Lá thư tháng 07 / 2020 : Đối Diện Với Cơn Sợ Hãi

Lá Thư Đặc Trách Tháng 07 / 2020

Đối Diện Với Cơn Sợ Hãi

Sợ là một tình cảm tự nhiên của con người. Con người không phải là Thượng Đế, vì con người không có toàn quyền trên cuộc đời mình. Có cả ngàn thứ có khả năng đe doạ con người, đe doạ của thiên nhiên, đe doạ của xã hội, đe doạ của chính sự bất ổn trong bản thân mình… và cũng có cả những mối đe doạ khủng khiếp từ thần thánh hay một hình ảnh Thượng Đế nào đó…

Nỗi sợ đi theo con người mọi nơi mọi lúc, bám chặt vào thân phận người và biến thành “bản năng phòng vệ” ẩn sâu trong tâm hồn, biến thành thái độ bạo lực hoặc nhát đảm, tự tôn hoặc tự ti, giả hình, đối phó, đoàn lũ hoặc trang trọng một cách giả tạo…

Triết học cho chúng ta biết nỗi sợ chủ yếu của con người chính là sự bất an, xao xuyến hoặc rúng động từ trong chính bản thân mình. Đó là nỗi sợ từ bên trong tinh thần và là nỗi sợ gắn liền với bản chất giới hạn của phận người. Cái gốc rễ xao xuyến ấy nẩy sinh “hoa trái” là các nỗi sợ cụ thể về bệnh tật thân xác hoặc sự đe doạ từ thế giới bên ngoài. Nỗi xao xuyến và sợ hãi ấy tỏ rõ thân phận yếu đuối của con người, dù là người có quyền lực hay tài năng đến đâu, dù là người có tiền bạc hay sự hoàn cảnh may mắn thế nào…; và nếu đức Giêsu mang lại ơn cứu độ cho con người thì ơn cứu độ ấy cũng phải giải quyết vấn đề sợ hãi trong thân phận người.

Ơn cứu độ của Đức Giêsu không phải chỉ là một sự cứu vớt thêm thắt bên ngoài, nhưng trước tiên và một cách căn bản, chính là một sự đón nhận toàn vẹn “bản thân và cuộc đời” của người tín hữu.

Tình yêu Kitô giáo bao gồm một “công thức toàn vẹn” : đón nhận trọn vẹn bản thân và đồng hành trong suốt cuộc đời. Chỉ có thứ tình yêu đón nhận trọn vẹn bản thân mới có thể giúp con người đối diện được với nỗi xao xuyến sâu xa; và chỉ có thứ tình yêu dám liên luỵ đồng hành trọn cả cuộc đời mới có thể giúp con người đương đầu với bao nỗi sợ hãi bủa vây. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người không phải chỉ là một thứ tình cảm nồng nàn nhưng bấp bênh và trôi nổi; nhưng chính yếu là công bố cho con người biết có một Đấng đón nhận trọn vẹn bản thân và đồng hành trên suốt cả cuộc đời. Đó chính là hai chiều kích căn bản của đời sống đức Tin Kitô giáo : Tin-yêu là đón nhận trọn vẹn bản thân; và Tin-cậy là đồng hành trọn cả cuộc đời. Trong tình yêu ấy, con người có thể “trao thân – gửi phận” cho Đấng đã yêu thương mình bằng cách cho Con của Ngài chịu chết vì mình. Chính bí tích Rửa tội là bản giao ước “con thuộc về Chúa – Chúa thuộc về con” để người tín hữu có thể vững bước trên hành trình làm người.

Trước khi đi vào biến cố “chết và Phục Sinh” để công bố ơn cứu độ cho con người, Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27)

Thánh Gioan, trong bức thư thứ nhất của ngài, đã khẳng định : “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18).

Các bạn trẻ Đa Minh thân mến,

Có thể chúng ta nghe những lời ấy như một thứ gì khá xa lạ và cao vời ! Đời sống của bao người Kitô hữu, của mỗi người chúng ta, trong thực tế, đều vẫn còn đầy rẫy những nỗi sợ. Có phải chúng ta đã chưa có được thứ “tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” ? có phải chúng ta vẫn chưa có được sự bình an mà đức Giêsu ban tặng, nên lòng chúng ta vẫn còn đầy xao xuyến và sợ hãi ?

Có phải không, có một thái độ sống đức Tin lệch lạc thế nào đó khiến chúng ta chẳng những quá sợ hãi vì bị bao nhiêu thứ đe doạ của kiếp người, lại bị quàng thêm nỗi sợ kinh hoàng về một vị Thiên Chúa quyền uy nào đó ? Có phải không đời sống Kitô hữu, trong thực tế, rơi vào tình huống “một cổ hai tròng” và chịu một áp lực của nỗi sợ chồng chất thêm nỗi sợ ?

Hình như con người ngày hôm nay thường quên một yếu tố “tinh thần” trong cuộc sống. Trong việc học chẳng hạn, ngoài việc đến trường, nghe giảng, thi cử… còn có một thứ “tinh thần hiếu học” chi phối tất cả; trong những cuộc đấu thể thao, ngoài những kỹ thuật và chiến thuật, còn có yếu tố “tinh thần thể thao” chân chính để cho cuộc đấu thực sự là một cuộc chơi chứ không phải cuộc chiến… Yếu tố tinh thần ấy gần tương đương với điều Kinh Thánh gọi là “thần trí” hay “thần khí”. Như thế, trong đời sống đức Tin Kitô giáo, thánh Phaolô cho thấy có một thứ “thần khí của hàng nghĩa tử” khác xa với thứ “thần khí của hàng nô lệ”. Đó là điều các bạn trẻ Đa Minh cần phải nhìn lại phẩm tính sự sống đức Tin của mình :

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…”. (Rm 8, 14-16)

Chính việc duyệt xét lại nỗi sợ trong lòng giúp người Kitô hữu biện phân được phẩm tính đời sống đức Tin của mình. Nếu không có Thần Khí Nghĩa Tử mà Đức Giêsu thông chia cho chúng ta, đời sống đức Tin sẽ làm gia tăng nỗi sợ, người tín hữu sẽ bị đè bẹp trong nỗi sợ.

Đức Giêsu đã giành lại cho Chúa quyền làm cho con người phải sợ, nhưng Ngài giành lại là để tiêu huỷ chứ không phải để làm gia trọng thêm nỗi sợ cho con người. Ta đọc kỹ lại bản văn Matthêu 10, 28-31 để thấy Thiên Chúa coi trọng chứ không phải đe doạ con người :

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Như thế, trong Thần Khí Nghĩa Tử, nỗi sợ nguy hại của kiếp người được nâng cấp để trở thành “Ơn Kính Sợ”, nghĩa là một sự “trân trọng” và không muốn đánh mất tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Ban Đặc Trách

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *