Chúa ơi, con sai rồi !!!

Chị Mai cầm cây chổi lông gà, cẩn thận phủi bụi từng tấm bằng ân nhân treo trên tường. Ở họ đạo, chị nổi tiếng bởi lòng rộng rãi, bất kể Giáo xứ nào cần tu sửa Nhà Thờ hoặc những ai nghèo khổ cần sự trợ giúp, chị sẵn sàng giúp đỡ. Mỗi khi được người khác khen mình có lòng bác ái, chị chỉ mỉm cười và không nói gì, nhưng  trong lòng có chút tự hào vì mình đã làm được nhiều việc tốt.

Chuyện không có gì để nói nếu như một ngày Chúa không tỏ lộ cho chị biết là chị không “tốt” như mình tưởng. Chẳng là hôm đó, mọi thành phần dân xứ hân hoan đón chào Đức Cha về cử hành Thánh lễ tạ ơn mừng 60 năm thành lập Giáo xứ, ai cũng mặc những trang phục thật đẹp đi tham dự sự kiện trọng đại này, đặc biệt là các hội đoàn. Do số lượng ghế trong Nhà Thờ có hạn, nên một số người phải ngồi ở ngoài Thánh đường, chị đi sớm nên chọn được vị trí ngay đầu ghế. Hôm đó chị tham dự Thánh lễ cách sốt sắng để cầu nguyện xin Chúa tỏ lòng thương xót đến các Giáo xứ và tất cả những ai đang nghèo khổ, bệnh tật…

Trên đường ra về, một người bạn chí cốt từ phía sau tiến lên bắt chuyện:

– Hôm nay lễ đông quá, em đi trễ nên hết chỗ, phải ngồi ở ngoài, nhanh tay lắm mới lấy được cái ghế. Một chồng ghế cao ông trùm vừa bê ra mọi người xúm lại, tranh nhau lấy.

Như đồng tình với ý kiến của bạn mình, chị Mai tán thành:

– Ừ, lễ đông nên các hàng ghế ngồi chật kín, mình phải đến sớm chọn ngay đầu ghế chỗ có quạt mát, ai đến sau cứ bước vào trong chứ mình không nhường vị trí đấy. Thời tiết nóng bức thế này, ngồi chỗ không có quạt sao chịu được.

– Vâng, trời nóng thật, mọi người tranh nhau uống nước, em phải chen vào lấy một ly trong giờ giải lao không thì hết chị ạ. Người bạn phụ họa thêm.

Hai chị em đang nói chuyện rôm rả, bỗng thấy một tà áo dài màu xanh nước biển lướt qua, không ai bảo ai, cả hai quay nhìn nhau cười. Chị Mai vội cất lời:” Cái hội đoàn này, may đồng phục gì mà quê mùa, thua xa đồng phục của ca đoàn mình”. Chị nói nhỏ vào tai bạn mình như sợ người khác nghe thấy.

Vô tình khi ngoái lại phía sau,  thấy một cụ già dáng đi khó nhọc, mồ hôi nhễ nhại, chị Mai tươi cười chào hỏi: “Cụ ơi, cụ đi lễ về hả? cụ đau chân hay sao mà đi khập khiễng thế kia ?”.

Bà cụ dừng lại, vừa thở gấp vừa trả lời:” Tôi vốn đau khớp, mọi khi có con chở đi lễ, nhưng hôm nay nó bận không chở đi được nên tôi phải đi bộ, đến Nhà Thờ thì hết chỗ, đi ra ngoài thì chậm chân nên chẳng có ghế ngồi. May thay có người tốt bụng nhường ghế cho, nếu không chắc tôi không tham dự được đến hết Thánh lễ đâu cô ạ”.

Nụ cười trên môi chị Mai vụt tắt vội chào bà cụ, chia tay bạn rồi bước nhanh về nhà, một cảm giác xấu hổ xâm chiếm cõi lòng. Lâu nay chị cứ ngỡ mình đã sống bác ái rất tốt, nhưng nó chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất mà thôi. Nếu khi đi lễ, chị biết hy sinh ngồi lui vào trong để người khác đến sau bước vào thuận tiện hơn, biết chịu chút nóng nực mà nhường chỗ mát cho người bên cạnh. Nếu người bạn biết nghĩ đến tha nhân thì đã không chen lấn, xô đẩy để dành ly nước, cái ghế khi đến chốn đông người. Nếu trong mọi suy nghĩ, hành động của chị biết lấy bác ái làm trung tâm thì đã không chê bai, dè bỉu người khác…

Ngước mắt nhìn lên Thánh Giá, biểu tượng của lòng thương xót, chưa bao giờ chị thấy Chúa buồn như vậy. Có lẽ Ngài đau khổ vì chứng kiến hành động của người vốn mang danh là “bác ái” mà lại thiếu lòng quảng đại đối với anh chị em mình. Phải chăng Chúa mượn hình ảnh cụ già kia để cảnh tỉnh chị, để nhắc chị rằng bác ái không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài, mà nó bao gồm cả sự nhường nhịn, biết hy sinh vì người khác bằng những việc tưởng chừng nhỏ nhặt diễn ra hàng ngày như biết tôn trọng những khiếm khuyết của tha nhân, thực hiện nếp sống văn minh khi xếp hàng chờ đến lượt mình, có mặt sớm để chia sẻ công việc chung với anh chị em thay vì chờ mọi người làm xong mới đến. Đặc biệt, tránh thói a dua, tụm năm tụm ba nói hành nói xấu người khác, đó là một hình thức “giết người không dao” mà nhiều khi chị lại xem nhẹ như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Càng nghĩ chị lại càng thấy ân hận, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Trên Thánh giá, đôi tay Chúa giang rộng như để tha thứ và ôm chị vào lòng mà an ủi, vỗ về. Cảm nhận được lòng thương xót của Người, chị thành tâm cất tiếng: “Chúa ơi con sai rồi, xin Ngài tha thứ cho con và xin biến đổi tâm hồn con, để mỗi lời nói và hành động của con đều thể hiện tình yêu vô biên của Chúa”.

Ngay sau đó, chị gỡ những tấm bằng ân nhân xuống rồi cất đi để thực thi lời Chúa dạy: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3 )và trên hết là” Chúa phải lớn lên còn tôi thì phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

 

Một thành viên gt/hđ Gx Kẻ Sặt.

https://youtu.be/prV53_1aCDk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *