầu nguyện.
Vào một thời điểm rất quan trọng, tôi thưa với Chúa: “Ngài muốn con làm gì?” Và tôi đã nghỉ phép một tháng để suy nghĩ về câu hỏi “Chúa muốn điều gì cho tôi?” Tôi đã có kế hoạch mở một nhà hàng, có nhà riêng và lập gia đình. Lúc đó tôi làm 3 điều: gặp lại vị linh mục đã đồng hành với tôi trước đó ở Áo và hiện đang ở Anh quốc, thực hiện một cuộc hành hương khác đến Lộ đức và làm một cuộc tĩnh tâm.
Tất cả xảy ra ở Anh. Những người trẻ đề nghị tôi tham dự một tối cầu nguyện. Tôi ở ngoại ô Luân đôn, trước Thánh Thể. Tôi chưa bao giờ làm điều này trong đời mình. Người ta nói với tôi: “Bạn nói với Người, Người lắng nghe bạn, bạn lắng nghe Người.” Tôi đã cầu nguyện nhưng sau nửa giờ vẫn không có gì. Khi tôi quyết định dừng chầu Chúa, như ở Lộ đức, thì thời gian như ngừng lại. Lần này không phải Đức Mẹ nhưng chính Chúa Giêsu nói với tôi: “Stephane, bỏ con dao xuống, bỏ lò bếp, hãy theo Ta và trở thành Linh mục.” Tôi xin Chúa 3 dấu chỉ: 3 lần tôi sẽ mở sách Thánh kinh và tôi muốn rằng nó được rõ ràng. Đoạn thứ nhất là sách ngôn sứ Edekien 3,17: ‘Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết’. Đoạn này không thuyết phục lắm. Đoạn thứ hai: ‘Trong bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Ta.’ Ah, lời này chính xác đối với tôi. Đoạn thứ 3: ‘Xin cho ý Chúa được thể hiện.’ Lúc đó tôi thưa đồng ý. Tôi đã 27 tuổi.
Tôi đã đẩy cánh cửa của chủng viện: đó là một thế giới khác. Một thế giới mà tôi chưa từng biết. Tôi đã biết đến thế giới nấu ăn, những người đàn ông, sự mạnh mẽ, còn ở chủng viện người ta nhẹ nhàng lịch sự, rồi những bài giảng, vv. Đó không phải là phong cách của tôi! Tôi nói thẳng. Vì vậy, từ tháng thứ hai, tôi bị suy sụp và chịu hết nổi la lên: ‘Chúng tôi không hiểu gì về những từ vô nghĩa của các giáo sư!’. Tôi được gọi lên văn phòng giám đốc và người đã chọn cho tôi một giáo sư hướng dẫn, và đó là cách tôi dần dần từng bước học tập. Tôi không hề hối hận về thời chủng viện của tôi, mặc dù lúc đầu rất khó khăn. Tôi đã được thụ phong linh mục bởi Đức cha Lustiger vào năm 1996, sau này là Hồng y Lustiger.
Cha Stephane chia sẻ thêm rằng thời gian làm đầu bếp là trường đời giúp cha có những trải nghiệm thực để cha hiểu được người dân và có thể đồng hành với họ. Cha đã vào chủng viện với hành trang là kinh nghiệm của những năm làm đầu bếp. Thỉnh thoảng cha cũng dùng các bữa ăn để tạo nên tình huynh đệ, xây dựng tình hiêp thông. Đối với cha, đầu bếp và Linh mục đều là những người cho đi, không quan tâm đến lợi ích bản thân và chỉ khi phục vụ thì mới có thể xuất sắc trong công việc của mình. Cha Stephane không hối tiếc đã bỏ nghề đầu bếp. Cha nói cách hài hước rằng cha đã ở trong nhà hàng của thân xác, giờ đây cha chuyển sang nhà hàng các linh hồn. (Aleteia 22/01/2018)
Hồng Thủy