https://youtu.be/S697hOqqVm0
Sáng Chúa nhật 23-09, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Lituani, ĐTC Phanxicô đã dâng Thánh lễ trước sự hiện diện của khoảng 100 ngàn tín hữu đến từ các miền của Lituani.
Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng, ngoài các GM thuộc 7 giáo phận ở Lituani, còn có nhiều GM từ các nước lân cận, như Ba Lan, Bạch Nga và Nga, đặc biệt là Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, thủ lãnh của 4 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương. Hơn 500 linh mục đồng tế trong phẩm phục màu xanh lá cây ngồi ở khu vực trước lễ đài đơn sơ. Bà tổng thống Dalia Grybaauskaite và một số quan chức trong chính phủ cũng hiện diện tại buổi lễ. Phần thánh ca do một ca đoàn hùng hậu gần 600 ca viên trong đồng phục màu trắng đảm trách.
Bài giảng
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã đặc biệt quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Marco (9,30-37) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ: ”Ai muốn trở thành người làm đầu, thì phải phục vụ mọi người”. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy trở thành người rốt cùng và phục vụ tất cả mọi người. Ngài nhận xét rằng trong Tin Mừng theo thánh Marco, 3 lần Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Ngài nhưng các môn đệ không muốn Chúa nói với họ về những đau khổ và thập giá. Họ không muốn biết gì về những thử thách và lo âu. Và thánh Marco ghi lại sự kiện: trên đường trở về nhà, các môn đệ đã tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất.
Tranh dành quyền lực không phải là thái độ phục vụ
Từ những sự kiện trên đây, ám chỉ tới lịch sử đau thương của Lituani và thực trạng ngày nay, ĐTC nói:
”Anh chị em thân mến, ước muốn quyền lực và vinh danh là cách hành xử thông thường nhất của những người không chữa lành được ký ức của họ về lịch sử, có lẽ vì thế, họ cũng chẳng chấp nhận dấn thân trong công việc hiện tại. Vì thế, họ tranh luận với nhau xem ai là người xuất sắc nhất, ai là người thanh sạch nhất trong quá khứ, ai là người có quyền được hưởng nhiều đặc ân hơn so với người khác. Và thế là chúng ta phủ nhận lịch sử của chúng ta, sở dĩ lịch sử này vinh quang, ví đó là lịch sử của những hy sinh, hy vọng, chiến đấu hằng ngày, lịch sử một cuộc sống tiêu hao trong phục vụ, kiên trì trong những công việc vất vả (Evangelii gaudium, 96). Thái độ tranh biện về quyền lực và vinh quang như vậy là thái độ vô ích, khiến cho ta từ khước không can dự vào việc xây dựng hiện tại, không còn tiếp xúc với thực tại đau khổ của dân tộc trung thành của chúng ta.”
Đặt những người bé nhỏ, bất hạnh, thất nghiệp, người già, vv. ở trung tâm sự phục vụ của Giáo hội
Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của các môn đệ, nên Ngài đề nghị một thuốc giải cho cuộc tranh giành quyền lực và sự từ khước hy sinh của họ; và – để mang lại tính chất long trọng cho điều Ngài sắp nói, Chúa ngồi xuống như một tôn sư, và ngài đặt một trẻ em ở giữa các môn đệ để mọi người có thể thấy… ĐTC đặt câu hỏi:
”Chúa sẽ đặt ai ở giữa nơi này trong thánh lễ chúa nhật sáng nay? Ai sẽ là những người bé nhỏ nhất, nghèo nhất giữa chúng ta, mà chúng ta phải tiếp đón nhân kỷ niệm 100 năm độc lập của chúng ta? Ai là người không có gì để đáp trả lại chúng ta, để làm cho những cố gắng và từ bỏ của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy mãn nguyện? Có lẽ họ là những sắc dân thiểu số trong thành thị của chúng ta, hoặc những người thất nghiệp buộc lòng phải xuất cư? Có lẽ đó là những già cô đơn, hoặc những người trẻ không tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc đời vì họ đã bị mất gốc?
Giáo hội xả thân, “đi ra ngoài”, chờ đợi và đón nhận mọi người
ĐTC dùng hình ảnh hai con sông ở Lituani để đề cao sự quên mình: tại thành Vilnius, sông Vilnia cung cấp nước cho thành này và bị mất tên so với sông Neris, còn tại thành Kaunas này, sông Neris bị mất tên khi dồn nước cho sông Nemunas. Hình ảnh này có nghĩa đó là một Giáo Hội ”đi ra ngoài”, không sợ ra ngoài và xả thân, kể cả khi có vẻ là chúng ta bị tan loãng, bị mất hút sau những người bé nhỏ, những người bị lãng quên, những người sống ở những khu ngoài lề của cuộc sống. Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là biết rằng sự đi ra ngoài như thế bao hàm một sự dừng lại trong một số trường hợp, bỏ qua một bên những lo lắng và những điều cấp thiết, biết nhìn tận mắt, lắng nghe và đồng hành với những người ở bên vệ đường. Nhiều khi cần cư xử như người cha của đứa con hoang đàng, đứng ở cửa ngóng chờ người con trở về, để mở cửa ngay cho con khi nó về tới (ibd.46)
Cuối thánh lễ, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin với mọi người.
ĐTC Phanxicô: cắm những thánh giá phục vụ, và tận tụy
Trưa Chúa nhật 23-09, vào cuối thánh lễ cử hành tại Kaunas, ĐTC Phanxicô đã đọc kinh Truyền Tin với mọi người. Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ĐTC nhắc đến biến cố bách hại người Do thái tại Lituani:
Phân định để khám phá kịp thời những mầm mống mới của thái độ thâm hiểm
Cách đây 75 năm, quốc gia này đã chứng kiến sự tàn phá chung kết Ghetto Do thái ở Vilnius; đó là tột đỉnh sự tiêu diệt hàng ngàn người Do thái, bắt đầu từ 2 năm trước đó. Như chúng ta đã đọc trong sách Khôn Ngoan, dân Do thái đã bị lăng mạ và hành hạ. Chúng ta hãy nhớ lại thời kỳ ấy, và cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn phân định để khám phá kịp thời những mầm mống mới của thái độ thâm hiểm, dưới bất kỳ sắc thái nào, làm tê liệt tâm hồn của những thế hệ trẻ, khiến họ không cảm nghiệm những nguy hiểm và có thể chiều theo những luận điệu thu hút.
Thay thập giá gánh nặng bằng thánh giá quan tâm, phục vụ
ĐTC cũng nhắc đến Đồi Thánh Giá ở Lituani, nơi hàng ngàn người đã mang thánh giá đến cắm tại đó. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em, trong khi đọc kinh Truyền Tin, hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta cắm những thánh giá phục vụ, và tận tụy tại những nơi đang cần chúng ta, trồng những thánh giá trên ngọn đồi nơi có những người rốt cùng cư ngụ, nơi đang cần có sự quan tâm tế nhị đối với những người bị gạt ra ngoài lề, những người thiểu số, để đẩy xa khỏi những môi trường và văn hóa của chúng ta những nguy cơ tiêu diệt người khác, loại họ ra ngoài, nguy cơ tiếp tục gạt bỏ những người làm phiền và gây xáo tron cho cuộc sống thoải mái của chúng ta”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúa Giêsu đã đặt một trẻ nhỏ ở trung tâm, Ngài đặt em bé ở khoảng cách đồng đều với mọi người, để tất cả cảm thấy bị kích thích phải đưa ra một câu trả lời. Khi nhớ đến lời thưa xin vâng của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin Mẹ làm cho lời thưa xin vâng của chúng ta cũng được quảng đại và phong phú như lời của Mẹ.”
Giuse Trần Đức Anh – Vatican