Lòng thương xót Chúa (3): Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính tên của Ngài

Câu chuyện sáng tạo đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sau đó đã mặc khải cho Mô-sê tên của Ngài trong biến cố ở tại bụi gai trên núi Hô-rép. Nơi đây, Thiên Chúa đã tự mặc khải là Thiên Chúa của Ap-ra-ham, của I-sa-ác, và của Gia-cóp (Xh 3, 6). Thiên Chúa của các tổ phụ này luôn nhìn đến những nối thống khổ của dân Ngài, và lắng nghe tiếng kêu than của họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận nỗi khốn cùng của con người, Ngài nói, Ngài hành động và can thiệp, Ngài giải phóng và cứu độ. Công thức “JHWH,” Đấng dẫn đưa dân Ngài ra khỏi Ai-cập, trở thành một cách diễn tả niềm tin nền tảng trong Cứu Ước: “Ta là JHWH-Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2).

Bốn mẫu tự này trong tiếng Híp-ri được tranh cãi và giải thích rất nhiều rồi, nhưng với người Do Thái đạo đức thì bốn mẫu tự này rất là thánh thiêng, đến nỗi họ không được phép phát âm bốn mẫu tự đó hay từ đó. Trong bản văn tiếng Việt của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, bốn mẫu tự này được chuyển ngữ là Ta là Đấng hiện hữu. Cha Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ là Ta có sao Ta có vậy. Bản văn đại kết của tiếng Đức Einheitsuebersetzung, dịch là Ich bin der ich bin da. Trong bản TOB của tiếng Pháp là: Je suis qui je serai. Còn trong bản tiếng Anh của the New Jerusalem Bible thì: I am he who is. Theo Kasper, trong tư tưởng của người Do Thái, sein (động từ là – hiện hữu) không diễn tả một trạng thái yên tĩnh, mà diễn tả một năng động lớn. Nói khác đó, trong tư tưởng của người Do Thái, sein có nghĩa là một sự hiện hữu cụ thể có nhiều ảnh hưởng và ảnh hưởng mạnh mẽ.

Như thế, việc mạc khải của Thiên Chúa: Ta là Đấng hiện hữu, diễn tả Thiên Chúa hiện hữu trên con đường cuộc sống của con người, và Ngài ở với con người trong những lúc con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngài lắng nghe những lời kêu than của con người. Sự mạc khải tên của Thiên Chúa là một xác nhận cho giao ước giữa Thiên Chúa và con người: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa các ngươi” (Xh 6,7). Sự hiện hữu của Thiên Chúa là sự hiện hữu cho dân Ngài và với dân Ngài. Từ ngữ lòng thương xót chưa xuất hiện trong mặc khải của Thiên Chúa trên núi Hô-rép, nhưng đã được diễn tả qua tên của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và hiện hữu cho và với dân Ngài.

Tiếp nối với biến cố mạc khải ở Hô-rép là mặc khải ở núi Si-nai. Bối cảnh của câu chuyện là dân Ít-ra-en được Chúa giải thoát khỏi sự nô lệ ở Ai-cập, và Thiên Chúa trao cho dân Ngài Mười Điều Răn (Xh 20, 1-21). Nhưng ngựa quen đường cũ, dân Ít-ra-en lại bội tín và bất trung, chạy theo các thần thánh lạ lẫm, và thờ lạy con bò vàng. Thiên Chúa đã giận dữ và muốn trừng phạt dân Ít-ra-en. Mô-se đã cầu xin với Thiên Chúa, và nhắc Ngài nhớ đến lời hứa của Ngài. Ông đã cầu xin Chúa lòng thương xót và ân sủng: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài”. Một lần nữa Chúa đã mạc khải tên của Ngài: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương (hen) ai thì thương xót (rachamin) ai thì xót” (Xh 33, 19). Lòng thương xót của Thiên Chúa ở đây được diễn tả với quyền năng và sự tự do tuyệt đối của Ngài.

Thiên Chúa không quen với bất cứ cái khung đóng kín nào, chuẩn mực nào, ngay cả sự công bình theo nghĩa bình thường. Lòng thương xót của Thiên Chúa tương hợp với chính tên của Ngài. Ngài ra lệnh cho Mô-se hoàn thành bản Mười Điều Răn, Ngài không để cho dân của Ngài, dù bất trung và bội tín, rơi vào hố sâu của khổ đau mà không có lối ra. Thiên Chúa làm mới giao ước của Ngài với dân Ngài, và ban cho dân những cơ hội mới. Thiên Chúa làm điều này với tất cả sự tự do và đó là ân sủng hoàn toàn dành cho dân Ngài.
Biến cố mạc khải thứ ba về tên của Thiên Chúa cho Mô-se vào một buổi sáng khác. “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 5-6). Trong lần mạc khải này, lòng thương xót còn được diễn tả với sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín với dân Ngài, dù dân Ngài có bội tín đến mấy. Đó là bản chất đích thật của Thiên Chúa: nhân hậu giàu lòng thương xót và trung tín. Trong các sách khác của Cựu Ước đều nhắc đến Thiên Chúa với lòng xót thương và trung tín.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ