Lá Thư Tháng 10 / 2019 : Cầu nguyện với thánh Đa Minh

Lá Thư Đặc Trách Tháng 10 / 2019

Cầu nguyện với thánh Đa Minh

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Trong lá thư này, chúng ta chiêm ngắm mẫu gương và các hình thức cầu cầu nguyện của Cha Thánh, tổng kết nội dung Các giờ kinh phụng vụ, và tâm tình mộ mến Kinh Mân Côi kính Đức Maria trong tháng 10.

Mẫu gương cầu nguyện của Cha Thánh

Chúng ta quen thuộc với châm ngôn về thánh Đa Minh luôn “nói với Chúa và nói về Chúa”. Những ai từng sống hoặc tiếp xúc với thánh nhân đều khẳng định Cha cầu nguyện không ngừng. Cha dành phần lớn thời giờ để cầu nguyện, cầu nguyện tự nhiên như hít thở hằng ngày và dễ dàng hơn khi nhiều người đi vào giấc ngủ.

Chân phước Giócđanô, người từng chứng kiến và nghe cha Đa Minh cầu nguyện kể lại : “Cha thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài lớn tiếng kêu nài : “Chúa ơi ! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao ?”

“Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa”.

Sự phong phú của giờ kinh phụng vụ

Đọc giờ kinh phụng vụ, ngoài việc cầu nguyện bằng thánh vịnh hay thánh thi Cựu và Tân Ước, chúng ta còn được đón nhận một kho tàng phong phú đa dạng các ý nguyện.

Đó là các đoạn Lời Chúa được tuyển chọn. Cầu nguyện là cuộc đối thoại với Chúa, thì điều quan trọng là phải biết lắng nghe. Đó là phần Lời Cầu, cho mọi thành phần nhân loại, từ các vị mục tử đến tu sĩ, các gia đình, các nhà lãnh đạo, già trẻ lớn bé, di dân, bệnh nhân, người nghèo, những người đã ra đi trước, và lời tổng nguyện theo phụng vụ mỗi ngày.

Và đó là các bài thánh thi do các thánh hoặc các vị hữu trách biên soạn, phù hợp với thời gian và bối cảnh phụng vụ, vốn là những vần thơ được dịch rất khéo, với âm điệu phong phú, đi sâu vào lòng người. Xin trích đọc một vài đoạn :

“Dân Thánh hỡi ! Hãy chỉnh tề khăn áo.
Đã vượt qua Hồng hải thật diệu huyền.
Hãy tiến vào dự yến tiệc Con Chiên.
Dâng lên Đức Kitô lời ca ngợi.”

Hoặc :  “Xin rạng soi cõi lòng người u tối,
Xin tẩy trừ tâm trí sạch đam mê,
Ách lỗi lầm Ngài gỡ cho thoát khỏi,
Trút nhẹ vai mang gánh tội nặng nề.”

Hoặc : “Cho con được tràn đầy thanh thản,
Đổi mới con xán lạn chói loà,
Chẳng chi xảo trá điêu ngoa,
Sạch từ vạn ý sạch ra muôn lời.”

Đến đời sống chiêm niệm Đa Minh

Thế nhưng, việc cầu nguyện của con cái cha Đa Minh còn phải tiến thêm một bước nữa là chiêm niệm, thứ chiêm niệm sinh hoa trái trong hoạt động tông đồ, được diễn tả cụ thể trong luật quản trị Dòng từ ban đầu. Thánh Đa Minh đã là một người chiêm niệm trước khi trở thành nhà tông đồ.

Theo thánh Tôma, chiêm niệm là “lắng nghe, đọc sách, suy gẫm và cầu nguyện”, khi lắng nghe các bài giảng, khi đọc sách thiêng liêng, khi tâm nguyện hay khẩu nguyện. Như vậy cầu nguyện không chỉ là xin ơn mà là xin cho ý Cha được thể hiện; lời kinh thắp sáng cuộc đời; lời kinh ý lực, lời xin sức mạnh để chu toàn thánh ý Chúa.

Có một nguồn suối khác cho đời chiêm niệm Đa Minh, đó là lời kinh trong học hành và suy gẫm, đó là con đường từ tri đến mộ, từ hiểu biết đến mến yêu và kết hợp với Chúa : học về con người, học thánh khoa, học để nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử.

Cuối cùng chiêm niệm chủ yếu là hành vi của ý chí. Khi tâm hồn yêu mến và ước ao được kết hợp với Chúa. Khởi đầu từ lòng yêu mến Chúa, dẫn chúng ta đến chiêm ngắm Ngài; nhờ đó ta sẽ được sung mãn trong Ngài, yêu mến Ngài sâu xa hơn ; giúp ta có thể dâng lên Chúa lời kinh tạ ơn trong mọi lúc (Pl. 4,6), và duy trì trong ta niềm bình an bền vững, hoặc lời kinh thầm lặng, như Đức Maria ghi nhớ và suy niệm trong lòng …

Cầu nguyện bằng cả con người

Có nhiều tài liệu từ thế kỷ XIII, giới thiệu về 9 cách cầu nguyện của thánh Đa Minh, cho thấy Cha cầu nguyện với toàn thể con người. Ngài không chỉ cầu nguyện với cái đầu hay trái tim, mà với cả đôi tay và các cử điệu toàn thân.

Trước tiên là thái độ phủ phục trong đức tin. Thánh Đa Minh khiêm tốn sấp mình như đang đối diện với chính Thiên Chúa đang hiện diện. Chính vì thế truyền thống Dòng Đa Minh luôn cúi sâu cách trang trọng khi đọc lời vinh tụng Ba Ngôi Thiên Chúa sau mỗi thánh vịnh.

Để diễn tả thái độ khiêm nhường, với ý thức về sự bất xứng, nhiều khi thánh Đa Minh cầu nguyện mặt úp xuống đất.

Vì cầu nguyện là noi gương Chúa Kitô với lời nguyện hoàn hảo trên thập giá, cha Đa Minh chiêm ngắm thập giá, nép mình vào thập giá, bái gối và đọc sách suy gẫm dưới chân thánh giá, như tranh vẽ của chân phước Angelico. Hoặc Cha cầu nguyện với đôi tay dang ra theo hình thánh giá, như sẵn sàng vác lấy thập giá để xứng đáng là môn đệ của Chúa.

Có khi Cha đứng cầu nguyện với đôi tay mở ra như dấu chỉ dâng hiến, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng và kín múc từ cạnh sườn Đức Giêsu dòng nước sự sống. Và hơn thế, Cha luôn cầu nguyện kể cả khi đi đường : Cha tiến lên trước hay lùi lại đàng sau anh em, để suy gẫm và cầu nguyện.

Cầu nguyện với kinh Mân Côi

Là thành viên gia đình Đa Minh, là phải siêng năng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, như gia sản của Dòng.

Thánh Piô V nói : “Nhờ kinh Mân Côi phát triển, các tín hữu chăm chỉ suy gẫm, sốt sắng cầu nguyện, đã trở thành người mới, sự tối tăm lạc thuyết tan biến nhường chỗ cho ánh sáng của đức tin bừng lên”.

Thánh Piô X nhắn nhủ : “Nếu muốn hòa thuận trong gia đình, muốn cho quê hương được thái bình, thịnh vượng, hãy lần hạt hàng ngày trong gia đình. Kinh Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng và ban bình an cho người đọc; Kinh Mân Côi tốt lành đem lại tràn đầy ơn phúc hơn tất cả các kinh, lại đẹp lòng Đức Mẹ hơn cả”.

Và thánh Gioan Phaolô II : “Gia đình cùng đọc Kinh Mân Côi được hưởng bầu khí gia đình Nadarét : các thành viên đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ tâm tình sứ vụ của Ngài, họ đặt các nhu cầu và dự tính trong tay Ngài, họ kín múc từ Ngài niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước”.

Xin Đức Mẹ Mân Côi chuyển cầu cho chúng ta.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *