Khiếm khuyết phi thể xác (23.09.2017 – Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên năm A)  

Lời Chúa: Lc 8,4-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

4 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng :

5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng : “Ai có tai nghe thì nghe.”

9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp : “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

 

Thiên Chúa đã ban cho mỗi người các giác quan để cảm nhận cuộc sống: “thị giác” để nhìn, “thính giác” để nghe, “khứu giác” để ngửi, “vị giác” để nếm và “xúc giác” để tiếp xúc với vạn vật. Thế nhưng, không phải ai cũng có đầy đủ tất cả các giác quan ấy, có người bị khiếm khuyết về mắt, có người mắc bệnh ở tai, hay cũng có người chẳng thể nói được… Những người ấy bị mất đi khả năng cả nhận bằng giác quan nào đó là do cơ thể bị khiếm khuyết từ khi mới sinh hoặc do tai nạn. Tuy nhiên, vẫn có những người có đầy đủ giác quan nhưng lại như những người khiếm khuyết, họ có mắt nhưng chẳng chịu mở ra để nhìn, có tai nhưng chẳng muốn nghe, có miệng lại chẳng buồn nói… Đó là sự khiếm khuyết về nhân cách và tâm hồn – khiếm khuyết phi thể xác.

Xã hội ngày nay chứa đầy sự gian xảo, bịp bợm, đầy rẫy bất công. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng can đảm lên tiếng chống lại sự bất công đó. Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi – đã từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Quả đúng như thế, xã hội luôn tồn tại hai loại người: tốt và xấu. Đôi khi, những hành động của kẻ xấu gây ra biết bao đau khổ cho người khác lại chẳng đáng sợ bằng sự im lặng của những người tốt (hoặc tự cho mình là người tốt). Họ có miệng, có lưỡi nhưng lại như những người câm, họ trố mắt nhìn người khác bị áp bức, bất công nhưng chẳng thèm lên tiếng vì lí do hết sức đơn giản: không liên quan đến mình.

Nói như thế cũng có phần quá đáng, vì đôi khi, những người hiểu biết thời cuộc, nhận thức được mình đang bị áp bức mà lên tiếng đòi công bằng, lại là những kẻ bị bắt bớ, đàn áp trước tiên. Sống trong một xã hội mà quyền lực tập trung vào tay bọn cường quyền xấu xa, hung ác thì những người tốt cũng phải e dè, ngao ngán vì biết đâu được, chẳng những không giữ nổi mạng mình mà còn liên lụy đến thân nhân.

Vì thế, họ sợ.

Họ sợ bất công xảy đến với mình nhưng vô tình để chúng ngày càng lớn dần, “được đằng chân, lân đằng đầu” khi họ im lặng. Họ muốn bình yên, nhưng lại chẳng ngờ rằng, nếu cái xấu không bị triệt tiêu, hoặc chí ít là bị ngăn chặn, thì sự bình yên của họ “chỉ là sự bình yên trong nhà xác hay nghĩa địa”. Quả thật, đó không phải sự bình yên của kẻ sống.

Bên cạnh đó, có những người có mắt nhưng lại chẳng muốn nhìn. Họ làm ngơ trước những đau thương, mất mát của anh em mình. Chẳng những mắt họ nhắm nghiền mà ngay cả tim họ cũng chai đá, không muôn nhìn thấy sự đau khổ của tha nhân chỉ để tìm thấy sự an lòng giả tạo. Tuy họ không bị khiếm khuyết về mắt nhưng hành động và thái độ của họ không chứng minh được điều đó.

Cũng có những người có tai nhưng lại chẳng thèm nghe. Họ làm ngơ trước những lời cầu khẩn của kẻ khốn cùng, hay chẳng muốn nghe những lời góp ý chân thành từ những người đồng bạn. Thế nhưng, cũng có đôi khi, họ cố lắng nghe nhưng lại chẳng thể nào hiểu được. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài việc nhắc nhở chúng ta phải biết đem Lời Chúa ra thực hành, Chúa Giêsu còn lí giải việc Người dùng dụ ngôn để giảng dạy: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu”. Người hiểu rõ sự yếu đuối của chúng ta; Người biết rằng dẫu cố lắng nghe cách mấy, chúng ta vẫn không thể hiểu Lời Người. Thế nên, Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh vô cùng gần gũi, để chúng ta có thể định hình được những gì Người phán truyền. Người muốn chúng ta hiểu được những chuyện nhỏ trong dụ ngôn, để từ đó hiểu ra những vấn đề to lớn trong các bài học Người giảng dạy. Người không muốn trí khôn hạn hẹp trở thành cớ khiến chúng ta vấp phạm mà nghi ngờ Lời Người.

 Trong xã hội hiện nay, con người ngày càng ưa chuộng chủ nghĩa “Tam không”: không thấy, không nghe, không nói. Tư tưởng này khiến những con người bình thường trở thành kẻ khiếm khuyết, có mắt chẳng muốn nhìn, có tai chẳng chịu nghe, có miệng chẳng thèm nói. Áp bức, bất công đang tràn lan trong xã hội; mỗi khi làm ngơ trước điều đó là mỗi lần chúng ta tự làm khiếm khuyết tâm hồn và nhân cách của chính mình. Nếu những việc của người bình thường mà chúng ta còn chưa dám làm, thì là sao ta có thể thi hành ý muốn của Thiên Chúa – những việc làm phi thường. Mỗi người chúng ta hãy tự đánh giá lại bản thân, liệu chúng ta đã sống đúng với lương tâm của mình chưa? Hay ta đang dần trở nên những kẻ khiếm khuyết phi thể xác? Hãy thức tỉnh và thực hiện những gì lương tâm mách bảo, đừng tìm cho mình sự bình an giả tạo của sự chết, mà hãy tìm bình an đích thực nơi Thiên Chúa là sự sống.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những kẻ yếu đuối, Ngài biết rõ chính sự “ảo tưởng sức mạnh” đã khiến chúng con không thể hiểu và nghi ngờ Lời Ngài. Xin Chúa ban cho chúng con ơn thông hiểu, để có thể nhận ra ý muốn của Ngài, từ đó đưa chúng vào cuộc sống hằng ngày. Xã hội nơi chúng con sống đang dần bị khiếm khuyết về nhân cách và tâm hồn, xin Ngài hãy cho chúng con biết can đảm chống lại sự dối trá, bất công đang diễn ra hằng ngày trên đất nước chúng con, ngõ hầu có thể xứng đáng với danh xưng “Kitô hữu”. Amen.

           

Petrus Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *