Kiến Trúc Thánh Đường Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông

1. Ngoại thất

Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông được xây dựng theo phong cách Á Đông và mang đậm nét văn hóa Việt. Nó vừa mang dáng dấp của một ngôi đình của làng xã Việt Nam : hình vuông, mái cong; vừa xây theo lối kiến trúc hiện đại : bê tông cốt sắt, tường gạch ốp đá. Nhà Chúa vì thế trở nên nguy nga, tráng lệ, nhưng lại rất thanh thoát, nhẹ nhàng.

Bình diện vuông, theo tư duy Việt cổ, họ quan niệm trái đất vuông, được bốn phương neo giữ. Đặc tính này được tác giả khai thác triệt để khi thiết kế Thánh đường. Do đó, Thánh đường hiện diện trong vị thế hòa điệu tự nhiên với khu biệt kính các Thánh và các quảng trường… tạo nên một cảnh quan tổng thể có cả chiều cao lẫn bề rộng vừa thiêng liêng vừa ấm cúng.

a. Cổng tam quan

Cổng Tam quan khiến chúng ta liên tưởng đến ngôi đình làng Việt Nam, một cấu trúc đặc biệt trong một quần thể kiến trúc Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung. Cổng Tam quan thường được xây dựng phía trước các đình, làng, làm cổng đình, cổng làng. Có ba lối đi, một cổng lớn ở chính giữa và hai cổng nhỏ hai bên.

Nói tới cổng là nói tới một lối dẫn vào, một lối đi. Nhưng cổng Tam quan đã trở nên ý nghĩa đặc biệt cho người dân Việt, vì nó là lối dẫn về nguồn, là đường đi vào những nơi sinh hoạt tập thể, dấu chỉ của sự đoàn kết, gắn bó của người dân Việt.

Tùy theo từng loại kiến trúc mà người ta đã thay đổi, cách tân nó cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của công trình. Mô hình Cổng Tam quan của Thánh đường Đa Minh- Ba Chuông được thiết kế nhằm tạo nên sự thân thiện, và gần gũi với tâm thức của người Việt, nhưng không sao chép theo một mẫu kiến trúc cổ nào. Nó cũng mang ý nghĩa “phân cách không gian, làm đẹp công trình như là một tiền đường, một khoảng lặng tạo cảm giác thong dong thư thái và an nhàn, một dấu nghỉ, một bầu khí lặng thầm trang nghiêm trước khi vào chầu lễ với cộng đoàn”.

Đặc biệt, ngoài việc thể hiện nét văn hóa bản địa, Cổng Tam quan trong kiến trúc nhà thờ còn mang ý nghĩa tôn giáo, tượng trưng cho ba nhân đức căn bản của đạo Công giáo : đức tin, đức cậy, đức mến, tạo nên sự thánh thiện, thanh cao của công trình nhà Chúa.

b. Tháp chuông

Tháp chuông là thành tố không thể thiếu được trong kiến trúc một ngôi nhà thờ Công giáo. Tháp chuông có thể gắn liền với nhà thờ hoặc được xây dựng tách biệt tùy theo ý tưởng và cách thiết kế của mỗi ngôi nhà thờ. Tháp chuông càng cao thì tiếng chuông càng vang xa, nhằm kêu gọi mọi người con Chúa khắp nơi trong xứ đến hiệp thông các lễ nghi phụng tự. Ngoài ra, chuông và tháp chuông còn mang ý nghĩa “tượng trưng cho Núi Thánh để vang âm Lời Chúa”. Trên đỉnh tháp chuông là Thánh giá “một biểu tượng bất biến về ơn Cứu Độ”. Đặc biệt ở Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông, là phải có đủ ba quả chuông đồng : “một dấu ấn mang tính lịch sử đã trở thành biệt danh của nhà thờ”.

Tháp chuông hình trụ vuông gồm ba tầng mái với kiểu dáng mái cong truyền thống, được cách điệu và hiện đại hóa. Mỗi góc mái là một đầu đao hình đầu rồng quy hướng về Thánh giá, vừa thể hiện sự hội nhập văn hóa trong kiến trúc nhà thờ, vừa chuyển tải được ý nghĩa về mặt tôn giáo “Đức Kitô Trung Tâm”.

c. Mái cong:

Dân Việt mình sống trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình có nhiều đồng bằng với hệ thống sông ngòi dày đặc. Hình ảnh sông nước và con thuyền rất gần gũi với cuộc sống của người dân. Tâm thức đó đã được thể hiện trong quá trình sống, qua các công trình tác phẩm của dân tộc. Từ đó cho thấy hình ảnh ngôi nhà, mái đình chính là phản ảnh sự thích nghi của con người trước môi trường tự nhiên.

Hình ảnh nhà mái cong hình con thuyền trên các trống đồng Đông Sơn cho thấy nhà mái cong đã có từ lâu đời và đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong kiến trúc người Việt. Nét uốn cong vút tại mỗi góc tạo thành những“tàu đao” của mái nhà Việt Nam, làm cho các tầng mái kiến trúc dù thấp và nặng nề, được vươn cao, thanh thoát, nhẹ nhàng, cân đối và hài hòa.

Ngoài tính mỹ thuật trang trí và công dụng che mưa nắng của khí hậu miền nhiệt đới, mái cong còn chuyển tải một triết lý sống uyển chuyển, linh động “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” và một tâm hồn mở rộng (tứ hải giai huynh đệ); một khát vọng hướng thượng, giải thoát, sự giao hòa giữa trời cao và đất thấp, giữa con người với thần linh.

d. Tàu đao – linh vật :

Tàu đao được tạo thành do “hai mái bên gặp nhau tạo thành đường bờ giải gẫy khúc, lượn cong nhè nhẹ. Đường diềm giọt nước ở phía dưới uốn cong tinh tế từ điểm giữa rồi lượn vênh lên, từ hai mái ở hai phía kéo ra góc gặp nhau chuyển hướng hất lên đột ngột, còn cuộn lại, có khi tạo thành cái đầu rồng duyên dáng, được xem như “đóa hoa đao đình”.

Đầu đao có thể là hình đầu rồng, đầu chim phụng, chim câu hoặc các hoa văn nhằm tạo tính chất linh liêng cho các công trình kiến trúc. Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông chọn hình đầu Rồng, vốn là một linh vật trong tứ linh. Trong văn hoá Việt Nam, Rồng vốn là một linh vật mang đầy ý nghĩa : Trời đất có rồng để mưa thuận gió hoà ; Đình miếu có rồng để cộng đồng làng xã ấm no ; Minh quân có rồng để quốc thái dân an. Rồng xuất hiện như một điềm lành, đem lại những điều may mắn và tốt đẹp.

Rồng nơi góc mái trang trí của Thánh Đường nhắc nhớ mọi người nhớ về thuỷ tổ của dân Việt, nhớ mình là “con rồng cháu tiên”. Hơn thế nữa tàu đao đầu rồng với dáng dấp rồng bay ngoài ý nghĩa nhắc nhớ cội nguồn, còn khơi gợi con đường con đường giải thoát, và diễn tả ý muốn vươn lên cao hơn, hướng thượng và những khát khao nội tâm trong tâm thức của mỗi người tín hữu khi đến cầu kinh, dâng lễ.

Đặc biệt, nơi Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông có các tàu đao đầu rồng đều hướng về tâm điểm là Thánh giá. Thay vì “long chầu nguyệt”, những con rồng ở đây chầu Thánh giá, thể hiện ý hướng tôn thờ biểu tượng của ơn cứu độ.

e. Con nghê:

Con nghê là một trong hai linh vật đặc thù của văn hóa Việt Nam, nhưng lại rất ít được biết đến và người ta cũng không biết rõ xuất xứ ngọn nguồn của nó. Chỉ biết rằng trong kiến trúc đền đài, lăng tẩm, người Việt mình thường chạm khắc những cặp nghê đá, đặt hai bên tam cấp, như là để bảo vệ, hộ phù.

Trong ý nghĩa trên, tượng nghe được đặt trước bốn phía tiền đường Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông ngang hàng với rồng chầu. Vừa gợi lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa làm cho ngôi nhà thờ tăng thêm vẻ uy nghiêm, thiêng thánh.

“Nắng mưa dầu giãi canh thâu,
Hai con nghê đá nằm chầu thiên thu”.

 f. Thiên nhiên và ngoại cảnh:

Thiên nhiên, ngoại cảnh là yếu tố căn bản trong kiến trúc Việt Nam. Cái triết lý “vạn vật nhất thể” bàng bạc khắp nơi. Qua thiên nhiên và nhờ thiên nhiên, con người cảm thấy gần gũi, nhẹ nhàng, một bước rất gần tới Chân, Thiện, My.

Xung quanh ngôi Thánh đường nguy nga tráng lệ là các quảng trường Thánh Martinô, quảng trường Đức Mẹ La Vang, quảng trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được trang hoàng bằng những nhân tố văn hóa rất Việt: những cây đèn đá, bờ tre, khóm trúc, cây kiểng, hòn non bộ, hồ cá… tạo nên không gian thờ phượng rất thiên nhiên và cũng rất gần gũi với đời sống của người dân. Những bài trí đó vừa mang nét đẹp của văn hóa Việt, vừa góp phần làm cho ngôi Thánh đường đồ sộ hòa mình với cảnh quan tự nhiên của đất trời, cỏ cây mây nước.

2. Nội thất:

Bước vào trong Thánh đường, ta sẽ thấy rõ chủ ý của tác giả khi thiết kế ngôi Thánh đường này: đưa bản sắc dân tộc vào trong kiến trúc, nghệ thuật thánh. Điều này thể hiện qua việc thiết kế gian cung thánh và các bài trí bên trong lòng của nhà thờ. Một trong những nét văn hóa tiêu biểu đậm nét trong nội thất ngôi Thánh đường chính là biểu tượng Vuông – Tròn : lòng nhà thờ vuông gian cung thánh tròn, chóp đỉnh vuông – tròn, bàn thờ mặt tròn – chân vuông, Nhà Tạm vuông – tròn, .v.v.

Ý nghĩa biểu tượng “Vuông – Tròn” trong văn hóa Việt

Ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe câu thành ngữ “Mẹ tròn con vuông”. Mới nghe qua chúng ta thấy có vẻ khá vô lý và đối nghịch nhau, nhưng thành ngữ hàm chứa một ý nghĩa hết sức tốt đẹp, nhằm diễn tả cả hai mẹ con đều khỏe mạnh sau giờ phút mãn nguyệt khai hoa; tức là nói đến một kết quả tốt đẹp đúng như người ta trông đợi. Trong văn hóa Việt nam, hai hình thể “vuông – tròn” trong nhiều trường hợp đi đôi, gắn liền với nhau biểu thị cho một sự kết hợp thuận lẽ trời, và đem đến một kết quả tốt lành, ý nghĩa ấy ta bắt gặp trong sự tích “bánh dày bành chưng” đời vua Hùng.

Nói một cách triết lý, Vuông Tròn chính là khái niệm về Trời Đất, về Càn Khôn, về Âm Dương. Trong kiến trúc Đông phương, hầu hết các đường nét bao giờ cũng là những đường nét pha trộn giữa Âm và Dương. Bên cạnh những đường thẳng cần thiết phải có, người ta không quên đưa những đường cong, những vòng tròn vào, để tạo nên một tổng thể hài hòa giữa Âm và Dương. Cái mái ngói cong cong, cái cửa sổ tròn tròn.

Từ khái niệm vuông tròn biểu trưng của Trời Đất, đến khái niệm vuông tròn của Âm Dương: tròn tượng trưng cho Âm tính, vuông tiêu biểu cho Dương tính. Sự kết hợp hài hòa giữa Âm – Dương bao giờ cũng được xem là một kết hợp thuận tự nhiên. Một kết hợp như thế luôn luôn mang lại kết quả tốt đẹp.

Nhìn chung, Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông với bình đồ hình chữ Quốc. Hình vuông làm nền như khung hình Tế Đàn Nam Giao : tượng trưng cho Đất; khung mái bên trên hình tròn tượng trưng cho Trời. Các góc mái nhà thờ cong vút được trang trí rồng bay tượng trưng con đường giải thoát, hướng thượng.

a. Cung thánh

Cung Thánh Thánh đường Đa Minh Ba Chuông được thiết kế hình tròn theo hướng mở, tạo không gian rộng thoáng về bốn hướng, đúng với tinh thần “cánh cửa rộng mở canh tân”. Bàn thánh là tâm điểm quy tụ mọi thành phần dân Chúa cùng hiệp dâng lễ tế trong Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô. Tất cả nhằm diễn tả ý nghĩa Giáo Hôi muốn mở rộng vòng tay mời đón mọi người. Không có sự cách biệt giữa bàn thờ, cung thánh với không gian nhà thờ, giữa chủ tế và cộng đoàn, thể hiện sự gần gũi, tinh thần hiệp thông và chia sẻ bàn tiệc của Thiên Chúa mời gọi và thiết đãi trong tình thân ái.

b. Bàn thờ

Bàn thờ được làm bằng một loại gỗ quý, trên mặt đá cẩm thạch. Chất liệu gỗ, đá là những vật liệu mang tính truyền thống trong kiến trúc xây dựng bền vững của người Việt Nam. Khác với các bàn thờ phương Tây (hình chữ nhật), bàn thờ ở đây hình tròn trên chân đế hình vuông, đặt giữa lòng cung thánh tròn, trên nền vuông với các vòng tròn tam cấp. Tuy hình dáng giữa hai cấu trúc bàn thờ Tây và Ta có khác nhau, nhưng không có sự khác nhau về ý nghĩa, thậm chí bàn thờ ta (hình tròn) còn thể hiện ý nghĩa rõ nét hơn.

Bàn thờ trong nhà thờ Công giáo tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Kitô. Theo sắc thái văn hóa Á Đông, bàn thờ hình tròn tượng trưng cho Trời, chân đế hình vuông tượng trưng cho đất. Do đó, trong Đức Kitô, Trời – Đất được nối kết chặt chẽ với nhau: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

c. Nhà tạm

Nhà Tạm tuy nhỏ bé, nhưng là nơi rất thiêng liêng trong tâm thức mọi người tín hữu Công giáo vì là nơi cất giữ và tôn thờ Thánh Thể Chúa Kitô. Để thể hiện tinh thần hội nhập văn hóa trong đạo Công giáo, nhiều nhà thờ đã làm Nhà Tạm theo mô hình của một ngôi đình làng thu nhỏ, biểu tượng văn hóa của quê hương Việt Nam. Ở đây còn hơn thế nữa, Nhà Tạm của Thánh đường Ba Chuông lại là nơi hội tụ của nhiều đặc nét văn hóa bản địa.

Nhà Tạm hình vuông được bao quanh bởi một mặt kiếng hình tròn. Hai cánh cửa Nhà Tạm trạm nổi hai con rồng chầu Thánh giá. Xung quanh Nhà Tạm là hình bát quái được cách tân : Càn – Trời ; Khôn – Đất; Ly – Lửa; Khảm – Nước.

Những họa tiết giản lược và cách điệu trên nhằm diễn tả ý nghĩa : Đức Kitô vừa là chủ tể của vũ trụ thiên hình vạn trạng, vừa là chủ tể của mọi nền văn hóa, là mạch nguồn của khởi nguyên và cùng tận.


Tòa Đức Mẹ Mân Côi

Tòa Thánh Giuse

 d. Phù điêu

Được trưng bày ở tiền sảnh ngôi nhà thờ, các bức phù điêu làm nổi bật sự liên kết giữa tinh thần Kitô giáo và truyền thống văn hóa dân tộc.

Bên trái là phù điêu Đức Mẹ Mân Côi có khoảng không gian nền với hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, nguồn nước tượng trưng cho lòng Mẹ bao la. Tất cả những biểu tượng này đều mang tâm thức Việt.

Bên phải là bức phù điêu Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong bối cảnh nền là không gian thuần Việt : ngọn núi, ngôi nhà, bàn mộc – biểu lộ tinh thần vững chãi của người cha lao động; sự công chính và sự cương trực được thể hiện qua hình ảnh khóm tre (trúc), một biểu tượng “tiết trực tâm hư” theo tinh thần Á đông.

 e. Hội họa

Ba bộ tranh gốm bao bọc ba mặt tầng lửng bên trong nội thất nhà thờ, gồm 15 bức họa sống động, với tổng chiều dài 60 mét, thể hiện sự hòa hợp giữa các gam màu và họa tiết, kết cấu nên một bộ giáo lý bằng tranh sinh động. Qua đó chúng ta có dịp khắc ghi những biến cố quan trọng trong toàn bộ tiến trình Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, xuyên suốt từ Cựu ước đến Tân ước. Từ công trình Sáng tạo, Vườn địa đàng, Giao ước Noê, Hiến tế Isaac và Giao ước Sinai, đến Bài giảng trên núi, Bữa tiệc ly, Giao ước Thập giá, Biến cố Phục sinh và Lễ Hiện xuống. Bên cạnh đó, bộ tranh còn diễn đạt sự hình thành và phát triển của hạt giống Tin Mừng cứu độ trên quê hương Việt Nam từ buổi đầu cho đến nay, như một âm vang thể hiện sự trải rộng của ơn cứu độ, vươn tới mọi thời đại và mọi dân tộc.

Các bức tranh gốm cho thấy một sự đan quyện hài hòa các giá trị nội dung căn bản của Kitô giáo với những giá trị văn hóa dân tộc ẩn chứa trong các họa tiết tiêu biểu : áo dài khăn đống, áo tứ thân, nón lá, bụi chuối, căn nhà Việt và cả con người Việt nữa. Ý nghĩa thiêng liêng của kiến trúc thánh trong Thánh đường thấm sâu vào từng phong cách, khung cảnh và sắc màu làng quê rất Việt.

hddmvn.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *