Thế là đã gần một tuần lễ trôi qua kể từ khi tôi bước chân lên đường trở thành một tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân trong đại dịch Covid đang diễn ra hết sức nghiêm trọng nơi bệnh viện dã chiến. Với tôi, ngày đầu thời gian dài lê thê. Tôi thật sự sốc nặng khi được chứng kiến cận cảnh những con người đang phải một mình quằn quại đấu tranh cho sự sống bên cạnh chiếc máy thở, không một người thân, không gì hết… một sự rùng mình và thoáng trong suy nghĩ của tôi: sự sống thật mỏng manh và chính mình cũng đang phải đối diện với cái chết, sự mạo hiểm rằng mình cũng có thể bị lây nhiễm thì sẽ như thế nào đây?
Đã có lúc tôi tự hỏi “Phải chăng đầu tôi đang có vấn đề, khi tôi lựa chọn một công việc mà ở thời điểm hiện tại cực kỳ nguy hiểm, bỡi lẽ trong khi hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi những khu vực dịch bệnh nguy hiểm, thì tôi lại tìm đến những nơi nguy hiểm nhất…”
Một ngày, hai ngày… và rồi tôi nhận ra rằng: tình yêu của Chúa là sức mạnh, là nghị lực cho tôi lăn xả phục vụ. Lúc này tôi không còn sợ hãi và không còn một chút e ngại nào. Thay vào đó tôi đã học và hiểu được một thứ ngôn ngữ hơn cả thứ ngôn ngữ bằng lời, đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu: giọt nước mắt của bệnh nhân.
Tưởng chừng trong bệnh viện, ai cũng giống ai: một bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, là tu sĩ hay là ai đi chăng nữa thiết tưởng, chẳng có ai nhận ra. Thế nhưng, thứ ngôn ngữ không lời trong tình yêu của người phục vụ vẫn đủ để người ta nhận ra người của Chúa. Vẫn chỉ là những cử chỉ lau lọt, nâng lên hạ xuống, những thìa cháo mang chút hơi ấm,… hết sức bình thường mà giờ đây nó trở thành một thứ ngôn ngữ không lời và truyền tải tình yêu đến người khác. Và đã là thứ ngôn ngữ của tình yêu thì chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu: giọt nước mắt. Đã có một cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng cũng đủ để cả hai hiểu rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống:
– Cô là người có tâm, nếu còn sống tôi nhất định sẽ đáp ơn Cô!
– Không Bác ơi! Công xá chi. Con tình nguyện phục vụ mà, con là người đi tu đạo Chúa…
Và rồi những giọt nước mắt…. trong sự nghẹn ngào:
– Cô… nói… Chúa… cho tôi.
Tôi như bị khựng lại một lúc vì tự nhiên lúc đó bao nhiêu thứ thần học đã được học, những hiểu biết về Chúa đi đâu hết mà chỉ còn lại sự im lặng và sự im lặng. Im lặng trong sự hạnh phúc trào dâng khi một người họ muốn biết về Chúa. Bất giác tôi trả lời:
– Bác ơi! Bác cứ nghỉ ngơi đi ạ. Chúa của con nói Chúa yêu bác nhiều lắm nên mới gửi con đến chăm bác…
Một cuộc đối thoại ngắn nhưng nó đã trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục phục vụ. Tôi biết rằng tình yêu của Chúa vẫn đong đầy cuộc sống của tôi. Chúa không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thực tại mà có những lúc ta đã lãng quên.
Nếu chúng ta còn có cơ may được sống cùng với những người thân bên cạnh dù đau yếu hay khỏe mạnh, chúng ta hãy tận dụng để trao tặng nhau thứ ngôn ngữ của tình yêu: một nụ cười, một ánh mắt quan tâm, một lời khích lệ… Tôi thiết tưởng những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của họ vì sự hạnh phúc mà họ đã nhận được là biểu hiện của tình yêu và lòng biết ơn.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con một cuộc đời để sống, để yêu ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, mỗi chúng con đều cảm nghiệm được hạnh phúc, dù thiếu thốn vật chất, nguy hiểm cho tính mạng hay mất phương hướng cho tương lai…, chúng con vẫn còn có khả năng để yêu thương và đón nhận sự quan tâm của người khác.