Kinh Truyền Tin với ĐTC 16.04.2023: Ở lại cộng đoàn để gặp Chúa

Kính thưa quý thính giả, trưa Chúa Nhật 16/4, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh, về việc ông Tôma cứng tin và quả quyết phải xem thấy những dấu thương của Chúa thì mới tin.

Vài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, nhất là với Tôma, vị “tông đồ cứng tin” (x. Ga 20,24-29).

Thực tế, Tôma không phải là người duy nhất cứng tin. Tôma đại diện cho tất cả chúng ta ở một mức độ nào đó. Thật vậy, việc tin không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi, như trong trường hợp của Tôma, một người đã phải chịu một sự thất vọng nặng nề. Sau một thất vọng lớn thì thật khó để lấy lại được niềm tin. Ông đã theo Chúa nhiều năm, mạo hiểm và chịu đựng gian khổ, nhưng Thầy bị đóng đinh như một kẻ tội phạm và không ai giải thoát Người, chẳng ai làm gì cả! Thầy đã chết và mọi người đều sợ hãi. Làm sao để tin tưởng một lần nữa? Làm sao để tin những lời nói rằng Thầy vẫn sống? Sự nghi ngờ xuất hiện bên trong Tôma.

Tuy nhiên, Tôma cho thấy rằng ông có can đảm: trong khi những người khác đang đóng cửa trong phòng tiệc ly vì sợ thì ông đã đi ra ngoài, với nguy cơ là ai đó có thể nhận ra ông, đi trình báo và bắt giữ ông. Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng, với lòng can đảm, ông xứng đáng được gặp Chúa phục sinh hơn những người khác. Ngược lại, chính vì ông đã bỏ đi, nên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần đầu tiên vào chiều Phục Sinh, ông đã không có mặt ở đó và bỏ lỡ cơ hội. Tôma đã rời khỏi cộng đoàn. Làm thế nào để có lại được cơ hội đó? Chỉ bằng cách quay trở lại với những người khác, trở lại nơi đó, trong gia đình đó nơi ông đã bỏ đi trong sợ hãi và buồn bã. Khi Tôma trở lại, họ nói với ông rằng Chúa Giêsu đã đến, nhưng điều đó thật khó tin; ông muốn nhìn thấy các dấu thương tích của Người. Và Chúa Giêsu đã làm thoả lòng ông: tám ngày sau, Người lại hiện ra giữa các môn đệ và cho họ nhìn thấy những vết thương, trên tay, trên chân và cạnh sườn Người, những bằng chứng tình yêu của Người, vốn là những kênh thương xót luôn rộng mở của Người.

Hãy suy nghĩ về những sự việc này. Để tin, Tôma muốn có một dấu chỉ lạ thường: chạm vào vết thương. Chúa Giêsu đã cho họ thấy những những vết thương đó, nhưng theo một cách bình thường, đến trước mặt mọi người trong cộng đoàn, chứ không ở ngoài. Điều đó như muốn nói với ông rằng: muốn gặp Thầy thì đừng tìm ở đâu xa, hãy ở trong cộng đoàn, với những người khác; đừng bỏ đi, hãy cầu nguyện với họ, bẻ bánh với họ. Đó là nơi con có thể tìm thấy Thầy, đó là nơi Thầy sẽ cho con thấy những dấu thương tích trên thân thể Thầy. Đó là dấu hiệu của Tình yêu chiến thắng hận thù, của Sự tha thứ giải trừ hận thù, của Sự sống chiến thắng cái chết. Chính ở đó, trong cộng đoàn, con sẽ khám phá ra khuôn mặt của Thầy, trong khi cùng chia sẻ những khoảnh khắc nghi ngờ và sợ hãi với anh chị em, thậm chí khi đó còn siết chặt vòng tay nhau hơn. Không có cộng đoàn thì khó gặp thấy Chúa Giêsu hơn.

Anh chị em thân mến, lời mời dành cho Tôma cũng vẫn còn giá trị cho chúng ta. Chúng ta tìm Đấng Phục Sinh ở đâu? Phải chăng trong một sự kiện đặc biệt nào đó, trong một sự kiện tôn giáo ngoạn mục hoặc nổi bật nào đó, chỉ trong những cảm xúc và cảm giác của chúng ta? Hay trong cộng đoàn, trong Giáo hội, chấp nhận thách đố ở lại đó, cho dù nó chưa hoàn hảo? Đối với tất cả những giới hạn và sa ngã, thì đó là những giới hạn và sa ngã của chúng ta, Giáo hội Mẹ của chúng ta là Thân thể Chúa Kitô; và chính nơi đó, trong Nhiệm thể Chúa Kitô, những dấu chỉ vĩ đại nhất về tình yêu của Người vẫn còn mãi mãi. Tuy nhiên, chúng ta hãy tự vấn xem nhân danh tình yêu này, nhân danh những vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận những người mang những vết thương của cuộc đời, không loại trừ ai khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất cả mọi người; mỗi người như anh chị em. Thiên Chúa chào đón tất cả.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, giúp chúng ta yêu mến Giáo hội và biến Giáo hội trở thành ngôi nhà chào đón tất cả mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chúc mừng và bày tỏ sự gần gũi với các tín hữu của Giáo hội Phương Đông hôm nay cử hành Lễ Phục Sinh. Ngài xin Chúa Phục sinh ở cùng các tín hữu và đổ đầy Chúa Thánh Thần trên họ!

Sau đó, Đức Thánh Cha có một suy tư ngắn: “thật không may, hoàn toàn trái ngược với thông điệp Phục sinh, chiến tranh vẫn tiếp diễn và tiếp tục gieo rắc cái chết bằng những cách ghê rợn. Chúng ta đau buồn vì những hành động tàn bạo này và cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc chiến, xin Chúa làm cho thế giới không còn phải trải qua nỗi kinh hoàng trước cái chết bạo lực dưới bàn tay của con người, mà là sự kinh ngạc về sự sống mà Người ban tặng và sự sống được đổi mới bằng ân sủng của Người!”

Với những xung đột gần đây tại Sudan, Đức Thánh Cha bày tỏ gần gũi với người dân Sudan. Ngài cũng mời gọi họ cầu nguyện để hạ vũ khí và đối thoại sẽ thắng thế, để cùng nhau nối lại con đường hòa bình và hòa hợp.

Đức Thánh Cha cũng nhớ đến những anh chị em đang cử hành lễ Phục sinh tại Nga và Ucraina. Xin Chúa ở gần gũi họ và giúp họ tạo nên hoà bình!

Đặc biệt, với Chúa Nhật Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha chào các nhóm cầu nguyện nuôi dưỡng linh đạo Lòng Thương Xót Chúa, đã quy tụ hôm nay tại Đền thánh Chúa Thánh Thần ở Sassia, nhà thờ được thánh Gioan Phaolô II dâng hiến cho việc kính Lòng Thương Xót.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các nhóm tín hữu và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *