Lời kêu gọi cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình của Đức Hồng Y Thượng Phụ Giêrusalem

1. Hàng ngàn người tại Đền thờ Fatima cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine

Người dân từ 35 quốc gia khác nhau tập trung tại đền thánh Đức Mẹ vào ngày 12 tháng 10. Một đám đông hơn 180.000 người hành hương đã tập trung tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha để cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine cũng như “cho tất cả những nơi đang thiếu hòa bình”.

Trang web của ngôi đền đưa tin rằng vào ngày 12 tháng 10, trước ngày kỷ niệm “Phép lạ Mặt trời nhảy múa”, diễn ra vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, buổi lễ rước nến được chủ sự bởi Đức Hồng Y Américo Aguiar, vị giám mục được bổ nhiệm cho Giáo phận Setúbal và chủ tịch ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, được tổ chức vào tháng 8 tại Lisbon.

Trong suy tư của mình trước các tín hữu đến từ 35 quốc gia khác nhau, Đức Hồng Y đã khuyến khích họ cầu nguyện với “Mẹ Thiên Đường” để xin “ân sủng hòa bình” cho Ukraine, cho “mảnh đất của Chúa Giêsu và cho tất cả những nơi thiếu hòa bình”.

“Khi chúng ta nói về, chúng ta nói về hòa bình, và thật không may, đây là một món quà đang thiếu: Nó đang thiếu ở Ukraine thân yêu của chúng ta và ở mảnh đất Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta. Vì vậy, chúng ta muốn cầu xin Mẹ ban hòa bình cho những nơi này và thế giới.”

Sau đó Đức Hồng Y hỏi: “Tại sao lại có chiến tranh trên thế giới? Tôi không biết làm thế nào để giải thích nó. … Nhưng tôi biết rằng điều đó có nghĩa là mất đi trẻ em, người trẻ, phụ nữ, người nghèo, những người nghèo nhất…”

“Thảm kịch của cuộc chiến ở Ukraine và bây giờ là thảm kịch của cuộc chiến ở Thánh địa, ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, ở Dải Gaza, có những tình huống khiến chúng ta lo ngại và chúng ta không thể thờ ơ với chúng. Đây là những tình huống đánh dấu cuộc hành hương của chúng ta”, Đức Hồng Y Aguiar nói.

Các cuộc hiện ra ở Fatima diễn ra trong bối cảnh Thế chiến thứ nhất, nhưng Đức Mẹ cảnh báo rằng “nếu người ta không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một điều tồi tệ hơn sẽ nổ ra”, điều này đã được ứng nghiệm trong Thế chiến thứ hai. Đức Mẹ cũng yêu cầu “thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ” và cảnh báo rằng nước Nga sẽ “truyền bá sai lầm của mình ra khắp thế giới” nếu lời kêu gọi sám hối của Mẹ không được thực hiện. Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 25 tháng 3, một hành động mà những người tiền nhiệm của ngài đã thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.

Giám đốc Đền thờ Fatima, Cha Carlos Cabecinhas, cũng lưu ý rằng “ý cầu nguyện lớn lao của Giáo hội” là “Thượng Hội Đồng Giám mục”, đang diễn ra tại Vatican.

Một trăm lẻ sáu năm trước, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trong khi hàng ngàn người hành hương đang ở Fatima, “Phép lạ Mặt trời quay” đã xảy ra, nơi người ta có thể nhìn thấy mặt trời đang chuyển động, thực hiện một kiểu “khiêu vũ”.

Sự kiện này kéo dài khoảng ba phút và xảy ra sau lần hiện ra cuối cùng của Đức Trinh Nữ Maria với các em chăn chiên Jacinta, Francisco và Lucía.

Một nhà báo của tờ báo Bồ Đào Nha O Século, Avelino de Almeida, ước tính rằng vào thời điểm xảy ra phép lạ, có khoảng 40.000 người có mặt, nhưng giáo sư khoa học tự nhiên tại Đại học Coimbra, Bồ Đào Nha, Joseph Garrett, tính toán rằng có khoảng 100.000 người tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ diệu.

2. Lời kêu gọi cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình của Đức Hồng Y Thượng Phụ Giêrusalem

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh đã đưa ra lời kêu gọi toàn văn như sau:

Anh chị em thân mến,

Nguyện Chúa ban bình an của Ngài cho chúng ta!

Nỗi đau và sự thất vọng trước những gì đang xảy ra là rất lớn. Một lần nữa chúng ta lại thấy mình đang ở giữa một cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự. Chúng ta đột nhiên bị ném vào một biển bạo lực chưa từng có. Sự hận thù, đáng tiếc là chúng ta đã trải qua quá lâu, sẽ còn gia tăng hơn nữa, và vòng xoáy bạo lực tiếp theo sẽ tạo ra nhiều sự hủy diệt hơn. Mọi thứ dường như đều nói về cái chết.

Tuy nhiên, trong thời điểm đau buồn và mất tinh thần này, chúng ta không muốn tiếp tục bất lực. Chúng ta không thể để cái chết và vết chích của nó (1 Cô-rinh-tô 15:55) là lời duy nhất chúng ta nghe được.

Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cần phải cầu nguyện, phải hướng lòng mình về Thiên Chúa. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể có được sức mạnh và sự thanh thản cần thiết để chịu đựng những thời điểm khó khăn này, bằng cách hướng về Ngài, cầu nguyện và chuyển cầu, để cầu xin và kêu cầu Thiên Chúa giữa nỗi thống khổ này.

Thay mặt tất cả các vị Bản quyền của Thánh địa, tôi mời gọi tất cả các giáo xứ và cộng đồng tôn giáo hãy ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.

Chúng tôi yêu cầu vào Thứ Ba, ngày 17 tháng 10, mọi người hãy giữ một ngày ăn chay, kiêng thịt và cầu nguyện. Chúng ta hãy tổ chức những giờ cầu nguyện với việc chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria. Mặc dù có lẽ hầu hết ở nhiều nơi trong hoàn cảnh giáo phận của chúng ta không cho phép tụ tập đông người, nhưng vẫn có thể tổ chức những buổi cầu nguyện chung đơn giản và nghiêm túc trong các giáo xứ, cộng đồng tu trì và gia đình.

Đây là cách tất cả chúng ta đến với nhau bất chấp mọi thứ, và đoàn kết với nhau trong lời cầu nguyện, để dâng lên Thiên Chúa Cha niềm khát khao hòa bình, công lý và hòa giải của chúng ta.

Xin gởi đến anh chị em lời cầu nguyện chân thành cho tất cả mọi người.

+ Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa

Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh

3. Thượng phụ Pizzaballa lo ngại chiến tranh kéo dài ở Gaza, kêu gọi ngừng bắn

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, nói chuyện với Truyền thông Vatican để bày tỏ nỗi đau buồn và thống khổ của ngài trước sự bùng nổ chiến tranh ở Gaza giữa Israel và Hamas.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, rất buồn, nhưng không hoàn toàn ngạc nhiên, trước sự kinh hoàng đang diễn ra ở Israel và Gaza, bởi vì chính ngài từ lâu đã dự đoán căng thẳng sẽ leo thang, mặc dù không đến mức này.

Đức Tân Hồng Y đã trở lại Giêrusalem vào ngày 10 tháng 10, lo ngại rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi vấn đề Palestine được giải quyết.

Từ Giêrusalem, ngài đã trả lời một cuộc phỏng vấn. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã quay trở lại được Giêrusalem. Ngài đã thấy gì? Ấn tượng của ngài là gì?

Tôi chỉ quay trở lại được vào đêm qua với sự giúp đỡ của chính quyền dân sự và quân sự, cả Israel và Jordan, vì tôi đã đi qua ngã Jordan. Tôi thấy một đất nước đang sợ hãi, kinh ngạc trước những gì đang xảy ra.

Tôi chắc chắn đã mong đợi sự gia tăng bạo lực, nhưng chắc chắn không phải dưới những hình thức này, đến mức độ này và với sự tàn bạo như thế này. Tôi cũng thấy rất tức giận và rất mong đợi nhận được một lời hướng dẫn, an ủi cũng như sự rõ ràng về những gì đang xảy ra. Tóm lại, tôi thấy một đất nước đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh chóng.

Hỏi: Ngài có tin tức cụ thể nào về tình trạng của cộng đồng Kitô hữu ở Gaza không?

Vâng, mọi người đều ổn. Một số gia đình đã bị phá hủy nhà cửa nhưng vẫn an toàn. Tất cả họ đều tập trung tại khuôn viên của giáo xứ và trường học của chúng tôi, với suy nghĩ rằng những nơi này không phải là mục tiêu.

Tất nhiên, họ đang phải chịu áp lực rất lớn. Họ có đủ lương thực trong một thời gian, nhưng nếu tình trạng bao vây tiếp tục thì sẽ là một vấn đề. Hiện tại, chúng tôi rất vui khi biết rằng tất cả họ đều ổn và đang tập trung tại khuôn viên giáo xứ.

Hỏi: Nhiều bình luận đã chỉ ra tính không thể đoán trước của các sự kiện trong những giờ này, nhưng trong nhiều tháng, ngài đã chỉ ra sự leo thang bạo lực dần dần có thể biến thành một điều gì đó thậm chí còn nghiêm trọng hơn, như đang xảy ra hiện nay.

Thật không may, tôi lại là một nhà tiên tri dễ dãi. Sự leo thang của cuộc xung đột là điều tất cả mọi người đều thấy. Nhưng sự bùng nổ bạo lực, quy mô và tàn bạo như vậy không ai có thể lường trước được.

Tuy nhiên, điều này đặt lên bàn một vấn đề đã bị gác lại: vấn đề Palestine, mà có lẽ một số người cho rằng đã được khóa lại.

Chừng nào vấn đề Palestine, quyền tự do, phẩm giá và tương lai của người Palestine không được tính đến theo những cách cần thiết như hiện nay thì triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ ngày càng khó khăn.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, con nhận thấy rằng với tình hình giao tranh đang diễn ra thì rất khó để đưa ra dự đoán, nhưng ngài có thể thấy những kịch bản có thể xảy ra trong vài giờ tới, trong vài ngày tới không?

Chắc chắn rất khó để đưa ra dự đoán vào thời điểm này. Rõ ràng là chúng ta không đang tham gia một chiến dịch quân sự mà đang tuyên chiến. Và tôi lo sợ đây sẽ là một cuộc chiến rất dài.

Có lẽ phản ứng của Israel sẽ không chỉ giới hạn ở việc ném bom mà sẽ có một hoạt động trên bộ. Rõ ràng là chúng ta đã bất ngờ bước vào một giai đoạn mới trong cuộc sống của đất nước này cũng như trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Nếu người ta có thể nói về mối quan hệ.

Hỏi: Ngài muốn nói gì với cộng đồng quốc tế?

Cộng đồng quốc tế phải bắt đầu nhìn lại Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine với sự chú ý nhiều hơn những gì nó đã thể hiện cho đến nay. Và phải nỗ lực hết sức để xoa dịu tình hình, đưa các bên đến sự hợp lý thông qua các cuộc hòa giải không nhất thiết phải công khai, bởi vì những cuộc hòa giải công khai sẽ không bao giờ có tác dụng.

Chúng ta cần sự hỗ trợ, lên án mọi hình thức bạo lực, cô lập những kẻ bạo lực và nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được lệnh ngừng bắn. Bởi vì chừng nào vũ khí còn lên tiếng thì sẽ không thể nghe thấy những giọng nói khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *