Sự vĩ đại của Thiên Chúa: bánh được bẻ ra và trao ban
Đức Thánh Cha nói: “Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta Bữa Tiệc Ly. Lời nói và cử chỉ của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’ (c. 22). Như thế, với sự đơn giản, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta một bí tích vĩ đại nhất. Cử chỉ của Chúa là một cử chỉ khiêm tốn của hồng ân, của sự chia sẻ. Vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời, Chúa không phân phát bánh cách dồi dào cho đám đông hết đói, nhưng tự bẻ mình ra trong bữa tối Vượt Qua với các môn đệ. Bằng cách này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy mục đích của cuộc sống là ở việc hiến dâng chính mình, điều lớn lao nhất là phục vụ. Và hôm nay chúng ta thấy được sự vĩ đại của Thiên Chúa trong một tấm Bánh, trong sự yếu đuối nhưng tràn đầy tình yêu và chia sẻ”.
Trong Thánh Thể, yếu đuối là sức mạnh
Đức Thánh Cha nói, trong ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa ngài muốn nhấn mạnh đến sự yếu đuối. Bởi vì, Chúa Giêsu trở nên yếu đuối như bánh bị bẻ ra và vỡ vụn. Nhưng chính sức mạnh của Người ở trong hành động này. Trong Thánh Thể, yếu đuối là sức mạnh: sức mạnh của tình yêu trở nên nhỏ bé để được đón nhận và không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu được bẻ ra và chia sẻ để nuôi dưỡng và ban tặng sự sống; sức mạnh của tình yêu được phân mảnh để làm làm cho chúng ta hiệp nhất.
Sức mạnh của Thánh Thể: yêu thương người lầm lỗi
Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm một điểm nổi bật của sức mạnh nơi Thánh Thể, đó là sức mạnh yêu thương những ai lầm lỗi. Điều này được thể hiện trong đêm Chúa bị phản bội. Thực vậy, trong đêm đó, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta Bánh sự sống. Người ban tặng cho chúng ta món quà lớn nhất trong khi phải trải qua vực thẳm nơi tâm hồn: Người môn đệ chấm chung một chén phản bội. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Trước sự phản bội này, phản ứng của Chúa như thế nào?” Ngài trả lời: Chúa đã đáp trả cái ác bằng điều tốt hơn. Cái “không” của Giuđa, Chúa đáp trả bằng “có” của lòng thương xót. Người không phạt kẻ có tội, nhưng hiến mạng sống cho người đó. Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta: Chúa biết chúng ta là tội nhân và chúng ta phạm rất nhiều lỗi lầm, nhưng Chúa không từ bỏ kết hiệp cuộc sống của Người với cuộc sống chúng ta. Chúa biết chúng ta cần Người, vì Thánh Thể không phải là phần thưởng của các thánh, nhưng là Bánh của tội nhân. Đây là lý do tại sao Chúa khuyến khích chúng tôi: “Anh em hãy cầm lấy và ăn”.
Thánh Thể làm cho yếu đuối có một ý nghĩa mới
Tới đây, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người ý thức rằng, mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bánh sự sống, Chúa Giêsu đến để làm cho sự yếu đuối của chúng ta có một ý nghĩa mới, nhắc nhở chúng ta rằng trong mắt Người, chúng ta quý giá hơn những gì chúng ta nghĩ, lặp lại với chúng ta rằng lòng thương xót của Người không sợ những đau khổ của chúng ta. Và trên hết, Chúa chữa lành chúng ta bằng tình yêu thương từ những yếu đuối, làm chúng ta khép kín cõi lòng. Thánh Thể là phương dược hữu hiệu chống lại những khép kín này. Thật vậy, Bánh Sự Sống chữa lành những cứng nhắc và làm cho chúng ta trở nên ngoan nguỳ. Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng bẻ ra và hiến thân cho anh chị em, cho chúng ta can đảm để thoát ra khỏi chính mình và cúi xuống với tình yêu thương trước yếu đuối của người khác. Như Chúa làm với chúng ta. Luận lý của Thánh Thể là: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và chữa lành những yếu đuối của chúng ta để chúng ta cũng yêu thương người khác và giúp đỡ họ khi họ yếu đuối.
Xin Đức Trinh Nữ, trong Mẹ, Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, giúp chúng ta biết đón nhận hồng ân Thánh Thể với lòng biết ơn và để cuộc đời chúng con trở nên một hồng ân.
………
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói ngài đau buồn về tin gây sốc liên quan đến việc phát hiện hài cốt của 215 em học sinh của trường Nội trú Kamloops Indian ở British Columbia của Canada. Ngài bày tỏ sự hiệp nhất với các Giám mục và toàn thể Giáo hội Canada, trong sự gần gũi với người dân bị tổn thương do tin đau buồn này, và mong quyền bính chính trị và tôn giáo tiếp tục cộng tác để làm sáng tỏ sự kiện buồn này và khiêm tốn dấn thân cho con đường hòa giải và chữa lành.
Trước khi chào và chúc mọi người một Chúa nhật an bình, Đức Thánh Cha nhắc mọi người vào thứ Ba 08/6 vào lúc 13 giờ, Phong trào Công giáo Tiến hành mời mọi người theo truyền thống tôn giáo, dành một phút cầu nguyện cho hòa bình. Trong dịp này, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện đặc biệt cho Myanmar
Ngọc Yến – Vatican News